Việt Nam cần làm gì để giảm án oan sai?

0
910
Các nhà báo theo dõi phiên tòa xử Luật sư Nguyễn Văn Đài hôm 11/05/2007 qua màn hình tivi. Ảnh minh họa. AFP photo
   
RFA

Tại buổi thảo luận về Báo cáo giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 6 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội cho rằng hậu quả từ những vụ án oan sai rất nặng nề cũng như đề nghị cần có giải pháp nghiêm túc và chiến lược lâu dài.

Vì sao nhiều án oan sai?

Tại buổi thảo luận về Báo cáo giám sát oan sai vào chiều ngày 5/6/2017, một số Đại biểu Quốc hội nêu lên các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều án oan sai tồn tại ở Việt Nam mà không thể giải quyết được.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Lâm Đồng khẳng định Việt Nam có nhiều án oan sai là do ý thức chủ quan của những người thực thi công vụ. Trong đó, công tác khám nghiệm hiện trường rất yếu, thu thập chứng cứ không đầy đủ cũng như đánh giá chứng cứ khác nhau giữa Công an, Tòa án và Kiểm sát…

Đại biểu của Cử tri đoàn Hải Dương, ông Lê Đình Khanh viện dẫn yếu tố dẫn đến oan sai; bao gồm hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và rõ ràng, cơ chế giám sát chưa hợp lý và thiếu chặt chẽ…Đại biểu Lê Đình Khanh nhấn mạnh đội ngũ cán bộ tham gia điều tra, truy tố xét xử thiếu trách nhiệm và vì muốn đạt thành tích nên gây ra những bản án oan sai cho người dân. Trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Chưởng được ông Lê Đình Khanh đưa ra làm ví dụ điển hình.

Xin được nhắc lại, phạm nhân Nguyễn Văn Chưởng, ở Hải Dương, bị tuyên án tử hình do bị tố cáo là chủ mưu trong vụ án giết chết một thiếu tá công an ở Hải Phòng hồi trung tuần tháng 7, năm 2007.

Mặc dù có chứng cứ ngoại phạm tại thời điểm xảy ra án mạng, nhưng tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã thụ án gần 10 năm và không biết khi nào bị hành hình.

Em trai tử tù Nguyễn Văn Chưởng, anh Nguyễn Trọng Đoàn bị bắt giữ khi đến Công an thành phố Hải Phòng khiếu nại cho anh mình. Anh Nguyễn Trọng Đoàn kể lại đã bị tra tấn, ép cung để nhận tội “che giấu tội phạm” như thế nào:

Nguyên nhân là do “án bỏ túi” là án đã định sẵn. Những người trong vụ án thông thường đi kháng cáo. Nhưng cấp trên bao che cấp dưới.
– Luật sư Võ An Đôn

“Họ đánh rất nhiều. Xong rồi, còn chỉ em nói rằng là ‘vết máu dính trên cửa là máu của anh mày. Thằng anh mày nó to như thế mà còn không chịu được, liệu mày có chịu được không?’ Em không ngờ được rằng một cơ quan pháp luật của Nhà nước Việt Nam lại đánh người dã man còn hơn xã hội đen ở ngoài xã hội, dùng đủ mọi thủ đoạn để đánh người, đủ các vật dụng có thể làm sao có thể tra tấn được người thì họ đều lấy ra. Đến lúc ra tòa thì em cũng nói toàn bộ sự thật nhưng tòa chỉ căn cứ vào chứng cứ điều tra của Cơ quan Công an và tất cả những nhân chứng biết vụ việc thì tòa không hề công nhận”.

Cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con trai suốt 10 năm qua từ địa phương đến Trung ương nhưng kết quả vẫn là vô vọng. Phụ thân, ông Nguyễn Trường Chinh chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về những gì luật sư nói với ông trong quá trình gia đình làm đơn kháng cáo:

“Chúng tôi thuê luật sư mà nhà chúng tôi rất nghèo, bán hết đất, hết vườn, cầm hết nhà để thuê luật sư. Nhưng luật sư bảo rằng ‘Việt Nam không có luật. Nếu thực hiện đúng luật thì chúng tôi có thể cãi cho ông. Luật như các nước khác thì chúng tôi cãi được, còn Việt Nam không có luật nào cả, luật của chúng nó nên chúng tôi chịu thua’.”

