Quyền lực truyền thông độc tài sẽ bị thách thức và phân mảnh bởi các blogger như thế nào ?

0
98
Vận động cho TNLT tại đại hội Amnesty miền Nam Hoa Kỳ, tại Los Angeles
   

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

1-Tại sao lúc trước ở VN anh quyết định viết blog. Những gì đã xảy ra với anh dẫn tới tù tội, lưu vong ? 

Tôi bắt đầu viết blog từ năm 2006. Trên đó tôi chia sẻ những bức ảnh trong những chuyến đi của tôi tới mọi miền đất nước. Trong những chuyến đi đó tôi nhận ra còn rất nhiều người nghèo khổ, nạn tham nhũng ở các địa phương và sự lộng hành, cát cứ của quan chức. Tôi cũng thường chia sẻ những vấn đề của đất nước với bạn bè. Chúng tôi cũng bày tỏ sự bức xúc khi thấy báo chí nước ngoài đăng tin về những sự kiện ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn ngoài biển mà báo chí trong nước lại im lặng. Cuối năm 2006 có một bài trên báo CATP HCM đăng tin sai lệch về tôi, tôi đã đến toà soạn báo này yêu cầu họ đính chính và xin lỗi. Nhưng họ không chấp nhận đính chính dù tôi đã cung cấp bằng chứng đầy đủ. Trước thái độ ngoan cố của họ tôi đã liên kết cùng với bạn bè trên blog để cùng đăng tải thông tin phản biện giúp tôi. 5 lần tôi đến toà soạn báo yêu cầu đính chính là 5 bài viết được các bạn chia sẻ rộng rãi.

Chúng tôi thảo luận về thân phận người dân và quyền lực của báo chí trong một xã hội độc tài về truyền thông, trong xã hội đó truyền thông của nhà nước muốn vùi dập ai thì người dân đó không thể có phương tiện nào để phản biện và sự thật sẽ không được ai biết đến. Khi một nhóm những blogger hot cùng chia sẻ một loạt tin bài của tôi và tạo ra một lượng truy cập lớn thì báo CATP yêu cầu tôi ngừng đưa tin lên internet, điều đó thật bất công.

Cùng lúc đó trên BBC có bài Blog vs Press và đặt link trang blog của tôi và bài của báo CATP thì trang website của báo CATPHCM phải gỡ bài như một tín hiệu đầu hàng.

Lần đầu tiên ở Việt Nam một người dân đã sử dụng một trang blog cá nhân để đấu với báo của nhà nước và giành chiến thắng. Đó là một sự kiện đặc biệt và bạn bè tôi đã quan tâm nhiều hơn về cách sử dụng blog để truyền đi những thông tin mà chính quyền cấm báo chí của họ không được đăng. Chúng tôi bắt đầu thảo luận về việc quyền lực truyền thông độc tài sẽ bị thách thức và phân mảnh bởi các blogger như thế nào?, chúng tôi bàn đến việc tập hợp các blogger trong một sân chơi chung và thực hiện quyền tự do báo chí công khai tại Việt Nam!

Năm 2007 có vụ hàng ngàn người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ về Sài Gòn biểu tình trước văn phòng 2 của Quốc Hội trong suốt một tháng nhưng không một tờ báo nào đưa tin. Một nhóm blogger đã chụp ảnh cuộc biểu tình này và đưa lên mạng, lúc đó cộng đồng quốc tế mới biết đến cuộc biểu tình của họ.

Điều đó càng thôi thúc chúng tôi đi đến quyết định thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Vào ngày 19/9/2007 với 5 thành viên sáng lập ban đầu tại quán Café Cội Nguồn ở TP Biên Hoà, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ra đời và công khai hoạt động báo chí trong lòng chế độ cộng sản.

Trang website đầu tiên của CLBNBTD thành lập vào đầu năm 2008.

Với việc CLBNBTD đăng tin về vụ thảm hoạ sập cầu Cần Thơ, vụ hàng trăm ngàn công nhân tại các khu công nghiệp phía bắc Sài Gòn đình công, tôi và toàn bộ các thành viên của CLBNBTD đã bị chính quyền theo dõi chặt chẽ. Sự theo dõi và sau đó chuyển sang trấn áp, đánh đập tôi và các thành viên của CLBNBTD khi chúng tôi liên tục tổ chức, tường thuật các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào cuối năm 2007 và tẩy chay Olympic Bắc Kinh đầu năm 2008.

