Laurence Tubiana, “Donald Trump’s Historic Mistake,
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
___________________________________________
Tóm tắt:
Bằng cách đặt Mỹ bên cạnh hai nước duy nhất chưa tham gia thỏa thuận Paris – Syria và Nicaragua – quyết định của Trump hoàn toàn mâu thuẫn với bầu không khí hợp tác toàn cầu hiện nay.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đạt được những thỏa thuận mới mỗi ngày để hợp tác nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, và chiến lược công nghiệp.
Họ đang cùng nhau hợp tác để đạt được một nền kinh tế carbon thấp, và đưa năm 2020 thành năm mà lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đạt đỉnh điểm [sau đó giảm].”
Tuy nhiên, Trump không thể đưa cả nước Mỹ đi theo mình. Các hành động vì khí hậu ở cấp tiểu bang và cấp thành phố đang lan rộng khắp nước Mỹ, tăng cường cả về quy mô và tham vọng. Sai lầm lịch sử của Trump là một trở ngại đối với hành động tập thể đó; nhưng nó khó mà ngăn cản điều đó.
+++
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không còn tham gia vào Hiệp định khí hậu Paris 2015, một hiệp định mang tính bước ngoặt của Liên Hợp Quốc mà nhiều người chúng ta đã rất nỗ lực làm việc để đạt được. Trump đang mắc phải một sai lầm sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng với đất nước của ông, và với thế giới.
Trump tuyên bố ông sẽ cố gắng đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được ở Paris, hoặc soạn ra một thỏa thuận mới. Nhưng các nhà lãnh đạo trên thế giới đã ca ngợi thỏa thuận này như một bước đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một chiến thắng cho sự hợp tác quốc tế, và một lợi ích đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều đó đến nay vẫn đúng.
Trong nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, biến đổi khí hậu là độc nhất với quy mô toàn cầu của nó. Nó tác động lên mọi yếu tố của sự sống trên hành tinh – từ các hệ sinh thái và việc sản xuất thực phẩm đến các thành phố và các chuỗi cung ứng công nghiệp. Chỉ coi biến đổi khí hậu là vấn đề “môi trường” là hoàn toàn không hiểu vấn đề.
Chúng ta có thể độ lượng mà giả sử rằng Trump đơn giản là không hiểu được những ý nghĩa của quyết định của mình. Tuy nhiên, bất kể ý nghĩ của Trump là gì thì chúng ta cũng biết rằng xung quanh ông có những cố vấn hiểu rất rõ điều gì đang bị đe dọa.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump hứa sẽ tạo ra công ăn việc làm và bảo vệ giới công nhân Mỹ khỏi sự tàn phá của thế giới. Và ông đã ký dòng tweet thông báo ông đã ra quyết định về thỏa thuận Paris bằng những từ, “ĐƯA NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI.”
Nhưng quyết định của Trump đã làm suy yếu mọi mục tiêu trong số đó, và nó đi ngược lại mong muốn của đa số người Mỹ, trong đó có nhiều người ủng hộ ông. Bằng cách quay lưng với thỏa thuận Paris, ông đang khiến người Mỹ phải tiếp xúc nhiều hơn với những ảnh hưởng tàn phá của biến đổi khí hậu – trong đó có nhiều ảnh hưởng mà họ vốn đã phải chịu đựng. Hơn nữa, ông cũng đang cắt giảm việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện vốn đang sử dụng ngày càng nhiều công nhân mà chính ông tỏ ra muốn đại diện.
Nói rộng hơn, Trump đang làm suy yếu chính nước Mỹ, và từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của đất nước. Khi còn là một thành viên của chính phủ Pháp tham gia vào một chuyến đi toàn cầu nhằm xây dựng sự đồng thuận đối với việc hành động vì khí hậu – một nỗ lực cuối cùng đã mang lại kết quả đỉnh điểm là Hiệp định Paris – tôi đã trực tiếp trải nghiệm được điều mà vai trò lãnh đạo của Mỹ có thể đạt được. Thật là một bi kịch khi phải chứng kiến sức mạnh hướng về cái tốt ấy bị lật đổ bởi thái độ phủ nhận và tầm nhìn thiển cận.
Bằng cách nhắm mắt làm ngơ, Trump và các cố vấn của mình chắc hẳn đã hy vọng rằng thực tế đơn giản là sẽ biến mất. Bằng cách nào đó họ đã đi đến kết luận rằng nước Mỹ sẽ tránh được những cơn hạn hán đã tàn phá các trang trại ở Thung lũng Trung tâm ở California, mực nước biển dâng lên đã nhấn chìm các thành phố ven biển, những cơn bão và những vụ cháy rừng thường xuyên tàn phá những dải đất rộng lớn ở vùng nông thôn Hoa Kỳ, và sự gián đoạn nguồn cung nước và thực phẩm vốn đe dọa tất cả chúng ta.
