Ông Trọng lãnh đạo theo phong cách Lê-nin-nít, “đốt lò” có yếu tố “chính trị nội bộ, phe cánh”

0
10
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hà Nội hôm 4/4/2023 AFP

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.05.06

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng có chuyến thăm Anh quốc ba ngày (từ ngày 04-06/5/2023) để tham dự lễ đăng quang của nhà Vua Anh Charles III. Nhân dịp này từ London, Tiến sỹ sử học Bill Hayton, nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi, với nội dung được tóm lược sau đây.

TS. Bill HaytonĐây là một năm đặc biệt trong quan hệ Anh – Việt vì hai nước đang đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức… (1973-2023). Trong dịp lễ đăng quang này của nhà Vua Anh, tiện thể sẽ có hơn một trăm nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước tới London, nên sẽ là điều hơi kỳ nếu không mời lãnh đạo Việt Nam tham dự sự kiện, nhất là vào lúc quan hệ giữa hai nước đang tốt…

RFA: Có ý kiến trong giới quan sát gợi ý rằng hai nước có thể nâng cấp quan hệ lên một tầm mức cao hơn nữa, trong lúc năm nay hai nước cũng đang đánh dấu 10 năm thiết lập đối tác chiến lược, ý kiến của ông?

TS. Bill HaytonTôi nghĩ rằng hai bên đều đang khá hài lòng với vị trí của mối quan hệ đối tác hiện nay. Tôi không nghĩ là bây giờ họ sẽ đi xa nhiều hơn nữa. Hiện có một số hạn chế về chính trị trong mối quan hệ này, và tôi nghĩ phía Anh quốc đang khá quan ngại về việc trấn áp đang diễn ra ở Việt Nam đối với tự do biểu đạt tại thời điểm này. Do đó, tôi không nghĩ là Anh quốc muốn tỏ ra là có một mối quan hệ vô giới hạn và tôi nghĩ là còn có những hạn chế với cả hai bên.

RFA: Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) vừa xếp Việt Nam đứng thứ sáu trên thế giới trong phúc trình Chỉ số về tự do của người viết năm 2022, trong khi một Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), mới công bố nhân ngày Báo chí Toàn cầu 03/5, xếp Việt Nam vào nhóm ba quốc gia đứng cuối bảng trong số các nước được xếp hạng trên thế giới, với hai nước còn lại là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, bình luận của ông?

TS. Bill HaytonTôi nghĩ là Hoa Kỳ lâu nay đã có nhiều nỗ lực để gây áp lực với chính quyền Việt Nam, nhưng phía Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ. Tôi cho rằng Ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đang cho rằng họ có thể có một sự vô giới hạn trong việc hành xử với giới nhà báo, phóng viên, người viết và giới bất đồng. Chính quyền Việt Nam có thể cho rằng họ đang có một sự “bảo vệ” như thể lâu nay có rồi, nên họ có thể tiến hành các trấn áp, do vậy chỉ số trên (của PEN America) có thể là một sự thừa nhận của phía Mỹ rằng mối quan hệ có thể không hẳn diễn ra tốt như phía chính quyền Việt Nam tưởng và rằng chính quyền Việt Nam đang lợi dụng thiện chí của Mỹ, như là phía Mỹ lâu nay vẫn như vậy, và chính quyền Việt Nam tiếp tục các cuộc trấn áp.

RFA: Cũng có gợi ý từ trong giới quan sát rằng Anh quốc đang có điều chỉnh chiến lược và chính sách an ninh của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà đặc biệt thể hiện thông qua nhóm AUKUS gồm ba quốc gia Úc, Anh và Mỹ, và có thể điều này cũng có tác động tích cực nào đó tới quan hệ an ninh, quốc phòng Anh – Việt và an ninh của Việt Nam ở khu vực. Ý kiến của ông?

