Quân đội Ukraina tiến bộ nhờ viện trợ của phương Tây

1
40
Một đơn vị Ukraina đang tiến về một vị trí không được tiết lộ ở miền đông. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/11/2018. AP - Alexander Shulman
   

RFI

Phan Minh 09/12/2022 – 15:17

Hôm nay 09/12/2022, các tờ báo Pháp quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Nhật báo Le Monde tiếp tục dành trang nhất nói về chiến tranh Ukraina, có bài phỏng vấn bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksii Reznikov, xác định rằng Quân Đội nước ông đã tiến bộ được nhờ Phương Tây.

Một đơn vị Ukraina đang tiến về một vị trí không được tiết lộ ở miền đông. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/11/2018.  AP – Alexander Shulman

Theo Le Monde, khi được hỏi liệu Ukraina có thể nâng cao hiệu quả của hệ thống phòng không để phòng thủ trước những đợt oanh kích của quân đội Nga nhắm vào các mục tiêu dân sự trên toàn quốc hay không, ông Reznikov nhận định rằng quân đội Ukraina đã có rất nhiều tiến bộ.

Nếu trước kia, Ukraina bắn hạ khoảng 55% tên lửa của đối phương, thì giờ đây, con số này đã tăng lên 85% sau khi Kiev nhận được những hệ thống vũ khí hiện đại từ phương Tây. Ông cũng cho biết rằng với việc bổ sung các hệ thống IRIS-T, Nasams và Hawk, hiệu quả sẽ còn tăng nữa.

Ngược lại, dự trữ tên lửa của Nga đang cạn kiệt. Họ buộc phải dàn trải các đợt tấn công. Bộ chỉ huy cấp cao của Nga tưởng rằng có thể nhấn chìm người dân Ukraina vào bóng tối trong một mùa đông giá lạnh, khiến họ phải kêu gọi tổng thống Zelensky đàm phán. Nhưng người dân Ukraina vẫn kiên cường chống trả.

Le Monde cũng chú ý đến việc nếu Tây Âu là nguồn cung vũ khí quan trọng cho Ukraina, thì Nga cũng có các đồng minh cung cấp vũ khí cho mình, chẳng hạn như Iran hay Bắc Triều Tiên. Ông Reznikov thừa nhận rằng vai trò của các đồng minh phương Tây là hết sức quan trọng. Ukraina biết rằng Nga đã tham gia đàm phán với Iran về việc Teheran cung cấp drone và tên lửa cho Matxcơva. Phương Tây cũng đang tìm cách gây áp lực với Iran nhằm ngăn cản họ cung cấp vũ khí cho Nga. Điều đáng nói là Teheran vẫn không thừa nhận đã giao drone cho Nga, với lý do một số nhà máy sản xuất chúng không nằm trên lãnh thổ của họ mà ở Syria. Kể từ khi Israel ném bom các nhà máy này, số lượng drone chuyển giao cho Nga đã giảm. Do vậy, cuộc chiến này là cuộc chiến của các liên minh và tài nguyên.

Mội chủ đề khác mà Le Monde quan tâm là làm thế nào Ukraina tìm ra và thanh trừng những đặc vụ chìm của Nga được cho đã xâm nhập vào các lực lượng an ninh và quân đội Ukraina. Ông Reznikov nhận định rằng những gián điệp này tuy vẫn còn hoạt động, nhưng số lượng và ảnh hưởng của họ đã giảm đáng kể. Điều họ có thể làm giờ đây chỉ là truyền tải thông tin. Trước kia, họ đóng một vai trò lớn hơn, họ có khả năng kìm hãm hay phá hoại quá trình hiện đại hóa của quân đội. Giờ đây, các cơ quan phản gián của Ukraina đã được thay mới hoàn toàn sau khi các đối tác nước ngoài của Kiev đã giúp họ tìm ra được những gián điệp này.

Viện trợ quốc tế không tới tay người dân Ukraina

Vẫn về tình hình ở Ukraina, nhật báo thiên tả Libération thì dành trang nhất và bài xã luận của mình về những viện trợ Ukraina nhận được từ phương Tây.

