CÀNG CÓ NHIỀU GÓC NHÌN CÀNG ĐẾN GẦN HƠN VỚI SỰ THẬT

0
47
   

Goc Nhin Alan

“Tôi không biết mình nói đúng hay sai nhưng thực tình càng có nhiều cách nhìn khác nhau càng đến gần sự thật. Mục đích của tôi chỉ là góp thêm một góc nhìn.”

– TS. Alan Phan –

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

– Nhìn vào đời sống dân sinh, điều gì làm ông lo ngại nhất?

Hơn 100 năm sau thời Pháp thuộc, đời sống của đại đa số người dân vẫn không có cải thiện gì nhiều. Không thể trách họ được vì cơm áo gạo tiền còn chưa đủ, nói gì đến chuyện đạo đức. Đáng sợ nhất là tư duy ù lì, trì trệ của con người, bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh. Tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Chúng ta vẫn bàn cãi về những triết thuyết mà phần lớn nhân loại đã bỏ vào sọt rác. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của Việt Nam, “Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”. Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ Việt Nam đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyến khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình… già nua nhanh như vậy? Tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân Việt Nam thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.

– Nhìn từ góc độ quản trị, theo ông vì sao các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn khi chuyển từ một doanh nghiệp “gia đình trị” sang doanh nghiệp đại chúng?

Đó cũng là bài toán mà các doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Nam Á đang đối diện. Từ một doanh nghiệp gia đình chuyển sang một doanh nghiệp có sự minh bạch trong tài chính, tham dự của nhiều người trong hội đồng quản trị, việc thay đổi tư duy, lề lối làm việc sẽ khó khăn là đương nhiên. Khi một doanh nghiệp tập trung quyền lực theo kiểu gia đình trị, luôn luôn có nghi kỵ, giấu diếm với đối thủ, với người ngoài và không muốn mở rộng tư duy, cách làm việc. Chính điều đó làm cho họ ngày càng yếu đi. Để sống còn chính họ sẽ phải tuên theo sự điều chỉnh của thị trường. Thế hệ mới sẽ thay đổi, đó là bắt buộc. Nhưng tôi lạc quan khi quan sát các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… khi người cha bước ra khỏi đó, một lớp trẻ mới đi học từ Âu Mỹ về có tầm nhìn, suy nghĩ giống nhau, cởi mở hơn, điều đó tạo nên sức mạnh mới của họ.

– Tư duy khác biệt nào đã giúp ông thành công ở Mỹ và Trung Quốc? Ông đã từng phải trả giá đắt như thế nào cho những thành công ấy?

“Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất.”

Trong cạnh tranh, sản phẩm và chỗ đứng của mình trên thị trường phải khác biệt. Tôi luôn tránh chữ “Me-Too”. Làm khác đưa tôi đến một là bứt phá cao, hoặc… vỡ mặt, không nhàng nhàng. Một tư duy giúp tôi rất nhiều trong kinh doanh là không sợ thất bại. Coi thất bại như người bạn thay vì kẻ thù. Thất bại dạy tôi nhiều thứ. Nếu sợ thất bại, sẽ chẳng dám làm khác, hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo. Thắng không kiêu, bại không nản, chấp nhận thất bại, giữ được sự kiên trì, tiếp tục bước đi, không bỏ cuộc là đức tính cần có của người kinh doanh.

Thực tình khi trẻ người ta thường táo bạo, đó là đặc tính của con người. Chuyện táo bạo khiến tôi có nhiều bước ngoặt khá ly kỳ, dù có khi té dập mặt. Trong đời làm ăn, tôi lên voi xuống chó cũng nhiều. Nhưng giờ lớn tuổi rồi, ít mạo hiểm hơn, điều đó đồng nghĩa với thành công không còn được như xưa nữa, thất bại cũng sẽ ít hơn. Đặc tính chung của doanh nhân khi bước qua một ngưỡng nào đó, họ bắt đầu chậm lại. Ngoài ra, có một yếu tố vô cùng quan trọng là sự may mắn. Táo bạo mà không may mắn sẽ thành ngu xuẩn, tôi đã từng như thế. Kinh doanh là trải nghiệm “thực” nhất trên chốn giang hồ. Những trải nghiệm thực ấy cho tôi nhiều cảm xúc, đến giờ này vẫn sống rất mạnh trong tôi. Nếu không thực tôi đã quên nó rồi. Với tôi cuộc đời không phải là một sự tập hợp của những ngày tháng mà là sự tập hợp của những trải nghiệm, không phải sống bao lâu, mà là sống như thế nào. Ngày trẻ, tôi mơ làm giáo sư đại học, bây giờ, tôi hạnh phúc vì được sống cuộc đời doanh nhân.

