PHẢI THAY ĐỔI CÁCH THỨC THAM GIA KHẢO QUYẾT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC GIA

0
44
   

Huỳnh Thị Tố Nga cùng với Huỳnh Thị Tố Nga

Đối tượng thụ hưởng chương trình giáo dục là công dân (sinh viên từ mười tám tuổi trở lên) và học sinh (dưới tuổi quy định thực hiện quyền công dân thì có người đại diện hợp pháp). Chương trình giáo dục như thế nào phải được công dân quyết định, không thể giao đặc quyền này cho riêng nhà nước và Bộ Giáo Dục quyết định nữa. Hàng chục năm qua, nhà nước và bộ ngành liên quan đã lèo lái giáo dục quốc gia nhưng quả thật, chương trình và cách thức dạy học đã không hiệu quả. Hàng thế hệ con người được đào tạo, số lượng thì nhiều mà chất lượng không sử dụng được bao nhiêu, về cả mảng khoa học tự nhiên và xã hội. Sinh viên ra trường chỉ làm công dù là học những ngành gọi là trí thức của xã hội, chưa có bao nhiêu người Việt Nam có thể sáng chế, phát minh công trình khoa học nào ở Việt Nam cả, họ chỉ có đất dụng võ khi ở nước ngoài. 

Chương trình giáo dục chính là chính sách quốc gia. Những ai còn thờ ơ vấn đề này thì thật sự chưa nhìn rõ tầm quan trọng của nó. Chương trình giáo dục thế nào sẽ đào tạo ra những con người thế đó, về kiến thức và phẩm cách. Và như đã nói quá nhiều, giáo dục là cái gốc hình thành nên một con người có đầy đủ trí tuệ và nhân cách, là nguyên khí xây dựng quốc gia. Muốn thui chột một quốc gia, chỉ cần xây dựng chương trình giáo dục ngu dân, không chú trọng phát triển đạo đức và tinh thần tự do khai phóng là sẽ đưa đất nước vào tăm tối sau thời gian quy hoạch.

Vì vậy, người dân không thể để cho bản thân mình hoặc con cháu mình phải học một chương trình như thế nữa. Đất nước phải được quyết định bởi công dân, về hệ thống pháp luật và bây giờ là giáo dục. Nếu nhà nước làm việc có hiệu quả thì không có gì để nói, đằng này kết quả đã quá rõ ràng. Bản thân công dân có quyền quyết định họ phải được học gì, lợi ích như thế nào chứ không thể nào nhồi nhét chương trình học không lợi ích về mặt xây dựng xã hội vật chất và hư hỏng về mặt tinh thần. Chương trình giáo dục hiện tại chỉ cố nhồi nhét đường lối chính trị độc đảng vào đầu óc trẻ thơ. Kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội không được ứng dụng hiệu quả thực tế khi cách thức dạy học chỉ là nhồi nhét một chiều, không có khả năng khai phóng sự sáng tạo cho học sinh, sinh viên. 

Chúng ta cũng không thể chọn phương án là không thích thì cho con cháu nghỉ học, đó là phương án thụ động, trẻ con phải được đến trường, phải được giao tiếp xã hội mới thành người, chứ không thể ru rú trong nhà suốt ngày được. Vì vậy, việc lên tiếng cho một chương trình giáo dục (chính sách giáo dục) là việc cần thiết cho cả thế hệ tương lai chứ không phải chỉ cho hiện tại. Việc xây dựng chương trình giáo dục phải được công dân cùng kiểm định trước khi áp dụng vào hệ thống giáo dục quốc gia, chứ không thể nào để cho các anh chị tự tung tự tác nữa. 

Vừa có quyết định của Bộ Giáo Dục thẩm định đưa sách dạy tiếng Trung Quốc vào chương trình lớp 3 và 4. Các báo đảng đăng rằng đây là quy trình thẩm định bình thường hàng năm, vậy xin hỏi bộ Giáo Dục, tóm lại là chương trình giáo dục bây giờ, bắt buộc học một hay mấy ngoại ngữ? Đưa vào thì bắt buộc học hay tự chọn? Đừng đưa mấy văn bản lơ mơ rồi để người dân phải hoang mang, rồi lại gán ghép người dân vào việc “xuyên tạc thông tin”. Sau đó lại âm thầm đưa mọi việc “vào thế đã rồi”. Chưa kể, việc bỏ thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, lý do vì sao? Đã được người dân đồng ý hay không mà tự quyết? 

Tiếng Anh, nó không còn là ngôn ngữ riêng của người dân Anh hay Mỹ nữa, mà nó mặc nhiên đã trở thành ngôn ngữ quốc tế, bất cứ người dân quốc gia nào ra nước ngoài, đều phải dùng tiếng Anh để giao tiếp. Vậy nên việc dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ bắt buộc sau ngôn ngữ mẹ đẻ ở mỗi quốc gia là việc cơ bản không cần bàn cãi, đó là chưa nói đến những chuyên môn sâu phải sử dụng tiếng Anh về mặt học thuật. 

Tôi đã từng nghe quan điểm mấy anh công an (mà đây cũng là lập luận chung của nhà cầm quyền Việt Nam) rằng Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới nên cần phải học tiếng Trung Quốc. Thật là một lập luận nông cạn tức cười, vậy người viết hỏi rằng, dân Trung Quốc đi ra quốc tế phải dùng tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc để giao tiếp. Họ có đông dân thì cũng là trong nội bộ, chứ ra nước ngoài có ai dùng tiếng Trung Quốc nói chuyện với nhau không? Lập luận như vậy chỉ tuyên truyền cho những người ở trong hang nghe mà thôi. Về vị trí trên thế giới, tiếng Trung Quốc vẫn xếp sau tiếng Anh (đương nhiên), tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức,… 

Ngoài tiếng Anh, những ngoại ngữ khác nên để cho người dân tự chọn, học theo nhu cầu của họ chứ không thể bắt buộc đưa vào chương trình học, sẽ làm rối rắm và hoang mang khi mà Trung Quốc là quốc gia nhạy cảm về chính trị đối với người Việt Nam. Phải có khái niệm “tự do và chính kiến trong giáo dục” chứ không thể áp đặt tùy tiện.

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Dec 7, 2023

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here