Tạp ghi – Tường Minh
Tôi biết đến tên anh cũng như bao người khác trên thế giới biết đến tên anh. Một người sáng tác nhạc đấu tranh bị bắt cầm tù. Tôi đi tìm hình ảnh của anh để chèn vào các bài viết của mình, như công việc của một người editor trong một đài truyền hình, cũng bình thường như bao công việc mà trước đây tôi từng làm cho những người đấu tranh cho dân chủ khác ở Việt Nam bị tù đày.
Ngày nhận được email báo chính thức rằng anh sẽ đáp chuyến bay tới Los Angeles ngày 8 tháng 2, bên này, sáng đó tại Houston, tôi đọc sơ lược tiểu sử anh và phát những bài nhạc nổi tiếng của anh trên làn sóng như một lời chào mừng. Việt Nam Tôi Đâu, Anh Là Ai… Nhưng tủ nhạc của tôi không có những bài này với giọng ca của anh, tôi có cảm giác lời ca dù không cuốn hút như Việt Khang hát, nhưng rồi thôi cũng bỏ qua.
Sau đó, dư luận nổi lên một số những ý kiến ngược chiều, đả kích, chê bai anh…. Lòng tôi dấy lên một nỗi buồn phiền lạ lùng, cảm giác như những người đấu tranh vừa được bước đến bến bờ tự do ai cũng bị “tấn công phủ đầu” thay vì mang đến cho họ sự yêu thương ấm áp và nâng đỡ. Nhiều lời trách được nói ra: sao tôi giúp nọ, giúp kia mà không cảm ơn tôi, sao không tung hô người bạn nhạc sĩ khác cũng bị tù tội như anh… v.vv.. Tôi ngồi điều khiển cho một chương trình nói về anh, một người trong chương trình cho là mọi người đã thổi phồng anh là vì lợi nhuận, vì tiền. Bực thật, nhưng cũng chỉ biết càu nhàu với boss rằng không nên làm những chương trình như vậy.
Chú Bách đưa tôi số điện thoại của anh, bảo tôi liên lạc phỏng vấn đi. Tôi cất số điện thoại, nhưng đã không gọi. Vài tuần sau, chú gặp tôi hỏi gọi chưa. Tôi bảo chưa gọi chú ơi.
Sao vậy?
Chắc Việt Khang còn bận lắm, cứ từ từ.
Tự cười mình, vì đó không phải là phong cách của một người làm truyền thông, làm báo. Ai cũng muốn mình là người được phỏng vấn Việt Khang sớm nhất, sao tôi lại lùi.
Cho đến khi ngồi nghe cô Kiều Mỹ Duyên nói về Việt Khang, tôi nghe một câu rất thấm. Nếu có hiểu lầm hay suy nghĩ tiêu cực về người nào, thì hãy gặp người đó đi.
Giờ đây, ngồi nghĩ lại, tôi thấy lời nói ấy đúng thật. Hãy gặp nhau, trò chuyện cùng nhau, tìm hiểu về nhau rồi hãy đưa lời phán xét.
Ai đó nói với tôi Việt Khang sẽ đến Houston cuối tháng 3. Trước cả khi tôi nhận được thông báo chính thức đọc trên đài. Chú Bách lại nói mình gọi Việt Khang làm phỏng vấn. nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng đã không làm điều đó.
Rồi ngày Việt Khang ra mắt đồng Hương Houston cũng tới
Các bạn tôi ở một số nơi bay tới, như Người Buôn Gió từ Đức, anh Điếu Cày bay sang từ Cali cùng với một số thân hữu khác cũng về đây. Chúng tôi cùng nhau ra tham dự đêm nhạc Con Đường Việt Nam ở khu chợ Hồng Kong city mall. Tôi nhận tường trình trực tiếp qua cả Tivi và radio.
Người Buôn Gió và anh Điếu Cày cùng chúng tôi chụp hình chung với Việt Khang, đó là lần đầu tiên gặp mặt. Cảm giác đầu tiên là Ôi chao, anh chàng nhạc sĩ “bé bỏng” thật. Bé như cái kẹo. Vì so với tôi, anh còn thấp hơn một chút. Anh được cảnh sát bảo vệ khá kỹ, nhờ thấy tôi quen nhiều người trong ban tổ chức nên thương tình cho chụp vài tấm hình chung với Việt Khang, sau đó anh bận bịu suốt trên sân khấu nên suốt phần tường trình, tôi vẫn không phỏng vấn được nhân vật chính. Lúc này, bệnh nghề nghiệp lên cơn làm tôi bắt đầu thấy sốt ruột lắm.