Đành rằng, hàng tỷ euro viện trợ đã gửi tới Ukraina kể từ khi chiến tranh nổ ra, thế nhưng vẫn còn rất nhiều cư dân trong nước, đôi khi ở gần tiền tuyến, sống trong cảnh cùng quẫn và cay đắng nhận thấy rằng họ hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi cuộc chiến bước vào mùa đông với nhiệt độ băng giá cùng với việc Nga tiếp tục oanh kích vào cơ sở hạ tầng quan trọng – những cơ sở cung cấp điện và nước cho đất nước. Các tổ chức phi chính phủ Ukraina đã tố cáo, trong một bức thư ngỏ, về việc hầu như không nhận được gì « trong khi các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã nhận được hàng triệu đô la ». Libération nhận định rằng mô hình viện trợ của các tổ chức nhân đạo không còn phù hợp, do những vùng bị ảnh hưởng rải rác ở khắp mọi nơi. Mặc khác, ở một nước cơ cấu tốt như Ukraina, chính quyền địa phương hoàn toàn có đủ khả năng để trợ giúp trực tiếp những người mà cuộc sống bị đảo lộn do chiến tranh.

EU: Bulgari và Rumani bị đối xử bất công

Vẫn ở châu Âu, Libération có bài viết nói về việc Bulgari và Rumani bị đối xử bất công. Một lần nữa, hai quốc này lại bị Hà Lan và Áo phủ quyết không cho gia nhập khối Schengen. Hai nước đều là thành viên của Liên Âu từ năm 2007, giờ đây cảm thấy rằng bị đẩy xuống vị trí « quốc gia hạng hai ».

Nếu Áo cho biết rằng không muốn kết nạp Rumani vào Schengen với lý do tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp tại đây còn cao, thì Libération đặt câu hỏi tại sao Croatia, quốc gia mới gia nhập Liên Âu vào năm 2013, lại được bật đèn xanh, khi tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp ở các nước vùng Balkan, trong đó có Croatia cũng cao không kém. Hơn nữa, Slovenia vẫn có kế hoạch duy trì kiểm soát biên giới với nước láng giềng bất chấp việc Zagreb gia nhập Schengen. Hà Lan thì cáo buộc rằng nạn tham nhũng vẫn hoành hành ở Bulgari, thế nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại ở những nước Đông Âu, Ý và Hy Lạp.

Tóm lại, tất cả những lý do nói trên không phải là những lý do chính đáng để ngăn cản Sofia và Bucarest gia nhập Schengen. Điều kiện thiết yếu để một nước gia nhập khối này là kiểm soát hiệu quả các biên giới bên ngoài Liên Âu. Điều này đòi hỏi một chính sách thị thực chung, các điều kiện nhập cảnh hài hòa, lấy dấu vân tay của những người xin tị nạn và hợp tác trao đổi thông tin của những người ra vào biên giới, tiến hành điều tra chung và tra dấu vết những kẻ bị truy nã hay cấm lưu trú.

Trên thực tế, Áo tuy có những thành viên thuộc đảng Xanh trong chính phủ của mình, nhưng Vienna đang phải đối mặt với các cuộc bầu cử địa phương cam go vào tháng Hai, còn Hà Lan thì đang vật lộn với một phe cực hữu đang phát triển, quyết định ve vãn những cử tri theo chủ nghĩa dân túy, mà không hề màng gì về những thiệt hại gây ra ở hai quốc gia này. Họ quên mất rằng Bulgari và Rumani đang là những đối tác rất đang tin cậy chống lại Nga, bất chấp kinh tế hai nước này đang phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề từ sự bùng nổ giá năng lượng do phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga.

