TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.3)

    0
    270
    H.1 Số lượng users của các Mạng xã hội lớn nhất.

    III. CHIẾM GIỮ KHÔNG GIAN MẠNG VÀ TÀI NGUYÊN DỮ LIỆU LỚN

    Mạng Internet đang tạo ra một thế giới mạng và công dân mạng. Trong thế giới mới này đang dần hình thành các quốc gia mạng, cộng đồng mạng là các hệ sinh thái quy mô lớn nhỏ khác nhau như các mạng xã hội, các công cụ messenger và các group, các trang web nhất là hệ thống thương mại điện tử v.v. Các quốc gia mạng này ngày càng lớn mạnh và số cư dân đã vượt cả các quốc gia địa lý. Tạm thời thế giới mạng còn khá hoang sơ và thoả sức chiếm lĩnh như không gian địa lý quả Đất thời cổ đại. Các cường quốc địa lý tiềm lực lớn nhỏ khác nhau đang đẩy mạnh quá trình chiếm giữ không gian mạng.
    Đi đầu là Mỹ: họ đang tạo ra chuẩn mực cho thế giới ấy.
    Nước Nga kiểm duyệt khá chặt, bên cạnh đó họ đang tạo ra một mạng internet độc lập để khi cần ngắt kết nối mạng internet toàn cầu họ vẫn có internet của riêng mình để tránh phụ thuộc.
    Trung Quốc, nắm chắc vị trí thứ 2, đang quản lý mạng internet không khác gì quản lý kinh tế: quản lý tập quyền tập trung, kiểm duyệt gắt gao, phát triển doanh nghiệp nội địa (thân hữu?) củng cố vị thế đánh ra bên ngoài. Trung Quốc không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để phủ các khoảng trống quyền lực của không gian internet và dù là nước đi sau nhưng đã có các bước đi tham vọng để tìm cách thống trị, quản lý internet nhằm làm công cụ quản lý thế giới địa lý và khai thác tài nguyên số hiện đang khá dễ tiếp cận trong thế giới này.
    Hãy thử nhìn vài con số:

    1. Xúc tu công nghệ Trung Quốc đang vươn rộng ra
    Danh sách Top 20 công ty Internet toàn cầu có giá trị thị trường lớn nhất bao gồm 11 công ty từ Mỹ (từ Apple đến Uber) và 9 từ Trung Quốc (từ Alibaba đến Bytedance).
    Chúng ta không cần nói đến sự thống trị về công nghệ của Hoa Kỳ – mọi người đã nhìn và thấy bằng chính mắt mình trong hàng chục năm qua sự đi đầu và phát triển thống trị của đất nước này.
    Nhưng có lẽ chúng ta biết không đầy đủ lắm về sự bành trướng của Trung Quốc trong sử dụng công nghệ để chiếm lĩnh không gian mạng và thu thập dữ liệu lớn như thế nào.
    Nếu chỉ đọc các phương tiện truyền thông đại chúng chúng ta khó có thể hình dung được Trung Quốc đang vươn xúc tu công nghệ chinh phục thế giới này ra sao.
    Học viện Chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) có một nền tảng trực tuyến cho phép tất cả những người quan tâm nhìn thấy bản đồ chinh phục thế giới của 12 gã khổng lồ công nghệ bị nghi ngờ là sân sau của chính phủ Trung Quốc bao gồm Huawei, ZTE, Tencent, Baidu, China Electronics Technology Group Corporation (CETC), Alibaba, China Mobile, China Telecom, China Unicom, Wuxi, Hikvision and BGI. Hiện các công ty này đã có:
    • Hơn 17.000 điểm thu thập dữ liệu (data points) tại hơn 1.700 địa điểm trên toàn cầu;
    • 404 chương trình hợp tác đại học và nghiên cứu của Trung Quốc trên khắp thế giới, bao gồm hơn 195 chương trình hợp tác đại học “Hạt giống Huawei cho Tương lai” (Huawei Seeds for the Future);
    • 75 dự án “Thành phố thông minh – Smart City” và”Giải pháp an ninh công cộng” tại 46 quốc gia ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi;
    • 52 chương trình ​​5G tại 34 quốc gia;
    • 119 phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, tập trung nhiều nhất ở châu Âu;
    • 56 cáp ngầm, 31 cáp thuê và 17 cáp trên mặt đất;
    • 202 trung tâm dữ liệu, 305 dự án viễn thông và CNTT trải dài trên toàn thế giới.

