Theo ông Tân Tử Lăng, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Học viện Quân sự Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang bị giới truyền thông và trí thức hiểu lầm về động cơ quyền lực trong chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay.
Ông Tân Tử Lăng được biết đến như là nhà phê bình sắc bén không sợ đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của cuốn sách bình luận được đánh giá cao “Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội“, là người lên tiếng phản đối cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc. Ông cùng với các học giả và nhà báo khác kêu gọi chính quyền chấm dứt việc kiểm duyệt.
Gần đây, ông Tân đã có buổi phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) trong một phân đoạn của chương trình về Phiên họp thứ 6 của ĐCSTQ. Mặc dù cuộc phỏng vấn diễn ra trước khi Phiên họp bế mạc, nhưng sự nhận định về các phe phái trong giới chính trị cấp cao vẫn còn khá tương quan. Trí Thức VN chuyển ngữ cuộc phỏng vấn có chỉnh sửa cho ngắn gọn và rõ ràng để quý độc giả tiện theo dõi:
Hỏi: Ông nghĩ gì về Phiên họp thứ 6 của ĐCSTQ?
Ông Tân: Cuộc họp này liên quan đến sự đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình đang dẫn đầu một nhóm cải cách và họ bị phản đối bởi một nhóm do ông Giang Trạch Dân dẫn dắt.
Phiên họp thứ 6 sẽ mang đến giải pháp chung cho cuộc tranh đấu này và phải có một giải pháp toàn diện dọn đường cho Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 19; nếu không, Đại hội này không thể được tổ chức. Ví dụ như nếu ông Giang vẫn còn được phép can dự vào một số vấn đề thời sự, ông ta có thể chọn 3 thành viên thuộc ban Thường vụ Bộ Chính trị (tương tự như 3 ông Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ được biết đến là đồng minh của ông Giang). Điều đó làm sao có thể chấp nhận được? Trung Quốc rồi sẽ ra sao? Tôi cũng tin rằng ông Tập Cận Bình sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề về tổ chức tại Phiên họp thứ 6.
Hiện nay toàn Đảng cơ bản đã thông qua việc ông Tập Cận Bình đảm nhận vai tròlãnh đạo “hạt nhân”. Nói cách khác, vị thế “cốt lõi” của ông Giang Trạch Dân trong Đảng đang mờ nhạt dần; trước đó ông Giang vẫn còn có sự ảnh hưởng, nhưng bây giờ nhiều cán bộ đã nhận thức rõ ràng hơn về tình hình chung. Gần đây tôi đọc được rằng lãnh đạo của 28 tỉnh đã bị thay thế chỉ trong vòng khoảng 9 tháng. Nếu một cán bộ từ chối thay đổi suy nghĩ và lập trường chính trị của mình thì anh ta sẽ bị thay thế và bị xử lý bởi tổ chức Đảng.
Tôi lạc quan về viễn cảnh tương lai. Vì vậy tôi cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ chiến thắng, những nhà cải cách sẽ chiến thắng và người Trung Quốc sẽ hân hoan. Trung Quốc không thể phát triển mà không có sự thanh lọc các quan chức tham nhũng, những “hổ to”, “hổ vừa”, và “hổ già”.
Và Trung Quốc cũng sẽ không thể có tiến triển trong việc cải cách chính trị và những vấn đề như Thảm sát Thiên An Môn và giải oan cho Pháp Luân Công nếu ông Giang Trạch Dân vẫn còn ở đó. Với dãy “hổ to” ngán đường, không có cách nào giải quyết được các vấn đề này. Các điều kiện và thời điểm phải thích hợp để đi tới một giải pháp toàn diện, và điều gì đó có thể đến trong Phiên họp thứ 6 sẽ gây sốc cho nhân dân và trong Đảng.
Xem thêm: “Đấu trường sinh tử” giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình: Con át chủ bài
Hỏi: Ông có nghĩ rằng ông Tập Cận Bình sẽ giải quyết vấn đề Thiên An Môn và Pháp Luân Công khi trở thành lãnh đạo “hạt nhân”?
