MÃI MÃI PHẢI NHẮC LẠI!

0
52
   

Nguyễn Xuân Diện

Bài: Bùi Xuân Đính

Hôm nay, mồng 5 tháng Giêng, hội Gò Đống Đa, kỷ niệm chiến dịch thần tốc mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, do vua Quang Trung chỉ huy giành thắng lợi rực rỡ: đại phá 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long và đất nước khỏi họa ngoại xâm. Chắc chắn, chỉ ít giờ nữa, tại gò Đống Đa  sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm chiến thắng vĩ đại này. 

Còn tôi lúc này lại nghĩ đến sự kiện khác: chỉ còn 3 ngày nữa, số đông nguời Việt Nam từng sống qua những năm tháng đó buộc phải nhớ, phải nhắc lại cái sự kiện đau lòng đó: rạng sáng ngày 17/2/1979, bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh, đứng đầu là tên khát máu Đặng Tiểu Bình đã xua hơn 60 vạn quân cùng một lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất của chúng lúc bấy giờ (trừ lực lượng không quân), đồng loạt tràn sang lãnh thổ Việt Nam để “dạy cho một Việt Nam một bài học”, thực chất là cuộc tấn công xâm lược của một nước lớn, mang danh “cộng sản” đối với một quốc gia có chủ quyền, một đất nước vừa trải qua 30 năm kháng chiến gian khổ. Sự kiện 17/2/1979 là mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu nhất của bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh, vì chúng đã phản bội nhân dân Việt Nam, phản lại cái tình bạn mà chúng từng coi là “hữu nghị, anh em, núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm”, gây biết bao tội ác tày trời với nhân dân các tỉnh biên giới nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung, vì sau đó, chúng ta phải chịu những khó khăn kinh hoàng mà những ai đã trải qua, giờ nhớ lại, chắc phải rùng mình.

Mấy năm nay, nhờ phương tiện thông tin bùng nổ, mà sự kiện ngày  17/2/1979 nói riêng và cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu mà bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh gây cho nhân dân ta nói chung được nhắc đến  không còn dè dặt như trước. Dịp này năm nay, tôi sẽ không nhắc lại những tội ác tày trời mà những tên lính cộng sản xâm lược Trung Quốc gây ra với nhân dân ta, chỉ bàn đến một khía cạnh tưởng như “nhỏ”, nhưng không nhỏ chút nào cả. Đó là việc tuyên truyền, giáo dục để các thế hệ sinh ra và lớn lên sau các sự kiện trên có nhận thức đúng, tránh mơ hồ, ngộ nhận.

Nếu từ năm 1979 đến năm 1989, báo chí, sách giáo khoa không ngần ngại vạch tội “bọn phản động trong giới cầm quyền bành trướng, bá quyền Bắc Kinh” và cuộc chiến tranh xâm lược do chúng gây ra với nhân dân ta, thì từ 1989 trở đi, việc này giảm dần, rồi có lúc “tắt” hẳn. Đó là xu hướng bình thường của việc hòa giải, bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, chỉ vì “bình thường hóa” mà bỏ qua việc nhắc lại lịch sử, tuyên truyền giáo dục lịch sử, để các thế hệ hậu sinh không hiểu được giai đoạn lịch sử đau thương nhưng hào hùng này thì lại là một thiếu sót lớn, thậm chí là một sự vô ơn với hàng vạn chiến sĩ – hầu hết ở độ tuổi đôi mươi đã ngã xuống vì những dải đất biên cương, vì sự chính nghĩa và phẩm giá Việt Nam lúc đó bị các thế lực bên ngoài đánh đồng, xuyên tạc, bôi nhọ; cũng là sự vô ơn với các bậc cha mẹ đã nhọc nhằn, vất vả nuôi những người con trong thời buổi đầy gian khó của chiến tranh, cơ chế bao cấp, vừa mới “thấc” (lớn lên) đã phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Một thế hệ bị bưng bít lịch sử thì không chỉ không hiểu lịch sử mà còn có những ứng xử sai lệch. Xin nêu một ví dụ  thôi.

