Đối tượng bị cho lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thuộc danh sách bí mật nhà nước độ tuyệt mật!

0
24
Giáo xứ Song Ngọc vào ngày 22/08/19 dâng Thánh Lễ và thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân đã và đang bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt ở Việt Nam. Courtesy: Facebook Nguyễn Đình Thục
   

RFA

Phát biểu tại Hội nghị triển khai quyết định số 960 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước diễn ra vào ngày 22/9, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khi nói về những điểm mới của Quyết định 960 đã cho rằng trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm kích động người dân chống phá chính quyền, làm bất ổn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước…

Do đó, Quyết định 960 đã bổ sung quy định “văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia” là bí mật nhà nước độ tuyệt mật.

Trao đổi với RFA tối 23/9, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ hơn:

“Quyết định 960 này quy định một danh mục để cho các cơ quan, tổ chức, cũng như cá nhân biết được để sử dụng những tài liệu theo đúng quy định của pháp luật. Đây là những tài liệu những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm phạm chủ quyền quốc gia sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Thứ hai là trong thực hiện đường lối chiến lược, chính sách, đối sách, những quy trình xử lý đối với những vấn đề phức tạp tín ngưỡng tôn giáo nhà nước chưa công khai mà anh công khai cái này thì Việt Nam sẽ xử lý về tội làm lộ bí mật nhà nước theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đây là những tài liệu tuyệt mật.”

Nói rõ hơn, Luật sư Hậu cho biết chính phủ Hà Nội ban hành Quyết định 960 ngày 7/7/2020 về những danh mục nhà nước trong đó các thông tin là bí mật nhà nước được phân ra thành bí mật nhà nước ở độ tuyệt mật, tối mật, và mật. Quyết định này được bổ sung cho Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Ông nói:

“Vừa rồi Quốc hội có ban hành Luật bảo vệ bí mật nhà nước tại kỳ họp VI thông qua ngày 15/11/2018 gồm 5 chương và 28 điều. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Trong đó có một số quy định lập, thẩm định và ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, cũng như gia hạn danh sách bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian tính từ độ mật của nhà nước đến hết thời hạn sau đây ví dụ như tuyệt mật là 30 năm, tối mật là 20 năm, và mật là 10 năm. Thời gian bảo vệ bí mật về hoạt động có thể ngắn hơn nếu xác định cụ thể tài liệu đó.”

Trong khi đó, với kinh nghiệm hoạt động cho tự do tôn giáo trong nhiều năm, Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội của Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại đưa ra nguyên nhân mà ông cho rằng chính phủ Hà Nội bổ sung quy định mới cho Quyết định 960 là:

“Theo tôi Quyết định 960 này để răn đe giới đấu tranh tôn giáo. Họ chuẩn bị sẽ có cuộc bố ráp, bắt bớ, đàn áp hay tù đày những nhà vận động hay đấu tranh cho tự do tôn giáo. Bởi vì chế độ độc tài toàn trị căn bản, đối với chủ nghĩa Marx-Lenin thì họ biện chứng duy vật vô thần, họ coi tôn giáo là thuốc phiên nên thường những nước xã hội chủ nghĩa, những nước cộng sản chủ nghĩa không tôn trọng vấn đề tự do tôn giáo tín ngưỡng. Vì vậy những nước này vi phạm về đàn áp tôn giáo tín ngưỡng.”

Hòa Thượng Thích Không Tánh bên đống đổ nát của Chùa Liên Trì
Hòa Thượng Thích Không Tánh bên đống đổ nát của Chùa Liên Trì 

Vẫn theo Hòa thượng Thích Không Tánh, chính vì những vấn đề như ông vừa nêu mà các chức sắc tôn giáo vì lương tâm và lương tri phải nói lên, vận động đấu tranh để đòi hỏi cho nhà nước, chế độ thật sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng theo các công ước quốc tế mà chính Nhà nước Việt Nam đã ký kết.

Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng những vận động, đấu tranh, kêu gọi để cho đất nước được tiến bộ phát triển thì lại bị chính phủ Hà Nội coi đó là sự chống phá, âm mưu lật đổ. Ông nói:

“Cho nên người ta cứ nói thế lực thù địch, tham vọng quyền lực chính trị để kết vô nhưng thực ra theo tôi thì những người tu hành tôn giáo họ bị áp bức, không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bắt người ta phải nô lệ, biến những người tu hành thành công cụ tuyên truyền những chính sách của chế độ nhà nước. Nếu tu sĩ đó không theo làm công cụ, bình phong cho chế độ thì họ kết vô tội âm mưu lật đổ, chống phá đảng, nhà nước, thế lực thù địch.”

Xác nhận thực tế nêu trên, ông Võ Văn Bửu, cựu tù nhân Phật giáo Hòa hảo cho hay:

“Nói tóm lại Nhà nước Việt Nam rất gian xảo, họ bắt tù những tín đồ tôn giáo không bao giờ họ ghép vô vấn đề liên quan tôn giáo mà họ bịa ra những tội không chấp nhận được, chẳng hạn như gây rối trật tự công cộng hay chống người thi hành công vụ. Hai bản án tôi 9 năm trong 2 lần tù thì họ bắt tôi tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng chứ không bao giờ họ ghép vào vấn đề liên quan đến tôn giáo. Thật sự mà nói thì (tôi đã) tổ chức phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản họ đàn áp tôn giáo nhưng mà họ muốn né những tội liên quan vấn đề tôn giáo để cho các nước yêu chuộng tự do trên quốc tế không chế tài hay áp đặt họ vi phạm về vấn đề tự do tôn giáo.”

Cựu tù nhân tôn giáo Võ Văn Bửu cũng cho rằng chính phủ Hà Nội ngày càng ra nhiều điều luật nhưng chủ yếu có lợi cho phía nhà cầm quyền và ngày càng xâm phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế – USCIRF đã công bố phúc trình thường niên 2020 về tù nhân tôn giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam trong năm 2019.

Trong phúc trình nêu rõ chính phủ Hà Nội cầm tù hàng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm cổ súy cho tự do tôn giáo.

Bên cạnh đó, USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt – CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 vừa qua cho hay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng khi tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng được cho ngày càng nghiêm trọng.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here