5 nhân vật chính trị Việt Nam năm 2022

1
9
Đồ họa: Luật Khoa.

Năm nhân vật khắc họa bức tranh chính trị Việt Nam trong 12 tháng qua.

Luật Khoa tạp chí December 22, 2022 . 4:51 PM

Đồ họa: Luật Khoa.

2022 là năm đầu tiên của thời kỳ hậu-COVID. Năm nhân vật dưới đây sẽ giúp khắc họa bức tranh chính trị Việt Nam trong mười hai tháng qua.

Chỉ mất vài tuần để người Việt Nam bước vào cuộc tranh cãi chính trị nảy lửa đầu tiên của năm 2022.

Ngày 22/1, thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, ở chính ngôi chùa mà ông đã xuất gia vào năm 16 tuổi. [1] Ông đã để lại một di sản rất lớn về tư tưởng thực hành đạo Phật và kiến tạo hòa bình cho thế giới, cùng với đó là những quan điểm xung đột nhau chan chát về ảnh hưởng của ông.

Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại tỉnh Thừa Thiên. Ông đi tu cùng thời với các nhà sư nổi tiếng như Thích Trí Quang, Thích Quảng Độ. Trong Chiến tranh Việt Nam, Thích Nhất Hạnh được biết đến như là nhà sư chống chiến tranh của khối Ấn Quang do Thích Trí Quang lãnh đạo. [2] Ông cũng được biết đến là một nhà thơ, một nhà văn, một nhà báo, một nhà hoạt động xã hội.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người dấn thân, có quyết tâm và nhiều hoài bão. Năm 1966, ông sang Mỹ để vận động chấm dứt chiến tranh và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấm quay trở về nước. [3] Gần 40 năm sau, năm 2005, ông mới được phép hồi hương, đúng lúc Mỹ chỉ định Việt Nam vào danh sách các nước đàn áp tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới. [4]

Không bao lâu sau khi trở về nước, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kịch liệt chỉ trích chính sách tôn giáo khắc nghiệt của chính quyền Việt Nam, và cả sự nhu nhược của các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước sự kiểm soát nặng nề của chính quyền. [5] Việc lên tiếng này khiến các thiền sinh của ông bị cấm tu tập công khai tại Việt Nam. [6]

Ông thành lập cơ sở tu tập Làng Mai vào năm 1982. Ông để các học viên học rất ít nhưng thực tập rất nhiều. Theo ông, cách thực hành Phật giáo của Làng Mai giúp người học có được hạnh phúc ngay lập tức. Học viên sẽ thực hành đạo Phật qua việc ăn cơm trong im lặng, bước những bước chân thong dong, gìn giữ được hơi thở, nở được một nụ cười, rửa bát, quét nhà trong sự an lạc. [7] Ông từng nói điều quan trọng nhất để có được hạnh phúc là ý thức về hạnh phúc.

Làng Mai đã xây dựng những khóa tu như vậy không chỉ cho các tu sĩ mà còn mở rộng đến hàng trăm nhìn người trên thế giới. Sau 40 năm thành lập, cách thức tu tập đạo Phật này khiến Làng Mai trở thành nơi nổi tiếng về thực hành chánh niệm, và thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành một trong những nhà sư có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Mặc dù vậy, ông bị một phần rất lớn người Việt Nam lên án vì họ cho rằng hoạt động phản chiến của ông trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đã góp phần vào sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975. Đối với nhiều người còn đau đáu với Việt Nam Cộng hòa – kể cả trong nước hay ở hải ngoại – nếu ông không là tội nhân thì cùng lắm cũng chỉ là một nhà sư ngây thơ về chính trị.

Sau khi ông qua đời, Làng Mai vẫn chưa được chính quyền cho phép thành lập tại Việt Nam. [8] Tuy nhiên, dù quan điểm của công chúng dành cho ông có như thế nào đi chăng nữa, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm được một điều mà các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức Phật giáo duy nhất mà chính quyền cho phép thành lập – chưa thể làm được: ông đã phổ biến Phật giáo Việt Nam ra thế giới; xây dựng Làng Mai sánh ngang với các cơ sở tu tập Phật giáo của Tây Tạng, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, nơi có nhiều người phương Tây thực hành Phật giáo. [9]

Bản án gần hai năm tù về tội trốn thuế dành cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh là một cú sốc xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. [10]

Ít ai ngờ được giám đốc một tổ chức phi chính phủ (NGO) có đăng ký hợp pháp, làm việc chặt chẽ với các cơ quan cấp cao của chính phủ và thường xuyên xuất hiện trên mặt báo chính thống trong nhiều năm qua lại vướng vòng lao lý trong một vụ án đậm màu sắc chính trị như vậy.

