Đảng viên, đại tá Lê Thế Mẫu có đang “bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”?

0
23
   

VNTB

16.03.2022 6:21

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chế độ…

Ban Tổ chức Trung ương vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và lấy ý kiến về dự thảo hướng dẫn thực hiện.

Quy định số 58 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 8-2 vừa qua thay thế Quy định số 126 năm 2018.

Đảng đang rất dè dặt về những “nội gian”?

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo vấn đề chính trị nội bộ không chỉ cho Đảng mà còn là sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

Có tình tiết đáng chú ý là báo chí Việt Nam tường thuật về hội nghị trên có nội dung tương tự nhau như một đề cương kịch bản soạn sẵn, và tính cho đến chiều ngày 15-3-2022, cụ thể nội dung của Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, vẫn chưa thấy công khai, và ngay cả những người sở hữu tài khoản truy cập (có đăng ký) ở những dịch vụ cung cấp văn bản mới của Đảng và chính phủ, cũng chưa thấy xuất hiện về văn bản này.

Sự thận trọng đó về công khai nội dung văn bản trên được gián tiếp qua đoạn lược thuật tin tức, “đồng chí Trương Thị Mai cho biết, hiện nay riêng về vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ có những văn bản của Đảng hết sức quan trọng cần phải được tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thực hiện để tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, rõ về mặt quan điểm trước khi đi vào xử lý những vấn đề thực tiễn cụ thể như: Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18-8-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị trong tình hình hiện nay; Kết luận số 72-KL/TW ngày 19-5-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay…

Trưởng Tiểu Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương (tức bà Trương Thị Mai) dẫn lại nội dung của Chỉ thị 39 có chỉ rõ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chế độ. Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ đường lối, quan điểm, Cương lĩnh, pháp luật; bảo vệ sự đoàn kết nội bộ trong Đảng; sự trong sạch của đội ngũ cán bộ; bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực địch. Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị mà trước hết là cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải chấp hành nghiêm Quy định, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật…”.

Những nhắc nhở ở trên của bà Trương Thị Mai cho thấy dường như ngay trong chính nội bộ Đảng ở lúc này vẫn còn phe nhóm quyền lực nào đó tuy cùng là đảng viên, nhưng lại công khai làm suy yếu lẫn nhau, mà vụ việc những phát ngôn trên báo chí của đại tá Lê Thế Mẫu trong việc ngợi ca Tổng thống Nga Putin đang dạy cho Ukraine bài học.

Cần làm rõ về tư cách phát ngôn của đảng viên Lê Thế Mẫu

Hãng tin BBC phiên bản Việt ngữ ở ngay mà hôm Ban Tổ chức Trung ương vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, đã có bài ghi nhận “Đại tá Lê Thế Mẫu kiên trì ca ngợi TT Putin và tin vào thắng lợi của Nga ở Ukraine”.

Theo bài báo thì đại tá Mẫu không chỉ được coi như chiến lược gia quân sự mà còn được báo chí Việt Nam giới thiệu như một chuyên gia phân tích chính trị quốc tế.

Trả lời báo Sputnik của Nga, bản tiếng Việt trong tuần qua đại tá Mẫu khẳng định “sau tất cả, nước Nga sẽ chiến thắng”. Nhận xét về biểu tình ở Scotland chống chiến tranh do Nga tiến hành ở Ukraine, đại tá Lê Thế Mẫu đã gọi thanh niên người Scotland tình nguyện giúp Ukraine “là khủng bố Hồi giáo”.

Hôm 11-03-2022, đại tá Mẫu nêu ra một số nhận định về hướng đi của cuộc chiến tại Ukraine. Theo ông, nói trên trang Viet Times thì: “Diễn biến chiến sự đang hướng đến kịch bản: chính quyền Ukraine phải chấp nhận thất bại, chấm dứt chiến sự và đáp ứng các yêu cầu của Nga. Đó là, chính quyền Kiev phải công nhận vị thế trung lập, không gia nhập Nato; công nhận chủ quyền của DPR và LPR; công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga”.