    Bằng cách vươn vòi xúc tu công nghệ ra toàn cầu Trung Quốc đang từng bước thu thập các thông tin lớn (Big Data) nhằm phục vụ các tham vọng dài hơi của mình.
    Đây là bản đồ, cho phép phân tích việc bành trướng của từng công ty cụ thể và bản đồ vị trí địa lý 168 xúc tu của của 12 gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang vươn ra bám chặt thế giới như thế nào:
    https://chinatechmap.aspi.org.au/#/map/
    H.2, H.3

    Thông tin chi tiết và đầy đủ hơn, bao gồm cả phương pháp luận và cách thu thập dữ liệu, có thể đọc nguồn phần này ở đây:
    https://www.aspi.org.au/report/mapping-chinas-tech-giants…

    2. Mạng xã hội – Thương mại điện tử – Tiền mật mã:
    Không còn bí mật rằng ở Trung Quốc, hoạt động trên Internet bị nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ bởi “The Great Firewall of China”. Cũng không ai thực sự biết nó hoạt động như thế nào – một phần vì hình như nó được thay đổi liên tục.
    Hoạt động của các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao nhất.
    Hiện tại, người Trung Quốc đang chặn gần như tất cả các mạng xã hội nổi tiếng: Facebook, Twitter, LiveJournal, Instagram, Google Plus, Youtube, các nền tảng nhắn tin Whatsapp, Messenger, Viber v.v Điều này cũng có nghĩa là không có quyền truy cập vào Gmail, Google Map, Google Talk.
    Để có thể cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ Trung Quốc các đơn vị sử dụng nền tảng internet phải hợp tác cung cấp dữ liệu khách hàng cho chính phủ. Nếu không sẽ bị chặn. Khi ấy để truy cập những trang bị chặn phải sử dụng dịch vụ VPN.
    Về lý thuyết, khi lướt mạng qua VPN các nội dung trao đổi đều được mã hóa và các chuyên gia CNTT của Trung Quốc không thể biết chính xác bạn đang chia sẻ gì với máy chủ VPN. Nhưng đó là trên lý thuyết. Trong thực tế, Trung Quốc chặn hầu như tất các các nhà cung cấp VPN “thiếu hợp tác”. Còn các VPN được sử dụng thì các máy chủ “hình như” chính phủ Trung Quốc đã biết hết.
    Thay cho các dịch vụ nêu trên chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa làm ra những công cụ tìm kiếm và mạng xã hội của họ. Các doanh nghiệp này nhanh chóng phủ đầy thị trường khổng lồ chiếm 1/4-1/5 dân số thế giới và trở thành các lãnh chúa internet quy mô hàng đầu.

    a. Mạng xã hội:
    Nhìn vào Hình 1. thấy rất rõ Facebook với Mesenger, Whatsapp, Instagram, Google với Youtube đang thống trị thế giới ở vị trí đầu. Và ngay sau đó là Wechat, QQ và QZone (thuộc Tencent), Tik Tok và Weibo của Trung Quốc. Một khi tiềm lực đã đủ họ sẽ không ngại ngần dần vươn ra ngoài. Một số người cho rằng ngôn ngữ sẽ là rào cản sự phát triển MXH Trung Quốc ra bên ngoài. Có thể như thế và hiện nay.
    Với sự bùng nổ MXH và AI, với những ngôn ngữ đặc thù của MXH nhất là ngôn ngữ hình ảnh, rào cản ngôn ngữ có còn là không thể vượt qua không? Ngày càng nhiều người đang đặt ra câu hỏi này.
    b. Thương mại điện tử:
    Hãy nhìn lên GMV (Gross Merchandise Value/Gross Merchandise Volume) là doanh số bán hàng của các công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới theo thứ tự:

    Company GMV (TTM) Type(s) of E-commerce

    Alibaba >$768 billion B2B, C2C
    Amazon $239 billion B2C, C2C
    JD.com $215 billion C2C, B2C
    eBay $93 billion C2C, C2B
    Shopify $33 billion C2C
    Rakuten >$31 billion B2C
    Walmart >$19 billion B2C, C2C
    (Source : Alibaba, Amazon, JD.com, ebay, Shopify, Rakuten, Walmart)

