CẨM NANG LÀM VIỆC VỚI AN NINH (PHẦN 1)

0
148
Nhóm No-U
Nhật Ký Biểu Tình

1.THÁI ĐỘ
Trước khi chia sẻ về vài kỹ năng làm việc với an ninh [trên tinh thần dựa vào Luật pháp là chính] mình muốn nói về thái độ, cái mà mọi người cần phải ý thức ngay từ đầu.

Thái độ không nao núng, không nóng nảy, và tránh bị khiêu khích. Làm như vậy, sẽ có được sự bình tĩnh để khôn khéo giải quyết vấn đề. Bởi vì lời nói là một công cụ có tác dụng hai mặt. Một số người cho rằng có thể ảnh hưởng giới cầm quyền nhưng rất nguy hiểm cho chúng ta, những người trẻ còn thiếu kinh nghiệm. Mình nghĩ tốt nhất chúng ta nên vận dụng quyền im lặng. Hãy suy nghĩ về mục đích cuối cùng của chúng ta, tất nhiên đó không phải là đôi co với họ.

Cuối cùng, hãy nói về kiến thức pháp luật bất cứ lúc nào có thể, ít nhiều nó sẽ có một ảnh hưởng đến những người thừa hành pháp luật, người mà luôn vi phạm pháp luật.

Ví dụ: Khi an ninh la ló, đập bàn, doạ nạt. Không cân đối đáp, chúng ta cứ cho như là không có chuyện gì. Khi họ xong cơn điên. Chúng ta chủ động hỏi xem họ đã nổi nóng xong chưa, nếu chưa thì mời tiếp tục, khi nào xong chúng ta sẽ nói chuyện. => Khi làm như vậy, an ninh sẽ lung túng vì bài khủng bố tinh thần của họ không có tác dụng. Chính vì vậy họ rơi vào thế bị động (thường sẽ chờ nhận chỉ đạo hoặc chuyển sang phương thức dụ dỗ).

2.NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC.

– Giấy mời: Không có một điều luật nào hiện hành quy định bắt buộc công dân phải đến theo yêu cầu giấy mời của cơ quan công quyền. Công dân có quyền tùy nghi đến hoặc không đến.

– Giấy triệu tập: theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì những người thuộc trường hợp có quan hệ hình sự (liên can đến vụ án như bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn và bị đơn) mới cần có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan hữu trách (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án).

– Giấy mời, giấy triệu tập phải được sử dụng đúng mục đích. Ai mời thì sẽ làm việc với người đó. Trường hợp ký thay phải ghi rõ là ký thay. Lý do mời phải rõ ràng, nếu lý do mời “làm việc có liên quan”, “làm rõ vụ việc” thì phải trưng dẫn giấy tờ và bằng chứng chứng minh người được mời có liên can, vụ việc đó là vụ việc gì. Nếu không đương nhiên không cần đi, và có thể viết Phúc đáp Giấy mời.

* Thực tế khác:

– Thông thường, công an dùng vũ lực để bắt người được mời tuân phục giấy mời. Hoặc sẽ lạm dụng, sử dụng giấy triệu tập để đưa ra lời mời. Các bạn nhớ dẫn những điều trên để giải thích vì sao các bạn không chấp nhận giấy mời và mặc khác cũng là phổ biến nguyên tắt pháp luật phổ quát cho những người thừa hành lạm dụng quyền lực.

– Nếu họ dùng vũ lực để đưa bạn về trụ sở công an, thông thường họ tên, nơi ở,… các thông tin liên quan cá nhân là điều đầu tiên sẽ bị hỏi. Những người này thường lý luận “khi đến cơ quan công quyền anh/chị phải trình báo tên tuổi. Chúng ta có quyền từ chối trả lời bởi vì tên tuổi thuộc bí mật cá nhân được Hiến Pháp 2013 bảo hộ tại Điều 21. Đây cũng là điều luật quan trọng nhất cần phải học thuộc lòng để bảo vệ bản thân khỏi việc khai thác thông tin của cơ quan công an hoặc an ninh điều tra.

– Điều 21, Hiến Pháp 2013:
1.Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2.Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

3.BẢO VỆ TÀI SẢN
Ai cũng biết, nhà cầm quyền chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền vì vậy các văn bản luật quốc tế như các Công ước thường bị vi phạm. Do vậy mặc dù theo Tuyên ngôn Nhân quyền, chúng ta có quyền tạo thông tin, lưu trữ và quảng bá về các tài liệu dân chủ, nhân quyền, các bài viết phê phán, chỉ trích nhà cầm quyền nhưng các cơ quan này thường lợi dụng những sự kiện vớ vẩn để tiến hành khám xét nhà ở, nơi làm việc nhằm tìm kiếm và thu giữ những vật chứa tài liệu này (máy tính, smartphone, máy tính bảng, usb.) .

– Áp dụng Điều 21, Hiến pháp 2013 về bảo mật thông tin và bảo hộ tài sản.

– Nếu cơ quan công an, an ninh làm liều: họ vẫn thu giữ vật dụng và tiến hành niêm phong tài sản của chúng ta. Những dữ liệu trong các thiết bị bị thu giữ chắc chắn sẽ bị khai thác để buộc tội. Ban đầu, họ sẽ bắt chúng ta ký lên trên giấy và tiến hành dán lên các thiết bị thu giữ mà không đóng dấu mộc đỏ lên giấy. Như vậy, niêm phong này là không có giá trị pháp lý. Chúng ta sẽ giữ im lặng cho đến lần sau, trên nguyên tắc các thiết bị này có thể đã bị xâm phạm bởi dấu niêm phong này là không an toàn.