Ngày 19-4-2008, tôi bị bắt tại Đà Lạt trước khi ngọn đuốc Olympic vào Việt Nam!

2- -Anh thấy tình trạng tự do báo chí hiện nay ở VN thế nào? 

Những vụ bắt bớ trong năm vừa qua với anh em trong nước cho thấy tình trạng tự do báo chí hiện nay ở VN vô cùng tồi tệ, đánh giá của các tổ chức theo dõi vể tự do báo chí phản ánh thứ hạng của Việt Nam gần áp chót. Tuy vậy, những vụ bắt bớ gần đây với điều 331 cho thấy sự bắt giữ ngày càng tuỳ tiện. Ví dụ bà Nguyễn Phương Hằng, người từng tấn công phỉ báng nhiều người, thậm chí tấn công vào cả Tịnh Thất Bồng Lai như vai trò của một DLV phục vụ cho mưu đồ đàn áp tôn giáo của chính quyền, không bị bắt về tội phỉ báng người khác mà lại bị bắt vì điều 331, hay nhà báo Hàn Ni, một luật sư và là phóng viên của báo SGGP chỉ vì tranh cãi trên mạng với bà Hằng mà bị bắt. Gần đây nhất là các luật sư bào chữa cho vụ án Tịnh Thất Bồng Lai phải chạy khỏi sự truy đuổi của công an Đức Hoà Long An chỉ vì các luật sư gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan tố tụng cấp trên vì những sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng. Trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, công an Đức Hoà Long An vừa là bị hại vừa là bên tiến hành bắt giữ điều tra…Cùng với việc bắt giữ, truy tố nhóm tu tại gia Tịnh Thất Bồng Lai , chính quyền còn huy động tất cả báo chí, DLV đăng tin bài phỉ báng, vu cáo Tịnh Thất Bồng Lai …Mới đây, vụ dân Tây Nguyên tấn công 2 đồn cảnh sát báo chí nhà nước đã bị không chế, gỡ bài, sau đó chỉ đăng tin bài từ một nguồn duy nhất là của BCA. Song song, hơn 150 k DLV đã được giao nhiệm vụ đàn áp trên không gian mạng, định hướng thông tin về vụ Tây Nguyên. Nhiều Facebooker đăng tin bài về Tây Nguyên đã bị gỡ bài, hạn chế tương tác hoặc khoá nick…

3-Những thông tin gì không được tường thuật ở VN? 

Những thông tin gây bất lợi cho chế độ hoặc quan chức, do thiếu sự giám sát của báo chí và sự đàn áp trên không gian mạng, nhiều quan chức Việt Nam được bao che bởi truyền thông nhà nước khi bị bắt thì bị khui ra hàng chục tội mà họ đã vi phạm trong thời gian dài, bị truy tố nhiều lần như Tất Thành Cang, Nguyễn Đức Chung.v.v…

Những thông tin gây bất lợi cho các nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau của các quan chức chóp bu.

Các thí dụ điển hình như Vin Group, Vạn Thịnh Phát, Nhóm lợi ích trong nghành điện. Các nhóm lợi ích và doanh nghiệp dạng này ra tay đàn áp trên không gian mạng còn nhanh hơn cả nhà cầm quyền…

-Anh và các blogger khác tường thuật về các vấn đề gì?

Chúng tôi luôn theo dõi và thông tin về các vấn đề liên quan tới nhân quyền, những vụ cướp bóc đất đai, đàn áp người dân, những chính sách gây hại cho dân, gần đây là các chính sách điều hành kinh tế gây nhiều thảm cảnh cho người dân và nền kinh tế như  việc cho phép các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành lượng lớn trái phiếu 3 không, đó là loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không được ngân hàng bảo lãnh thanh toán và không có đánh giá tín nhiệm. Hàng chục ngàn người đang biểu tình trện đường phố và các trụ sở ngân hàng để đòi tiền.

