Vụ án Trương Duy Nhất: Tòa phúc thẩm y án 10 năm tù

1
57
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất trong phiên sơ thẩm 3/2020 GETTY IMAGES

TAND Cấp cao tại Hà Nội vào chiều 14/8 bác đơn và tuyên y án 10 năm với cựu ký giả Trương Duy Nhất, quê ở Đà Nẵng, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa vẫn nói ông Duy Nhất làm trái công vụ khi bán nhà, đất công sản ở Đà Nẵng cho doanh nhân Phan Văn Anh Vũ nên bác đơn kêu oan của bị cáo.

Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo kêu oan của ông Nhất.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 9/3, ông Trương Duy Nhất bị tuyên 10 năm tù với tội danh ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

Ông Trương Duy Nhất nói gì tại tòa?

Tại phiên phúc thẩm, ông Nhất một mực kêu oan và giữ nguyên kháng cáo.

Ông Nhất cho rằng ông không có trách nhiệm trong việc giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) thâu tóm nhà đất công số 82 Trần Quốc Toản như cáo buộc mà là làm theo phân công của báo Đại Đoàn Kết. Và rằng nếu việc bán đất có thiệt hại, trách nhiệm thuộc về bên bán tức UBND TP Đà Nẵng.

Ông Nhất cũng thừa nhận hành vi của ông chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng được sự đồng ý của báo.

“Bị cáo không hề có động cơ cá nhân, chỉ muốn làm lợi cho báo. Bản thân bị cáo không hề được nhận bất kỳ khoản lợi nào từ công ty 79 hay từ Phan Văn Anh Vũ. Báo Đại Đoàn Kết không hề bị tổn hại, ngược lại còn được lợi. Bị cáo còn được ban Biên tập khen vì đưa ra “sáng kiến” này”, ông Nhất khai tại tòa, theo tường thuật của Báo Đà Nẵng.

Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), người liên đới trong vụ án của ông Nhất, cũng tham dự phiên tòa. Ông Anh Vũ cũng cho rằng ông Nhất vô tội ‘bởi báo Đại Đoàn Kết không bị thiệt hại vì không cần bỏ tiền nhưng vẫn được sử dụng nhà đất làm văn phòng trong 30 năm’, theo Báo Đà Nẵng.

Khi được nói những lời sau cùng, ông Trương Duy Nhất xin phép tòa được đọc mấy vần thơ ông viết vội đêm trước:

“Ôi đất nước thuở nhóm lò loạn lạc

Lú cũng lên ngôi, quẹo cũng xưng hùm

Mẹ tổ quốc hay chúng mình có lỗi

Trí nhân đâu rặt một lũ điên khùng.”

Ông Trương Duy Nhất mặc chiếc áo sơ mi xanh do cô con gái Thục Đoan gửi tại phiên tòa 9/3 TTXVN

Luật sư nói gì?

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong số các luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất, nói với BBC News Tiếng Việt trước phiên phúc thẩm:

“Lần gần đây nhất tôi gặp anh Nhất, thấy anh nổi mẩn đỏ trên da vì thời tiết Hà Nội khi đó quá nóng, Có vậy thôi còn nhìn chung tinh thần và sức khỏe anh Nhất đều ổn. Anh Nhất rất phấn chấn.

“Anh Nhất là người Đà Nẵng nên con người như lúc nào cũng chực bùng nổ vậy đó. Nói chung là tinh thần rất tốt, rất hoạt bát.

“Khi vào trại giam, chúng tôi được tạo điều kiện để gặp Nhất ngay. Nhưng lúc nào họ cũng bố trí hai đến ba cán bộ trại giam ngồi cạnh để giám sát, nghe ngóng, ghi chép gì đó tôi cũng không rõ.

“Những điều này tôi nghĩ lẽ ra là không nên. Vì dù muốn hay không thì trao đổi giữa luật sư với khách hàng là mang tính riêng tư, có tính chất chuẩn bị cho vụ kiện.

“Về tổ chức mà nói, hiện trại giam thuộc quản lý của cơ quan công an. Quan điểm của cơ quan công an là truy tố ông Nhất. Do vậy họ bố trí công an ngồi đó thì là họ dò xét xem mình nói năng gì, dặn dò gì nhau trước phiên xử… Những động thái như vậy không phù hợp với tiến trình tố tụng công minh.”

Nhận định về phiên phúc thẩm, ông Mạnh nói ông ‘không lạc quan’ về kết quả.

“Tôi có nhiều dịp dự những phiên tòa như thế này, thì phiên tòa sơ thẩm xử như thế nào phiên phúc thẩm họ sẽ xử y án như vậy. Nhưng dù vậy đây cũng là dịp cho các luật sư xới lại vụ án, trình bày thẳng thán với tòa án các điểm mà chúng tôi cho rằng chưa thỏa đáng, thậm chí chưa đủ kể kết tội ông Trương Duy Nhất.

“Trong lần gặp gần đây, ông Trương Duy Nhất có gửi lời thăm hỏi và cảm ơn mọi người đã có sự quan tâm tới vụ án của ông,” luật sư Mạnh nói với BBC News Tiếng Việt.

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất từng tham gia nhiều phong trào biểu tình phản đối luật đặc khu, phản đối Trung Quốc… FB-TDN
Ông Trương Duy Nhất được cho là bị bắt cóc tháng 1/2019 khi đang tìm đường xin tỵ nạn tại Cao ủy LHQ ở Bangkok FB-TDN

Cáo trạng nói gì?

Theo bản án sơ thẩm, vụ việc bắt đầu từ tháng 10/1996, khi báo Đại Đoàn Kết – nơi ông Trương Duy Nhất từng là Trưởng văn phòng khu vực Trung Trung Bộ – có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị được cấp (hoặc thuê) một căn nhà tại địa điểm thuận lợi ở trung tâm thành phố để làm trụ sở văn phòng đại diện.

Báo này không chủ trương xin mua nhà công sản, nhưng ông Nhất – người được giao liên hệ với chính quyền địa phương để xin đất – lại ký văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng xin mua nhà, đất theo diện này.

Sau khi mua được nhà cho báo Đại Đoàn Kết với giá ưu đã là 645 triệu đồng từ UBND TP Đà Nẵng, ông Nhất đã chuyển nhượng cho công ty của ông Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ), để công ty này thay thế nộp tiền, giúp công ty này thâu tóm đất công với giá rẻ.

Cáo trạng nêu đây là ‘hành vi làm trái công vụ’ ‘rất nghiêm trọng’, ‘gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 13 tỷ đồng’.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here