– Làm thế nào để ông có thể đứng dậy sau mỗi lần thất bại?

Đừng đổ lỗi cho ai khác, hơn 80% thất bại là do nội lực của mình. Đừng sợ những trận bão, vì nó là bài học tốt giúp tôi can đảm hơn, giống như bạn vừa trải nghiệm qua một khóa học, có thêm kiến thức và động lực để đi tới. Tôi không xấu hổ vì thất bại, không nhụt chí, sợ sệt. Tôi cũng cảm ơn các đối thủ và kẻ thù, vì họ cũng là ân nhân, dạy tôi rất nhiều bài học thực dụng và giữ tôi không ngã đau khi leo cao… Tôi đã ba lần gần như phá sản, nhưng sau mỗi lần về số không, tôi lại phục hồi với một sức mạnh mới và mức tăng trưởng vượt trội. Lần đầu tiên năm tôi ba mươi tuổi, từng làm chủ đầu tư và đối tác cổ đông của nhiều công ty nổi tiếng Việt Nam như Dona foods, Điện Quang, sữa Foremost – tiền thân của Vinamilk, Mekong Car sản xuất xe La ĐàLạt… với tài sản ước tính 7 triệu USD. Nhưng sau 1975, thế cờ xoay vần, tôi mất hết. Sang Mỹ chỉ còn 600 USD trong túi. Năm 1982, khi đang làm địa ốc bên Mỹ rất thành công, kinh tế Mỹ suy thoái, lãi xuất ngân hàng lên 18-19%, tôi phải buông tay, mất khoảng trên 10 triệu USD. Lần thứ ba khi thị giá công ty Hartcourt đạt mức 700 triệu USD trên sàn chứng khoán Mỹ, tôi bắt đầu phát triển Hartcourt ào ạt. Khi bong bóng dotcom bắt đầu xìu xuống, các đầu tư dàn trải đòi hỏi một nhu cầu về vốn rất cao mà Hartcourt không thể kiếm được khi bong bóng vỡ. Đến năm 2002, thị giá Hartcourt sụt xuống còn 100 triệu USD, 600 triệu USD đã không cánh mà bay!

Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất. Thời điểm vàng son của bong bóng dotcom năm 2000, thành công đó không thực sự do tài năng, mà do may mắn. Nhưng tôi bắt đầu trở nên mù quáng và thấy mình là một đại gia tài ba có thể tạo dựng một Microsoft, Cisco System, Yahoo mới của Trung Quốc… Tham vọng cùng những lời ca tụng, tâng bốc đã đẩy tôi đi quá xa thực tế. Tôi kiêu căng, liều lĩnh, mất đi trọng điểm về mục tiêu công việc cũng như đời sống cá nhân… Đó là kẻ thù tồi tệ nhất không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều doanh nhân khác khi mới đạt được thành công bước đầu… Nhưng tôi không suy nghĩ nhiều về những mất mát, và luôn tin cái gì chết đi sẽ hồi sinh. Nguy hiểm nhất không phải là sự chết mà là sự sống dật dờ như đã chết (zombies).

– Trải qua nhiều thăng trầm, vì sao đến giai đoạn này, ông lại muốn trở thành một nhà quan sát, với những bài phân tích kinh tế xã hội mang tính phản biện? Phẩm chất nào giúp ông nhìn thấy sự thật đằng sau những rối bời của thời cuộc?