Tầm quan trọng của nhà buôn vũ khí Viktor Bout đối với Nga

Tại Nga, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết nói về tầm quan trọng của nhà buôn vũ khí Viktor Bout, được đưa trở về Nga sau khi Matxcơva và Washington tiến hành trao đổi tù nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hết sức hoan nghênh sự kiện này. Maria Butina người trước đây cũng bị kết án ở Hoa Kỳ vì tội gián điệp trước khi được trả tự do vào năm 2019 và sau đó được bầu vào Duma thì cho biết : « Cảm ơn Chúa rằng Viktor đang trở về quê hương của mình. Đất nước của chúng ta đã một lần nữa chứng minh rằng sẽ không bỏ rơi các công dân của mình. »

Là một người nói được nhiều ngôn ngữ, ông Bout bị nghi ngờ là đặc vụ tình báo quân đội Nga (GRU). Nhà phân tích quân sự Alexander Goltz giải thích rằng lý do chính khiến Nga muốn chuộc Bout vì ông ấy nắm rất nhiều thông tin, những âm mưu, đặc biệt xung quanh việc buôn bán vũ khí.

Người chống lưng cho ông Bout không ai khác chính là Igor Setchin, phó thủ tướng Nga đương nhiệm, một người thân cận với Vladimir Putin. Hai người họ gặp nhau vào những năm 1980 tại Mozambique khi cả hai cùng phục vụ trong quân đội Liên Xô. Đặc biệt nhờ vào các mạng lưới kết nối tốt của mình trong điện Kremlin mà Bout, dù bị lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và là mục tiêu của lệnh truy nã quốc tế, nhân vật này đã nhiều lần thoát được sự trừng phạt của pháp luật cho đến khi bị bắt vào cuối năm 2008 tại Thái Lan. Sau khi dẫn độ ông ta sang Hoa Kỳ vào năm 2010, tư pháp Mỹ đã đề nghị ông ta làm chứng chống lại Matxcơva, điều mà Viktor Bout đã từ chối làm.

Sứ mệnh của Lionel Messi

Về lĩnh vực thể thao, Le Figaro có bài viết nói về việc Lionel Messi đang thực hiện sứ mệnh trở thành cầu thủ bóng đá hay nhất trong lịch sử. « Bây giờ hoặc không bao giờ », ở tuổi 35, Lionel Messi chắc chắn đang tham dự kỳ World Cup cuối cùng của mình. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để anh giành được chiếc cúp duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của mình. Anh đã chiến thắng ở mọi giải đấu mà anh từng tham dự, từ chức vô địch Champions League, huy chương vàng Olympic, Copa America, 7 Quả bóng vàng, nhưng anh vẫn luôn « vô duyên » với World Cup. Tưởng chừng như Messi đã đạt được giấc mơ của mình vào năm 2014, khi Achentina lọt vào chung kết trước khi bị Đức đánh bại ở trận quyết định.

Giờ đây, anh đang gánh trên vai sứ mệnh của cả dân tộc, đất nước đã không vô địch World Cup từ hơn 30 năm nay. Nghịch lý thay, Messi rời Achentina từ khi còn rất trẻ để sang Tây Ban Nha thi đấu. Anh cũng chưa từng chơi trong giải quốc nội ở Achentina, do đó, không có được sự gắn kết với Achentina như những huyền thoại khác là Mario Kempes hay Diego Maradona.

Có một điều chắc chắn là Messi đã « từng rất buồn » khi phải hứng chịu sự ghẻ lạnh của cổ động viên Achentina. Anh thậm chí còn từng nghĩ đến việc quay lưng lại với đội tuyển nước nhà. Tuy nhiên giờ đây, anh được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ và tôn kính.

Phải nói rằng, đang với đà thăng hoa ở Paris, người mang áo số 10 là một trong những cầu thủ hay nhất World Cup, đã ghi được 3 bàn tại kỳ World Cup này và là một thủ lĩnh tài ba. Trong trận tứ kết hôm nay, Achentina gặp Hà Lan, đội họ từng đánh bại ở trận bán kết World Cup 2014 tại Brazil trước khi giành huy chương bạc. Lần này, Achentina cùng với Messi sẽ cố làm tốt hơn 8 năm trước.

Advertisement
   

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here