Stanley Karnow là một nhà báo gạo cội, có hiểu biết sâu sắc về Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách “Việt Nam, một thiên lịch sử”, đồng thời là cố vấn lịch sử và biên tập chính của loạt phim tài liệu cùng tên của hãng PBS ra mắt năm 1983. Đoạn trích dưới đây trong cuốn sách đó thuật lại cuộc trò chuyện của ông với thủ tướng Phạm Văn Đồng, và diễn biến về một cơ hội bị bỏ lỡ của cả hai bên về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau 1975.
…………..
Những rắc rối thời hậu chiến của Mỹ so với những khó khăn mà Việt Nam, nơi tôi đến thăm lại vào đầu năm 1981, gặp phải là rất mờ nhạt. Tôi đã khám phá lại một vùng đất không chỉ bị tàn phá bởi xung đột gần như không ngừng nghỉ qua nhiều thế hệ, mà còn bị cai trị bởi một chế độ đàn áp và bất lực, không đủ khả năng đương đầu với thách thức phục hồi .
Xây dựng lại Việt Nam là một nhiệm vụ to lớn xét đến những điều kiện tốt nhất họ đang có. Chiến tranh đã phá hủy nền kinh tế, phá vỡ kết cấu xã hội và làm suy kiệt dân số ở cả miền bắc và miền nam. Nhưng những người Cộng sản, thể hiện sự không khoan nhượng tương tự đã truyền cảm hứng cho họ chống lại bộ máy quân sự to lớn của Hoa Kỳ, đã phạm những sai lầm ngớ ngẩn làm hỏng thành quả giành được hòa bình của họ.
Ngày nay, là một trong những nơi nghèo khó nhất trên trái đất, Việt Nam đang phải đối mặt với những viễn cảnh ảm đạm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thừa nhận khi chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Pháp trong phòng khách lộng lẫy của một dinh thự Hà Nội nơi từng là nhà của toàn quyền thuộc địa Pháp. Là một người bảy mươi tuổi đầy nghị lực, cả cuộc đời cống hiến cho đấu tranh, ông có vẻ bị sốc trước hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam: “Đúng, chúng tôi đã đánh bại Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ chúng tôi đang gặp phải nhiều vấn đề. Chúng tôi không có đủ ăn. Chúng tôi là một quốc gia nghèo, kém phát triển. Anh biết đấy, tiến hành chiến tranh thì đơn giản, nhưng điều hành một quốc gia lại rất khó khăn.”
Năm 1977, Phạm Văn Đồng và các đồng chí đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Cyrus Vance và trợ lý chính của ông, Richard Holbrooke, mong muốn Mỹ công nhận Việt Nam như một bước tiến tới hòa giải, và Tổng thống Jimmy Carter ủng hộ động thái này. Nhưng Holbrooke đã vấp phải bức tường đá khi cuộc đàm phán bắt đầu ở Paris. Phía Việt Nam khẳng định, như một điều kiện tiên quyết, phải có khoảng 3 tỷ USD tiền ” bồi thường chiến tranh” – và viện dẫn lời cam kết bí mật về khoản viện trợ này của Tổng thống Nixon đối với họ vào đầu năm 1973 như một động lực để ký hiệp định ngừng bắn. Lời hứa của Nixon, không được Quốc hội chấp thuận, chắc chắn là không hợp pháp, nhưng người Việt Nam vẫn ngoan cố bám theo yêu cầu của họ, đã tính toán một cách vô lý số tiền tiềm năng vào kế hoạch kinh tế của mình. Cuối năm 1978, nhận ra tính toán sai lầm của mình, họ đã đổi ý. Đến lúc đó, thời điểm thuận lợi đã trôi qua.
Vào thời điểm đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Carter, Zbigniew Brzezinski, đã quyết tâm trả đũa Liên Xô bằng cách nâng mối quan hệ gần như chính thức của Mỹ với Trung Quốc lên mức công nhận ngoại giao chính thức. Ông lập luận rằng việc tiếp cận thân mật với Việt Nam sẽ làm tổn hại đến mối liên hệ Trung-Mỹ quan trọng hơn, vì khi đó người Việt Nam đang gây thù địch với người Trung Quốc bằng cách xích lại gần hơn với Liên Xô. Các cố vấn chính trị trong nước của Carter ủng hộ Brzezinski, cho rằng dư luận Mỹ vẫn còn thù địch với Việt Nam – một phần vì chính phủ nước này đã bất hợp tác trong việc chuyển giao hài cốt của hơn hai nghìn người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Trong khi đó, hàng nghìn người tị nạn bắt đầu chạy trốn khỏi Việt Nam bằng đường biển, và nỗi thống khổ của “thuyền nhân” đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Và các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện những dấu hiệu đáng tin cậy về một cuộc xâm lược Campuchia sắp xảy ra của Việt Nam. Kế hoạch công nhận Việt Nam của Mỹ đã bị xếp lại và chưa từng được xem xét lại.
Vì sai lầm của mình, người Việt Nam đã bị mất viện trợ của Mỹ, điều gần như chắc chắn sẽ được thực hiện dưới hình thức này hay hình thức khác nếu họ thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ.
Các khoản vay đầu tư của Hoa Kỳ, được hỗ trợ bởi thương mại giữa hai nước, sẽ giúp kích thích nền kinh tế Việt Nam -làm cho nước này ít phụ thuộc hơn vào Liên Xô với chương trình hỗ trợ khoảng một tỷ đô la mỗi năm được kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng người Việt Nam vẫn chưa từ bỏ hy vọng. Đã hơn một lần trong những tuần ở Hà Nội, người phiên dịch của tôi đã chỉ vào một biệt thự lớn màu xám trên đường Hai Bà Trưng, một con đường sầm uất ở trung tâm thành phố, nhắc nhở tôi có phần buồn bã rằng nó đã được dọn dẹp, cải tạo, và diệt chuột, sẵn sàng cho đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đặt trụ sở, nhưng sự kiện đó có thể không bao giờ đến