Hôm 22-02, hai ngày trước khi Nga tấn công Ukraine, đại tá Lê Thế Mẫu nói với VTC News rằng việc Nga công nhận hai cộng hòa Donetsk và Luhansk là nhằm “ngăn chặn hành động phiêu lưu quân sự của chính quyền Kiev”. Cùng lúc, ông nêu ra cáo buộc nghiêm trọng với Ukraine, nước đang có tổng thống là người gốc Do Thái, có thân nhân bị phát-xít Đức hủy diệt trong Thế Chiến II rằng đây là xã hội đã phát-xít hóa:

“Tuy nhiên, dù theo kịch bản nào thì tình hình Ukraine sẽ còn lâu mới có thể ổn định được vì tư tưởng phát xít mới và quốc xã mới đã ăn sâu vào nhận thức của cả một thế hệ người Ukraine kể từ sau khi giành được độc lập từ Liên Xô năm 1991”.

Theo ông Mẫu, quân tình nguyện từ châu Âu, Mỹ, Canada sang giúp Ukraine chống Nga “chính là khủng bố Al Qaeda mới”.

Đại tá Mẫu không đồng ý với quan điểm chính thức của nhà nước ở Việt Nam, và cả Trung Quốc là ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ” cho Ukraine, qua việc ông đưa ra quan điểm: “Giải pháp khả dĩ nhất có lợi cho cả hai bên là chính quyền Kiev chấp nhận ngừng chiến sự; công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga; thành lập Cộng hòa liên bang Ukraine bao gồm cả DPR và LPR, có vị thế trung lập, không gia nhập Nato”.

Từ năm 2016 khi phỏng vấn ông Mẫu, Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu đây là một quân nhân cấp hàm đại tá, là nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng. Một số báo chí thì ghi chức danh của ông Mẫu là nguyên Trưởng phòng Thông tin – Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự.

Phía Bộ Quốc phòng chưa thấy công khai về phản ứng nào khi ông Lê Thế Mẫu đưa ra những phát ngôn được đính kèm danh vị “nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng” – “nguyên Trưởng phòng Thông tin – Khoa học quân sự”.

Ông Lê Thế Mẫu ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng súng đạn

Nếu đánh giá những nhận định về cuộc chiến Nga – Ukraine của đại tá Lê Thế Mẫu với danh vị như trên cho thấy ông đang cố tình làm khó về phương diện ngoại giao đối với chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bởi ngay từ hôm 26-2-2022, Ukraine đệ đơn “kiện” liên bang Nga ra Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice – ICJ).

Lẽ ra đại tá Lê Thế Mẫu phải tỉnh táo tìm hiểu về vụ kiện này để cân nhắc những phát biểu mà báo chí đang mặc định rằng rất có thể đây cũng chính là quan điểm mang tính đại diện của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Do Nga dựa trên lý lẽ Ukraine có hành động diệt chủng đối với người Nga ở Donbass để đưa quân vào Ukraine chấm dứt diệt chủng, Ukraine đã gửi văn bản đến ICJ đề nghị Tòa phân xử làm rõ vấn đề này. Theo đó, Ukraine cho rằng có sự tranh chấp giữa 2 nước theo nghĩa của điều 9 liên quan đến việc giải thích, áp dụng hoặc thực thi Công ước; rằng việc Nga dựa trên cáo buộc sai trái để gây chiến đã vi phạm Công ước về diệt chủng.

Ukraine đề nghị Tòa ban hành các biện pháp tạm thời yêu cầu liên bang Nga chấm dứt ngay các chiến dịch quân sự ở Ukraine, bảo đảm để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chịu ảnh hưởng của Nga không tiến hành các hành động quân sự như vậy. Tại khổ 12, Đơn đề nghị ban hành các biện pháp tạm thời, Ukraine còn yêu cầu “quyền không bị cáo buộc một cách sai trái về diệt chủng, quyền không phải chịu hành động quân sự của quốc gia khác trên lãnh thổ Ukraine dựa trên sự lạm dụng điều 1 của Công ước về nạn diệt chủng”.

Đơn kiện, Đơn đề nghị ban hành các biện pháp tạm thời và phần trình bày của các luật sư phía Ukraine tại phiên điều trần ở Tòa hôm 7-3 nêu 2 vấn đề lớn. Một là, Ukraine có các hành động phạm tội diệt chủng như Nga tố cáo hay không? Hai là, Công ước về diệt chủng có cho phép Nga sử dụng vũ lực để ngăn chặn, chấm dứt diệt chủng ở ngoài lãnh thổ của Nga hay không?

