RFA
Theo tin từ giới tranh đấu trong nước, tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Minh Thúy đã được trả tự do khỏi nhà tù số 5 Thanh Hóa vào sáng ngày 5/5/2017.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy là một cộng sự của ông Nguyễn Hữu Vinh, người phụ trách trang web AnhBaSam chuyên điểm tin, thu hút rất nhiều độc giả trong và ngoài nước quan tâm đến tình hình Việt Nam.
Cả hai người bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ công an bắt khẩn cấp vào ngày 5/5/2014 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/3/2016, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.
Đến ngày 23/3/2016, tòa sơ thẩm Tòa Án Nhân Dân Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm; tức ông Nguyễn Hữu Vinh bị y án 5 năm tù giam, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều tổ chức bênh vực nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối các bản án này, chỉ trích Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.
Riêng trường hợp bà Nguyễn Thị Minh Thúy, các tổ chức tranh đấu cho quyền của phụ nữ trên thế giới đã nhiều lần kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà cũng như các phụ nữ tranh đấu tại Việt Nam.
Nói với Đài Á Châu Tự Do nhân kỷ niệm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 vừa qua, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch cho rằng:
“Các nhà hoạt động nữ ở Việt Nam rất dũng cảm. Họ đang phải đối mặt với những đe dọa, hành hung từ lực lượng công an mặc sắc phục và thường phục, bao gồm cả những nhóm côn đồ tấn công họ, đánh đập họ. Những nhà hoạt động nữ dù dũng cảm không kém những đồng nghiệp nam của mình nhưng họ lại dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với những đe dọa truy bức từ chính quyền.”
Cũng theo ông Phil Robertson thì: “Họ là những người đóng vai trò người đi đầu. Cho nên theo tôi đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận vai trò quan trọng của họ không kém các đồng nghiệp nam trong việc đấu tranh thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.”
Được biết, ngoài trang BaSam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy còn cùng với ông Nguyễn Hữu Vinh phụ trách các trang Dân Quyền và Chép Sử Việt.