Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: còn nhiều khả năng khai thác

0
884
Trịnh Xuân Thanh khi còn ở Đức.
  • Quốc tế hoá và chĩa mũi nhọn vào các cá nhân đang ẩn mình

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 25 tháng 8, 2017

https://machsongmedia.com

Vụ bắt cóc Ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, Đức cách đây hơn 1 tháng đang làm xôn xao dư luận người Việt ở trong và ngoài nước; dư luận quốc tế thì hoàn toàn bất lợi cho chế độ cộng sản Việt Nam. Nhưng đau đầu nhất là nguy cơ thiệt hại về ngoại giao, viện trợ, mậu dịch… vì chính quyền Đức quyết tâm làm cho ra lẽ và đến cùng. Đó là hậu quả không thể tránh khi chế độ đem thói hành xử vô luật ra sân chơi quốc tế.

Hiện nay chính phủ Đức đang quy trách nhiệm lên chính phủ Việt Nam về xâm phạm chủ quyền quốc gia của Đức. Mũi áp lực này đang làm cho giới lãnh đạo chính quyền và đảng ở Việt Nam lúng túng, chưa biết chống đỡ ra sao.

Thay vì chỉ làm khán giả hiếu kỳ hay luận bàn cho hả dạ, người Việt ở trong và ngoài nước có thể và cần hành động để mở thêm 3 mũi áp lực, cho đủ 4 hướng giáp công: trừng phạt theo Luật Magnitsky, truy tố tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, và vận động INTERPOL.

Trịnh Xuân Thanh (ảnh AFP)

(1)    Trừng phạt theo Luật Magnitsky

Thông tin sơ khởi cho thấy là vụ này có thể rơi vào phạm vi của Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Hoa Kỳ. Luật này, được ban hành cuối tháng 12 vừa qua, có riêng một mảng về đối tượng là những giới chức chính quyền tham nhũng và có hành vi bịt miệng người tố giác.

Chí ít, dựa trên những thông tin trong loạt bài của Người Buôn Gió, Ông Trịnh Xuân Thanh đã từng tố giác đảng trưởng của đảng cầm quyền được “biếu” 2 căn hộ cao cấp trong khu đô thị Ciputra ở Hà Nội, và được công ty Formosa tặng bức tượng tình nghi là vàng ròng. Rồi cũng chính vị đảng trưởng này đã ra lệnh truy bắt bằng được Ông Trịnh Xuân Thanh. Về căn bản, như vậy là đủ yếu tố để lập hồ sơ đề nghị trừng phạt ông đảng trưởng ấy theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, nghĩa là cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ, nếu có.

Nhưng đối tượng phải bị trừng phạt không ngừng ở chỉ 1 cá nhân ấy. Những giới chức khác trong chính quyền hay hệ thống đảng, và kể cả bên ngoài, liên can đến vụ bắt cóc đều phải bị đưa vào danh sách đề nghị trừng phạt.

Hồ sơ soạn để dùng cho Luật Magnitsky ở Hoa Kỳ thì cũng có thể dùng cho tất cả các quốc gia có luật tương tự.  Chẳng hạn, Estonia, một quốc gia nhỏ ở Âu Châu, đã thông qua Luật Magnitsky trước Hoa Kỳ 1 ngày. Tuy luật của Estonia chỉ cấm nhập cảnh chứ không đóng băng tài sản, nhưng việc cấm nhập cảnh lại có ảnh hưởng rộng vì cả 25 quốc gia Âu Châu còn lại trong Thoả Ước Schengen cũng sẽ cấm nhập cảnh; đây là thoả ước mở cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên. Anh Quốc là quốc gia Âu Châu đáng kể duy nhất không phải thành viên. Nhưng Quốc Hội Anh đang chuẩn bị thông qua Luật Magnitsky riêng trong vài tháng tới đây. Và Quốc Hội Canada cũng có triển vọng sẽ thông qua Luật Magnitsky trong mùa Thu năm nay.

Khai thác các Luật Magnitsky, chúng ta kéo vấn đề giữa Đức và Việt Nam cho lan ra nhiều quốc gia khác, đồng thời chĩa mũi nhọn trực tiếp vào các cá nhân liên can, không như chính phủ Đức đang chỉ chĩa mũi nhọn vào chính phủ Việt Nam.

(2)    Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

Việt Nam là thành viên của Công Ước LHQ Chống Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia (United Nations Convention against Transnational Organized Crime, viết tắt là CTOC). Đối tượng của công ước này là các nhóm từ 3 người trở lên đã thông đồng với nhau trong một thời gian để thực hiện hành vi tội phạm nghiêm trọng diễn ra ở nhiều quốc gia vì lợi ích cho bản thân.

Nhóm bắt cóc Ông Trịnh Xuân Thanh nhiều hơn 3 người, trong đó 2 người bị bắt giam hoặc quản chế và nhiều người đang bị truy lùng. Họ đã phối hợp với nhau từ nhiều tháng trước khi ra tay. Họ đã vi phạm ít ra 3 tội nghiêm trọng: dùng bạo lực, bắt cóc và giam giữ. Hành vi tội phạm được thực hiện xuyên qua ít ra 3 quốc gia: Đức, Séc và Việt Nam. Yếu tố cuối cùng là lợi ích bản thân; 2 nhân vật đang bị chính quyền Đức giữ để điều tra có thể là đầu mối về thông tin này.

