Truyện dài Lâm Nghiệp – Giấc Mơ Hoa

3
41
Hình: Sân thượng cư xá Nữ, đại học Nông Lâm năm 1987, các nữ sinh phòng 9C.
   

Lưu Thủy Hương

25 tháng 1 lúc 22:16

CHƯƠNG 2: HỠI CÔ EM BÉ NHỎ

*

Buổi sáng, Võ cô nương ở nhà đạp xe lên cư xá, đám bạn phòng 9C vừa thấy mặt là vui vẻ hỏi thăm: “Cho gà ăn chưa mà lên”, “Rửa rau heo xong chưa mà lên”.

Nhiều đứa trong phòng 9C tới nhà chơi biết Võ cô nương rất vất vả chuyện gia đình. Ở trong trường lả lướt như tiểu thư, lượn lờ thong dong như cá bảy màu vậy chứ về nhà làm việc còn hơn công nhân trại chăn nuôi. Con người ở nhà không giống con người trong trường chút xíu nào, bạn bè thình lình tới chơi, thấy bộ dạng lem luốc của Võ cô nương còn tưởng là con nhỏ nào khác. May mà tụi nó tới trúng lúc cô nương tắm heo, cho heo ăn chứ không tới lúc cô nương đi chăn bò, rù rì tâm sự với bò. Lỡ tụi nó thấy là tụi nó thất vọng, hết dám làm mai Võ cô nương cho ai.

Sáng nào cô nương cũng dậy rất sớm, cho bò ăn, rải cám gà, hốt phân heo, rồi chạy ra chợ mua rau. Chất cả núi rau lên xe đạp, mang về nhà còn phải rửa sạnh sẽ. Vùng Tam Hà nuôi heo nhiều lắm, nước từ chuồng heo xả thẳng xuống ruộng rau muống, nên mỗi khi có dịch tiêu chảy là heo cả vùng nhiễm bệnh. Trại heo chết hàng loạt, lây sang nhà nông, không khí tàn mạt u ám cả xóm. Gia đình Võ cô nương lúc nào cũng phải rửa rau cẩn thận, qua ba nước xả, mùa dịch còn phải rửa rau bằng thuốc tím. Chị Hai ra trường làm ở trại heo giống, nhà bắt đầu nuôi heo nhiều, kinh tế gia đình sáng sủa hơn nhưng lại trăm ngàn khổ cực.

Hơn mười con heo, mấy chuồng gà công nghiệp, vài bầy chim cút, một đàn gà, một đàn vịt. Ba má không có con trai, chỉ có ba đứa con gái chân yếu tay mềm. Trong đó, bàn tay của cô nương là ít yếu mềm nhất, nhưng cũng không cứng cỏi gì cho lắm.

Vào một ngày không có sinh nhật, Võ cô nương còn được tặng thêm một con bò. Nhờ con bò mà cô nương có nhiều thời gian đọc sách hơn, có bạn hiền để tâm sự và hiểu ra những khái niệm trừu tượng, vì con bò này không hề ngu như người ta tưởng. Nó khôn giàng trời, cứ thấy cô chủ đi học về là nó la ó, đòi đi chơi, đi tâm sự. Cho ăn gì nó cũng cứ la, nên buổi chiều nào cô nương trốn lại trường đánh banh là sung sướng lắm, chứ về sớm là phải đi chăn bò, làm bạn với bò và mơ màng đọc sách triết cho bò nghe.

Thành ra, đánh banh không chỉ là niềm đam mê thể thao mà còn là những giờ phút trốn chạy sự thật. Ai làm việc nhọc nhằn thì biết, người ta thường tìm cách trốn vào một một niềm đam mê nào đó rồi lú lẫn trong đó. Mà cái vụ bóng chuyền này lú lẫn ghê lắm, loanh quanh suốt bốn năm trên sân banh, không thoát đi đâu được. Rồi còn bị con ma bóng chuyền làm cho ngơ ngẩn, rối ren, mất đi bao nhiêu mối quen biết mà lẽ ra là sẽ thành mối tình.

Nếu buổi sáng làm hết việc nhà thì buổi chiều có thể ở lại chơi bóng chuyền tới khi mặt trời gần lặn. Nhưng rồi cũng chỉ chơi một tuần hai buổi, mùa thi đấu mới phải tập mỗi ngày. Khi ánh mặt trời nhạt nhòa sau dãy nhà Tám Gian, cô nương hốt hoảng bỏ dở trận đấu, quơ chiếc xe đạp phóng chạy. Đường về nhà xa lắc, qua hai cánh rừng cao su đầy tội ác, qua ba cái nghĩa địa lạnh lẽo, qua những bãi đất hoang ghê rợn. Khi mấy bạn Kinh Tế Lâm Đồng tới nhà chơi, họ còn tính thêm một bãi cát khổng lồ nữa.