Ít ai ngờ được rằng kêu gọi giảm khí thải nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch lại đẩy một người vào chốn lao tù như vậy.

Và cũng ít ai ngờ được rằng cái cớ để đẩy bà Khanh vào tù lại là nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với một khoản tiền thưởng từ một giải thưởng về môi trường như vậy.

Có rất nhiều luật chơi cũ đã bị phá vỡ trong vụ án này, và rất nhiều người sẽ phải ngớ người ra mà rằng: “Tôi tưởng…”

“Tôi tưởng chỉ có mấy tổ chức ‘phản động’ mới bị bắt chứ…” Không. Ngụy Thị Khanh có một lý lịch không tì vết về mặt chính trị. Cho tới tận lúc bà bị bắt, với cương vị là giám đốc của GreenID và Chủ tịch Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, [11] bà vẫn là một nhà lãnh đạo dân sự đầy uy tín và được trọng vọng trên các diễn đàn chính thống.

“Tôi tưởng bảo vệ môi trường là tốt chứ sao lại bỏ tù…” Không. Bảo vệ môi trường từng được coi là một lĩnh vực phi chính trị và phi nhạy cảm. Nó rất phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà chính quyền đặt ra trong hàng chục năm qua, [12] cũng phù hợp với diễn ngôn đối ngoại của Việt Nam, giúp mang về những khoản viện trợ nước ngoài rất lớn mà chính quyền cần. Các phong trào bảo vệ môi trường, trên thực tế, là những phong trào xã hội thuộc loại phổ biến và rầm rộ nhất sau các phong trào chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, với đủ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham dự. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, ngay cả việc đảng để cho các hoạt động môi trường diễn ra cũng đã là một quyết định chính trị.

“Tôi tưởng chưa nộp thuế thu nhập cá nhân thì chỉ bị truy thu hay phạt tiền là cùng, như mấy YouTuber ấy…” Không. Các YouTuber, các cá nhân làm việc tự do (freelancer), hay nói trắng ra là gần như bất kỳ ai ở nước ta cũng đã từng hoặc đang trốn thuế thu nhập cá nhân. Con số 456 triệu đồng mà Ngụy Thị Khanh trốn chỉ là “muỗi đốt inox” so với vô số người khác. Và nếu như luật pháp được áp dụng một cách nhất quán từ xưa tới nay với các trường hợp trốn thuế thì tồn tại một khả năng lớn là bà Khanh sẽ biết mà nộp thuế ngay khi lĩnh thưởng. Cũng cần lưu ý rằng tuy trốn thuế là tội phạm kinh tế, vụ án Ngụy Thị Khanh lại do Cơ quan An ninh Điều tra (Công an thành phố Hà Nội) tiến hành điều tra – đồng nghĩa với việc đây là án an ninh quốc gia và trốn thuế chỉ là cái cớ.

Vụ án Ngụy Thị Khanh chỉ là một trong hàng loạt vụ án nhắm tới các NGO có đăng ký trong hai năm qua và tạo ra một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam sau năm 1986. Kể từ đây, khái niệm “án chính trị” ở Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Thông điệp của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất rõ ràng: Không ai an toàn trong cái “lồng thể chế” của chúng tôi, và bàn tay sắt của chúng tôi sẵn sàng vươn xa hơn nữa để nhốt xã hội vào trong cái “lồng thể chế” đó.

Sau đại dịch COVID-19, ngọn lửa “đốt lò” đã hừng hực trở lại trong năm 2022. Chỉ khác một cái, năm nay, lò cháy mạnh sang khối doanh nghiệp tư nhân, thiêu rụi hàng loạt siêu đại gia.

