Vụ án Trịnh Vĩnh Bình và uy tín của Việt Nam với quốc tế

0
976
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh do ông Bình gửi RFA
RFA

Dư luận trong và ngoài nước nhiều ngày nay đang quan tâm đến vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình – một doanh nhân Việt Kiều tái khởi kiện nhà nước Việt Nam, yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ USD bởi những oan sai.

Ông Trịnh Vĩnh Bình – một Việt kiều có quốc tịch Hà Lan, đầu những năm 1990 đã đem theo tiền và vàng về Việt Nam đầu tư, theo sự khuyến khích và giúp đỡ ban đầu của Chính phủ Việt Nam. Công việc làm ăn của ông gặt được nhiều thành công, mở rộng nhanh chóng. Cho đến năm 1996, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ ông với nhiều cáo buộc, trong đó có trốn thuế, hối lộ, và kinh doanh địa ốc trái pháp luật.

Ngay khi sự việc trên xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hết sức quan tâm, đặc biệt là những Việt kiều có ý định về nước đầu tư.

Giáo sư Nguyễn Vi Khải – thành viên Ban nghiên cứu, cố vấn Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) cho biết, Ban nghiên cứu của ông đã có ý kiến, kiến nghị tới Thủ tướng Phan Văn Khải về sự việc của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, môi trường đầu tư tại Việt Nam, đánh mất cơ hội hội nhập quốc tế.

“Thủ tướng có văn bản gửi xuống cho các ngành an ninh, Bộ trưởng công an lúc đó là ông Lê Minh Hương, để xem xét sự việc và tìm nguyên nhân giải quyết theo luật pháp. Khoảng hai lần Thủ tướng yêu cầu Bộ Công An giải trình.”

Tuy có ý kiến của Thủ tướng và sự lên tiếng của nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy khi đó, như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, nhưng phía cơ quan điều tra – công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ quan tư pháp đã xử lý vụ việc bất lợi, tuyên ông Trịnh Vĩnh Bình có tội, phải chịu mức án 11 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản sau 2 lần xét xử.

Giáo sư Vi Khải đánh giá về hệ thống tư pháp Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng tại thời điểm xét xử vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình là áp dụng “án bỏ túi”:

“Cho nên cái án ở Việt Nam xử kiểu gì cũng được. Chánh án Trịnh Hồng Dư cùng thời với tôi nói xử liểu gì cũng được. Án tại hồ sơ, trọng chứng không trọng cung.”

Cũng trong thời điểm đó, tại Hà Lan, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Amsterdam trở thành vị đại sứ “đứng giữa hai làn đạn”. Ông ví công việc của ông như những vị sứ thần thời phong kiến, vừa không được làm nhục mệnh vua, ảnh hưởng đến uy tín của triều đình. Khi xảy ra vụ việc của ông Bình, Tiến sỹ Thắng vừa phải làm theo chỉ thị từ trong nước, vừa phải làm sao để tránh ảnh hưởng đến quốc thể, bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo ông Thắng, quan điểm của chính phủ Việt Nam khi đó là không thống nhất.

“Thực ra tôi đứng giữa hai làn đạn. Mình là đại sứ của Việt Nam mình phải truyền đạt lại cái chỉ thị, chỉ đạo trong nước, đồng thời mình lại là cái cần ăng ten truyền lại trong nước biết ý kiến, phản ứng từ phía Hà Lan. Thực tế mà nói thì không dễ dàng và gặp rất nhiều xung đột, mâu thuẫn.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng hồi tưởng lại, phản ứng của Chính phủ Hà Lan khi đó rất gay gắt, yêu cầu chính quyền Việt Nam phải xét xử lại, không được thực thi phán quyết bất lợi đối với ông Trịnh Vĩnh Bình, và phải thực thi đúng cam kết bảo hộ đầu tư song phương. Trên thực tế, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình khi đó ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Nam – Hà Lan, mà theo Tiến sỹ Thắng là hệ luỵ “hữu hình và vô hình”.