– Muốn vô được nhà Phương, tụi anh phải đi ba đứa. Một đứa lái xe, hai đứa đẩy phía sau mới vượt qua được bãi cát.

Vậy đó, gian khổ ghê. Thành ra, họ tới nhà được hai lần rồi biến mất. Mà cũng không biết tới với ý đồ gì.

Thường là khi đánh banh say sưa, người ta không chú ý giờ giấc. Bỗng thấy mặt trời sắp tắt là cô nương la lên “thôi, chết rồi”, la tới đó rồi hớt hải dắt xe chạy, không kịp chia tay ai. Bạn chơi chung đều cười xòa, vì họ thấy quen rồi, nhưng không ai hiểu, cô nương còn một quãng đường kinh khủng phải vượt qua. Hôm nào ham chơi về trễ, ba phải đi ra tới cổng nghĩa địa đón, thấy con gái mặt mày đỏ kè hoảng hốt phóng xe qua mấy dãy mồ mả đầy cỏ dại là ba cười. Ba chỉ cười thôi, không bao giờ la. Nhưng ánh mắt lo âu của ba nói lên nhiều điều lắm, cho nên, dù mê banh tới cỡ nào, cô nương cũng không dám về quá trễ.

Nếu hồi đó có người muốn đưa về, chắc cũng không từ chối đâu, vì cảm giác đạp xe một mình trong buổi chiều tà qua những nơi đầy nguy hiểm rất là dễ sợ. Nhưng không có ai đưa cô nương về, tìm một người đủ bản lĩnh đưa mình đi suốt con đường dài như vậy đâu có dễ. Một người đủ bản lĩnh để có thể hiểu rằng, cô nương chỉ là một đứa con gái nhút nhát và đầy sợ hãi, một người đủ bản lĩnh để có thể bảo bọc một người tưởng như không biết sợ hãi là gì.

Mà nếu có một người như vậy xuất hiện, liệu mình có còn mê đánh banh không?

*

Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa

Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa

Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già

Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa

Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ…

Chữ “cô em bé nhỏ” sao ngọt ngào quá. Những ngày mưa, đạp xe lên con dốc dài hoang vu, lẩm nhẩm hát bài này nghe nỗi cô đơn biền biệt trong màn chiều. Bên cạnh mình vẫn là một khoảng lạnh vắng và cô đơn. Nhưng nỗi cô đơn ở tuổi hoa niên êm dịu lắm, nó không buồn rũ rượi mà ngược lại, nó rất ngọt ngào. Cánh cửa mở ra trước mắt, chờ người nắm tay mình bước qua, một người hứa sẽ bảo bọc mình trên con đường hoang vắng.

Nhưng rồi không có ai đủ bản lĩnh đưa Võ cô nương đi về, chỉ con ma bóng chuyền cứ lôi kéo ở lại cho đến khi tắt nắng thì nó buông tha, mặc kệ cô nương đối phó với sự sợ hãi sau đó. Bởi vậy mà con ma này rất… cà chớn. Nó chả tốt lành gì.

Buổi tối nhà cũng nhiều việc, cơm nước dọn dẹp xong cô nương còn phải phụ ba nấu rượu, nấu thuốc tiêu chảy cho heo. Nhiều hôm thức đến khuya, ngủ gục bên trang sách, sáng lại phải dậy sớm. Võ cô nương tung tăng trên trường, thảnh thơi lạng qua lạng lại làm xốn mắt nhiều người chứ bước ra khỏi trường là lam lũ, vội vã vậy đó. Nhiều bà già khó tính trong cư xá còn chê “con đó nhìn cái tướng ham chơi, ai mà rước trúng nó… thì”, thì sao chả biết ha. Nghe đồn tới tai, cô nương lại khoái chí cười khì khì, để họ nghĩ vậy tốt hơn là để họ nói con nhỏ đó chăn bò, hốt phân heo mà làm cao.

Buổi sáng, rửa rau xong, còn phải dọn chuồng heo, tắm heo, phụ má cho heo ăn sáng. Thành ra, heo ăn rồi mà người chưa kịp ăn gì.

Tới giờ đi học cô nương xách xe chạy, ngang qua qua ga Sóng Thần ghé mua gói xôi. Nhỏ bạn học chung cấp 3 bán sách báo ở đó, ghé mua xôi cũng để cười với nó một cái, chứ trên đường đi học chỗ nào không có xôi.

