“THIS LAND IS MINE”

0
102
Đám tang một người lính Israel, Abraham Cohen, tại nghĩa trang Mount Herzl, Jerusalem, 12 tháng 10.

Le Nguyen Duy Hau

10 tháng 10 lúc 19:07

Lịch sử của vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Israel – Palestine gói gọn trong một link (dưới comment). Đây là bài hát trong bộ phim Exodus kể về hành trình hồi hương của người Do Thái. Phim này rất quen thuộc với người Việt Nam ở miền Nam trước 1975. Một phần là do nó được học giả Nguyễn Hiến Lê tưởng nhầm là “sử liệu” khi kể câu chuyện của người Do Thái trong cuốn sách Bài học Israel, có lẽ là tác phẩm tiếng Việt đầu tiên nói về dân tộc này.

Tất nhiên, lịch sử thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều. Đó là câu chuyện xung đột giữa hai cách hiểu về “quyền sở hữu”. Cả hai dân tộc đều cho rằng bản thân có một lịch sử định cư ở vùng đất này lâu dài. Người Do Thái không phải là những người đầu tiên sinh sống, nhưng họ có mặt ở đây trước người Ả Rập, và họ cũng rời đi trước người Ả Rập. Cho đến tận năm 1948, vùng đất này vẫn được coi là của người Ả Rập dưới sự bảo hộ của người Anh. Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc với thảm họa dành cho người Do Thái và phong trào phục quốc đòi hỏi phải có một nơi trú ngụ cho những người Do Thái còn sống sót. Vậy là thực dân Anh bằng một phương pháp không thể quan liêu hơn đã chia vùng đất này ra cho người Do Thái và người Ả Rập. Một số nơi được chia bằng cách dùng…thước kẻ (yes!). Kết quả là có những nơi, sau một sáng thức dậy, hai người hàng xóm bỗng chốc trở thành hai cư dân của hai vùng định cư khác nhau. Đó cũng là cách người Anh đối xử với thuộc địa Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh khi họ trả lại độc lập cho những nước này. Tất nhiên cách chia chác này khiến người Ả Rập nổi giận. Ba cuộc chiến tranh sau đó do cả Israel và người Ả Rập gây ra dẫn đến hiện trạng như bây giờ. Câu hỏi bây giờ đặt ra vẫn là vậy rốt cuộc đất nào là do ai sở hữu? Với nhiều người Palestine, không có chuyện thỏa hiệp lùi về đường biên giới do Liên Hiệp Quốc chia năm 1948. “Cuốn sổ đỏ” mà người Israel đang giữ với nhiều vùng đất là vô giá trị với công khai phá và sinh sống lâu dài của người Palestine. Đất là do ông cha họ để lại, và tạo nên quyền sở hữu, không phải do một nhóm người thực dân quyết định. Cũng cần lưu ý thêm rằng Mỹ đúng là đứng sau Israel và phải chịu trách nhiệm trong xung đột này, nhưng Liên Xô ngày xưa cũng không vô can mấy. Mọi người đoán thử xem vũ khí và huấn luyện mà quân đội Ai Cập và Syria sử dụng để tấn công Israel trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973 là từ đầu mà ra.

Câu chuyện Israel – Palestine thật sự gây ra rất nhiều bối rối về mặt đạo đức không chỉ ở tầm mức cá nhân, mà còn là tầm mức thể chế. Rất dễ dàng để lên án hành động khủng bố của Hamas, nhưng cũng thật khó để tránh việc làm tổn thương cảm xúc của những người Palestine đang sống và chịu đàn áp bao năm nay trong “nhà tù Gaza” do Israel dựng lên. Lý do khá đơn giản, đó là Hamas tuy không đồng nghĩa với Palestine, nhưng lại là phong trào chính trị được ủng hộ nhất ở nước này. Vì vậy, lên án hành vi của Hamas, hay thậm chí là lên án Hamas, cũng rất dễ bị đánh đồng (bởi chính người Palestine) rằng phong trào phi thuộc địa của họ đang bị lên án. Tất nhiên, với những người tuyệt đối hóa các tranh luận đạo đức thì không phải là vấn đề. Tiếc là họ chỉ là số ít. Đó là lý do mà rất nhiều trường đại học ở Mỹ tuy rất nhanh chóng lên án Nga khi xâm lược Ukraine, lại cảm thấy khó khăn khi lên án Hamas. Đến mức cựu chủ tịch của đại học Harvard là Lawrence Summers còn tuyên bố rằng ông cảm thấy “buồn nôn” (sickened) vì sự im lặng của đại học này đối với sự kiện ở Gaza. Như đã nói, mặc dù ai cũng biết rằng hoàn toàn có thể lên án Hamas, và lên án Israel, và ủng hộ phong trào độc lập của Palestine, và đòi hỏi những kẻ khủng bố phải bị trừng trị, thật khó để áp dụng lý thuyết đó trên thực tế. Hoàn cảnh này hoàn toàn khác với việc Nga xâm lược Ukraine khi mọi lý lẽ cũng như hành vi của Nga đều là thiếu căn cứ, và có lẽ là ngụy tạo, và lịch sử cũng chứng minh rằng Ukraine không thuộc về Nga mà có khi lại là ngược lại… Nhưng thôi đó là câu chuyện khác.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here