Suy nghĩ của tôi có thể chỉ mang tính cá nhân, nhưng theo tôi, người gọi là chuyên gia phải có một chút thực tế, trải nghiệm kinh doanh thì hiểu biết mới thấu đáo. Tôi thấy yếu điểm nhất của các chuyên gia nói chung trên thế giới là kiến thức quá sách vở, đóng khung hạn hẹp trong tư duy, nhất là những người theo các trường phái, triết thuyết nào đó. Các chuyên gia Việt Nam còn bị thêm một giới hạn nữa mà tôi hay nói vui là “phải có giấy phép của chính phủ”, suy tư vì thế bị ràng buộc thêm. Những đóng góp của tôi là cách “nghĩ ra ngoài chiếc hộp”, đưa ra những tư duy khác một chút để mọi người cùng suy nghĩ. Tôi hơi bất ngờ là cái nhìn của tôi được nhiều người chia sẻ. Nền kinh tế nước mình tồi tệ hơn người ta nghĩ, vài chuyên gia đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ của họ, điều đó thúc đẩy tôi nghiêm túc thêm. Tôi không biết mình nói đúng hay sai nhưng thực tình càng có nhiều cách nhìn khác nhau càng đến gần sự thật. Mục đích của tôi chỉ là góp thêm một góc nhìn.

Ở thời điểm này của cuộc đời, khi đã trải qua bao thăng trầm, mất mát, tôi muốn về Việt Nam để xem con tạo xoay vần, và để sống cho mình nhiều hơn. Những đổi thay dâu bể khiến cái nhìn của mình có cảm xúc, rõ ràng và toàn diện hơn. Vả lại, tôi là người “đúng ngoài”, không phải là cái nhìn của người đang mong quyền lực, không mơ làm chính trị, không làm hay nói vì tiền, không có gì để mất. Giống như người không liên quan đến trận đấu, lời phê bình sẽ khách quan hơn

– “Vô minh tạo ra tham muốn, và từ đó tham muốn tạo ra sợ hãi”, quan điểm này của đạo Phật có gì trái ngược với động lực kinh doanh của doanh nhân? Ông suy nghĩ như thế nào về chuyện được mất và sức lôi cuốn của đồng tiền?

Nói chung, cuộc đời mọi người chứa nhiều chua cay trong lựa chọn. Khi nhận được một cái gì, đồng nghĩa với mất nhiều thứ khác, như thời gian cho gia đình, bạn bè, cho riêng tư. Suy nghĩ cũng hạn hẹp hơn khi mình quá chú tâm vào kinh doanh. Cái mất lớn nhất là sự thanh bình trong tâm hồn vì áp lực hàng ngày tàn phá. Với tôi, mất mát lớn nhất là sức khỏe. Do bay liên tục, sống trong khách sạn nhiều hơn ở nhà, tôi đã bị đau tim nặng và phải giải phẫu. Đó là cái giá phải trả cho sự thành công. Tôi nói điều này để các bạn trẻ hãy suy nghĩ trước khi lựa chọn nghiệp doanh nhân. Phải làm những gì mình thực sự đam mê, nếu không sẽ rất dễ bỏ cuộc.

Thực tình tôi không nghĩ đạo Phật là phải cởi bỏ mọi thứ trần tục. Với tôi, đạo Phật mang tính thiền nhiều hơn, Phật tính nằm trong mỗi người. Bất cứ mình làm gì, vấn đề là tâm hồn mình có bình an không. Nếu kinh doanh để làm lợi cho xã hội, không đi ngược lại với bản ngã, không đi ngược lại với đạo đức thì ham muốn đó không có gì mâu thuẫn với đạo Phật. Vô minh nằm trong lòng người. Người đàn ông có bốn thứ lôi cuốn, đó là tiền, danh, quyền, và nhục dục. Những ham muốn hay lôi kéo mình đi lầm đường. Làm chủ được nó là tùy sức mạnh bên trong của mình thôi.

– Ông có sợ… nợ không?