Hồi đi học con nhỏ bạn cũng nghịch phá lắm, bạn mà không biết nghịch thì khó chơi được với cô nương. Mấy đứa nữ sinh lớp 11H thì ồn ào vui tính, mỗi đứa vui một kiểu. Nhưng đám bạn thân của Võ cô nương không chỉ vui mà còn nghịch ngợm. Con gái tan học về là “ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay”, mấy em nữ sinh lớp 11H tan học về còn xách súng nước xịt mấy anh lớp 12D. 

Mỗi em một cây súng, phóng xe đạp ào ào xuống dốc Nhà Thờ, miệng la chí chóe như đặc nhiệm tấn công mafia. Chạy hết dốc Nhà Thờ thì súng vừa hết nước, khoan khoái vui vẻ chia tay nhau, ai về nhà nấy. Mấy nhỏ đó là dân Xuân Hiệp, bị con trai trong lớp gọi là mấy bà chằng Xuân Hiệp, tụi nó tới ngã Năm – bùng binh chợ Thủ Đức – thì rẽ hướng bên phải lên dốc Gà Quay. Võ cô nương đạp xe đi thẳng về hướng Tam Hà, tụi con trai trong lớp hay gọi cô nương là “gà rù Tam Hà”. Nhiều biệt danh quá, biệt danh nào cũng xấu hoắc. Võ cô nương ghét mấy biệt danh rất xấu đó vì mỗi cái đều gắn liền với kỷ niệm thiệt buồn và sự độc ác của con người.

Dân Thủ Đức hai bên đường vốn quen đời sống bình yên, tới giờ bạn bè Võ cô nương tan học là họ hoảng hồn. Con đường đẹp nhất, thơ mộng nhất Thủ Đức bỗng náo loạn như có cướp. Mà là cướp có súng ống vũ trang đàng hoàng. Tuổi đó còn chưa biết yêu, chỉ biết bắn súng nước, thích anh nào thì cứ bắn anh đó cho ướt áo. Bỗng nhiên cuối năm lớp 11 nhỏ bạn bỏ cuộc vui, lấy chồng rồi lam lũ sớm. Hai đứa bằng tuổi nhau, cùng tuổi con khỉ, mà nó ôm hai nách con, nụ cười tươi vui ngày nào biến mất không còn chút dấu vết. Gặp bạn thì thương lắm, nhưng không biết nói chuyện gì, hai đứa có cùng mơ ước, cùng tâm tư nữa đâu mà nói. Nhiều buổi chiều cô nương ghé quán báo của nó, ngồi đọc sách giữa bụi bặm. Phần nhớ bạn, phần mê sách. Quán có rất nhiều truyện hay, để bán cho dân đi xe lửa, mà thời đó thiếu sách lắm, được đọc sách ké là cả một sự may mắn. Nó hỏi:

– Ồn ào, nắng nôi vậy mà đọc được hả, con gà rù.

– Được mà, tao ngồi đâu đọc cũng được.

Nhưng cô nương chỉ ghé nó lúc buồn, ngồi chỗ ồn ào cũng đỡ thấy buồn. Lúc vui, người ta thường không đọc sách.

Ga Sóng Thần có gánh xôi quen. Bà già biết Võ cô nương thích xôi vò gói bánh phồng, lúc nào cũng gói sẵn cho một gói. Vừa gò lưng đạp xe lên trường vừa gặm xôi. Thành ra chỉ chạy xe bằng một tay. Võ cô nương thuận cả tay trái lẫn tay phải, đập banh tay trái, ăn xôi tay trái, viết nhật ký cũng bằng tay trái. Trái tim mình ở bên trái mà, viết nhật ký tay trái thấy lòng êm dịu lắm.

Từ ngã tư Xuân Hiệp lên tới Nông Lâm phải qua mấy cái dốc, ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng mà phóng nhanh lên tới phòng thì mệt lắm. Nhưng liệng xe đạp ở chân cầu thang rồi là hết mệt, chạy một mạch lên tầng ba, hy vọng còn kịp đùa giỡn với bạn bè trước giờ đi học. Nữ sinh khoa Trồng Trọt, Cao Su, Dâu Tằm ở tầng ba, còn gọi là tầng C. Tầng hai là sinh viên Chăn Nuôi Thú Y, gọi là tầng B. Tầng A trệt được chia cho Kinh Tế, Thủy Sản.

