TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.2)

    0
    147

    Lý Xuân Hải

    II. CHIẾM GIỮ KHÔNG GIAN VŨ TRỤ – Vùng đất hoang chưa quá nhiều thực dân khai phá

    Trung Quốc hiểu rất rõ 3 điều:

    1. Trong thế giới hiện đại, một quốc gia không phát triển khoa học và công nghệ thì không có tương lai. Nhất là khi quốc gia ấy có tham vọng trở thành cường quốc và bá chủ thiên hạ.

    2. Vai trò cực kỳ quan trọng của ngành công nghiệp vũ trụ trong sự phát triển này.

    3. Sự gia tăng vị thế, quyền lực và uy tín của quốc gia – cường quốc chỉ có thể có được khi có những thành tựu khám phá và khai thác không gian vũ trụ.

    Đầu tiên Liên Xô một thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ trụ hàng không để Trung Quốc mài nanh vuốt. 

    Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc bắt đầu hợp tác tích cực với Nga cả chính thức lẫn không chính thức. 

    Chính thức: Trong điều kiện mới, 2 quốc gia đã ký kết các thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác khai thác không gian vũ trụ vào năm 1992 và 1996. Những thỏa thuận này có thể được coi là hữu ích đặc biệt đối với Trung Quốc: việc các phi hành gia tương lai của họ bắt đầu đào tạo ở Nga và hợp tác công nghệ cho phép họ bắt đầu phát triển tàu vũ trụ có người lái của dòng tên lửa Thần Châu. 

    Không chính thức: Không hề có thông báo chính thức về chuyển giao công nghệ, nhưng dường như công tác bảo mật quá yếu kém ở Liên Xô – Nga những năm 90s đã giúp Trung Quốc khai thác được nhiều bí mật trong công nghệ tên lửa và hàng không, còn sự sụp đổ kinh tế của Liên Xô và Nga đã giúp Trung Quốc lấy được cả công nghệ lẫn chuyên gia công nghệ với giá rẻ mạt. 

    Đó là lý do làm không ai không thấy những điểm tương đồng rõ ràng giữa Thần Châu và tàu vũ trụ có người lái Soyuz. Đến cả các bộ đồ du hành vũ trụ của Trung Quốc không khác gì của Liên Xô ngày xưa và Nga ngày nay.

    Trung Quốc đang nghiến răng thực hiện tham vọng trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực thám hiểm không gian và chiếm lĩnh không gian Vũ Trụ. Và những gì họ đã làm được chỉ trong một thời gian ngắn thực sự đáng kinh ngạc.

    Năm 2018 Trung Quốc đã thực hiện 39 lần phóng tàu vũ trụ, vượt qua Mỹ (34) và Nga (19).

    Ngày 25 tháng 12 năm 2018, tên lửa Changzheng-3C đã phóng lên quỹ đạo vệ tinh Mozi được thiết kế để thử nghiệm công nghệ truyền tin được coi là tức thời, an toàn tuyệt hảo và dường như nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng (?) dựa trên hiện tượng rối lượng tử (Cho đến hôm nay các cuộc tranh luận về rối lượng tử vẫn đang diễn ra. Dẫu vậy có thể khẳng định: Hiện tượng rối lượng tử là có. Chỉ chưa rõ ràng cơ chế giải thích hiện tượng rối lượng tử. Có nhiều cách lý giải khác nhau, mỗi cách đưa ra lời giải thích của mình). Mọi động tác “bắt” hay copy thông tin sẽ làm các trạng thái lượng tử chứa đựng thông tin bị phá huỷ lập tức. Việc thử nghiệm thành công công nghệ truyền tin xa, cực nhanh và không thể leak này (QESS – Quantum Experiments at Space Scale) hứa hẹn triển vọng đi đầu trong lĩnh vực truyền tin lượng tử và tạo ưu thế trong quân sự cho Trung Quốc. Cho đến nay chưa một quốc gia nào trên thế giới triển khai thành công công nghệ này ở khoảng cách đủ xa như Trung Quốc: trên 1.000 km.

    Trung Quốc từ năm 2018 đã bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị vệ tinh toàn cầu Beidou (Bắc Đẩu). Bắc Đẩu hiện có 33 vệ tinh và dự kiến hết năm 2019 là 44 vệ tinh để tạo thành một hệ thống định vị toàn cầu hoàn chỉnh. Dẫu vậy giờ đây, độ chính xác của hệ thống định vị đã đạt tới 10 mét trên toàn thế giới và 5 mét ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tốc độ di chuyển là 0,2 m/s., độ chính xác của đồng bộ hóa thời gian là 20 nano giây. Hiện tại Bắc Đẩu vẫn còn thua kém GPS Mỹ về độ bao phủ và một số chức năng. Tuy nhiên khi vận hành đầy đủ năm 2020 và sau đó, Trung Quốc thể hiện tham vọng sẽ vượt qua không chỉ Galileo, Glonass (EU, Nga) mà còn cả GPS. Bắc Đẩu sẽ cung cấp dịch vụ toàn cầu với mức lợi nhuận dự kiến khoảng 25 tỷ đô la.