Sự kiện khởi tố ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Việt Á) vì “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 hồi giữa tháng 12 năm 2021 chỉ là khởi đầu cho hàng loạt sự kiện doanh nhân xộ khám kéo theo quan chức gãy cánh trong năm 2022. [13]

Từ đó, làn sóng khởi tố lan khắp cả nước. Cho đến nay, con số bị can bị khởi tố lên đến gần 100 người, mặc dù số liệu do Bộ Công an cung cấp chênh lệch tương đối so với số liệu được Ủy ban Tư pháp báo cáo trước Quốc hội. [14] [15]

Đáng chú ý, trong số các quan chức vướng vòng lao lý vì dính líu tới Việt Á, có những lãnh đạo cao cấp như ông Nguyễn Thanh Long, [16] ông Chu Ngọc Anh, [17] ông Phạm Xuân Thăng. [18]

Quả bom Việt Á làm lung lay uy tín của cả hệ thống chính trị Việt Nam, góp phần hạ màn nhanh chóng sự tô vẽ truyền thông cho bức tranh “lớn nhanh như thổi” của doanh nghiệp “treo đầu dê bán thịt chó”, đồng thời chỉ rõ những tổn thất to lớn, không đáng có mà nhân dân buộc phải chấp nhận, hay nói đúng hơn là bị nhà nước và nhóm lợi ích của nó khuynh loát, trong không khí ngột ngạt và phẫn uất giữa cơn ngạo nghễ chính trị thời đại dịch COVID-19.

Khi “lò lửa” Việt Á còn cháy rực, đến lượt Trịnh Văn Quyết (FLC), [19] Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh), [20] Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) cũng “xộ khám” vì các tội danh kinh tế. [21] Hàng loạt cái chết bí ẩn xung quanh vụ Trương Mỹ Lan càng làm cho không khí xã hội căng thẳng hơn. Đó là chưa kể doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế. [22] [23]

Hiếm khi nào kể từ ngày Đổi Mới, người Việt Nam chứng kiến bàn tay sắt của đảng khuynh đảo khu vực tư nhân như vậy. Giữa giông bão thị trường, văng vẳng lời của người nhóm lò – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Các bác chờ mấy vụ sắp tới sẽ làm. Có vụ tồn tích lâu rồi, nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi nhưng tôi bảo trốn cũng không thể trốn được. Ngồi đấy chờ mà xem trốn có được không.” [24]

Cuộc chiến chống tham nhũng và nhóm lợi ích quan chức-doanh nhân cho đến nay vẫn dựa vào nỗ lực cá nhân của ông Trọng và cái gọi là “quyết tâm chính trị” của một bộ phận quan chức trong Đảng Cộng sản. Như một phân tích của Luật Khoa đã chỉ ra, toàn bộ các nỗ lực này không còn chỉ là thanh trừng phe nhóm như quan điểm phổ biến trong giới quan sát, mà đã thực sự trở thành chiến dịch tự thanh lọc của đảng vì uy tín và sự tồn vong của chính mình. [25] Nó giúp đảng mạnh hơn nhưng không giúp ích gì cho sự hoàn thiện và phát triển của các thiết chế kiểm soát tham nhũng vốn đòi hỏi thay đổi căn bản về triết lý quản trị thay vì cắt bỏ ung nhọt.

Sau cùng, cái người ta thấy vẫn chỉ là những vụ bắt bớ mờ ám, kém minh bạch, chỉ trong đảng họ biết với nhau. Không ai thấy bóng dáng của các công tố viên và thẩm phán độc lập nằm ở đâu. Không ai thấy các đại biểu dân cử giám sát cái gì. Và cũng không ai thấy báo chí điều tra ở nơi nao. Chỉ có mái đầu bạc của vị trưởng đảng vẫn thấp thoáng đó đây, nhắc nhở người dân rằng dù đất nước có lúc thế nọ thế kia, ở nơi này nơi khác còn có những tiêu cực nhất định, nhưng sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng là không phải bàn cãi.

Trong năm 2022, ít có người nước ngoài nào nhắc nhở người Việt Nam về giá trị của dân tộc mình nhiều như bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời của Đại sứ quán (ĐSQ) Ukraine ở Việt Nam.