Anh Điếu Cày, Người Buôn Gió và các bạn bè ai cũng ái ngại cho tôi vì tôi chưa tóm được anh để làm tròn cuộc tường trình. Tôi dặn anh quay phim ở lại chờ tàn cuộc. Nhưng có lẽ vì đã quá khuya nên người quay phim đã không đợi nổi. Hơn 12h đêm Việt Khang mới chụp hình xong với khán giả. Chúng tôi ra quán ăn tối. Bạn bè nháy nháy kêu tôi tranh thủ phỏng vấn ghi hình vài câu. Nhưng tôi quyết định bỏ luôn không phỏng vấn, vì thấy Việt Khang mệt quá rồi. Lúc ăn, lúc ra về… Việt Khang vẫn còn phải chụp hình nhiều lắm. Tôi cũng là một trong những người chen chúc chụp hình cùng anh… sau này nghĩ lại cứ cười một mình, vì sao cứ chụp chung hoài thế.
Sáng hôm sau, nhận được tin Việt Khang sẽ lên đài để trả lời phỏng vấn trên radio. Tôi ghi vội ra vài câu hỏi chính. Tôi vẫn thích một cuộc trò chuyện, hơn là một cuộc phỏng vấn với một số câu hỏi đặt sẳn cứng ngắc. Lần đầu tiên, tôi cầm phone lên nhắn tin cho Việt Khang.
“khi nào VK tới nhắn mình xuống mở cửa”
Vì là cuối tuần, nên cửa building của đài phải có người có thẻ ra vào mới mở cửa được.
Việt Khang đến với anh Trúc Hồ và chị Diệu Quyên. Anh Trúc Hồ nói ½ tiếng nha em. Tôi cười nghĩ bụng, chết rồi, ½ tiếng chào hỏi thôi đã hết giờ.
Cuộc chuyện trò bắt đầu, nhiều cảm xúc và có lẽ cũng nhiều cảm hứng, tôi quyết định bỏ qua phần thông tin thương mại để cho câu chuyện liền lạc. Cuối cùng, cuộc phỏng vấn đã hơn 1 tiếng mới chia tay. Tự mĩm cười và nghĩ, nếu không phải gấp ra phi trường để về California, chắc tôi còn đưa thêm rất nhiều câu hỏi nữa. Dù gì, lòng cũng rất biết ơn Boss và những người đồng nghiệp của tôi đã giúp đỡ rất nhiều để có được lần trò chuyện này
Sau buổi phỏng vấn, nhiều comments cho rằng VK hiền lành, chân thành, quá dễ thương và khiêm nhường. Tôi cũng có cùng cảm giác như vậy. Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong tôi, không phải là những thứ đó mà là ánh mắt nhìn của anh. Ánh mắt rất sắc bén và sâu thẳm và bí ẩn. Mỗi lần tới chụp hình với VK, anh hay nhìn vào khuôn mặt mình, nhìn vào mắt mình. Tôi không hiểu anh nghĩ gì? Có lẽ, anh nghĩ, cô này, chụp gì mà chụp hoài, bao nhiêu hình chưa đủ sao. Tôi tự phì cười vì ý nghĩ đó.
Con người, ai cũng có những cái duyên với nhau. Có duyên chắc chắn sẽ gặp lại. VK lại đến Houston. Lần này, tôi lại đảm nhiệm một vai trò khác nữa. Boss kêu chụp hình cho VK cho một tờ báo bên Arizona. Chụp trang bìa. Tự nhủ, à, đây mới là dịp tìm hiểu con người này đây.
Chúng tôi lang thang cả buổi chiều đi chụp hình từ trong studio ra đến ngoài biển. Lại một lần nữa, tôi chắn chắn rằng Việt Khang có cái nhìn xoáy vào người đối diện (trong khoảng vài giây). Có lẽ, anh muốn đánh giá con người anh đang tiếp xúc là ai. Và có lẽ, anh có một cái giác quan rất đặc biệt, có thể hiểu người đối diện đang muốn điều gì qua cái nhìn như đọc vào tâm hồn người ta vậy.
Lái xe ra biển khá xa, tôi dè dặt câu chuyện, vì không muốn Việt Khang mất cảm giác an toàn khi đi với một người “làm báo”. Tôi không muốn “khai thác” gì, chỉ nói với nhau những câu chuyện trà dư tửu hậu. Mà ở đời, những chuyện trà dư tửu hậu, có lẽ dễ đem hai người gần nhau hơn. Có lẽ nhờ đó tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều và tôi nghĩ Việt Khang cũng vậy
Anh khá bận rộn với rất nhiều cuộc điện thoại. Tôi muốn anh chợp mắt một chút để ánh mắt đỡ mỏi mệt. Tuy nhiên anh chẳng ngủ được bao nhiêu, có phần vì áp lực thời gian ít ỏi của anh chia cho quá nhiều việc phải làm, phần vì lo tôi đi lạc trễ giờ Không biết vô tình hay cố ý, tôi đi lạc hơi nhiều, và câu chuyện mỗi lúc mỗi cởi mở hơn với nhau.