    Điều đáng chú ý là, tất cả 6 vệ tinh của loạt Bắc Đẩu-3 đã được phóng lên quỹ đạo bởi các tên lửa Changzheng với tỷ lệ thành công 100%. Từ năm 2011 đến 2016 đã có 86 lần phóng tên lửa Changzhen được thực hiện với hệ số tin cậy 97,67%, vượt các chỉ số tương tự của các đối thủ cạnh tranh trên thế giới. Hình ảnh Trung Quốc chỉ sản xuất hàng công nghệ sao chép chất lượng kém không còn hoàn toàn phù hợp thực tế trong nhiều trường hợp. Bức tranh tiếu lâm mô tả sức mạnh Trung Quốc là hàng vạn người kéo cái ná cao su khổng lồ, hàng vạn người giữ nạng ná và chỗ đặt viên đạn là một quả bom nguyên tử… có vẻ như cần được vẽ lại.

    Tàu Hằng Nga được phóng vào tháng trước từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (Ảnh Reuters)

    Thành tựu lớn của Trung Quốc trong cuộc thám hiểm thành công lên mặt trăng đã chuyển Trung Quốc từ vị thế đuổi bắt sang đi đầu trong thám hiểm vũ trụ. Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc bắt đầu năm 2004. Năm 2007 và 2010, các vệ tinh Hằng Nga-1 và Hằng Nga-2 đã quay quanh Mặt Trăng và vẽ bản đồ chi tiết. Vào năm 2013, Hằng Nga-3 với chiếc xe tự hành Yutu đã hạ cánh mềm xuống Mặt trăng (lần đầu tiên trong vòng 40 năm nay). Và cuối cùng Hằng Nga-4 tháng 1/2019 đã hạ cánh mềm xuống phía khuất của Mặt Trăng thành công, một sứ mệnh khó hơn nhiều so với hạ xuống bề mặt hướng về Trái Đất.

    Năm 2020 dự kiến một chuyến bay có người lái của Trung Quốc sẽ hạ xuống Mặt Trăng và người Trung Quốc dự kiến họ sẽ là quốc gia thứ 2 thành công trong sứ mệnh này.

    Khoảng năm 2025 Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng căn cứ Mặt Trăng và sử dụng nó như trạm trung chuyển để từ năm 2050 Trung Quốc phóng tàu vũ trụ tới các hành tinh xa xôi như Sao Hỏa hay vượt ra ngoài giới hạn của hệ mặt trời. Dự kiến năm 2050 Trung Quốc sẽ bắt đầu triển khai chương trình đổ bộ và khai thác sao Hoả.

    Nhân tiện, để thăm dò khoảng không vũ trụ và tìm kiếm các nền văn minh, Trung Quốc đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Tianyan độc nhất và lớn nhất thế giới với đường kính phản xạ 0.5km, được các chuyên gia Trung Quốc chế tạo ở vùng cao nguyên tỉnh Quý Châu.

    Trung Quốc cũng đang xây dựng trạm không gian của riêng mình. Sau khi phóng thành công lên quỹ đạo gần quả đất Thiên Cung 1 và 2, hai trạm không gian này đã rơi trở lại quả đất sau khi hoàn thành sứ mệnh.

    Năm nay Trung Quốc dự kiến sẽ phóng trạm Thiên Cung 3 nặng 90 tấn gồm 3 phần: 1 module lõi và 2 phòng thí nghiệm không gian. Module lõi dài 16,6 m với đường kính 4,2 m là nơi tối đa 3 phi hành gia có thể sinh sống và làm việc cùng một lúc. Theo dự đoán, trạm vũ trụ này sẽ hoàn thiện và đi vào sử dụng vào năm 2022 với mục tiêu vận hành trong 15 năm.

    Theo số lượng các trạm vệ tinh đang vận hành trên quỹ đạo quanh Quả Đất, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trung Quốc có nhiều vệ tinh quan sát nhất thế giới (48), 24 vệ tinh dẫn đường (vị trí thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga).

    Năm 2007, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Nga và Mỹ trình diễn khả năng tiêu diệt các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất: một tên lửa đạn đạo tầm trung trên mặt đất đã phóng và phá huỷ thành công một vệ tinh quan sát thời tiết được phóng vào năm 1999. Năm 2016, Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo một thiết bị không gian được thiết kế để dọn dẹp các mảnh vỡ không gian, chẳng hạn như các vệ tinh cũ (Theo NASA quỹ đạo Trái đất có hơn 20 nghìn mảnh có kích thước bằng quả bưởi và lớn hơn. Số lượng mảnh vỡ nhỏ hơn là nhiều triệu. Các mảnh vỡ này thực sự đe doạ các vệ tinh đang hoạt động và nhất là trạm vũ trụ như ISS).