Cách đây không lâu, tôi được một cơ sở đào tạo lớn giao phản biện độc lập (phản biện “kín”) một luận án tiến sĩ chuyên ngành. Điều tôi thấy lạ lùng, là luận án bàn về một khía cạnh liên quan đến các di tích của các cuộc kháng chiến, nhưng tác giả luận án đi lan man quá dài dòng (hơn 10 trang) về diễn biến các cuộc kháng chiến (theo tôi, chỉ độ một trang là đủ). Điều lạ lùng hơn nữa, NCS viết rất mơ hồ về các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc sau tháng 4/1975, như đã dùng các cụm từ “Chiến tranh biên giới Tây Nam với Campuchia” (hay “Chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc”), đã đánh đồng cuộc kháng chiến tự vệ, giữ nước của nhân dân Việt Nam với hành động xâm lược của bọn Khơ – me đỏ Polpot, và của bọn xâm lược, bành trướng bá quyền Bắc Kinh. 

Tình hình trên đây có thể do mấy nguyên nhân:

1.NCS có kiến thức nền rất kém, không hiểu được đâu là kháng chiến giữ nước và chiến tranh xâm lược. Rất nhiều khả năng, NCS cũng không được học hay giảng giải về các cuộc chiến tranh xâm lược mà bọn Khơ – me đỏ và bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh đã gây ra với nhân dân ta trong những năm 1975 – 1978 và 1979- 1989.

2. Người hướng dẫn luận án của NCS có lẽ cũng có kiến thức rất kém, hay nhận thức thấp về các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trên đây, nên không chữa những sai sót của NCS, hoặc có hiểu, có biết, nhưng không làm hết trách nhiệm của người thầy, nên đã không sửa chữa các phần viết ‘mập mờ” này trong luận án của NCS.   

Luận án của NCS. về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của một luận án tiến sĩ, chỉ phải sửa chữa, điều chỉnh và bổ sung một số điểm, rồi nộp lên cơ sở đào tạo để có thể nhận quyết định bảo vệ chính thức; song vì NCS viết sai lệch như trên về hai cuộc kháng chiến giữ nước, nên tôi buộc NCS phải sửa chữa luận án theo ý kiến phản biện của tôi, sau đó phải chuyển lại cho tôi xem lại, NCS có sửa chữa thật sự hay không, rồi mới ghi vào bản nhận xét “Đồng ý cho NCS bảo vệ luận án ở cấp cao nhất”. Tuy nhiên, sau đó, NCS có sửa, nhưng không sửa hết, thậm chí lại xuất hiện thêm những cụm từ mới, sai lệch, nên tôi vẫn yêu cầu NCS phải sửa chữa tiếp mới đồng ý cho bảo vệ.

Việc thiếu hiểu biết hay ‘mù mờ’ về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc (1979 – 1991) còn do chính một số người “có nanh có mỏ” trong giới Sử học có nhận thức rất mơ hồ. Còn nhớ, cách đây 7- 8 năm (tôi không nhớ cụ thể), đọc trên mạng, tôi được biết, có vị GS,. TSKH sử học hẳn hoi mà còn phát biểu với một đài nước ngoài rằng :”Ngày 17/2/1979,  Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam” (!?); bị cộng đồng mạng “ném đá”, rằng GS sử học mà còn phát biểu lẫn lộn như thế. Rồi vào năm 2019, kỷ niệm 40 năm diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, một vị GS, Viện trưởng một viện nghiên cứu nọ phát biểu rất tự tin rằng “rồi đây, giới sử học hai nước (VN, TQ) sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất viết lại lịch sử giai đoạn này, tránh dùng những từ “đao to búa lớn”, làm tổn thương đến lòng tự trọng của nhau, đến tình hữu nghị Việt – Trung” (!?). Vị GS này đã bị Fb. Nguyễn Xuân Diện gọi là “tên sử nô”; còn tôi thì cười mà cho rằng “Loại ráo xư hoang tưởng, tin giới sử học TQ ngồi lại với giới sử học VN để viết lại lịch sử chẳng khác nào tin TQ sẽ trao trả quần đảo Hoàng Sa cho VN”.    

Quay trở lại câu chuyện tôi nhận xét về bản luận án nêu ở trên, cho dù NCS có bảo tôi là “ác” và cơ sở đào tạo có cho tôi là “khắt khe” (và rồi đây, có thể sẽ không giao tôi phản biện độc lập nữa), nhưng tôi không quan tâm và tôi thấy, việc làm của mình là đúng, vì MÃI MÃI PHẢI NHẮC LẠI ĐỂ CON CHÁU HIỂU RÕ GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ NÀY CỦA ĐẤT NƯỚC; nhắc lại để “sòng phẳng với lịch sử” và “Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù”, bởi chúng ta luôn phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc, những người cộng sản chân chính Trung Quốc với bọn “diều hâu” trong giới cầm quyền, bá quyền Trung Quốc.

Bài và Ảnh: Bùi Xuân Đính.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here