Ở hai đầu tầng C và B có ban công thông ra bên ngoài, từ đó ánh sáng và không khí có thể lùa vào hành lang. Nhưng hai cánh cửa ban công này thường bị sinh viên đóng lại để nước mưa và gió lùa không tràn vào, nên khoảng không gian hành lang dài thườn thượt luôn tối tăm ẩm thấp. Đèn điện lại không bao giờ sáng, sinh viên cứ phải lò mò đi trong bóng tối. Nghe tiếng chuột chạy dưới chân mà không rõ chuột to hay chuột nhỏ. Ngửi mùi hôi ghê rợn ở đâu đó mà không biết mùi hôi của chuột hay của người.

Phòng 9C nằm ở cuối hành lang tầng C. Đi hết hành lang tối thui, ẩm thấp, đầy mùi phân chuột là tới. Võ cô nương có đăng ký nội trú nên được ban quản lý cư xá chia cho giường ngủ ở phòng tám người, còn được gọi là phòng lớn. Nhưng cái giường đó chỉ để ngủ trưa (mà trưa cũng chả bao giờ ngủ), ban đêm cũng hiếm, một tháng cô nương chỉ ở lại cư xá một vài lần vào những dịp vui. Xa nhà, lạ chỗ, không ngủ được, chỉ biết chờ tụi bạn đi chơi với người yêu về để lên sân thượng hát hò, tâm sự. Không có người yêu mà ở lại cư xá buồn lắm, đêm như dài ra – bất tận, căn phòng như rộng ra – thênh thang.

Cô nương vừa vô tới phòng là thấy mấy nhỏ bạn nhìn mình cười tủm tỉm. Lúc đầu còn tưởng cả phòng thi đậu môn Cây Công Nghiệp.

– Có điểm thi rồi hả?

– Làm gì có. Ờ làm gì có. Hôm nay lên sớm ha, Phương.

Không có điểm thi mà cười cười kiểu đó thì chỉ có chuyện nghịch phá thôi. 9C mà.

Nhỏ B còn giả bộ hỏi tào lao vài câu đại loại:

Cho gà ăn chưa mà lên.

Rửa rau heo xong chưa mà lên.

Toàn những lời thân thương nhưng nhiệt tình một cách khác thường. Cô nương mở hàng luôn cho tụi nó khỏi ế:

– Muốn gì nói luôn đi, cười hoài mệt quá.

Nhỏ B đi vô vấn đề:

– Ê, Phương, chiều nay mày ở lại đi. Hihi.

Hồi đó, cách xưng hô trong phòng 9C gần như có luật bất thành văn. Bằng tuổi hay hơn thua một tuổi thì mày, tao. Hơn hai tuổi thì xưng tên. Hơn nhiều nữa thì chị, em.

Võ cô nương với đám con gái 9C phòng lớn thường gọi nhau mày tao:

– Thì chiều nay tao ở lại đánh banh mà.

Nhỏ C cười thiệt dễ gần:

– Ai mà nói chuyện đánh banh. Hôm nay khỏi đánh banh, cho mấy ông Lâm 10 của mày nghỉ ngơi.

– Ha? Cái gì? Lâm 10 mắc mớ gì của tao?

Nhỏ Đ lại cười cười:

– Chứ xuống hoài dưới đó làm gì?

Bạn với nhau chừng đó năm, nghe giọng nói, nhìn mặt cười cười là biết sắp có chuyện bậy bạ rồi. Thành ra Võ cô nương phải hết sức nghiêm túc với tụi nó, phải ngăn chặn sự bậy bạ của tụi nó, không thì cả phòng cười sập cầu thang luôn.

– Xuống đánh banh chứ làm gì. Mấy ổng của ai tao đâu có biết.

– Chán mày quá luôn, lúc nào cũng không biết gì hết. Chiều nay mày ở lại đi, xem mặt người yêu.

Hóa ra là kế hoạch mai mối đã được dàn dựng cả đêm hôm qua, hay từ nhiều ngày trước đó.

*

Võ Thu Phương – Lưu Thủy Hương 

Hình: Sân thượng cư xá Nữ, đại học Nông Lâm năm 1987, các nữ sinh phòng 9C.

————

Advertisement
   

3 COMMENTS

  1. Thanks I have recently been looking for info about this subject for a while and yours is the greatest I have discovered so far However what in regards to the bottom line Are you certain in regards to the supply

  2. Fantastic beat I would like to apprentice while you amend your web site how could i subscribe for a blog site The account helped me a acceptable deal I had been a little bit acquainted of this your broadcast offered bright clear concept

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here