    Các chương trình sặc mùi quân sự này rõ ràng nhằm mục tiêu vô hiệu hóa các vệ tinh của kẻ thù trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đã có những bước vượt các đối thủ trong lĩnh vực vũ khí chống vệ tinh và trong các vấn đề không gian phục vụ quân sự khác.

    Trung Quốc đang chế tạo và dự kiến đưa vào vận hành năm 2030 tàu vũ trụ không người lái sử dụng nhiều lần để vận tải hàng cho các trạm vệ tinh trên quỹ đạo quanh Trái đất. Viện Công nghệ tên lửa Trung Quốc cho biết vào năm 2020, họ sẽ triển khai một tàu không gian có thể tái sử dụng để phóng một lúc 20 khách du lịch vũ trụ lên độ cao 130 km để hưởng bốn phút không trọng lực. Giá mỗi vé là 200.000- 250.000USD.

    Một điều đáng chú ý: Một số công ty tên lửa tư nhân đã được phép thành lập và hoạt động tại Trung Quốc, đó là LandSpace, OneSpace, LinkSpace và ExPace. Trung Quốc đang nuôi dưỡng các đối thủ cạnh tranh cho SpaceX. Các công ty khởi nghiệp không gian của Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu: Năm 2017 Landspace đã ký hợp đồng với một nhà sản xuất vệ tinh Đan Mạch và trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên thực hiện phóng vệ tinh thương mại quốc tế. Việc cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực tên lửa là một sự thay đổi tư duy rất ghê gớm của một chính phủ vẫn đặt trong tâm vào các doanh nghiệp kinh tế nhà nước.

    Không còn nghi ngờ rằng Trung Quốc đang sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển sáng tạo một cách rất hệ thống và bền bỉ để đặt chân, chiếm lĩnh và khai thác không gian Vũ Trụ.

    (Thông tin tham khảo thêm: 7 năm liên tiếp Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế).

    Việc khám phá vũ trụ có nhiều mục tiêu:

    1. Chiếm giữ không gian, khai thác tiềm năng của khoảng không vũ trụ phục vụ các mục tiêu quân sự, kinh tế và dân sự. Trước hết là không gian hệ Mặt Trời và các mục tiêu gần nhất là Mặt Trăng, sao Hoả và các hành tinh có tiềm năng khác.

    2. Biểu diễn sức mạnh cơ bắp, quân sự thông qua năng lực chế tạo tên lửa tầm xa, khả năng điều khiển chính xác và nếu kèm theo vũ khí hạt nhân thì đó là lời cảnh báo, răn đe nặng ký. Nên nhớ vũ khí hạt nhân nếu không có tên lửa mang đến mục tiêu thì chỉ là một thứ đồ chơi nguy hiểm hơn là đe doạ: chẳng ai đầu óc tỉnh táo lại muốn dùng vũ khí hạt nhân trên đất mình! Đó là lý do vì sao cả Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan, Iran… đều tìm cách phát triển tên lửa tầm xa hoặc ít ra tầm trung. Đó cũng là lý do vì sao ngày 2 tháng 8 năm 2019 Mỹ đã rút khỏi hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn và Nga phản đối lấy lệ, lý do nằm ở chỗ khác mà ai cũng biết.

    3. Thể hiện vị thế và tiềm năng kinh tế – khoa học – quân sự, sức mạnh mềm nhằm thu hút đệ tử, đồng minh để thực hiện vai trò Bố Già của thế giới, qua đó nuôi dưỡng thể hiện niềm tự hào dân tộc nhằm thống nhất ý chí người dân là thứ Trung Quốc đang rất cần cho cuộc trường chinh của mình.

    Cuộc chạy đua vũ trang trong khoảng không vũ trụ xuất hiện tay chơi hùng hổ thứ 3.

    Sẽ đến lúc nước Nga thấy hối hận vì đã hỗ trợ Trung Quốc trong công nghệ hàng không vũ trụ như nước Mỹ hối hận vì đã đỡ đầu Trung Quốc phát triển kinh tế thôi. Cả 2 cường quốc này đều đã góp phần tạo nên nước Trung Quốc như của ngày hôm nay khi muốn tìm đồng minh trong cuộc chiến chống lại nhau.

    Sẽ có lúc nào đó 2 ông lớn này lại phải hè nhau cùng chống lại gã khổng lồ Trung Quốc do họ góp phần tạo nên không nhỉ? Nhớ lại WWII khi họ cùng nhau chống chủ nghĩa phát xít Đức. Chỉ có điều nước Đức không chiếm 1/4 dân số thế giới và mới suýt có được vũ khí nguyên tử mà thôi.

    TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.1)

    TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.2)
    TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.3)