Trong văn bản đệ trình gửi ICJ, phía Nga cho rằng, Tòa không có thẩm quyền xem xét bất kỳ vấn đề nào về sử dụng vũ lực, bởi lẽ chúng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước về diệt chủng, không thuộc quy định tại điều 9, không thể đồng nhất jus ad bellum (quy tắc về điều kiện tiến hành chiến tranh, sử dụng lực lượng vũ trang) với Công ước này.

Lý lẽ quan trọng nhất trong bản đệ trình là Nga chỉ dựa trên quy định tại điều 51 của Hiến chương Liên hiệp quốc về quyền tự vệ để sử dụng vũ lực đối với Ukraine (không rõ quyền tự vệ của riêng liên bang Nga hay quyền tự vệ tập thể của Nga với 2 nước cộng hòa tự xưng trên lãnh thổ Ukraine).

Bản đệ trình trích dẫn rất nhiều bài phát biểu của Tổng thống Nga ngày 21-2, đồng thời đính kèm toàn bộ bài phát biểu đó ở phần phụ lục.

Như vậy, Tòa có thể coi bản đệ trình là sự giải thích thực tế đối với bài phát biểu của ông Putin, trong đó đưa ra quan điểm về nạn diệt chủng để biện hộ cho việc sử dụng vũ lực đối với Ukraine. Thực chất, Nga cũng phủ nhận tranh chấp pháp lý với Ukraine theo Công ước về diệt chủng, bởi lẽ cả hai nước đều cho rằng, không một điều khoản nào của Công ước cho phép sử dụng vũ lực.

Nga cũng phủ nhận sự tương đồng giữa khái niệm diệt chủng trong phát biểu của Putin với diệt chủng theo Công ước; bài phát biểu không viện dẫn Công ước mà phía Ukraine dựa vào đó để kiện Nga; khái niệm diệt chủng tồn tại độc lập trong luật tập quán quốc tế, cũng như trong các hệ thống pháp luật quốc gia như liên bang Nga hay Ukraine. Bài phát biểu chỉ đề cập diệt chủng ở Donbass như một yếu tố của môi trường nhân đạo nói chung.

Nga không có lập luận trực tiếp phủ nhận khiếu kiện của Ukraine về việc Nga có cáo buộc sai trái về diệt chủng, do đó dẫn đến tranh chấp tại Tòa liên quan đến giải thích, áp dụng, thực thi Công ước về diệt chủng.

Thay vào đó, Nga cho rằng, việc sử dụng vũ lực là vấn đề hoàn toàn tách biệt khỏi các vấn đề liên quan đến Công ước này. Vì vậy, Ukraine không có quyền được bảo vệ bởi các biện pháp tạm thời theo quy định của Công ước như nước này muốn.

Việt Nam chắc cũng không muốn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt Nga

Tòa ICJ phải vừa phải xem xét tính xác đáng của các lập luận pháp lý, vừa cân nhắc để làm sao góp phần kết thúc tấn bi kịch này. Dù sao chăng nữa, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cho thấy, việc chấp nhận can thiệp quân sự dựa trên cáo buộc đơn phương về nạn diệt chủng tiềm ẩn mối nguy hại hết sức lớn cho trật tự, hòa bình thế giới.

Và giả dụ tình huống chỉ cần Tòa ICJ ban hành các biện pháp tạm thời như “yêu cầu liên bang Nga chấm dứt ngay các chiến dịch quân sự ở Ukraine, bảo đảm để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chịu ảnh hưởng của Nga không tiến hành các hành động quân sự như vậy”, cho thấy những quan điểm, nhận định của ông Lê Thế Mẫu trên cương vị cá nhân thì không ảnh hưởng gì, nhưng khi cái tên Lê Thế Mẫu gắn với phẩm hàm “đại tá” và “nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng” – “nguyên Trưởng phòng Thông tin – Khoa học quân sự” thì mọi chuyện không đơn giản nữa, mà nó hoàn toàn có nguy cơ đe dọa – nói như cảnh báo của bà Trương Thị Mai ở phần đầu bài viết này, đó là vấn đề chính trị nội bộ không chỉ cho Đảng mà còn là sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

Không ngẫu nhiên chút nào nếu như ở đây có một liên tưởng về việc hôm 15-3-2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung  Quốc không muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, giữa bối cảnh phương Tây gia tăng áp lực, yêu cầu Bắc Kinh không hỗ trợ Matxcơva.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here