Chính quyền Đức hoặc chính quyền Séc đều có thể khai thác CTOC để khui ra những cá nhân trong đường dây tội phạm, kể cả những quan chức nhà nước hay thành viên của đảng cộng sản, không cho phép họ nấp đằng sau lá chắn là chính phủ. Theo CTOC, Đức hoặc Séc có thể yêu cầu Việt Nam dẫn độ những cá nhân này để bị xét xử.

Qua CTOC, chúng ta có thể quốc tế hoá vấn đề mà hiện nay đang chỉ là giữa 2 chính phủ Đức và Việt Nam. Đồng thời, CTOC mở ra cơ hội để truy tố các cá nhân, kể cả trong và ngoài chính quyền, đã cấu kết để thực hiện các tội nghiêm trọng mang tính cách xuyên quốc gia.

Vấn đề là phải có một nỗ lực vận động chính quyền Đức hay chính quyền Séc.

(3)    Vận động INTERPOL

Ở cấp đơn giản nhất, chúng ta có thể bắt đầu đối thoại với Hội Đồng Kiểm Soát Hồ Sơ (Commission for the Control of INTERPOL’s Files), hay CCF, cơ cấu độc lập có phận sự kiểm tra các hồ sơ INTERPOL. Họ cần biết là Việt Nam đang khuynh loát cơ chế INTERPOL bằng 2 cách: (1) qua mặt INTERPOL để trực tiếp bắt cóc người ở quốc gia khác; (2) lạm dụng thể thức “cáo thị đỏ” (red notice) của INTERPOL cho mục đích đàn áp nhân quyền.

Về lạm dụng, cáo thị đỏ” nhắm vào Ông Đặng Chí Hùng ở Thái Lan cách đây không lâu là một ví dụ. Một trường hợp khác, cũng liên quan đến Séc và Đức, là hồ sơ của một cựu sĩ Quan Việt Nam Cộng Hoà từng vượt trại tù cải tạo và vượt biên sang Thái Lan xin tị nạn. Năm 1996, nhờ sự can thiệp của Dân Biểu Hoa Kỳ Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey), BPSOS đưa người này, lúc ấy đang lẩn trốn ở Bangkok, sang Cộng Hoà Séc tị nạn. Nhiều năm sau, khi người này trên đường sang Paris để dự một hội nghị về nhân quyền thì bị cảnh sát Đức chặn bắt ở biên giới vì có “cáo thị đỏ” của INTERPOL. Nhờ sự can thiệp của Ông Vũ Quốc Dụng, lúc ấy còn làm việc với Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (International Society for Human Rights), người này cuối cùng được thả ra sau 3 ngày giam giữ. Vị sĩ quan vượt trại tù năm xưa hiên đã có quốc tịch Séc và là tu sĩ Phật Giáo.

Chúng ta có thể yêu cầu CCF có thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt mọi “cáo thị đỏ” do Việt Nam đề xuất. Công dụng của việc vận động CCF là ngăn ngừa những toan tính của Việt Nam để thao túng cơ chế INTERPOL cho mục đích không chính đáng.

Muốn có hiệu quả, trước khi tiếp xúc CCF, chúng ta cần thu thập thêm hồ sơ. BPSOS hiện không có đủ nhân lực để thực hiện việc này.

Làm gì?

Chúng tôi có thể lập ngay hồ sơ để đề nghị trừng phạt theo Luật Magnitsky của Hoa Kỳ và của Estonia, và cần thêm các thông tin sau:

(1)    Trị giá của 2 căn hộ cao cấp ở khu đô thị Ciputra;

(2)    Trị giá của bức tượng nếu là vàng ròng;

(3)    Những tiết lộ khác của Ông Trịnh Xuân Thanh về tham nhũng [Lưu ý: Gần đây có người phổ biến bài viết ghi là của Ông Trịnh Xuân Thanh về những cán bộ lãnh đạo bán lén dầu thô ngoài biển; đây là tài liệu nguỵ tạo];

(4)    Danh tính của những giới chức liên quan đến các dướng dây tham nhũng kể trên;

(5)    Danh tính của những giới chức liên quan đến vụ bắt cóc.

Chúng tôi đã nhờ một số luật sư nhân quyền quốc tế nghiên cứu thêm về CTOC và Hội Đồng CCF của INTERPOL. Khi có thông tin, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các tổ chức nào muốn khai thác.

Với những mũi áp lực cộng thêm, chính quyền Việt Nam phải trả giá đắt khi phạm luật trên sân chơi quốc tế, bất luận những cáo buộc của họ về Ông Trịnh Xuân Thanh là đúng hay sai,.

Bài liên quan:

Công Bố Đợt 1 Danh Sách Đề Nghị Chế Tài Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu
https://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1201-2017-04-03-01-58-05.html

Luật Magnitsky Toàn Cầu: BPSOS công bố danh sách đề nghị chế tài đợt 2
https://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1211-2017-04-27-02-10-13.html

Cơ hội cho Luật Magnitsky ở Canada: thuận lợi nhưng phải hành động
https://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1183-2017-01-22-21-18-44.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here