Ông Tân: Đây không phải là câu hỏi về tính khả thi; Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ giải quyết những vấn đề này. Những người tập Pháp Luân Công có thể và đã nộp đơn khiếu nại hình sự ông Giang Trạch Dân lên Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Tối cao… Các cơ quan tư pháp này đã chấp nhận đơn khiếu nại. Vấn đề Pháp Luân Công và Thiên An Môn phải được giải quyết. Ông Tập Cận Bình không thể mang gánh nặng này tiến về phía trước được; ông ta hiểu rõ vấn đề này như lòng bàn tay.
Xem thêm: “Đấu trường sinh tử” giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình: Quyền lực bằng mọi giá
Hỏi: Những luật sư nhân quyền đã bị bắt, những người khiếu kiện bị đàn áp, tự do ngôn luận bị hạn chế và nhiều người bị truy tố vì các nhận xét trên mạng internet. Những việc này lẽ nào có thể xảy ra nếu ông Tập Cận Bình không đồng ý?
Ông Tân: Để tôi làm rõ chỗ này. Hiện nay đang có 2 trung tâm quyền lực trong ĐCSTQ. Và ông Tập Cận Bình không có toàn quyền trước Phiên họp thứ 6. Lấy bộ máy chính trị và pháp lý làm ví dụ. Theo lý thuyết, sau khi ông Chu Vĩnh Khang bị thanh lý, ông Tập đã có thể lấy lại quyền kiểm soát bộ máy. Nhưng trên thực tế, định hướng của bộ máy có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều cách; nhiều quan chức vô tình hay cố ý vẫn đang thực hiện các chính sách của ông Chu Vĩnh Khang.
Gần đây có một người đàn ông tên là Vương Trị Văn (cựu liên lạc viên của Pháp Luân Công tại Bắc Kinh), người bị cấm rời khỏi Trung Quốc tại Quảng Châu. Chắc chắn một điều là ông Tập Cận Bình không đứng đằng sau việc này. Bởi vì người ngăn cản ông Vương vẫn còn một số quyền lực.
Ngày nay, người dân thường đổ lỗi cho ai mỗi khi họ không hài lòng về điều gì đó? Họ đổ lỗi cho người đứng đầu và nói rằng đó là do ông Tập Cận Bình làm thậm chí cả khi ông này không biết gì. Tình huống này xuất phát từ sự phỉ báng và cái gọi là bôi nhọ giới chức cấp cao.
Những “hổ già” và “hổ to” thuộc tàn dư phe Giang phải đối mặt với sự thanh trừng. Vì thế họ nghĩ: Nếu tôi là người phải ra đi, thì tôi sẽ kéo ông xuống theo. Họ sẽ cố phá hoại ông Tập và hủy hoại uy tín chính trị của ông này. Nhưng ông Tập không phải là người đứng sau nhiều sự cố; việc đóng cửa Viêm Hoàng Xuân Thu (nhà xuất bản cải cách được điều hành chủ yếu bởi các cán bộ cao tuổi trong Đảng) là tác phẩm của ông Lưu Vân Sơn (trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).
Hiện nay ông Tập Cận Bình không thể từ bỏ kế hoạch của ông tại Phiên họp thứ 6 hoặc những mục tiêu tổng thể để xử lý những vấn đề cụ thể do phái Giang gây ra. Là một lãnh đạo cấp cao nhất, ông Tập cần xử lý tất cả những vấn đề này một cách triệt để về cả chiến lược, định hướng và chính sách. Ông ta cần tất cả cán bộ thực thi các chính sách của Trung ương Đảng; bắt một lãnh đạo hàng đầu khắc phục tất cả những vấn đề gây ra bởi những cán bộ không tuân thủ là điều không thể.
Trong bối cảnh nhiều người, bao gồm truyền thông và giới trí thức, hiểu lầm về ông Tập Cận Bình. Họ nhìn thấy sự kiểm duyệt trên truyền thông ngày một tăng lên và nhiều người bị bắt, nhưng nếu ông Tập không biết nhiều việc như vậy cho tới lúc nó diễn ra thì ông ta phải làm gì?
Hỏi: Ông Tập Cận Bình có biết danh tiếng và uy tín của ông bị tổn hại khi những việc như vậy xảy ra không?
