Chủ đầu tư trạm thu phí BOT (Cai Lậy) vừa được báo Người Lao Động tạo điều kiện lên tiếng để mong “dư luận đối xử công bằng”, tựu trung có mấy ý chính.
1. Rủi ro khi kinh doanh đầu tư không lường trước.
2. Địa phương có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cho trạm thu phí.
3. Có trạm thu phí doanh nghiệp không bị thiệt hại, nhân dân không phản đối chỉ có doanh nghiệp vận tải phản đối.
4. Dự án mua đi bán lại nhiều lần, vay ngân hàng đến 1.000 tỷ để đầu tư, chiếm 83,1% tổng đầu tư.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bản chất chính là trạm thu phí BOT Biên Hòa cùng nhiều BOT khác theo công thức: “Xây dựng một tuyến tránh thành phố 12km + cải tạo một chút km đường Quốc lộ 1 = được đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 cách xa tuyến đường tránh hàng chục km”.
Cần phải hiểu mấy vấn đề:
1. BOT là lựa chọn 2, một loại hình dịch vụ, có sử dụng thì trả phí không thì thôi. Việc nhà đầu tư đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 là cưỡng bức tài xế phải trả tiền ngay cả khi không đi qua tuyến đường tránh. Cứ tưởng tượng đi ngang quán cà phê, không vào uống vẫn phải trả tiền cho chủ quán. BOT án ngữ Quốc lộ huyết mạch là một dạng ấy.
2. Tất cả chi phí vận tải đều là do người sử dụng dịch vụ vận tải chi trả, nghĩa là người dân chính là đối tượng cuối cùng phải trả tiền cho BOT.
Ví dụ: một chuyến xe tải lưu thông trên quốc lộ không đóng phí BOT, giá chuyên chở sẽ là A. Thì nay đóng thêm tiền phí, chủ xe sẽ cộng tiền phí vào giá thành, giá chuyên chở sẽ thành A+.
Các đơn vị sản xuất cũng vậy, sản phẩm sẽ được tính giá gộp cả phí BOT.
Thế nên nói không ảnh hưởng đến người dân hay người dân không phản ứng là cố tình ngụy biện, lập lờ đánh tráo.
3. Chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự là chính xác, nhưng sự giữ gìn ấy phải dựa trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Việc các tài xế sử dụng tiền lẻ khi mua vé qua trạm BOT là không phạm luật.
Việc lôi chính quyền địa phương vào để giải quyết “giao dịch” giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và doanh nghiệp đầu tư BOT không khác nào chuyện “ăn ốc rồi cần người đổ vỏ”.
Chủ thể chính là người dân không được tham gia vào giao dịch này trong khi họ chính là đối tượng được người giao dịch nhắm đến để trục lợi, nói cách khác, người dân là món chính trong thực đơn ở bàn tiệc BOT.
4. Việc tu sửa đường Quốc lộ 1 thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải với Quỹ Bảo trì đường bộ, được thu từ nguồn thuế nhiên liệu, mua xe, đăng kiểm… Và cho đến giờ Bộ Giao thông Vận tải chưa một lần công khai nguồn Quỹ này đã thu bao nhiêu, chi ra sao.
5. Người dân chỉ muốn BOT đặt trạm thu phí đúng tuyến đường tránh – tuyến đường mà doanh nghiệp đầu tư. Yêu cầu này là hoàn toàn chính đáng và hợp lý.
Nhưng có vẻ đòi hỏi công bằng này đã không được nhắc đến, thay vào đó họ cố tình lập lờ sang câu chuyện giảm giá vé, câu chuyện thông cảm cho doanh nghiệp..
6. Một doanh nghiệp muốn sinh lời, muốn phát triển lâu dài phải dựa trên nguyên tắc kinh doanh đàng hoàng tử tế. Chứ không phải trục lợi từ những mối quan hệ thân hữu, nhóm lợi ích từ BOT.
7. Cuối cùng, chấp nhận mua bán một loại hình dịch vụ cắt cổ người dân nhiều lần để trục lợi thì khi bị phản ứng thì ráng mà chịu, kêu ca cái gì.
(Ảnh của Zing).