Lịch sử đã đặt bà ở Việt Nam vào một thời điểm cam go bậc nhất của đất nước bà: cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Bà Zhynkina có một mối liên hệ cá nhân đặc biệt với Việt Nam. Trang LinkedIn của bà cho thấy bà đã học tiếng Việt ở ba trường đại học ở Hà Nội từ năm 2001 đến 2008, làm việc ở một số công ty ở Việt Nam, thậm chí từng mở nhà hàng. [26] Bà làm phiên dịch viên cho ĐSQ Ukraine từ năm 2004 đến 2008 trước khi quay trở lại đây năm 2019. Lần này, có lẽ bà không ngờ rằng có ngày bà sẽ trở thành trung tâm chú ý của dư luận và báo chí Việt Nam trong nhiều tháng trời – khi mà nhiều người Việt bối rối chọn phe trong cuộc chiến Ukraine, và chính quyền Việt Nam cũng không hơn gì.

Vào thời điểm chiến tranh nổ ra, báo đài chính thống trong nước liên hệ phỏng vấn bà. [27] Những ngày này, truyền thông Việt Nam vẫn dẫn lời của bà để chỉ đích danh Putin là kẻ phát động chiến tranh, gọi đây là cuộc xâm lược.

Lần đầu nêu quan điểm về cuộc chiến với truyền thông Việt Nam trên Zing News, bà nói rõ: “Thương vong của cả Ukraine và Nga là tại ông Putin.” [28] (Xin lưu ý rằng tiêu đề và nội dung bài báo đã bị sửa ngay sau đó.)

Đầu tháng Ba, cuộc xâm lược trở thành “chiến dịch quân sự đặc biệt” khi được đề cập ở Việt Nam. Bà Nataliya Zhynkina gần như không còn được xuất hiện trên truyền thông chính thống nữa mà phải tiếp xúc báo chí nước ngoài và các tổ chức xã hội dân sự – những người mà chính quyền vẫn xem là không thân thiện. [29]

Trả lời VOA Tiếng Việt, bà nhấn mạnh: “Tôi muốn thúc giục Việt Nam hãy nêu đích danh kẻ xâm lược, không chỉ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà cả ở các diễn đàn quốc tế khác.” [30]

Việt Nam nhiều lần bỏ phiếu trắngphiếu chống tại các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phản đối cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine. [31] [32] Ngày 3/3, bà chia sẻ trên trang cá nhân: “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng.” [33]

Bà Nataliya Zhynkina sử dụng rất tốt mạng xã hội để gây ảnh hưởng đến người Việt trong cuộc chiến. Những dòng trạng thái ngắn nhưng tạo độ lan tỏa lớn, người Việt ở phe nào cũng đón đọc và tham gia bình luận dù quan điểm khác nhau. Điều này rất khác với ĐSQ Nga tại Việt Nam khi họ hầu như không đăng tải bài viết nào cho đến mùa hè.

Cùng với ĐSQ Ukraine, bà tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa, những buổi quyên góp nhân đạo; [34] tham gia hội chợ, cuộc thi, giải chạy marathon, [35] v.v. nhằm xây dựng hình ảnh lạc quan trong mắt người Việt Nam. Bà Zhynkina với mái tóc đỏ luôn có mặt để gửi đi thông điệp hòa bình từ Ukraine.

Là người am hiểu lịch sử Việt Nam, bà Zhynkina có lẽ cũng nhận ra rằng bà đang làm chính cái việc mà một nửa đất nước Việt Nam đã phải làm cách đây mới chỉ vài chục năm: kêu gọi phản chiến. Những người Việt năm xưa đi khắp thế giới kêu gọi chống Mỹ giờ đây đã im lặng nhìn Ukraine bị nước Nga của Putin xâu xé. Nhưng bà Zhynkina không cô đơn, người dân Việt Nam nhìn cuộc chiến rất khác với chính quyền Việt Nam.

Thích Nhất Hạnh không phải người tu hành duy nhất khiến báo giới và công chúng tốn giấy mực trong năm qua. Các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai còn gây tranh cãi dai dẳng hơn ông rất nhiều. [36]

Có người gọi họ là những kẻ lừa đảo, những kẻ phạm tội loạn luân. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một bản án nào kết tội họ như vậy, nhưng sự việc đã quá muộn màng. Ngay khi vừa bị khởi tố theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân), báo chí nhà nước và một bộ phận lớn của công chúng đã ra ngay bản án phạm tội lừa đảo, loạn luân cho các thành viên nơi đây.