– Bên cạnh đó, không bao giờ nhận những thông tin có thể là cái cớ cho nhà cầm quyền buộc tội là của chúng ta. Trên nguyên tắc, nếu bị mất kiểm soát đối với tài sản của mình dù trong 1 giây chúng ta cũng có thể phản bác: “Chúng tôi/ tôi không chịu trách nhiệm, bởi vì trong thời gian mất kiểm soát đó không biết “ai đó” đã dùng để làm những chuyện gì. Mọi thông tin [nhầm buộc tội] đều có thể đã bị dàn dựng. Đừng bao giờ nhận đó là của mình.

4.CÁC QUYỀN CẦN BIẾT
Dựa trên nguyên tắc “Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật”: người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Dưới đây là một số quyền cần biết để tránh tình trạng lạm quyền của cơ quan công quyền:

(a) Quyền im lặng và không ký tên.
– Thông thường phía cơ quan công quyền sẽ cổ vũ bạn nên hợp tác làm việc với họ để mau chóng kết thúc buổi làm việc, cho bạn về sớm, hay nếu có “tội trạng” thì sẽ nhận được khoan hồng. Chú ý, đây là lời dẫn dụ vì theo nguyên tắc luật pháp ai phạm tội gì mức độ như thế nào thì nhận hình phạt như thế ấy.

– Trước tiên xin bỏ qua những lo ngại về thời gian, phải xác định trước ít nhất bạn sẽ bị cầm chân 24 giờ. Cách tốt nhất là vận dụng tối đa quyền im lặng để bảo vệ mình khỏi luật rừng, nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị cầm chân lâu hơn. Tuy nhiên, cũng không phải là tuyệt đối im lặng có thể nói khi giải lao, khi không làm việc về những chuyện ngoài lề.

– Quyền im lặng:

Phía cơ quan công quyền sẽ không chấp thuận quyền im lặng vì họ cho rằng quyền này chưa được luật hoá. Tuy nhiên dựa trên nguyên tắc thứ hai về suy đoán vô tội (được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam ra nhập công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982 ): người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

===> Công an, an ninh, cơ quan công quyền có trách nhiệm điều tra và có quyền hỏi, nhưng việc trả lời không phải là nghĩa vụ của người bị mời/bắt làm việc. Như vậy, việc ai nấy làm không có chuyện hợp tác ở đây.

– Ngoài ra, theo ý kiến của mình việc hành xử quyền im lặng được mặc nhiên thừa nhận trên nguyên tắc chúng ta có quyền sử dụng những bộ phận trên cơ thể của mình để làm những gì mình muốn. Vì vậy, phía cơ quan công quyền có thể ép chúng ta nói trừ khi miệng của chúng ta là miệng của họ. Do đó, chúng ta có thể không nói, hoặc nói khi chúng ta muốn đơn giản bởi chúng ta có quyền sử dụng miệng của mình, thậm chí có thể nói những điều không liên quan đến câu hỏi mà phía an ninh đặt ra.

– Ký tên: Không ký bất kì một văn bản nào kể cả viết tường trình, niêm phong, bản cam kết,… Phía cơ quan công quyền sẽ tìm mọi cách để hợp pháp hoá việc thu giữ đồ dùng, thiết bị, cũng như việc câu lưu chúng ta tuy nhiên những văn bản này không có giá trị pháp lý.

(b) Quyền Được Biết
– Có quyền yêu cầu cơ quan điều tra, công an, an ninh cho biết lý do bị tạm giữ, lý do mời làm việc trong trường hợp mời trực tiếp không có giấy mời (trường hợp có giấy mời phải ghi rõ ràng như đã nói bên trên).

– Yêu cầu cơ quan điều tra, an ninh, công an trưng dẫn, cho biết dựa vào điều luật thuộc luật nào để tạm giữ, và mời chúng ta làm việc.

– Yêu cầu xuất trình bằng chứng, nhân chứng có liên quan đến việc chứng minh chúng ta có liên quan đến vụ việc được mời.

– Yêu cầu được thông báo cho gia đình biết nơi chúng ta bị tạm giữ, làm việc. Điều này không bị pháp luật cấm, nhưng thường phía cơ quan công quyền sẽ từ chối lý do họ đưa ra sẽ là “pháp luật không cho phép” như vậy chúng ta lại yêu cầu họ trưng dẫn điều luật và bộ luật. Chú ý, luật chứ không phải nghị định.

(c) Quyền Có Luật Sư Và Nhờ Người Bào Chữa

Theo kinh nghiệm, phía cơ quan công quyền rất ngại sự tham gia của luật sư hoặc người chứng kiến thứ ba khác “thuyền” với họ. Như vậy họ sẽ nói rằng luật sư chỉ được tham gia từ giai đoạn bắt đầu điều tra và không được quyền có người dám hộ vì bạn trên 16 tuổi, tuy nhiên chú ý rằng người giám hộ và nhớ người khác bào chữa là hai trường hợp khác nhau.
Tại điều 48, Bộ luật tố tụng hình sự quy định [tại khoản 2 điểm d]rằng người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Do vậy, bạn có quyền yêu cầu.

(CÒN TIẾP)

Cảm ơn nhóm Bước Chân Lạc Hồng đã cung cấp cẩm nang trên.

[LAC]

— cùng với Trương Thị Hà.

BIỂU TÌNH CẦN CHUẨN BỊ GÌ?

CHIA SẺ KINH NGHIỆM LÀM VIỆC VỚI CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA

CẨM NANG LÀM VIỆC VỚI AN NINH (PHẦN 1)

CẨM NANG LÀM VIỆC VỚI AN NINH (PHẦN 2)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here