Trong bài trước, tôi đã viết về trường hợp blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và luận điệu “đấu tranh để đi Mỹ”.
Trong bài này, tôi viết về những người chê trách chị Quỳnh chỉ mới ở tù 2-3 năm đã không chịu nổi, chọn giải pháp an toàn cho bản thân, nhưng không chỉ viết về một trường hợp chị Quỳnh mà rất nhiều người khác.
Thứ nhất, nếu bạn không thực sự dấn thân và chưa bao giờ ngồi tù, tôi cho rằng bạn không có quyền đòi hỏi và phán xét người khác. Cá nhân tôi có những lúc đã nghĩ, tại sao không ai làm gì, tại sao không có hàng triệu người đòi thay đổi chế độ, đặc biệt sau hàng loạt những vụ bauxite, Formosa, dân oan mất đất…, nhưng tôi biết mình không có tư cách chê trách người dân ở Việt Nam không nổi dậy và không dám hy sinh.
Nếu bạn chê trách người khác không dám dấn thân tới cùng, tại sao bản thân bạn không dấn thân?
Có lần tôi nói chuyện với một chị ở Việt Nam—chị ấy bảo nếu lẽ ra sau 1975 mọi người không ùn ùn bỏ nước ra đi, Việt Nam bây giờ có lẽ đã khác. Thế nhưng, nếu không bị chủ nghĩa lý lịch, nếu không phải đi học tập cải tạo hoặc bị bắt bỏ tù, nếu không bị cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp, nếu không bị mất gạo, nếu không bị mất tiền mất đất, nếu không phải sống trong một xã hội mới không còn tự do dân chủ, có ai bỏ đi không? Làm sao chị có quyền chê trách, khi chưa từng trải qua những thứ người miền Nam từng gánh chịu?
Nếu bạn không thực sự biết cảm giác ở tù ở Việt Nam như thế nào, đặc biệt khi là tù chính trị, làm sao bạn có quyền nói người khác không đủ kiên cường?
Thứ hai, ngay cả khi bạn đã ở tù, tôi vẫn nghĩ bạn không nên chỉ trích người khác không dám đi tới cùng, vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Trước đây tôi từng thấy blogger Anh Ba Sài Gòn và một số người đấu tranh khác bị xem là hèn yếu vì nhận tội, bây giờ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xem là mới 2-3 năm đã chịu không nổi. Với tôi, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có người không có gánh nặng gia đình và có thể kiên cường cả chục năm, nhưng cũng có người có con nhỏ, hoặc bản thân là người duy nhất kiếm sống trong nhà, không còn lựa chọn khác.
Hơn nữa, quyết định đi không phải bao giờ cũng dễ dàng. Với một số người, cứ ra khỏi Việt Nam là tốt, đặc biệt những người có luận điệu “đấu tranh để đi Mỹ” như tôi đã viết trong bài trước. Nhưng không hẳn với ai cũng vậy. Ði Mỹ hay bất kỳ đâu, đặc biệt khi không còn trẻ, có cái được nhưng cũng có cái mất—trở thành người tha hương, mất quê nhà, mất cộng đồng và cội rễ, mất bạn bè đồng nghiệp, đôi khi mất sự nghiệp và tên tuổi chỗ đứng trong xã hội, và mất cả sự đấu tranh. Ai cũng biết, khi đã ra nước ngoài, không ai còn thực sự đấu tranh được nữa, chỉ có thể góp sức lên tiếng cho người trong nước.
Thứ ba, luận điệu “chọn giải pháp an toàn cho bản thân” theo tôi là không công bằng, với người đã chịu án tù và chấp nhận đi Mỹ lẫn người chưa bị tù nhưng bị chèn ép theo kiểu khác và đi tỵ nạn chính trị lẫn người nhận tội.
Giải pháp an toàn cho bản thân là im lặng, là không lên tiếng trên blog hay facebook, là không biểu tình, là không chỉ trích nhà nước cộng sản, là tập trung kiếm sống và né tránh chính trị.
Giải pháp an toàn cho bản thân là vào Ðoàn vào Ðảng, là gia nhập quân đội hoặc công an, là đứng về phe có quyền lực để vừa an toàn vừa có quyền lợi.
Giải pháp an toàn cho bản thân là chọn đi nước ngoài bằng đường khác, như du học hoặc làm hôn thú giả hoặc bất kỳ đường nào khác không phải tỵ nạn chính trị.
Nếu ai đó thực sự muốn chọn giải pháp an toàn cho bản thân, họ đã không lên tiếng.
Thứ tư, tôi có thấy comment nói chị Quỳnh qua Mỹ rồi cũng sẽ lo kiếm ăn và không đấu tranh gì nữa. Nhưng tôi cũng biết một bác, chỉ lo “đấu tranh”, không dám làm gì, không dám sống, vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh “người đấu tranh”. Mỗi người đều có quyền kiếm sống nuôi mình và gia đình, và có quyền sống.
Không ai có quyền kêu gọi người khác phải hy sinh, không ai có quyền đòi hỏi người khác làm biểu tượng. Nỗi khao khát thần tượng làm người ta nâng ai đó lên thành biểu tượng, thành thánh sống để tôn sùng, và cũng làm người ta dễ dàng chà đạp người đó khi thất vọng.
Với tôi, người hoạt động nhân quyền khi bị tống sang nước ngoài có thể sẽ vẫn lên tiếng nói và góp phần cho người trong nước, nhưng không thể thực sự đấu tranh như ở Việt Nam, và người viết, dù viết văn hay viết báo, đôi khi không viết được nữa, hoặc không còn như trước, khi bị rứt khỏi môi trường Việt Nam. Ðó là thực tế. Nhưng ai cũng có quyền sống, kể cả “thần tượng” và “anh hùng”.
DN