Vấn đề phiên âm thời nay 

0
43
Trang 78, 79 sách tiếng Việt lớp 4 hướng dẫn cách viết tên người, tên địa lý nước ngoài.
   

Nguyễn Tuấn

23 tháng 9 lúc 16:27

Bạn có biết những cái tên sau đây: Mô-rít-xơ Mát-téc-lích, Lốt Ăng-giơ-lét, Critxtian Anđécxen, Ốt-xtrây-lia ? Đó là kiểu phiên âm làm khó người Việt. 

Thời xưa (tức trước 1975) ở trong Nam, những người thuộc thế hệ tôi rất quen với những cái tên như Vạn Tượng, Nam Vang, Miến Điện, Tích Lan, Ba Tây, Á Căn Đình, Cựu Kim Sơn, Ba Lê, Luân Đôn, v.v. Sau này tôi mới biết đó là cách mà các vị tiền bối (trước 1954) đã phiên âm từ ngôn ngữ gốc sang Hán Việt. 

Phiên âm có nghĩa đơn giản là ghi cách đọc sao cho mại mại, hao hao so với nguyên ngữ. Phiên âm từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ bản địa có vẻ là bình thường. Phiên âm sẽ không bao giờ đúng với nguyên ngữ, và do đó, không có phiên âm đúng hay sai. Người Hoa, người Nhựt Bổn phiên âm các tên phương Tây sang tiếng Hoa, tiếng Nhựt để cho dân họ dễ đọc. Chẳng hạn như người Hoa gọi Tổng thống Reagan là “Li Gèn”. Người Nhựt gọi Việt Nam là “Beto Namu” vì họ không có âm /v/.

Đây là cuốn sách viết về văn hoá đàng trong rất thú vị. Cái note này lấy dữ liệu từ sách này.

Các bậc tiền bối chúng ta khi đối diện với những cái tên phương Tây cũng đã phiên âm sang tiếng Việt để cho chúng ta dễ đọc. Một số tên như Russia, Austria, Turkey và Portugal thì được chuyển ngữ (Việt hoá). Do đó, chúng ta đã có: 

* Malaysia = Mã Lai Á 

* Indonesia = Nam Dương 

* Philippines = Phi Luật Tân 

* Hong Kong = Hương Cảng 

* Macau = Áo Môn 

* Burma = Miến Điện 

* Sri Lanka = Tích Lan 

* Austria = Áo 

* Australia = Úc Đại Lợi 

* Russia = Nga 

* Italia = Ý Đại Lợi

*  Turkey = Thổ Nhĩ Kỳ

* Spain = Tây Ban Nha 

* Portugal = Bồ Đào Nha 

* Romania = Lỗ Ma Ni

* Hungary = Hung Gia Lợii

* Rome = La Mã 

* Paris = Ba Lê

* London = Luân Đôn

* San Francisco = Cựu Kim Sơn

* v.v. 

Còn tên thì càng phong phú:

* Thánh Alphonsus = An Phong

* Thánh Augustinus = Âu Tinh

* Thánh Vincentius = Vinh Sơn

* Lambert = Lâm Bích

* Theophane = Thiên Phong 

* Maria Madelena = Mai Đệ Liên 

* v.v. 

Xin nhấn mạnh là những cách phiên âm trên chỉ hao hao với nguyên ngữ thôi, chớ không thể chính xác 100% được. Phiên âm hay Việt hoá là dùng tiếng Việt để ghi cách đọc tiếng nước ngoài, và chỉ để cho người Việt đọc.

Tên một số thành phố được phiên âm tiếng Việt trong bài thực hành trang 19 sách Địa lý lớp 8.

Phiên âm thời nay 

Sau này, chẳng hiểu xuất phát từ đâu và khi nào mà có những cách phiên âm hết sức kì cục. Chẳng hạn như Sách Địa lý lớp 7 viết tên các địa danh như 

* Niu I-oóc = New York 

* Xơ-un = Seoul 

* Xao Pao-lô = São Paulo  

* Mê-hi-cô Xi-ti = Mexico City 

Đó là chưa kể đến những chữ Tây chẳng ra Tây, mà Ta thì càng chẳng ra Ta: 

* Tô-mát Ê-đi-xơn = Thomas Edison 

* Lốt Ăng-giơ-lét = Los Angeles 

* Tôkiô = Tokyo

* Amadôn = Amazon 

* Anbe Anhxtanh = Albert Einstein 

* Critxtian Anđécxen = Christian Andersen

* Mô-rít-xơ Mát-téc-lích = Maurice Maeterlinck

Nếu chú ý kĩ vài phiên âm trên là sai (nếu lấy tiếng Anh làm chuẩn). Ai mà biết mấy địa danh và danh nhân trên? Nhức đầu. Tưởng là làm giàu tiếng Việt nhưng hoá ra là phá tiếng Việt.

Thật khó biết Ốt-xtrây-lia là nước nào. Hoá ra là Australia. Phiên âm sai quá.

Cố Giáo sư Cao Xuân Hạo từng gọi hiện tượng trên là ‘Cuồng phiên âm’, và ông chỉ ra những sai lầm tai hại trong cách phiên âm trên. Chẳng hạn như ông chỉ ra rằng tiếng Việt không bao giờ kết hợp 2 phụ âm kiểu “xt” (trong Ốt-xtrây-lia), “xc” (trong Mát-xcơ-va), hay “xk” (trong Bê-lin-xski). 

Có ý kiến cho rằng phiên âm kiểu như trên là để hội nhập. Nhưng xem ra lí lẽ này không thuyết phục. Tại sao chúng ta vẫn gọi Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Hoà Lan mà không phiên âm theo nguyên ngữ? Tại sao người Anh, người Pháp (và nhiều sắc dân khác) cũng phiên âm. Chúng ta có những cái tên như Kim Jong-un (Kim Chánh Ân), Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), Mao Zedong (Mao Trạch Đông), v.v. là từ phiên âm cả. Vấn đề không phải là ‘hội nhập’ gì cả, mà có lẽ là ý đồ xoá bỏ cách phiên âm của các tiền bối chúng ta. 

Tác giả Việt Thư và Dương Kiều trong cuốn sách ‘Vọng’ gọi đó là kiểu “phiên âm cõi trên”. Nó đi quá xa, làm cho tiếng Việt khó hiểu, bất chấp qui chuẩn chánh tả tiếng Việt. Hai tác giả nhắc lại rằng “Phiên âm sang tiếng Việt là để cho người Việt đọc. Căn bản của mọi thứ phiên âm là phải theo đúng với cách phát âm và phép chánh tả của tiếng Việt.”

Cách phiên âm theo kiểu ngày nay làm khó học sinh, sinh viên chúng ta [1]. Nên bỏ cách phiên âm kì cục này đi. 

____

[1] https://vnexpress.net/phien-am-ten-nuoc-ngoai-thuan-tien-hay-can-tro-hoc-sinh-4379291.html

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here