TS. Bill HaytonTôi nghĩ rằng Anh quốc muốn quay lại trên tư cách một tác nhân, chủ thể (player) ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng tôi không nghĩ rằng họ có bất cứ ảo tưởng nào rằng Anh quốc sẽ là thế lực lớn, nhất là trong so sánh với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Anh quốc có một vị thế thích hợp, muốn có một vị trí trên toàn cầu, muốn là một đối tác chính trị và muốn kiếm tiền từ thương mại, và tất cả những điều đó cũng quan trọng trong mối quan hệ với Việt Nam. Song tôi không nghĩ AUKUS ràng buộc trực tiếp Anh quốc và Việt Nam với nhau, tôi không nghĩ Anh quốc có chính sách nào mà cải thiện quan hệ quân sự với Việt Nam, mặc dù Anh quốc có thể làm một số ít việc nào đó hỗ trợ Việt Nam trong vai trò giữ gìn hòa bình cho Liên Hợp Quốc, chẳng hạn; nhưng tôi không nghĩ rằng Anh quốc muốn giúp Việt Nam chiến đấu trong các cuộc chiến tranh.

Trở lại với vấn đề nhân quyền, tôi nghĩ sẽ có nhiều câu hỏi ở trong Nghị viện Anh quốc rằng liệu Anh quốc có muốn được nhìn nhận như đang giúp đỡ cho một quốc gia mà bỏ tù các nhà báo, phóng viên và những người viết hay không…

RFA: Liên minh châu Âu từng bị một số giới quan sát chỉ trích là đặt ưu tiên quan tâm về nhân quyền chưa tương xứng với các quan tâm khác trong quan hệ, hợp tác với Việt Nam, trong hỗ trợ cải thiện nhân quyền, vai trò, vị thế xã hội dân sự, hay hỗ trợ cho một số đổi mới, nếu có, có tính thể chế trên tinh thần nhà nước dân chủ pháp trị, nhà nước pháp quyền. Ông nghĩ sao về chính sách của Anh quốc đối với Việt Nam?

TS. Bill Hayton và cuốn sách ông viết về Việt Nam. Hình: Bill Hayton

TS. Bill HaytonTôi nghĩ trong mối quan hệ song phương này, tìm kiếm sự cân bằng là một từ khóa then chốt, nhưng tôi không nghĩ rằng hai phía muốn bị cáo buộc là quay mặt đi như một người khiếm thị trước những lĩnh vực có vấn đề. Với phía Việt Nam, rõ ràng là có quan ngại về mặt an ninh trong chế độ, nên họ không muốn mở cửa cho những nhà hoạt động chính trị, chính trị gia và việc tự do biểu đạt, nên chính quyền Việt Nam sẽ tạo ra áp lực ở mặt đó.

Còn về phía Anh quốc, họ cũng không muốn đưa ra một tấm “ngân phiếu” khống với những sự tán thành vô giới hạn đối với những gì mà phía chính quyền Việt Nam đang hành xử. Do đó sẽ có những giới hạn trong những vấn đề đó. Tôi nghĩ, lưu tâm trong đầu óc những điều đó, sẽ có những lĩnh vực mà hai phía sẽ cố gắng hợp tác, chẳng hạn trong năng lượng là một lĩnh vực mà hai bên muốn hợp tác với nhau. Như vậy là còn có những vấn đề chiến lược, những vấn đề toàn cầu, nhưng sự hợp tác có thể sẽ bị kìm lại do lập trường của phía Việt Nam đối với tự do biểu đạt chẳng hạn.

RFA: Có ý kiến gợi ý và cho rằng chính quyền Việt Nam đã đang theo sát, học tập chính quyền Trung Quốc trong nhiều việc, nhưng không phải cái gì mà theo luồng ý kiến này Việt Nam cũng nên học theo. Ở Trung Quốc đả hổ diệt ruồi được cho có thể là một chiến dịch chống tham nhũng, nhưng cũng có thể có động cơ chính trị nội bộ, và cũng có thể có vi phạm nhân quyền, vi hiến, vi phạm pháp luật xảy ra trong các cuộc trấn áp “tham nhũng” đó, với chiến dịch “đốt lò”, “củi lửa” đang diễn ra lâu nay tại Việt Nam. Ý kiến của ông thế nào?