Vào tháng 7/2022, sáu thành viên tịnh thất đã bị tòa án kết án theo Điều 331, mỗi người bị tuyên án từ 3 đến 5 năm tù giam. [37] Điều 331 là một điều luật hoàn hảo để đưa bất cứ ai vào tù chỉ vì họ đã dám biểu đạt quan điểm của mình đối với chính quyền, hay một tổ chức nào đó được chính quyền bảo vệ.

Tịnh thất Bồng Lai đã làm điều đó.

Họ không chỉ lên án chính quyền đối xử bất công với tịnh thất, mà còn chỉ trích Giáo hội Phật giáo Việt Nam độc quyền Phật giáo – không muốn ai khác ngoài giáo hội có thể thành lập một tổ chức Phật giáo công khai. Các thành viên tịnh thất đã đấu tranh cho chính vụ việc của mình, tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì chính họ cũng đang thúc đẩy nới rộng những giới hạn hiện nay về các quyền tự do ngôn luận, tự do hiệp hội, tự do tôn giáo.

Và trong lúc bạn đọc bài viết này, những thành viên tịnh thất đang đấu tranh cho một quyền mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có lúc cần đến: quyền được xét xử công bằng. Vào đầu tháng 11/2022, công an đã quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai. [38] Trước đó, các thành viên nơi đây đã bị cưỡng bức lấy mẫu ADN. [39] Đồng thời trong lúc lấy mẫu, công an cũng đã ngăn chặn các luật sư có mặt cùng các thành viên tịnh thất, trong đó có nhiều trẻ em.

Vụ án Tịnh thất Bồng Lai không còn là một vụ án đơn thuần nữa. Chính quyền là một bên có nhiều quyền lợi trong vụ án này. Có thể dễ dàng thấy hai mục tiêu đằng sau của vụ án có lợi cho chính quyền: cảnh báo việc sử dụng quyền tự do ngôn luận ngoài khuôn khổ cho phép của nhà nước và ngăn chặn việc mở cơ sở Phật giáo công khai nằm ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Xét cho cùng, tội của các thành viên Tịnh thất Bồng Lai cho đến thời điểm hiện nay là họ thực hành quyền của mình ở một nơi không tôn trọng nhân quyền.

Chú thích

1. Văn Tâm. (2022, January 22). Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. 

https://www.luatkhoa.com/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh

2. Thanh Ngọc. (2022, January 26). Lên án thiền sư Thích Nhất Hạnh: Sân si hay chính đáng? Luật Khoa tạp chí. 

https://www.luatkhoa.com/2022/01/untitled-2/

3. Andrea Miller. (2022, September 16). Peace in Every Step. Lions Roar. 

4. Religious Freedom in Vietnam. Assessing the Country of Particular Concern Designation 10 Years After its Removal. (2017, February). U.S. Commission on International Religious Freedom. 

https://www.uscirf.gov/sites/default/files/Vietnam.%20Assessing%20the%20Country%20of%20Particular%20Concern%20Designation%2010%20Years%20after%20its%20Removal.pdf

5. Bảy điểm đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo. (2005, March 25). Làng Mai. 

6. Thích Nhất Hạnh. (2010). Bát Nhã là một công án thiền. Làng Mai. 

7. Knibbe, Guido (2020). Meeting Life in Plum Village: Engaging with Precarity and Progress in A Meditation Center. Cultural Anthropology and Development Sociology. 

https://studenttheses.universiteitleiden.nl/access/item%3A3188291/view

8. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, February 16). Trưởng ban Vũ Hoài Bắc tiếp đoàn đại diện tăng thân Làng Mai. 

https://web.archive.org/web/20220312090754/http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/truong-ban-vu-hoai-bac-tiep-doan-dai-dien-tang-than-lang-mai-postDqKewW4l.html

9. Quốc Phương. (2015, February 28). Làng Mai “trong lòng nước Pháp.” BBC News Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/02/150228_langmai_caroline_vion

10. Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh được giảm 3 tháng tù liên quan tội trốn thuế. (2022, November 21). VOV.VN. 

https://vov.vn/phap-luat/giam-doc-greenid-nguy-thi-khanh-duoc-giam-3-thang-tu-lien-quan-toi-tron-thue-post985425.vov