Trường hợp án oan sai của tử tù Hồ Duy Hải, ở Long An cũng được Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, thuộc đoàn Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh, nêu lên làm bằng chứng cho việc cán bộ ngành Tư pháp bất chấp các quyền hợp pháp của nghi phạm cũng như có thói quen suy đoán tội dựa vào lời cung khai chứ không theo chứng cứ, lạm dụng nhục hình và thậm chí bao che khi xảy ra vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đôn đáo kêu cứu cho con trai từ cuối tháng 4, năm 2009 cho đến giờ, chia sẻ trong nước mắt:

“Năm nào cũng chạy tiền ra vô (Bắc-Nam) mà không ai để ý tới hết. Cứ kêu la, hết hơi nằm đó rồi công an đuổi về. Không có ai giải quyết giùm hết.”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nói rõ trong số hơn 20 ngàn vụ án thì có hơn 70 vụ án oan sai. Ông Tuyền còn quả quyết tiếng nói của luật sư trong các vụ án oan sai chẳng bao giờ được lắng nghe.

Lên tiếng với RFA xoay quanh ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận về báo cáo giám sát oan sai, Luật sư Võ An Đôn, một luật sư thường nhận bào chữa cho các trường hợp bị oan khiên, khuất tất xác nhận phản ảnh của các vị Đại biểu Quốc hội đúng với thực trạng tố tụng và xét xử tại Việt Nam. Luật sư Đôn cho biết không chỉ những án oan sai về hình sự, như hai trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, mà còn có án oan sai về dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…Luật sư Võ An Đôn nêu ra nguyên nhân chính dẫn đến án oan sai là do các cơ quan xét xử, tiến hành tố tụng không độc lập.

Nguyên nhân là do “án bỏ túi” là án đã định sẵn. Những người trong vụ án thông thường đi kháng cáo. Nhưng cấp trên bao che cấp dưới. Khi sửa bản án, ngoại trừ đưa ra được bằng chứng rõ ràng, còn không thì rất khó. Cho nên luật sư như chúng tôi nhiều khi nản lắm. Không có xét xử công minh theo luật pháp mà người ta đã chỉ định sẵn thôi.”

Giải pháp giảm án oan sai

400.gif
Mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con. Hình do người nhà nạn nhân cung cấp

Các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng hậu quả của các bản án oan sai là hết sức nặng nề, mà sâu xa là làm giảm niềm tin của dân chúng đối với cơ quan bảo vệ luật pháp. Các Đại biểu Quốc hội lần lượt đề nghị những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để tránh tình trạng án oan sai xảy ra. Theo kiến nghị của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội cần sửa đổi ban hành Luật tạm giam, giam giữ theo tinh thần Hiến pháp 2013, sửa Bộ Luật tố tụng Hình sự, thiết kế hệ thống kiểm tra chéo để nghiêm trị khi vi phạm.

Tuy nhiên, một số luật sư trong nước mà chúng tôi tiếp xúc cho biết những giải pháp vừa nêu cũng không mang lại hiệu quả gì cho quá trình xét xử và tố tụng tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hà Luân, trong một lần thảo luận với RFA về án oan sai, ông nói rằng các phiên tòa xét xử từ sơ thẩm cho đến phúc thẩm đều chỉ dựa vào hồ sơ vụ án:

“Cho dù xét xử là sơ thẩm, xét xử lên đến phúc thẩm với những thẩm phán dày dạn kinh nghiệm nhưng các vị thẩm phán đó cũng vẫn chỉ dựa vào hồ sơ mà không xem xét đến những chứng cứ khác.”

Gia đình và tất cả người thân cũng mong có tam quyền phân lập để người dân có được công lý và công bằng, mà không bị oan sai
– Mẹ tử tù Hồ Duy Hải

Qua thực tiễn xét xử và tố tụng tại Việt Nam, giới luật sư trong nước lập luận cho dù những luật định hiện hành được sửa đổi theo như kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội mà tệ trạng mang tính chủ quan của cán bộ ba ngành Công an, Tòa án và Kiểm sát cũng như việc bức cung, dùng nhục hình để ngụy tạo hồ sơ vụ án vẫn tồn tại thì án oan tại Việt Nam không bao giờ được cải thiện. Các luật sư cho rằng chỉ một cách duy nhất là Việt Nam có tam quyền phân lập thì tình trạng án oan sai mới được giải quyết và giảm thiểu tối đa. Luật sư Võ An Đôn nêu lên ý kiến của ông:

“Theo tôi dù có chỉnh sửa đến đâu thì cũng như thế, không có gì mới. Trừ trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng độc lập và có tam quyền phân lập thì khi xét xử mới được công minh và có công lý theo đúng luật pháp. Cho nên có sửa đổi thế nào cũng như vậy. Tôi nghĩ không bao giờ thay đổi được.”

Những gia đình có thân nhân đang gánh chịu các bản án oan sai cũng có cùng mong muốn Chính phủ Việt Nam cần tách bạch “tam quyền phân lập”, như nguyện vọng của mẹ tử tù Hồ Duy Hải rằng “Gia đình và tất cả người thân cũng mong có tam quyền phân lập để người dân có được công lý và công bằng, mà không bị oan sai.”

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here