TS. Bill HaytonĐương nhiên, không có nghi ngờ gì là có vấn đề tham nhũng trầm trọng ở Việt Nam, nhưng cũng không có gì phải bàn cãi rằng ban lãnh đạo chính quyền Việt Nam đã và đang sử dụng những vấn đề chống tham nhũng này như một công cụ chính trị để loại một số chính khách, một số nhóm chính trị ra khỏi cơ cấu then chốt ra quyết định của Đảng Cộng sản. Do đó rõ ràng việc ra đi của hai Phó Thủ tướng Chính phủ và một q Chủ tịch nước mới đây, cùng việc thay thế họ rất nhanh chóng, cho thấy có một chiến dịch chính trị để loại bỏ những đối thủ chống lại việc lãnh đạo theo phong cách Lê-nin-nít của ông Nguyễn Phú Trọng, và chống lại sự củng cố quyền lực và quan điểm của nhóm ông Trọng mà đang đứng ở chóp bu của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản.

RFA: Trong bối cảnh mà có gợi ý rằng ở Việt Nam đang có một cấp độ bất ổn định chính trị nội bộ nào đó trong bộ máy cầm quyền cấp cao như những gì diễn ra gần đây cho thấy, thì việc ông Võ Văn Thưởng (sinh năm 1970), vừa được ban lãnh đạo ĐCSVN cơ cấu vào ghế Chủ tịch nước, thì đó là tín hiệu gì theo ông?

TS. Bill HaytonThực tế rằng ông ấy là một người trẻ tuổi rõ ràng cho thấy thế hệ lãnh đạo trước đã già nua, và họ cần phải chuyển giao cho một thế hệ trẻ hơn, và đó là điều thực sự không thể tránh khỏi. Ông Nguyễn Phú Trọng hiển nhiên đã có những sự gia hạn nhiệm kỳ bất thường trong vị trí Tổng Bí thư ĐCS. Nhưng liệu điều này có thực sự tạo ra sự thay đổi gì to lớn trong chính trị Việt Nam hay không, thì tôi không chắc chắn.

Nhưng cũng rõ ràng rằng ông Trọng đã chờ đợi cho đến khi ông ấy có thể tìm được ai đó thích hợp để ông chuyển giao quyền lực, và trước đây trong một số lần, ông chưa tìm được một người được ông ưa thích đồng thời lại có thể được Ban chấp hành Trung ương Đảng lựa chọn. Do đó có thể bây giờ ông Trọng đã tìm được một người mà ít nhất có thể chiếm lĩnh vị trí Chủ tịch nước, để củng cố sự lãnh đạo của bản thân ông Trọng.

Tôi nghĩ rằng ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hiện nay, có vẻ sẽ trở thành Tổng Bí thư kế tiếp của ĐCSVN. Do đó việc chuyển giao quyền lực trong nội bộ ĐCSVN đang diễn ra đằng sau cánh gà, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng nó chỉ đơn giản như thế, mà có thể sẽ có những đấu đá nội bộ ở hậu trường mà người ta không muốn công chúng nhìn thấy, trước khi có những thống nhất. Song nếu những diễn biến đó mà đi quá đà, thì cũng có thể sẽ có những phản ứng bất lợi ở trong Đảng CSVN, khi Đại hội đảng kế tiếp đang trên đường để diễn ra vào năm 2026.

RFA: Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!

Tiến sỹ Bill Hayton hiện là nhà nghiên cứu thuộc chương trình châu Á – Thái Bình Dương của Chatham House, trước đó ông từng được bổ nhiệm làm cộng tác viên của chính chương trình này tại viện nghiên cứu quốc tế Chatham hồi năm 2015. Ông từng là phóng viên của BBC tại Việt Nam năm 2006-2007 và được biệt phái sang đài truyền hình công cộng tại Myanmar năm 2013-2014. Bill Hayton nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Cambridge năm 2019, với chủ đề nghiên cứu liên quan lịch sử và sự phát triển của các tranh chấp ở Biển Đông. Là cựu nhà báo của BBC (1998-2021), đồng thời là nhà quan sát chính trị quốc tế, khu vực và một số khía cạnh về nhân quyền, dân chủ, xã hội dân sự, trong đó có khu vực châu Á, ông cũng được biết đến là tác giả của bốn cuốn sách về châu Á và là biên tập viên của tạp chí học thuật Các vấn đề Á châu.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nguyen-phu-trong-anti-craft-is-political-motivated-05062023074845.html