11. Danh Trọng. (2022, February 9). Bắt bà Ngụy Thị Khanh – giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID – vì hành vi trốn thuế. Tuổi Trẻ Online. 

https://tuoitre.vn/bat-ba-nguy-thi-khanh-giam-doc-trung-tam-phat-trien-sang-tao-xanh-greenid-vi-hanh-vi-tron-thue-20220209134424569.htm

12. Thái Sơn. (2021, September 5). Bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Báo Nhân Dân Điện Tử. 

https://nhandan.vn/bao-ve-moi-truong-gan-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post663275.html

13. Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Công An. (2021, December 18). Khởi tố 07 đối tượng trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương. Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công An. 

https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/khoi-to-07-doi-tuong-trong-vu-an-hinh-su-vi-pham-quy-dinh-ve-dau-thau-gay-hau-qua-nghiem-trong-xay-ra-tai-cong-ty-viet-a-cdc-hai-duong-d22-t30706.html

14. Trần Cường. (2022, October 5). Đã khởi tố 26 vụ án và 94 bị can trong đại án Việt Á. Báo Thanh Niên. 

https://thanhnien.vn/da-khoi-to-26-vu-an-va-94-bi-can-trong-dai-an-viet-a-post1506921.html

15. Nhóm PV. (2022, November 8). Vụ Việt Á đã khởi tố 89 bị can; Tân Hoàng Minh lừa đảo hơn 8.000 tỉ đồng. Báo Lao Động. 

https://laodong.vn/thoi-su/vu-viet-a-da-khoi-to-89-bi-can-tan-hoang-minh-lua-dao-hon-8000-ti-dong-1114031.ldo

16. Nguyễn Hưởng. (2022, June 7). Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt. Báo Người Lao Động. 

https://nld.com.vn/phap-luat/nguyen-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-bi-bat-20220606162940276.htm

17. Thân Hoàng. (2022, June 7). Cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh bị bắt vì liên quan vụ Việt Á thời làm bộ trưởng. Tuổi Trẻ Online. 

https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-ha-noi-chu-ngoc-anh-bi-bat-vi-lien-quan-vu-viet-a-thoi-lam-bo-truong-20220606174328383.htm

18. Thân Hoàng. (2022d, September 17). Bắt cựu bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng vì liên quan vụ Việt Á. Tuổi Trẻ Online. 

https://tuoitre.vn/bat-nguyen-bi-thu-tinh-hai-duong-pham-xuan-thang-vi-lien-quan-vu-viet-a-20220908164500109.htm

19. Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Công An. (2022a, March 29). Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC. Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công An. 

https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/khoi-to-bi-can-bat-tam-giam-doi-voi-trinh-van-quyet-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-cong-ty-cp-tap-doan-flc-d22-t31361.html

20. Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Công An. (2022c, April 5). Khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công An. 

https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/khoi-to-vu-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-xay-ra-tai-tap-doan-tan-hoang-minh-d22-t31424.html

21. Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Công An. (2022g, October 8). Khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông. Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công An. 

https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/khoi-to-vu-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-xay-ra-tai-cong-ty-co-phan-tap-doan-dau-tu-an-dong-d22-t33337.html

22. Bảo Trân. (2022b, November 19). Về vụ bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, có thể xét xử vắng mặt. Báo Người Lao Động. 

https://nld.com.vn/chinh-tri/ve-vu-bi-can-nguyen-thi-thanh-nhan-bo-tron-co-the-xet-xu-vang-mat-20221119054505944.htm

23. Trần Cường. (2022d, November 13). Bộ Công an yêu cầu cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú. Báo Thanh Niên. 

https://thanhnien.vn/bo-cong-an-yeu-cau-cuu-chu-tich-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-ra-dau-thu-post1520282.html

24. Lê Hiệp. (2022, October 15). Tổng bí thư: “Các bác chờ mấy vụ sắp tới sẽ làm, xem có trốn được không.” Báo Thanh Niên; Báo Thanh Niên. 

https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-cac-bac-cho-may-vu-sap-toi-se-lam-xem-co-tron-duoc-khong-post1510776.html

25. Nguyễn Văn Lung. (2022, June 17). Di sản của “đốt lò”: Đảng hoàn thiện, xã hội chỉ thêm nghiện tin đồn. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. 

