KIM TUẤN – GA NHỎ CÒN MƯA BAY

0
38
   

Phạm Hiền Mây

Lúc mới lập trang facebook, một trong những người bạn vong niên, đầu tiên, thân thiết nhất của tôi, chính là nhà thơ Cao Thoại Châu.

Chúng tôi trò chuyện với nhau nhiều về đề tài văn thơ và về nghiệp gõ đầu trẻ. Trong rất nhiều lần nói chuyện như thế, anh thường nhắc đến nhà thơ Kim Tuấn. Anh cứ tấm tắc trong hồi tưởng, nó hiền lắm, dễ thương lắm, thơ của nó rất hay.

Tôi hỏi Kim Tuấn quen sao với anh Cao Thoại Châu, thì anh trả lời, nó đi lính ở trển (Pleiku), làm thông dịch viên, nó giỏi tiếng Anh lắm, còn anh thì dạy học ở trường nữ trung học Pleime. Nhưng hai anh sinh hoạt chung trong nhóm văn nghệ sĩ với nhau, nên thân nhau lắm.

Các anh có nhiều kỷ niệm chung. Hình như bài thơ Mời Em Uống Rượu, nổi tiếng của Cao Thoại Châu, cũng được sáng tác vào thời kỳ này. Tôi còn nghe anh nhắc nhiều về các tên lừng danh khác trong thời ấy, mà tôi không nhớ hết, loáng thoáng đâu như có tên: Cao Xuân Huy, Nguyễn Bắc Sơn, Lâm Hảo Dũng… .

Ông bà xưa hay nói, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã – ở đây, tôi không sử dụng câu ấy theo nghĩa xấu, chê bai, mà ngược lại – tôi nhận thấy trong cuộc sống, khi hợp gu với nhau, hợp tánh hợp tình nhau, cùng say mê một bộ môn, một công việc, một sở thích, người ta thường có xu hướng hút lấy nhau, quý mến nhau, để hợp lại thành những người bạn thân, thành những nhóm bạn thân.

Anh Cao Thoại Châu còn kể thêm, những kỷ niệm được gọi là đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ảnh, chính là thành phố Pleiku với tất cả những gì chứa đựng ở đó, trong đó, nơi đó – ngôi trường, học trò, nhà trọ, những con đường, hàng quán, những đêm lạnh buồn cô đơn bên chén rượu, và bạn bè, và Kim Tuấn.

Kim Tuấn thì không xa lạ gì với tôi, cái đứa mê thơ, mê văn, mê nhạc. Nhưng thú thực, tôi ít biết về thơ Kim Tuấn. Cái khiến tôi biết ông, là do, tên ông, gắn liền với nhiều ca khúc, trong đó, có bốn, năm ca khúc vô cùng nổi tiếng, thậm chí cho đến bây giờ, người ta vẫn mở ra rả nghe vào những ngày xuân hoặc trên các chương trình ca nhạc hải ngoại, đó là bài “anh cho em mùa xuân”, Nguyễn Hiền – “những bước chân âm thầm”, Y Vân – “khi tôi về”, Phạm Duy – “ta ở trời tây nhớ trời đông”, Phạm Đình Chương – “khi xa sài gòn”, lê uyên phương.

Dù là thể lục bát, bảy chữ, tám chữ hay tự do thì thơ Kim Tuấn lúc nào cũng hiền hòa và chân thành, đơn sơ và tha thiết, đằm thắm và ngọt ngào, mênh mang và êm ả, mãnh liệt và chôn sâu, ngậm ngùi và tiếc nuối, nhớ thương và hoài niệm, đặc biệt là với thơ năm chữ, như bài Kỷ Niệm, được Y Vân phổ nhạc và đổi thành “những bước chân âm thầm”.

Kỷ Niệm

từng bước từng bước thầm

hoa vông rừng tuyết trắng

rặng thông già lặng câm

hai đứa nhiều hối tiếc

sương mù giăng mấy đồi

tay đan đầy kỷ niệm

mưa giữa mùa tháng năm

dật dờ cơn gió thổi

một tháng không trăng rằm

mây núi ôm trời thấp

giá rét về căm căm

cao nguyên mù đất đỏ

từng bước từng bước thầm

cúi đầu in dấu mỏi

tuổi trẻ buồn lặng câm

núi nghiêng đầu thủ thỉ

từng bước từng bước thầm

hoa vông rừng tuyết trắng

tuổi trẻ buồn lặng câm

víu hồn hoang cỏ dại

từng bước từng bước thầm… .

(Pleiku, 1961)

******

Thơ Kim Tuấn là thơ của cảm xúc và của nhạc điệu. Thơ ông còn là thơ của cô đọng và chắt lọc. Thế nên, số bài thơ của ông được phổ nhạc, có thể nói là nhiều nhứt nhì (gần ba mươi bài), so với hàng trăm tác giả khác có thơ phổ nhạc. Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân cũng là một bài thơ trữ tình, viết theo thể năm chữ và được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ với tựa đề “anh cho em mùa xuân”.