Tôi đã qua những lần nợ đòi, nên tôi sợ lắm, tránh xa nó như tránh bệnh hủi vậy. Nợ làm người ta mất hết hạnh phúc, nhất là ở xứ Mỹ, người doanh nhân phải lựa chọn rất gay gắt giữa sự nghiệp và gia đình, vì sự đổ vỡ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cùng với nó là mất nhà, mất xe, mất vợ, mất con… Đó là mặt trái của “thánh địa tư bản”, nó buộc con người phải vươn lên, vượt qua nợ nần. Tuy nhiên, xã hội không có lòng tham, sẽ không có cạnh tranh, muốn tiến bộ phải chấp nhận cạnh tranh. Công ty của tôi bây giờ chỉ có ba gia đình làm chung, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, nhiều nhà đầu tư khác muốn rót tiền vào, nhưng tôi sợ nhỡ làm ăn thua lỗ lại lâm vào cảnh nợ nần nên từ chối hết. Sợ nhất là mấy nhà đầu tư như “mafia Nga”, không biết chừng nào mình mất tay mất chân nếu làm ăn thua lỗ

– Từng có rất nhiều tiền, và cũng từng trắng tay. Từ khi nào ông đã thoát khỏi sự vây bủa của đồng tiền, để tìm thấy tự do thực sự, để yêu cuộc sống chỉ vì niềm vui sống?

Thực tình cho đến giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi sự vây bủa của đồng tiền. Đối với tôi đồng tiền không quan trọng lắm, nhưng tất cả những gì tôi yêu đều cần tiền. Tuy nhiên, tôi biết cách né để tránh những lưới bẫy quá nặng. Kinh doanh, viết sách, blog Góc nhìn Alan của tôi luôn có số lượng người đọc cao… đó là sức mạnh giúp tôi có thể làm nhiều việc trong một lúc với niềm hưng phấn lúc nào cũng mãnh liệt. Mỗi người đều tự đi tìm ý nghĩa mục đích cho đời mình, và cứ thế lên đường thôi. Ôn lại những bôn ba giúp tôi bình tâm trở lại. Hạnh phúc với tôi bây giờ là sự tự do. Tự do làm những gì mình muốn làm, nghĩ cái gì mình muốn nghĩ, sống lối sống mà mình thích sống. Tự do không lo nghĩ về đồng tiền, về sức khỏe, về danh lợi quyền thế… Đương nhiên tự do chỉ là tương đối, vì con người còn quá nhiều gánh nặng khi nghĩ đến xung quanh. Cố gắng sống như lời Trịnh Công Sơn, mỗi ngày chọn một niềm vui. Hạnh phúc nhất khi ngủ dậy thấy mình mạnh khỏe, suy nghĩ phải làm gì cho ngày hôm nay vui hơn. Tôi đã viết ra một danh sách 100 chuyện phải làm trước khi chết, và đã làm được…42 chuyện. Tôi cũng không bị áp lực có làm hết 100 chuyện ấy không, đó là tự do mà tôi muốn nói. Bây giờ, tôi không còn nhiều ràng buộc nữa. Nói về chuyện đất nước, có người bàn ra bàn vào cũng vui, vì như thế là cái đầu mình không bị trì trệ, bản thân mình cũng nhờ thế mà thoát khỏi sự yếm thế, hằn học, ganh tỵ

– Khả năng hài hước, tự trào của ông có được do bản tính hay là kết quả của một quá trình trải nghiệm?

Có lẽ do bản tính, sau nữa là nhờ “góc nhìn”. Với tôi chẳng có gì là quan trọng. Khi Vietnam net báo tin bài Quê hương sao già nua của tôi có 22 ngàn người đọc, tôi hỏi các bạn ấy vậy ai có số người đọc nhiều nhất? Họ trả lời: “Bất cứ bài gì về Cường đô la và Hồ Ngọc Hà đều có hơn 600 ngàn người đọc. Riêng bài cô gái bị rắn cắn đâm ra cuồng… sex có gần một triệu người đọc”. Có lẽ ông Alan phải để cho rắn cắn vài ba lần, để có người đọc nhiều hơn! (cười hóm hỉnh). Nói thế để đừng bao giờ có những hoang tưởng về sự quan trọng của mình.

– TS. Alan Phan –

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here