15 tháng 10 2022
Bà Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan, hình của Bộ Công an Việt Nam
Doanh nhân nổi tiếng Trương Mỹ Lan và một số bị can mới đây đã bị bắt tại Việt Nam để điều tra cáo buộc “hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019”.
Bộ Công an Việt Nam nói đây là vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Các bị can bị bắt gồm: Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương.
Tập đoàn Đầu tư An Đông làm gì?
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Qua tìm hiểu, được biết Tập đoàn Đầu tư An Đông hoạt động từ tháng 4/2007, đang có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.
Địa chỉ công ty là tại 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5, TP.HCM.
Người đại diện pháp luật và giám đốc là ông Kwok Hakman Oliver, quốc tịch Australia.
Tập đoàn Đầu tư An Đông hiện có ba lô trái phiếu đã phát hành.
Các lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Trước hết, hai lô trái phiếu được phát hành vào tháng 9/2018, kỳ hạn trả lãi lần lượt là 3 tháng và 6 tháng, đáo hạn ngày 10/9/2023 với tổng giá trị phát hành gần 15.000 tỉ đồng.
Trong đó lô trái phiếu ADC-2018.09 huy động 11.969 tỷ đồng và lô ADC-2018.09.1 huy động 3.000 tỷ đồng.
Đến tháng 1/2019, An Đông phát hành một lô trái phiếu có mã ADC-2019.01 trị giá 10.000 tỉ đồng và đáo hạn vào ngày 22/1/2024.
Giai đoạn tháng 1/2019-6/2020, An Đông đã chi tổng cộng hơn 2.850 tỷ đồng cho các lô trái phiếu này.
Kỳ hạn trả lãi 6 tháng một lần áp dụng với 2 lô trái phiếu ADC-2018.09 và ADC-2019.01.
Lô trái phiếu ADC-2018.09.1 được trả lãi định kỳ 3 tháng một lần.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Theo luật của Việt Nam, hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng phải kèm theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua hồ sơ.
Đối với việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thay đổi vốn điều lệ.
Đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức kinh doanh bảo hiểm làm thay đổi vốn điều lệ, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính về thay đổi vốn điều lệ.
Tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải công bố thông tin định kỳ các nội dung sau đây:
a) Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;
c) Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên đối với tổ chức phát hành là công ty cổ phần;
d) Báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán đã được kiểm toán
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Việc bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, doanh nhân nổi tiếng hàng đầu, đã làm tăng sự quan tâm về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội Việt Nam, Vũ Hồng Thanh nói ngày 11/10 tại một phiên họp.
“Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.”
Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói: “Những vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức liên quan, cùng những vụ việc khác liên quan tới thị trường trái phiếu, chứng khoán gần đây… đã gây nhiều hệ lụy với phát triển bền vững thị trường vốn, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.”
Mới đây, công an Việt Nam bắt tạm giam, khởi tố ông Đỗ Anh Dũng – chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh – để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thông báo của công an, tập đoàn Tân Hoàng Minh bị tố cáo huy động tiền của các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Tân Hoàng Minh bị nghi ngờ đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Báo Kinh tế Sài Gòn ngày 14/10 dẫn lời Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, khuyến nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không có khả năng trả lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư tại thời điểm đáo hạn.
“Khi lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất ngân hàng thì họ tham gia mà không quan tâm đến tài sản đảm bảo. Khi xảy ra một số vụ việc với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, nhiều lãnh đạo công ty phát hành vướng lao lý, nhà đầu tư cá nhân cũng không có kinh nghiệm trong xử lý việc này”, ông Hà nói.
Nghị định mới
Để chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung sửa đổi cho Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 16/9.
Nghị định 65 có nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.
Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và việc này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Khi doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng kí kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.
Thank you very much for sharing, I learned a lot from your article. Very cool. Thanks. nimabi
Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.