Đó là ước mơ của tác giả về một ngày mai, quê mẹ, non nước, được ấm no, hạnh phúc, thanh bình, yên ả.

Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân 

anh cho em mùa xuân

nụ hoa vàng mới nở

chiều đông nào nhung nhớ

đường lao xao lá đầy

chân bước mòn vỉa phố

mắt buồn vin ngọn cây

anh cho em mùa xuân

mùa xuân này tất cả

lộc non vừa trẩy lá

thơ còn thương cõi đời

con chim mừng ríu rít

vui khói chiều chơi vơi

đất mẹ gầy có lúa

đồng ta xanh mấy mùa

con trâu từ đồng cỏ

giục mõ về rộn khua

ngoài đê diều thẳng cánh

trong xóm vang chuông chùa

chiều in vào bóng núi

câu hát hò vẳng đưa

tóc mẹ già mây bạc

trăng chờ trong liếp dừa

con sông dài mấy nhánh

cát trắng bờ quê xưa

anh cho em mùa xuân

bàn tay thơm sữa ngọt

dải đất liền chim hót

người yêu nhau trọn đời

mái nhà ai mới lợp

trẻ đùa vui nơi nơi

hết buồn mưa phố nhỏ

hẹn cho nhau cuộc đời

khi hoa vàng sắp nở

trời sắp sang mùa xuân

anh cho em tất cả

tình yêu non nước này

bài thơ còn xao xuyến

nắng vàng trên ngọn cây

******

Kim Tuấn còn làm những bài thơ bằng văn xuôi, và Những Điều Ghi Được Trong Giấc Ngủ là một bài thơ xuôi như thế, tinh tế và nhẹ nhàng, dung dị và hàm súc.

Phạm Duy chọn phổ nhạc vào năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám và ca khúc nằm trong tập Hòa Bình Ca với tựa đề Khi Tôi Về.

Viết bằng văn xuôi, nhưng đọc lên, câu nào nghe cũng thơ. Bài thơ là một giấc mơ, một ước mơ, ước mơ ngày mai thanh bình sớm trở về lại với quê hương.

Đọc những bài thơ như thế này, tôi chợt nghĩ, nếu Kim Tuấn là một họa sĩ, thì chắc chắn, đời anh sẽ có những bức họa rất đẹp. Các bạn cứ thử đọc bài thơ tôi ghi ra dưới đây. Chỉ một câu thôi mà không biết bao nhiêu là hình ảnh. Hình ảnh nối tiếp hình ảnh. Liên tục. Không dừng.

Cảnh nào cũng đẹp, cảnh nào cũng nên thơ, cảnh nào cũng làm người đọc ước  mơ theo, khát khao theo, và hy vọng.

Bên cạnh đó, vẫn là những nỗi buồn, những nỗi ám ảnh về thân phận con người trong cuộc chiến, về thân phận của những chàng trai mười tám, đôi mươi, đang đêm ngày, ngoài chiến trường, bom là giường, đạn là gối, hỏa châu là mái che.

Và nỗi nhớ. Nhớ đủ thứ. Đầy ắp trong tim óc, chẳng biết phải gởi vào đâu, nhớ mẹ, nhớ em, con cò, ruộng xanh, lũy tre, khói un mùi quen thuộc.

Tôi cho rằng, đây là một bài tuyệt hay trong các bài tuyệt hay của ông. Tôi đọc mà nghe lòng rất xúc động. Chất ngất nỗi niềm.

Tôi đặc biệt thích từ “vồ ôm” – vồ ôm tương lai của mình. Muốn rớt nước mắt. Cuộc sống mong manh quá. Tương lai mong manh quá. Mạng người mong manh quá, mới cho nên, nuôi nấng một ước mơ, giản đơn đến mức không thể giản đơn hơn được nữa – và khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi.

Những Điều Ghi Được Trong Giấc Ngủ

Khi tôi trở về, có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh.

Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió. Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình. Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.

Khi tôi trở về, hai tay níu tim lồng ngực. Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở. Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời.

Khi tôi trở về mẹ vừa tóc bạc. Đôi mắt nhìn vào tương lai và quên bao nỗi ưu phiền – Con cò lại bay trong đồng ruộng xanh. Lũy tre cúi xuống ưu tư già cùng mùi khói un quen thuộc.

Khi tôi trở về tôi sẽ đi thăm bờ sông tuổi nhỏ, tôi sẽ buồn thầm những chuyện ngày xưa và sẽ khóc một mình – vì quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn.Quê hương tôi ở đó. Quê hương tôi khi còn tuổi nhỏ, khi tôi lớn lên bằng tiếng ru hời. Quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn.