    Alibaba đã trở thành công ty e.commerce lớn nhất thế giới. Trong 3 công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới có 2 từ Trung Quốc.
    Với sự phổ biến của hàng Made in China, quy mô nhập khẩu không hề nhỏ, sự bành trướng ra bên ngoài của các nền tảng e.commerce Trung Quốc chắc khó có thể cản… bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thanh toán cũng Made in China.
    c. Tiền mật mã (Cryptocurrencies):
    Cho đến ngày hôm nay tiền mật mã vẫn là một khái niệm phi nội hàm kinh tế và giá của chúng mang tính đầu cơ rõ rệt. Tuy vậy công nghệ Blockchain và sản phẩm tiền mật mã của nó tiềm ẩn những ứng dụng có thể lật đổ các trật tự tài chính hiện thời. Trung Quốc (và không chỉ họ) không hề bỏ qua việc tận dụng những cơ hội, dù mơ hồ nhất, có thể lật đổ vị thế đồng USD.
    Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị máy tính chuyên dụng (ASIC) để đào (khai thác) bitcoin và altcoin lớn nhất trên thế giới – gần như độc quyền. Ở Trung Quốc các thiết bị này được bán với giá rẻ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới và chi phí điện được duy trì ổn định ở mức thấp đã cho phép các công ty đào coin Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới.
    Trung Quốc kiểm soát 80% lượng hashrate (tỷ lệ băm – là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào Coin) toàn cầu. 11 trong số 17 bể khai thác (mining pool) lớn nhất trên thế giới thuộc về người Trung Quốc.
    Nhưng đó chưa phải là tất cả. Tiền điện tử NEO (mức vốn hoá thứ 18 trên thế giới – 700 triệu đô la), NEM (22 – 490 triệu), Ontology (26 – 400 triệu), Zilliqa (79 – 63 triệu)… có nguồn gốc và hoạt động tại Trung Quốc. Hơn nữa: 4 trong số 10 loại tiền điện tử được vốn hóa nhiều nhất trên thế giới được tạo ra bởi người dân tộc Trung Hoa (TRON – Justin Sun, Litecoin – Charlie Lee, Binance Coin – Changpen Jao, Monero – Joseph Lew).
    Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Trung Quốc Bitcoin China (BTCC) đã bị đóng cửa tại Thượng Hải, sau đó nó được mở lại tại Hồng Kông.
    Changpen Jao đã thành lập sàn giao dịch tiền điện tử Binance (lớn thứ 2 trên thế giới) cũng tại Thượng Hải. Khi bị cấm, anh ta chuyển nó sang Nhật Bản, sau đó sang Đài Loan. Cuối cùng Binance được đăng ký tại Malta, nơi việc quản lý tiền điện tử thoáng vào loại nhất trên thế giới. Leon Li đã mở Huobi (sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 8 trên thế giới) tại Bắc Kinh và khi nhà nước ra lệnh di chuyển, Huobi đã chuyển đi – đầu tiên đến Hàn Quốc, sau đó đến Nhật Bản và cuối cùng hạ cánh tại Singapore.
    Chính quyền Trung Quốc rõ ràng khuyến khích phát triển và cố gắng đi đầu trong việc chiếm cứ không gian tiền mã hoá mặc dù họ có những hoạt động kiểm soát và hạn chế các giao dịch tiền mật mã ở trong nước. Dường như họ tìm cách kiểm soát hoạt động này bên trong Trung Quốc do lo ngại những tác động xã hội tiêu cực nhưng lại khuyến khích người Trung Quốc mang ra nước ngoài để chiếm chỗ,triển khai và thử nghiệm.
    Về phần mình, mới cách đây mấy hôm, Ngân hàng TW Trung Quốc đã thông báo sắp phát hành đồng tiền mã hoá cho hệ thống thanh toán tại Trung Quốc. 7 đơn vị đầu tiên được tiếp nhận và tham gia hệ thống thanh toán bao gồm 4 ngân hàng lớn nhất, Union Pay và Alibaba cùng Tencent. Có vẻ như họ khá quyết tâm đi đầu trong lĩnh vực áp dụng blockchain và tiền mã hoá.
    Việc liệt kê tiền mã hoá vào đây có vẻ lạc lõng? Không! Tôi chỉ muốn nói rằng trên không gian mạng người Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội nào, kể cả mơ hồ nhất, để chiếm giữ và khai thác nó.
    3. Bạn sẽ bảo rằng mấy MXH hay eCommerce Trung Quốc chỉ phổ biến nội địa. Đúng vậy. Nhưng cũng như bao hàng hoá dịch vụ khác, Trung Quốc đang làm đúng theo cách mà họ làm với nền kinh tế: Đóng cửa bảo hộ thị trường trong nước cho các doanh nghiệp trong nước khai thác giai đoạn đầu… khi vị thế nội địa đã vững và mạnh, tích luỹ tư bản đã đủ, họ sẽ từng bước xâm chiếm thị trường nước ngoài, nhất là các khu vực đang hay kém phát triển, bằng các hoạt động M&A hoặc vươn ra qua các công ty con. Nếu hoạt động MXH Trung Quốc vươn ra bên ngoài chưa nhiều thì hoạt động e.commerce đã đạt được độ xâm nhập đáng nể ra bên ngoài thế giới.