Các bên khác tham gia Hiệp định Paris đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định của Trump, từ đó chứng tỏ sức sống vững chắc của thỏa thuận. Các nước còn lại trên thế giới sẽ rất buồn khi phải chứng kiến một nước Mỹ bị bỏ lại đằng sau vì quyết định của Trump. Nhưng chúng ta sẽ không chờ đợi; trên thực tế, chúng ta vẫn đang bước tiếp.
Phản ứng của thế giới sẽ được thể hiện rõ vào cuộc họp G20 tại Đức vào tháng 7 tới. Đến nay, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, và các nước vành đai Thái Bình Dương và Nam Mỹ đã tái cam kết với các mục tiêu của Hiệp định Paris. Các nước này hiểu rõ sự nguy hiểm của biến đối khí hậu, chẳng khác gì các cổ đông toàn cầu của tập đoàn ExxonMobil, những người trong tuần này vừa mới bác bỏ những nỗ lực làm ngơ tác động của biến đổi khí hậu lên hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Bằng cách đặt Mỹ bên cạnh hai nước duy nhất chưa tham gia thỏa thuận Paris – Syria và Nicaragua – quyết định của Trump hoàn toàn mâu thuẫn với bầu không khí hợp tác toàn cầu hiện nay. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đạt được những thỏa thuận mới mỗi ngày để hợp tác nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, và chiến lược công nghiệp. Họ đang cùng nhau hợp tác để đạt được một nền kinh tế carbon thấp, và đưa năm 2020 thành năm mà lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đạt đỉnh điểm [sau đó giảm].
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc để tìm những khu vực mà họ có thể hợp tác phát triển năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh. Các khoản đầu tư lớn sẽ được đổ vào những khu vực này, và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, và nhiều tổ chức khác đang sắp đặt những cơ chế tài trợ cho chúng. Tương tự, các quỹ đầu tư quốc gia với ảnh hưởng to lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng đang chuyển hướng đầu tư sang nền kinh tế xanh.
Ngay cả những người lạc quan nhất trong chúng ta cũng không dự đoán được rằng mô hình nhiên liệu hóa thạch cũ lại thay đổi nhanh đến thế. Nhưng châu Âu đang dần dần loại bỏ việc sản xuất năng lượng bằng than. Và Ấn Độ, Trung Quốc, và Hàn Quốc cũng đang nhanh chóng chuyển hướng đầu tư từ ngành than sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Cuộc đua trên toàn cầu hiện nay là “ai có thể trở nên xanh nhanh nhất.” Các ngành công nghiệp mới đang nổi lên về quy mô trong những lĩnh vực từ điện khí hóa và thiết kế lưới điện thông minh đến xe điện, xây dựng xanh và các công nghệ tái chế, và hóa chất hữu cơ. Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, hiện đang lan rộng với tốc độ chưa từng có, đang biến đổi toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải. Ở tất cả những lĩnh vực này trên khắp thế giới, sự phấn khích và tiềm năng phát triển là rất rõ nét.
Thật là xấu hổ khi Trump đã quyết định trốn tránh trách nhiệm toàn cầu của Hoa Kỳ và quay lưng lại với những bước phát triển này. Quyết định của ông là một đòn giáng mạnh đối với rất nhiều người – trong đó có đông đảo người Mỹ – những người đã làm việc chăm chỉ để trở thành một phần thành công của nền kinh tế mới.
Tuy nhiên, Trump không thể đưa cả nước Mỹ đi theo mình. Các hành động vì khí hậu ở cấp tiểu bang và cấp thành phố đang lan rộng khắp nước Mỹ, tăng cường cả về quy mô và tham vọng. Sai lầm lịch sử của Trump là một trở ngại đối với hành động tập thể đó; nhưng nó khó mà ngăn cản điều đó. Giống như các công ty Trung Quốc đang đào tạo công nhân than ở Mỹ để xây dựng các trang trại điện gió, các nước còn lại trên thế giới cũng sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác, và xây dựng các thị trường và lực lượng lao động của tương lai.
Laurence Tubiana, nguyên đại sứ Pháp tại Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, là CEO của Quỹ Khí hậu Châu Âu và là giáo sư tại Sciences Po, Paris.