Khi tôi trở về con chim kể lời ân ái. Bài hát vang xa và vũ khí sẽ xếp thành cầu vồng trong ngày cưới. Nhà mới dựng xây, có tiếng trẻ khóc u oa chào đời. Có người đem tặng em bé quả bom nguyên tử, đứa trẻ đó cười và ôm nó ngủ như ôm quả bóng. Những dãy phố sớm mai thức dậy cùng tiếng chim ca, lũ trẻ con mừng đời thịnh trị và tay yếu cố vồ ôm tương lai của mình.

Khi tôi trở về, khi tôi trở về cuộc đời xuôi chảy. Có bóng trăng xưa soi trên lối vườn, có rừng cây ốm vì nhiều thương nhớ, và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi.

******

Thơ ông là những buồn vui, là những hạnh phúc lẫn khổ đau, là gần gụi và chia xa, là những tháng ngày nắng ấm lẫn lạnh mưa, là một tình bạn, tình yêu thủy chung, bền bỉ, ân cần.

Một bài thơ cũng rất hay của ông, đó là bài Ta Ở Trời Tây Nhớ Trời Đông, được Phạm Đình Chương phổ nhạc và giữ nguyên tựa đề trên.

Càng đọc thơ ông, tôi càng thích. Thơ ông buồn, mà cái buồn trong thơ ông cũng lạ hơn cái buồn người ta. Cái buồn trong thơ ông luôn là cái buồn chơi vơi, da diết, khắc khoải mà đầy sâu nặng.

Viết về chia ly, viết về ngăn cách, mà ví như nguồn, ví như sông. Ôi chao ôi, cái cách xa ấy mới thiệt là ngàn trùng thăm thẳm – có một nguồn xa, chia mấy sông. Xa, đến mức, chẳng biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại.

Những câu hay, tiếp nối những câu hay. Nỗi cô đơn ấy mà, lấy rượu làm khuây thì thấm thía gì. Cô đơn đến thế này, thì quả là, chỉ mỗi Kim Tuấn mới nghĩ ra – thấy một mình, trong nỗi nhớ mong.

Hay và đẹp. Đẹp đến mức làm chết lặng, lòng tôi: nhớ đôi dòng tóc, chia đường gió / cõi mình ta mù, như hư không.

Ta Ở Trời Tây Nhớ Trời Đông

ta ở trời tây, nhớ trời đông

nhớ trong sợi khói, cuốn phiêu bồng

có muôn trùng núi, ngăn người đến

có một nguồn xa, chia mấy sông

ta ở trời tây, nhớ trời đông

nhớ nhau nghìn nỗi, xót xa lòng

sao ta chợt thấy, men đời đắng

thấy một mình, trong nỗi nhớ mong

ta ở trời tây, nhớ trời đông

nhớ như con nước, trôi thành dòng

như chim mỏi cánh, bay tìm núi

có một mình riêng, hoài ngóng trông

ta ở trời tây, nhớ trời đông

nhớ mưa nhòa phiếm, nắng tơ hồng

nhớ đôi dòng tóc, chia đường gió

cõi mình ta mù, như hư không.

******

Kiểu gì thì kiểu, người nghệ sĩ là người của cô đơn. Chỉ khi cô đơn, nhà thơ mới có thể viết ra những câu thơ làm ray rứt nhứt. Chỉ khi cô đơn, nhà văn mới có thể viết ra những câu văn làm thổn thức tâm hồn. Kim Tuấn không ngoại lệ, dù ông có hạnh phúc gia đình đến đâu, dù ông có bạn bè đông đúc và thương yêu đến mức nào, thì ẩn sâu trong ông, vẫn phải là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn tuyệt đối. Cùng nỗi buồn, những nỗi buồn chầm chậm, trôi đưa, những nỗi sầu miên man, bất tận. Và cả sự lãng mạn nữa.

Đó là những tính chất bắt buộc. Là tính cách phải có. Không có đủ cả ba yếu tố ấy, Kim Tuấn không thể nào có những bài thơ, hay đến như thế, để lại cho đời, như bài Chiều Mưa Bay dưới đây:

sân ga chiều mưa bay

nhìn em không dám nói

nhìn em không dám nói

tình riêng dìu nhau sầu

cầm tay em giá lạnh

sân ga chiều mưa mau

trời không thương hai đứa

mưa giăng mờ chuyến tàu

làm sao anh cúi mặt

làm sao còn thấy nhau

em ơi trời giá lạnh

mưa giăng mờ chuyến tàu

đèn thắp buồn ga nhỏ

biết bao giờ thấy nhau

kèn trầm run tiếng thở

chiều đưa em lên tàu

mưa sao bằng nước mắt

em khóc chiều hôm nay

tàu đi người ở lại

buồn rưng rưng phương này

tàu đi sầu để lại

ga nhỏ còn mưa bay

Sài Gòn 10.12.23

Phạm Hiền Mây

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here