Lực lượng Mỹ có thể dùng để trị Bắc Triều Tiên hùng hậu ra sao ?

    0
    1267
    Ảnh minh họa : Đô đốc Mỹ Scott Swift trên tàu sân bay USS Ronald Reagan lúc kết thúc cuộc tập trận Talisman Saber 2017 với Úc. Ảnh ngày 28/07/2017.Reuters
       
    RFI
    Vào lúc mà cả Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đều dọa trút « bão lửa » xuống đầu đối phương, các nhà quan sát đã bắt đầu xem xét các phương tiện tấn công và đáp trả của hai bên. Sau tên lửa của Bình Nhưỡng, ngày 11/08/2017 vừa qua, hãng tin Pháp AFP đã điểm lại lực lượng hùng hậu mà Mỹ đã có sẵn tại châu Á có thể được huy động để đối phó với Bắc Triều Tiên

    Theo AFP, phương châm của Quân Đội Mỹ là #fighttonight, hiểu là « chiến đấu ngay đêm nay », một phương châm nêu bật tư thế quân sự luôn luôn sẵn sàng của Mỹ trước Bắc Triều Tiên. Do vậy, khi tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thông điệp twitter ngày 11/08 vừa qua của ông, đã đanh thép lên tiếng cho biết là « những phương án quân sự đã hoàn toàn sẵn sàng để đối phó nếu Bắc Triều Tiên manh động », Lầu Năm Góc cũng không cần phải thay đổi gì trong cách bố trí lực lượng của họ.

    Như vậy, lực lương mà Mỹ có thể huy động trong trường hợp mà khẩu chiến Mỹ-Bắc Triều Tiên biến thành chiến tranh thực sự bao gồm những gì ?

    Lực lượng ở Hàn quốc

    Trước hết là lực lượng gần ba chục ngàn lính Mỹ, võ trang đầy đủ, đang hiện diện thường trực tại Hàn Quốc.

    Một cách cụ thể, Quân Đội Mỹ hiện có 28.500 lính đồn trú trên bán đảo Triều Tiên, ở phía nam vĩ tuyến 38, bao gồm đầy đủ bốn binh chủng : Không Quân, Hải Quân, Lục Quân, và Thủy Quân Lục Chiến.

    Đây được xem là « chủ lực quân » của lực lượng Mỹ trong vùng để đối phó với Bắc Triều Tiên.

    Lực lượng hùng hậu nhất của Mỹ tại Hàn Quốc bao gồm 19.000 binh sĩ thuộc Quân Đoàn 8 đóng ở Yongsan, Seoul, chỉ cách vùng phi quân sự phân chia hai nước khoảng 40 cây số.

    Nhiều phi đội chiến đấu – oanh tạc cơ phản lực F-16 cũng đặt căn cứ thường trực ở Hàn Quốc, cũng như loại phi cơ tấn công trên mặt đất A-10, được cho là có thể giúp ngăn chận đà tiến của bộ binh Bắc Triều Tiên.

    Lực lượng Mỹ hùng hậu kể trên lại luôn thao diễn với đồng đội Hàn Quốc, trên bộ, trên không, trên biển, do đó rất thông thạo địa hình. Một đợt tập trận hỗn hợp thường niên cũng được dự kiến vào tháng 8 này, vừa để luyện tập kỹ năng đồng tác chiến, vừa để phô trương lực lượng nhằm mục đích răn đe Bắc Triều Tiên.

    Sau cùng, để đối phó với hỏa tiễn tầm trung của Bắc Triều Tiên, Mỹ đã lắp đặt hệ thống lá chắn THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Chính quyền Seoul ban đầu không mấy sốt sắng, vì không muốn làm phật ý Bắc Kinh, nhưng rốt cuộc đã chấp nhận cho Washington triển khai hệ thống này sau loạt thử hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.

    Lực lượng tại Nhật Bản

    Thành tố quan trọng thứ hai của lực lượng quân sự mà Mỹ có thể dùng để đối phó với Bắc Triều Tiên là các đơn vị quân đội đồn trú tại Nhật Bản, một nước rất gần bán đảo Triều Tiên.

    Hiện nay, số lính Mỹ có mặt tại Nhật Bản lên đến 47.000 người, trong đó gần một nửa – 20.000 quân – thuộc lực lượng thủy quân lục chiến, chuyên đổ bộ lên các bờ biển. Lực lượng này rất có ích nếu xẩy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

    Toàn bộ các lực lượng kể trên được dặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, tên tắt tiếng Anh là PACOM, mà đại bản doanh đặt tại Hawaii. PACOM có tổng cộng 377.000 nhân viên dân sự và quân sự khắp vùng Châu Á Thái Bình Dương.