    Ví dụ không ở đâu xa:
    – Cổ đông lớn nhất của VNG, công ty mẹ của Zalo – MXH và tin nhắn nổi tiếng Made in Vietnam với trên 100 triệu người dùng, là ai? Thông tin tham khảo: “Có thông tin nghi ngờ Tenacious Bulldog Holdings Limited chiếm 23% vốn và Prosperous Prince Enterprises Limited – 7,8% vốn tại VNG, “có khả năng là công ty con hoặc có liên quan đến Tencent””.
    – 3 công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam là Lazada, Shopee và Tiki. Theo các nguồn tin báo chí Alibaba đang là cổ đông lớn nhất của Lazada còn Tencent thì chi phối Shopee và Tiki.
    – AliExpress là một công ty con của Alibaba tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs Trung Quốc bán hành khá thành công vào Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Brazil… và đang tiếp tục bành trướng. Trong GMV của Alibaba ở trên chưa tính GMV của AliExxpress.
    Quá trình xâm lược thế giới mạng này sẽ tiếp tục diễn ra và với nguồn lực huy động sẽ ngày một lớn.

    Dữ liệu lớn (Big Data) là nguồn tài nguyên xuất hiện trong thời đại cách mạng công nghiệp lần 4: thời đại khi con người cùng công nghệ gắn chặt vào nhau và lần đầu tiên tạo ra tài nguyên là các dữ liệu hành vi của con người, cả trên thế giới thực lẫn trên mạng Internet, cùng các hiện tượng thiên nhiên. Các dữ liệu này nếu được thu thập, lưu trữ, truyền và dùng AI xử lý theo thời gian thực thì đó sẽ là chìa khoá cần thiết để thống trị thế giới. Trung Quốc, và không chỉ Trung Quốc, hiểu rất rõ điều này. Các hoạt động trên mạng xã hội, tin nhắn, hành vi mua sắm và kèm theo đó là năng lực tài chính, việc down load và sử dụng các ứng dụng của họ sẽ là con ngựa thành Troy chuyển giao toàn bộ Personal Data tạo thành Big Data cho họ.
    Quá trình mở rộng của các công cụ thu thập dữ liệu, các MXH của Trung Quốc hiện mới bắt đầu, chưa đủ bành trướng theo bề rộng cũng như bề sâu và chắc sẽ không nhanh được như sự bành trướng của hàng hoá Made in China… Không nhanh có lý do của nó: ngôn ngữ, văn hoá, bảo mật, tính minh bạch, hình ảnh quốc gia, người dân cảnh giác hơn và có thể có cả các vấn đề kỹ thuật khác. Trung Quốc không phải không nhận thấy điều ấy nhưng những vấn đề trên là “lõi” trong tâm thức không dễ thay đổi. Họ vẫn đang cần mẫn thực hiện điều này. Không chỉ Trung Quốc: Mỹ, Nga và một số quốc gia khác, ở mức độ khác nhau, cũng đang tích cực triển khai các công cụ thu thập và khai thác tài nguyên số.
    Các bạn có thể nói: Công cụ tìm kiếm và MXH nào chả kinh doanh trên nền tảng Big Data. Đúng vậy! Biết điều ấy thì hãy nhận thức và tự quyết định lựa chọn, tự chịu trách nhiệm với mình để giao số liệu cá nhân cho ai, ở đâu và đổi lại cái gì./.

    TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.1)

    TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.2)
    TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.3)

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here