Mỏi mòn chờ tiền đền bù của Formosa, người nuôi tôm cầu cứu Chính phủ

0
119
   
Dân trí: Chưa nhận được bất cứ một khoản tiền nào từ số tiền đền bù của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), các doanh nghiệp và người nuôi tôm ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vốn đã chịu thiệt hại nặng nề nay càng thêm ngắc ngoải. Trong bối cảnh quá khó khăn, doanh nghiệp, người dân đồng loạt ký tên, gửi đơn cầu cứu Chính phủ.

Ngắc ngoải chờ tiền đền bù

Với quy mô được cấp phép 194,5 ha, trong đó 66 ao nuôi trên diện tích 86 ha, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh (GBH) là doanh nghiệp được cho là đứng đầu khu vực miền Trung về nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên đất cát bằng công nghệ EM vi sinh.

Trải qua vài vụ nuôi ban đầu thắng lợi, vào vụ 1 của năm 2016, khi đang chuẩn bị thu hoạch thì sự cố môi trường do Formosa xả thải ập đến khiến toàn bộ diện tích 66 ao ở hai khu nuôi tại xã Kỳ Phương và Kỳ Nam bị thiệt hại nặng nề.

Tính từ ngày 10/4 đến ngày 28/5, tổng cộng có 252,5 tấn tôm của công ty bị chết sạch. Toàn bộ số lượng tôm giống đang sản xuất tại trại giống của công ty đều bị chết hoặc phải phóng sinh ra biển vì không có khách hàng mua do lo sợ con giống bị nhiễm độc. Tổng thiệt hại trực tiếp của công có xác nhận bằng văn bản của chính quyền địa phương là 41 tỷ đồng.

Hình ảnh tôm chết la liệt tại các ao nuôi của Công ty Growbest Hà Tĩnh vào tháng 4/2016 được PV Dân trí ghi lại.
Hình ảnh tôm chết la liệt tại các ao nuôi của Công ty Growbest Hà Tĩnh vào tháng 4/2016 được PV Dân trí ghi lại.

Từ sau sự cố trên GBH đã thực sự rơi vào thảm trạng ngắc ngoải. Do nằm ngay sát khu vực xả thải của Formosa nên GBH đã phải đóng cửa dài hạn, tìm phương án tối ưu hơn mới có thể khởi động lại khu nuôi Kỳ Phương. Trong khi đó khu nuôi Kỳ Nam, dù công ty đã rất nỗ lực, trong đó có giải pháp pha nước tốn kém, nhưng hoạt động sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn, các vụ nuôi liên tiếp thất bại.

“Từ sau sự cố môi trường công ty chúng tôi đã mất trắng hơn chục tỷ đồng trong việc tái nuôi. Sản xuất bị đình đốn, mỗi tháng chi phí cho công nhân và các chi phí khác lên tới nửa tỷ đồng. Khó khăn quá, buộc chúng tôi phải cho phân nửa kỹ sư, công nhân tạm nghỉ việc” – đại diện của GHB thông tin.

Điều khiến GBH bất bình là cho đến lúc này doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền nào từ số tiền đền bù của FHS. “Chúng tôi thiệt hại hàng chục tỷ đồng, có xác nhận của địa phương, tuy nhiên áp dụng theo định mức đền bù theo QĐ 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì GBH chỉ được 9,6 tỷ đồng” – đại diện của GHB cho hay.

Sau sự cố môi trường biển, công ty Growbest Hà Tĩnh đã cho đóng cửa khu nuôi ở Kỳ Phương nằm sát nách khu công nghiệp Formosa.
Sau sự cố môi trường biển, công ty Growbest Hà Tĩnh đã cho đóng cửa khu nuôi ở Kỳ Phương nằm sát nách khu công nghiệp Formosa.

Chấp thuận mức đền bù trên nhưng theo lãnh đạo GBH, đến nay GHB vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền nào.

Tình cảnh khó khăn của GHB cũng là thực trạng chung của doanh nghiệp, bà con nuôi tôm ở khu vực khu kinh tế Vũng Áng. Cho đến lúc này hầu hết các doanh nghiệp, người dân nuôi tôm ở đây không còn khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng, tiền thuế nhà nước, tiền bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động 5-6 tháng, thiếu vốn sản xuất năm trầm trọng.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang đứng trước nguy cơ phá sản cao, kéo theo hàng ngàn lao động bị thất nghiệp.

Cầu cứu Chính phủ

Trước những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp, người nuôi tôm khu vực KKT Vũng Áng vừa đồng loạt ký tên, gửi đơn cầu cứu tới Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung.

Trong đơn, người dân bày tỏ sự bức xúc: “Trong khi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế đã đền bù xong hoặc ít nhất là đã đền bù 2/3 số tiền bị thiệt hại cho các doanh nghiệp và bà con nuôi tôm từ trước Tết Nguyên đán; tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh dù các cơ quan chức năng thuộc hội đồng đền bù của thị xã và tỉnh Hà Tĩnh đã rà soát kiểm tra, thẩm định nhiều lần, đến nay các doanh nghiệp và bà con nuôi tôm vẫn chưa nhận được bất cứ một đồng đền bù nào”.

Bức xúc vì chưa nhận được tiền đền bù của Formosa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi tôm tại Vũng Áng gửi đơn cầu cứu tới Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Bức xúc vì chưa nhận được tiền đền bù của Formosa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi tôm tại Vũng Áng gửi đơn cầu cứu tới Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Các chủ cơ sở nuôi tôm phản ánh việc triển khai xác lập hồ sơ đền bù quá cứng nhắc, bất cập khiến người dân khó đáp ứng, và là nguyên nhân khiến tiền đền bù của Formosa vẫn chưa thể về tay người dân.

Cụ thể, theo các chủ cơ sở nuôi tôm, tại thời điểm tôm chết, do chưa có văn bản nào hướng dẫn cho doanh nghiệp và bà con nuôi tôm lập hồ sơ xác nhận nên người nuôi tôm chỉ biết yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương lập văn bản xác nhận tôm chết theo số lượng tấn, tạ, hoặc tôm chết đồng loạt, chết toàn bộ… Thế nhưng đến khi lập hồ sơ đền bù thì Hội đồng đền bù lại yêu cầu phải có xác nhận theo tỷ lệ tôm chết trên 70% ngay tại thời điểm xảy tình trạng tôm chết thì mới được đền bù.

Sau khi chủ cơ sở nuôi tôm làm lại hồ sơ như yêu cầu, Hội đồng đền bù không chấp nhận với lý do: văn bản xác nhận phải là ngay tại thời điểm tôm chết, còn xác nhận bổ sung thì không chấp nhận.

Ngoài ra, theo chủ các cơ sở nuôi tôm, do tình trạng cán bộ nằm trong Hội đồng bồi thường lo sợ bị kỷ luật, nên đã xảy ra tình trạng cấp trên “không tin tưởng” cấp dưới, hồ sơ trình lên hoặc bị trả về, hoặc bắt cam kết bằng văn bản, bút tích để quy trách nhiệm. Đây cũng là lý do khiến tiền vẫn chưa về với người dân.

“Hàng trăm hộ nuôi trắng tay, đang đứng trước nguy cơ phá sản, mất nhà ở, dẫn đến tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng kích động tạo ra sự mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì thế chúng tôi mong Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp, bà con nuôi tôm thị xã Kỳ Anh vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này”– lá đơn kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Hà Phương

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here