    Riêng Hải Quân Mỹ thì có một lực lượng hải-không quân, tập hợp chung quanh hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, đặt căn cứ tại Yokosuka (Nhật Bản). Đây cũng là nơi đặt tổng hành dinh của Hạm Đội 7.

    Hải Quân chính là biểu tượng sức mạnh của Mỹ hiện nay, giúp Mỹ tung hoành trên Thái Bình Dương và vùng biển khu vực, hơn hẳn mọi nước khác cho dù Trung Quốc cũng đang cố phô trương uy lực và thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ, cũng như là Nga, đang đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa ngành hải quân của mình.

    Vào lúc này, thì chỉ có hàng không mẫu hạm Ronald Raegan hoạt động trong khu vực, nhưng chiếc Theodore Roosevelt đang thao diễn ở phía nam California và chiếc USS Nimitz đang ở vùng Vịnh.

    Tuy nhiên, trong sự bố trí lực lượng của Mỹ nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, có một thành tố chủ chốt nhưng lại ít được nhắc đến : Đó là đội tàu ngầm nguyên tử tấn công rất đa năng.
    Các tàu ngầm này vừa có thể tấn công, phóng đi hàng loạt hỏa tiễn hành trình một cách chính xác đến các mục tiêu ở xa, vừa có thể thu thập thông tin tình báo, và đối với một số chiếc, có thể cho đổ bộ đặc công lên phía sau các tuyến phòng thủ của đối phương.

    Mới đây, tổng thống Donald Trump đã làm cho giới tướng lãnh Mỹ tức giận khi khoe công khai là tầu ngầm hạt nhân Mỹ hiện diện gần bán đảo Triều Tiên.

    Tiết lộ về vị trí hay hoạt động của đội tàu ngầm là điều tối kỵ trong Quân Đội Mỹ trong lúc mà theo truyền thống, hoạt động của tầu ngầm thuộc diện « Silent Service ».

    Đảo Guam cũng là một thành tố trong bố trí lực lượng của Mỹ

    Tên của đảo trong những ngày gần đây đã nổi cộm trong dòng thời sự quốc tế sau khi được lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un chọn làm mục tiêu của 4 hỏa tiễn Bắc Triều Tiên.

    Thế nhưng, từ lâu nay, hòn đảo nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 3.400 cây số về phía đông nam này đã nắm một vị trí chiến lược cho các chiến dịch của Mỹ ở Thái Bình Dương.

    Căn cứ không quân Andersen trên đảo đã được thiết kế để có thể đón mọi loại oanh tạc cơ cỡ lớn với tầm hoạt động xa của Mỹ, từ loại siêu pháo đài bay B-52, cho đến loại oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-1B Lancer, đã từng bay trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây, và nhất là loại B2, hiện đại nhất của Mỹ vào lúc này.

    Quân cảng trên đảo Guam cũng thuộc loại lớn, được thiết kế để tiếp nhận các hàng không mẫu hạm, đến đấy để nhận tiếp liệu khi cần thiết. Đảo cũng được một hệ thống bắn chặn hỏa tiễn THAAD bảo vệ.
    Không chỉ quan tâm đến vế quân sự, trước nguy cơ đến từ Bình Nhưỡng, Washington cũng đã dự phòng khả năng lãnh thổ Mỹ bị Bắc Triều Tiên tấn công, trước hết là đảo Guam, và xa hơn một chút là quần đảo Hawaii, chuẩn bị vế dân sự.

    Trong bối cảnh Guam đang bị dọa, chính quyền Mỹ hôm 11/08 vừa qua đã công bố một quyển hướng dẫn người dân trong tình hình bị tấn công.

    Đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Mỹ, tập hướng dẫn này đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho số 160.000 dân cư trên đảo, cho biết nên làm gì trước, trong lúc, và sau một cuộc tấn công hạt nhân. Một vài ví dụ : Không nên nhìn ánh sáng bom nổ, cởi bỏ quần áo ngoài khi bị kẹt ở ngoài trời, không kịp vào nơi trú ẩn, luôn luôn có một bản đồ trên người… Lời khuyên còn đi vào chi tiết ngay cả trong cách tắm rửa.

