Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 13/1 công bố báo cáo thường niên năm 2022 về tình hình quyền con người tại các nước và lãnh thổ trên thế giới trong năm qua.
Đối với Việt Nam, báo cáo nêu rõ trong năm 2021 chính phủ Hà Nội trừng phạt một cách có hệ thống đối với các nhà hoạt động dám công khai lên tiếng về hiện trạng đất nước.
HRW nhận định, năm 2021 là một năm nặng trĩu đối với Việt Nam qua những thực tế gồm dịch COVID-19, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 vào tháng một, cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng năm. Trong năm qua, có ít nhất 63 người bị giam tù vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các hội, nhóm bị Nhà nước xem là chống chính quyền. Trong số những người này có nhiều người đang phải chịu thi hành những bản án rất nặng sau các phiên xử bất công dựa theo những cáo buộc ngụy tạo.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của HRW nói:
“Chính phủ Việt Nam núp bóng đại dịch COVID-19 để mạnh tay đàn áp đối với các hoạt động ôn hòa nên hầu hết không bị bên ngoài Việt Nam phát hiện. Chính quyền dường như muốn xóa sổ phong trào bất đồng chính kiến đang lớn mạnh bằng các án tù tàn khốc trước khi thế giới chú ý trở lại Việt Nam.”
Báo cáo nhận định rằng Chính phủ Việt Nam hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản gồm các quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội và hội họp ôn hòa, cũng như quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng.
HRW còn nhận định tại Việt Nam không có tự do báo chí hay độc lập. Nhà nước không cho phép thành lập các đảng phái chính trị hay các tổ chức nhân quyền độc lập. Chính phủ ngang nhiên can thiệp vào công việc điều hành của các tổ chức tôn giáo.
Ông Phil Robertson đưa ra kêu gọi:
“Các nhà tài trợ trên thế giới cần thôi ngoảnh mặt làm ngơ trước hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam và gây sức ép với giới lãnh đạo tại Hà Nội để họ chấm dứt tình trạng buộc người dân trong nước phải chịu đựng nhiều hơn nữa.”
Báo cáo của HRW năm nay dài 752 trang nêu ra tình hình thực thi nhân quyền tại gần 100 quốc gia trên thế giới năm qua. Đây là ấn bản thứ 31 của HRW về lĩnh vực này.