Ông Tân: Dĩ nhiên là ông ta biết. Và đó là động lực để Tập giải quyết tất cả mọi vấn đề một lần dứt điểm vào Phiên họp thứ 6. Nếu ông ta không làm gì cả, thì cuối cùng ông sẽ đối mặt với chuyện các quan chức Trung Quốc kéo lê đôi chân của họ hoặc thậm chí biểu hiện chống đối lại những gì ông ấy muốn. Nhiều quan chức có thể nghĩ: Ông không cho tôi tham nhũng, cũng được thôi. Tôi sẽ không làm gì hết và khiến toàn bộ máy hành chính nhà nước bị đình trệ. Sau đó người ta sẽ đổ thừa là do ông Tập làm.
Vấn đề tổ chức có thể được giải quyết bằng cách bổ nhiệm cán bộ mới và giáng đòn mạnh vào các tảng băng cứng tại Đại hội 19. Ông Giang Trạch Dân đã xây dựng mạng lưới phe phái trong Đảng trong hơn 2 thập kỷ và chân rết của ông đã cắm sâu và dày đặc. Thật không dễ giải quyết nhưng ông Tập sẽ không thể thúc đẩy việc thông qua các chính sách của mình mà không sửa chữa lại vấn đề này. Nếu không thì việc mệnh lệnh ban ra không rời khỏi được Trung Nam Hải sẽ vẫn tiếp diễn.
Hỏi: Trong nhiều tháng, có nhiều sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao các tỉnh. Ông có tin rằng ông Tập là người chịu trách nhiệm của sự xáo trộn này?
Ông Tân: Chắc chắn. Hiện nay, nhiều quan chức cấp tỉnh là do ông Tập bổ nhiệm. Sự thay đổi nhân sự này nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính sẽ diễn ra trong Phiên họp thứ 6 và Đại hội 19. Đó cũng là nguyên nhân cho sự xáo trộn nhân sự lãnh đạo hàng đầu của 18 tỉnh trong 9 tháng.
Xem thêm: Nguy cơ đảo chính tại Trung Quốc vượt xa tưởng tượng
Hỏi: Sau khi cải cách quân đội, ông Tập có hoàn toàn kiểm soát được quân đội không?
Ông Tân: Có thể nói là vậy. Sự cải cách quân đội là một hoạt động lớn; thật lòng mà nói thì ngay cả Mao Trạch Đông cũng không dám làm và Đặng Tiểu Bình cũng vậy. Những gì Tập làm là chưa hề có nhưng rồi lần nữa, ông bị buộc phải làm vậy. 2 ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu điều khiển ông Hồ Cẩm Đào trong một thập kỷ; mọi người trong quân đội đều trung thành với họ. Nếu vấn đề này không được giải quyết tại cấp độ cơ bản, thì không thể lấy lại quyền kiểm soát quân đội.
Sự thật thì ông Tập bị buộc phải vật lộn để lấy lại quyền kiểm soát quân đội và cuộc đấu tranh tiếp tục leo thang. Gần đây, có nhiều sự thay đổi nhân sự trong quân đội để quét sạch tàn dư của 2 ông Quách và Từ. Vì sao cần làm như vậy? Bởi vì nhiều cấp dưới của 2 ông này vẫn còn đó và không rõ họ đứng về phe ai. Tuy nhiên, tình hình chung đã được giải quyết và ông Tập đã kiểm soát vững chắc quân đội. Không kiểm soát được quân đội, không có cách nào để ông Tập phản công trong tình huống gay go sắp tới. Vì vậy cũng hợp lý khi ông ta bắt đầu cải cách quân đội và thanh trừng ông Quách Bá Hùng và ông Từ Tài Hậu.
Bảo Minh
Xem thêm:
- Biến động: Tập Cận Bình được phong ‘lãnh đạo hạt nhân’, có thể làm rung chuyển chế độ
- Nhóm “đại lão hổ” lên màn ảnh, tín hiệu mới của ông Tập Cận Bình
- “Tổ chức tương tự Gestapo” tại Trung Quốc bị điều tra