    Tiểu bang Hawaii chuẩn bị cho nguy cơ bị tấn công hạt nhân

    Nếu đảo Guam là nơi bị Bình Nhưỡng trực tiếp đe dọa, thì Hawaii, nằm giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, lại là tiểu bang đầu tiên chính thức chuẩn bị cho tình hình nghiêm trọng nhất. Cùng với Alaska, Hawaii nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Bắc Triên.

    Theo ghi nhận của đài truyền hình Pháp BFMTV, từ ngày 07/08, những bài tập giả định một cuộc tấn công hạt nhân đã được tiến hành trong các trường công lập ở Hawaii, tạo ra bầu không khí chiến tranh lạnh trên quần đảo Mỹ ở Thái Bình Dương này.

    Theo truyền thông Mỹ, Hawaii là tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ chính thức chuẩn bị đối phó với hiểm họa này, bên cạnh những hiểm họa thiên nhiên thường xuyên đe dọa vùng này : Sóng thần, bão lụt, kể cả núi lửa, động đất. Theo giới chuyên gia thì khả năng xẩy ra tấn công hạt nhân rất thấp nhưng vẫn phải dự phòng trường hợp xấu nhất.

    15 phút chuẩn bị ngắn ngủi nhưng đủ để ‘sống sót’

    Theo lời trung tá Charles Anthony, trả lời đài truyền hình CNN hôm 09/08, nếu Bắc Triều Tiên bắn một hỏa tiễn liên lục địa, thì phải tính 20 phút, từ lúc bắn đi đến lúc rơi xuống Hawai.

    Và như thế, theo Vern Miyagi, thuộc Cơ quan quản lý khủng hoảng Hawai, được CNN trích dẫn, dân chúng sẽ có 15 phút ngắn ngủi để tìm nơi trú ẩn, vì chính quyền cần 5 phút để xác nhận vụ bắn và đường bay của hỏa tiễn.

    Hawai không có hầm trú ẩn hạt nhân, cho nên chính quyền phải chuẩn bị trước và hướng dẫn cho số 1,4 triệu cư dân, và đã công bố một tài liệu đưa ra những điều cần làm, như nghe đài, chọn nơi trú ẩn tốt nhất như thế nào, chọn nơi bằng bê tông, không nhìn ánh sáng quá mạnh khi bom nổ…

    Hawai cũng sẽ thiết lập hệ thống còi báo động và sẽ thử thường xuyên. Hệ thống này tương tự như hệ thống vào thời chiến tranh lạnh nhưng đã không còn được dùng từ những năm 1980.

    Một cuộc báo động thử được dự trù vào tháng 11 tới đây. Còi báo động mới sẽ vang lên sau những loại còi báo động đã được thiết lập cho thiên tai, thường vang lên vào ngày đầu tháng làm việc vào lúc 11g45. Báo động sẽ vang lên từ bunker với tường bê tông dầy 2 mét, xây dưới miệng núi lửa Diamond Head.

    Ông Vern Miyagi trấn an : « Chúng tôi chỉ muốn dân chúng có một tài liệu hướng dẫn mà họ có thể sử dụng như trong trường hợp thiên tai, bão lụt, sóng thần… ».

    Nhưng trong trường hợp chiến tranh hạt nhân thì báo động không thể chỉ như đối với thiên tai. Một hệ thống báo động trên điện thoại di động đang được chuẩn bị. Dân chúng còn được khuyên dự trữ lương thực cho 14 ngày chứ không chỉ 7 ngày như trong trường hợp thiên tai bình thường.

    Theo báo New York Times, số cuối tháng 7, chính quyền Mỹ đã suy nghĩ về việc thiết lập những quy định khẩn cấp mới từ năm ngoái, sau các đợt thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhưng đó là trước cuộc bắn thử tên lửa xuyên lục địa tháng 7 vừa qua. Ngay năm 2009, chính quyền Obama thông báo là Bình Nhưỡng có thể bắn một hỏa tễn đạn đạo về hướng Hawaii, và Hoa Kỳ đã tăng cường hệ thống phòng thủ tại quần đảo này.

    Dân chúng tại chỗ như đã quen dần với đài ra đa khổng lồ chống tên lửa được cải tên thành « quả banh đánh golf ». Từng bị chỉ trích vì quá tốn kém, phương tiện này gần đây đã được nhiệt liệt tán đồng từ tháng 5 vừa qua khi cho phép chặn được một hỏa tiễn được giả định là bắn đi từ Bắc Triều Tiên.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here