Phải nói rằng việc trao đổi cấp cao thực hiện thoả thuận về kinh tế thời bấy giờ có những cái khó khăn, đặc biệt là vấn đề thương mại. Có những đàm phán hai bên bị gác lại.
– Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng

“Phải nói rằng việc trao đổi cấp cao thực hiện thoả thuận về kinh tế thời bấy giờ có những cái khó khăn, đặc biệt là vấn đề thương mại. Có những đàm phán hai bên bị gác lại.

Tất nhiên không phải trực tiếp nhưng gián tiếp thì lúc bấy giờ các doanh nghiệp bắt đầu làm quen với thị trường Hà Lan và EU nhưng vụ án đó khiến cả hai bên rất khó triển khai các thỏa thuận. Phía Hà Lan họ sợ xảy ra những vụ tương tự. Đó là những khó khăn hữu hình, còn khó khăn vô hình và lòng tin và tình hữu nghị giữa hai nước có giảm sút.”

Cho đến năm 2000, ông Trịnh Vĩnh Bình rời khỏi Việt Nam, trở về Hà Lan và tiến hành khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra toà án tại Thuỵ Điển năm 2003, với sự giúp đỡ của hãng luật Covington Burling của Mỹ. Sau đó, năm 2006, ông Bình và Chính phủ Việt Nam đạt được thoả thuận ngoài toà, ký tại Singapore. Chính phủ Việt Nam chấp thuận xoá án cho ông Bình, bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản cho ông Bình. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.

“Trên thực tế, Việt Nam đã có xử lý, tức là cách nay hơn chục năm thì cũng đã xử một số người, một số vào tù đã hóa điên…tức là có xử lý nhưng xử lý đến đâu, đã triệt để chưa, ổn thỏa chứa thì tôi nghĩ là chưa vì ông Bình vẫn muốn đưa vụ này ra ánh sáng một lần nữa.”

Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện Chính phủ Việt Nam lên Trung tâm Trọng tài quốc tế, trụ sở tại Paris, với lý do chính phủ Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận 2005 và đòi chính phủ Việt Nam bồi thường ít nhất 1,25 tỷ USD.

“Cái lý do mà anh ấy kiện lại thì hóa ra là việc xét xử không công bằng. Ngoài việc đền bù thì tài sản của ông ấy đã không được trả lại. Tài sản không nhỏ nên ông Bình bức xúc và kiện ra Tòa án Quốc tế.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng phân tích kỹ hơn về nguyên nhân này, Phía chính phủ Việt Nam đã đồng ý trả ông Bình tài sản “theo cách hợp lý” và khó thực hiện bởi điều này.

“Tôi nghĩ là, chỉ một cái chữ thêm bớt trong thoả thuận hợp lý ,mà cái giá của cái bổ sung thêm 1 tỷ, đây là cái giá quá đoau xót cho cả hai bên. Bây giờ rất khó cho Vn để hoàn tghanh2 trách nhiệm trong vụ kiện này.

Ngày 21/8/2017, phiên xử đầu tiên của vụ kiện diễn ra tại Paris. Giáo sư Nguyễn Vi Khải tiên lượng, tuy kết quả thắng cuộc của ông Trịnh Vĩnh Bình là “mong manh”, nhưng vẫn có “hệ luỵ nguy hiểm” đối với Việt Nam.

Nếu như mà nhìn xa, thì hệ luỵ rất nguy hiểm, bởi vì người ta sẽ coi nền chính trị của VN nói chung và nên tư pháp, lập pháp của Việt Nam là không minh bạch, độc quyền trong kinh doanh. Điều này làm Việt Nam mất uy tín trong quá trình hội nhập.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định, đây là vụ “đại án xuyên thế kỷ”, thắng thua trong phiên toà là một chuyện, nhưng cả bên nguyên đơn và bên bị đơn đều chịu những nối đau và thiệt hại.

“Ông Bình cả cuộc đời đã thất bại ở Việt Nam. Tôi có nghe một phỏng vấn là bây giờ có cho tiền ông cũng không trở lại. Về phía Việt Nam thì ảnh hưởng rất xấu về môi trường đầu tư, rất đau xót với Việt Nam.”

Một số nhà quan sát cho rằng dù phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Paris có ra sao, thì hình ảnh và uy tín về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với thế giới sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017 và hàng loạt vấn đề đối ngoại khác.