Phải nói, hai lần gặp Việt Khang, lần nào cũng thấy anh trò chuyện với con trai anh, bằng một giọng “đớt đát” con trẻ vô cùng dễ mến. Qua câu chuyện nghe lỏm qua điện thoại, tôi cảm nhận được tình phụ tử vô bờ bến anh dành cho con…tôi nghe một nỗi xót xa của một người cha, xa cách con mình, chưa biết ngày gặp lại… Tôi nghe lòng mình cũng rưng rưng. Anh bảo, anh là người nghệ sĩ đa sầu đa cảm. Tôi nào phải là nghệ sĩ, nhưng sao cũng mang trái tim đa sầu, đa cảm. Tôi không biết viết nhạc hay hát, nên sầu cảm của mình, chỉ để viết đôi dòng tùy bút kỷ niệm cho mai sau.
Dường như đã hơn 2 lần, anh nói với tôi một câu “ cuộc sống này sao nhiều chuyện phải lo toan quá”
Tôi cảm thấy anh quá lao lực. Tôi đã từng ngạc nhiên khi thấy anh đi những chuyến bay đêm 3h sáng lặn lội khắp nơi, để cất lên tiếng hát, để nói lời cảm ơn. Bạn tôi nói, Việt Khang muốn làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng anh cũng là con người, bé nhỏ, gầy yếu… Anh thiếu ngủ, đến nỗi thị lực giảm sút. Tự nhiên, tôi cảm thấy giận những ai thích trách cứ nhau. Cuộc sống đầy lo toan này, càng thêm mệt mỏi với những lời trách móc.
Chờ mặt trời lặn, chúng tôi chọn một cái nhà hàng cạnh bãi biển để dùng bữa. Gió hôm ấy rất mạnh và khá lạnh. Chúng tôi phải núp vào một bàn trong nhà, ngồi ngắm biển qua khung cửa sổ. Tuy nhiên, suốt buổi ăn, anh cũng bận rộn liên tục với những cú phone. Việt Khang ăn rất ít, do anh không quen mùi vị của thức ăn Mỹ. Những dĩa thức ăn gọi ra còn nguyên cả. Tôi kêu cho mình một ly margarita và mời anh thử. Là người không rượu, không thuốc lá. Nên mới nhấp một ngụm rượu, mặt anh ấy đã bừng bừng đỏ, chờ mặt trời lặn chưa xong, mà mặt trời đỏ hoạch đã mọc trên khuôn mặt anh. Cứ tưởng sẽ hỏng luôn buổi chụp hình, tuy nhiên sau một chút nghĩ ngơi, mặt trời trên mặt Việt Khang cũng lặn, cùng lúc với ánh nắng chiều vừa dịu xuống và chuyển màu vàng cam tuyệt đẹp. Chúng tôi phải vác máy chạy thật nhanh ra chiếc cầu, tôi không có nhiều thì giờ để set up đèn đóm. Gió vẫn giật mạnh từng cơn và trời còn lạnh, chúng tôi vô tình lại chỉ mặc phong phanh có chiếc áo sơ mi trắng, cả thợ chụp hình và người mẫu.
Như buổi phỏng vấn ban đầu đã đăng trên youtube, Việt Khang là một nhạc sĩ đấu tranh, đa sầu, đa cảm… quả thật không sai. Nghe anh ôm đàn thùng, hát bài tội nghiệp thân anh, tôi nghe như có một vết dao êm ái cắt vào lòng. Việt Khang hát hay. Cái hay của giọng hát Việt Khang không phải là những luyến láy điêu luyện được mài dũa kỹ càng, hay một âm vực cao rộng trời cho. Giọng Việt Khang mộc mạc, giản dị mà da diết khôn cùng. Là giọng hát từ trái tim bay ra như một lời tâm sự nhẹ nhàng, một chút phù du, cũng không kém mạnh mẽ. Về nhạc tình, anh hát một cách ray rứt và tình cảm, dỗi hờn nhưng không trách cứ. Nó cứ thế, êm ả đi vào lòng người khác.
Bởi thế, không ai hát những bài hát của anh, cuốn hút, thấm đậm như anh… Tôi thấy mình thật may mắn, khi được nghe tiếng đàn anh, giọng hát anh trong một không gian như thế này. Trời biển bao la, không một bóng người qua lại, tiếng hát không cất cao, nhưng trãi ra khắp đất trời như một làn sương chiều vừa từ đâu kéo đến, mơn man trên mặt nước.
Anh cứ ôm đàn hát, tôi ôm máy chụp. Mặt trời lặn sau lưng, từng giọt âm thanh bềnh bồng trên dòng sông, cho đến khi tia nắng cuối cùng tắt lịm. Tôi kịp ghi lại đôi mắt sâu thẳm, da diết đầy khát khao cháy bỏng lạ lùng. Đôi mắt ám ảnh tôi suốt cả một ngày ngồi sửa hình, đăng báo… Ám ảnh cho đến tận hôm nay. Tội nghiệp thân anh! Thân chúng ta, thân những người Việt Nam mất nước, tha hương!
Sunday, Apr 22, 2018