https://www.luatkhoa.com/2022/06/di-san-cua-dot-lo-dang-hoan-thien-xa-hoi-chi-them-nghien-tin-don

26. Xem:

https://www.linkedin.com/in/nataliya-zhynkina-464bab27

27. Nghĩa Nhân. (2022, February 27). Đại diện Ukraine tại Việt Nam trải lòng về chiến sự Nga-Ukraine. Báo Pháp Luật TP. HCM. 

https://plo.vn/dai-dien-ukraine-tai-viet-nam-trai-long-ve-chien-su-nga-ukraine-post669528.html

28. Minh An. (2022, February 24). Đại biện Ukraine: Thương vong của cả Ukraine và Nga là tại ông Putin. Zing News. 

https://zingnews.vn/thuong-vong-cua-ca-ukraine-va-nga-la-tai-ong-putin-post1298390.html

29. Các tổ chức xã hội dân sự trao thư ‘ủng hộ’ cho Đại biện lâm thời Ukraine. (2022, March 4). VOA Tiếng Việt. 

https://www.voatiengviet.com/a/cac-to-chuc-xa-hoi-dan-su-trao-thu-ung-ho-cho-dai-bien-lam-thoi-ukraine/6470037.html

30. An Tôn. (2022, March 1). Đại biện Ukraine ở Việt Nam: Chúng tôi không sợ đại quân Nga, sẽ không rút vào rừng. VOA Tiếng Việt. 

https://www.voatiengviet.com/a/dai-bien-ukraine-o-viet-nam-chung-toi-khong-so-dai-quan-nga-se-khong-rut-vao-rung/6464256.html

31. Việt Nam bỏ phiếu trắng vụ chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine. (2022, October 13). BBC News Tiếng Việt. 

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjme1y7nej7o

32. LHQ tạm đình chỉ Nga ở Hội đồng Nhân quyền: Việt Nam cùng Lào và TQ chống lại. (2022, April 7). BBC News Tiếng Việt. 

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60597042

33. Nataliya Zhynkina. (2022, March 2). Facebook. 

https://www.facebook.com/nataliya.zhynkina/posts/pfbid07rGEPGrTwcGASRHkcgr7i2ck8QGLtxnyScedwNkUKQjW7EnE6fYMJuXAJUVH2jbjl

34. Sứ quán Ukraine ở Hà Nội làm hội chợ gây quỹ trong lúc Nga đánh Ukraine. (2022, March 5). BBC News Tiếng Việt. 

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60631263

35. Embassy Of Ukraine In Vietnam (2022, October 4). Facebook. 

https://www.facebook.com/UKRinVNM/posts/pfbid0DoDdCda9ahvg2joZ1hycSSjpNGxVT6t7Q6QPi5HQXyn9yT3jihPVKAjeoFkJw9Ril

36. Văn Tâm. (2022, June 22). Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: Rốt cuộc họ phạm tội gì? Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. 

https://www.luatkhoa.com/2022/06/vu-an-tinh-that-bong-lai-rot-cuoc-ho-pham-toi-gi

37. Sơn Lâm. (2022, July 21). Vụ “tịnh thất Bồng Lai”: Tòa tuyên bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/vu-tinh-that-bong-lai-toa-tuyen-bi-cao-le-tung-van-5-nam-tu-20220721200802299.htm

38. Văn Tâm. (2022, November 30). Khởi tố tội lừa đảo tại Tịnh thất Bồng Lai: Vụ án thông thường hay trù dập chính trị? Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. 

https://www.luatkhoa.com/2022/11/khoi-to-toi-lua-dao-tai-tinh-that-bong-lai-lan-ranh-nao-giua-tru-dap-chinh-tri-va-tu-do-ton-giao

39. Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Luật sư yêu cầu công an làm đúng luật trong việc lấy mẫu ADN. (2022). Radio Free Asia. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/peng-lei-buddhist-church-case-lawyers-say-they-requrst-police-to-take-adn-samples-properly-09302022074412.html

I am sorting out relevant information about gate io recently, and I saw your article, and your creative ideas are of great help to me. However, I have doubts about some creative issues, can you answer them for me? I will continue to pay attention to your reply. Thanks.