Chuyến đi sang Cambodia và Thaland gặp gỡ anh em hải ngoại

4-Dưới sự đe dọa, dan áp , co bao giờ anh từng muốn bỏ cuộc ? 

Đó thực sự là một cuộc chiến không cân sức, chúng tôi tạo dựng, duy trì mạng lưới trong nhiều năm trên các nền tảng khác nhau nhưng rồi bị report xoá bài , bị đánh sập trang hoặc group. Trang Fanpage của tôi xây dựng trong hơn 10 năm với 113 ngàn người theo dõi bị xoá sau khi đăng tin về những khuất tất trong vụ nhập vacxin tàu của Vạn Thịnh Phát…Group Lều Của Đầy Tớ do anh Đường Văn Thái lập ra và chuyển giao cho tôi có 74 ngàn thành viên, gần 10 admin hoạt động trong nhiều năm cũng bị xoá…Công sức của bao nhiêu người bỏ ra trong nhiều năm xây dựng bỗng nhiên đổ sập, cảm giác khi đó thật tệ… cuộc sống của tôi cũng chưa ổn định về chỗ ở và kinh tế do tôi dành hết thời gian cho những hoạt động của phong trào, ý nghĩ bỏ cuộc cũng có lúc len lỏi vào tâm trí bởi vẫn còn thiếu những người đồng hành kiên trì, nhiều người vẫn nghĩ rằng đấu tranh là việc của một số người, việc cổ suý cho phong trào cũng rất tốt nhưng thiếu nguồn lực thì không thể thực hiện được những dự án.

-Mọi việc như thế nào khi anh phải bắt đầu lại từ đầu công cuộc đấu tranh cho tự do báo chí VN khi sống lưu vong?

Rất nhiều khó khăn, khi ở trong tù tôi đã suy nghĩ nhiều về việc thiết lập mạng lưới, mở rông không gian truyền thông tự do, việc kết hợp trong và ngoài nước, những gì trong nước không làm được vì không an toàn thì bên ngoài phải làm thay, liên kết truyền thông trong ngoài, học hỏi về kỹ thuật, báo chí, mua sắm máy móc…Vận động các tổ chức nhân quyền, gặp gỡ các vị dân biểu và báo chí để vận động giúp đỡ, bảo vệ những bạn bè bị bắt trong nước. Tôi cũng phải tự mình học hỏi về kỹ thuật để điều hành …Nếu có kinh phí hoạt động thì tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều….

Vận động cho TNLT tại đại hội Amnesty miền Nam Hoa Kỳ, tại Los Angeles

-Động lực nào khiến anh vẫn tiếp tục chí hướng này? 

Tôi tin vào hướng đi của mình là đúng và nhiều bạn bè tôi cũng đồng ý với tôi, đó là động lực khiến tôi vẫn tiếp tục chí hướng này.

Chúng ta cần hàng triệu người xuống đường để thay đổi nhưng chúng ta chưa có được lực lượng đó, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tập hợp. Truyền thông vẫn là cách tốt nhất để khai dân trí, kết nối người dân với nhau. Trước mắt cần mở rộng không gian truyền thông tự do, liên kết truyền thông tạo ra mạng lưới thông tin đủ mạnh để chống lại truyền thông định hướng của cộng sản. Thành lập các tổ chức xã hội dân sự, liên minh các tổ chức với nhau, kết nối các tổ chức xã hội dân sự trong nước với các tổ chức quốc tế. Các nhóm hoạt động về môi trường đang đi đúng như vậy, làn sóng các tổ chức môi trường quốc tế lên tiếng cho những nhà hoạt động môi trường bị bắt cho thấy điều đó. Không ai nói rằng các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ làm cho cộng sản sụp đổ, nhưng lý do bảo vệ môi trường có thể kéo hàng vạn người xuống đường, các lãnh đạo phong trào có thể rèn luyện kỹ năng và giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi…

Ảnh 1 : Trang website đầu tiên của CLBNBTD thành lập vào đầu năm 2008.

Ảnh 2-3 : Vận động cho TNLT tại đại hội Amnesty miền Nam Hoa Kỳ, tại Los Angeles

Ảnh 4 : Chuyến đi sang Cambodia và Thaland gặp gỡ anh em hải ngoại

———

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here