LUẬT NHẬT BẢN NÓI GÌ VỀ NGHĨA VỤ TỐ GIÁC TỘI PHẠM?

0
914
Vu Hai Tran

Xin mấy ông bà nghị đọc bài này của một luật gia Nhật, trước khi bấm nút vào ngày 20/6/2017 để giữ nguyên hay huỷ bỏ điều 19.3 Bộ Luật Hình Sự 2015 quy định “luật sư phải tố thân chủ”. Đáng tiếc khá ít giáo sư luật Việt quan tâm vấn đề sinh tử này của nền tư pháp Việt và quyền con người theo Hiến pháp và các công ước về nhân quyền mà Việt nam tham gia.

Hirota Fushihara

LUẬT NHẬT BẢN NÓI GÌ VỀ NGHĨA VỤ TỐ GIÁC TỘI PHẠM?

Trước hết xin nói trước Nhật Bản theo hệ thống Dân luật, nên khác với Thông luật, nhà nước phải tạo ra các quy phạm pháp luật trước. Khi đó, là một đất nước đi sau, Nhật Bản có lợi thế về kế thừa và học hỏi nơi được gọi là gốc gác của hệ thống Dân luật Đức và Pháp rồi cả pháp luật Anh- Mỹ. Từ các quy phạm sẵn có, Nhật bản nghiên cứu, sáng tạo để đặc trưng hóa nó sao cho phù hợp với đời sống văn hóa, xã hội của Nhật. Bởi vậy, có người ví pháp luật Nhật bản như một chiếc áo vá hợp màu. Ý tôi là, pháp luật Nhật Bản không đứng một mình như vị trí của đất nước Nhật Bản mà là sự giao thoa và chọn lọc của văn minh pháp luật thế giới.

Nói về nghĩa vụ tố giác tội phạm, Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự sự quy định:
1. Mọi người đều được tố giác tội phạm khi biết về tội phạm đó.
2. Quan chức trung ương và quan chức địa phương phải tố giác tội phạm nếu biết về tội phạm khi thi hành công vụ.

Tức là, việc tố giác tội phạm là quyền của mọi công dân. Mọi công dân đều có quyền, và tự mình định đoạt quyền đó khi biết về tội phạm. Nghĩa vụ tố giác tội phạm chỉ đặt ra đối với quan chức nhà nước khi thi hành công vụ (nếu khi quan chức không thi hành công vụ, thì sẽ áp dụng quy định tại khoản 1 như đối với công dân). Ở đây xin nhấn mạnh rằng Nhật Bản không có tội không tố giác tội phạm đối với công dân (không phải quan chức nhà nước khi thi hành công vụ), chỉ có tội che dấu tội phạm. Tuy nhiên, để khuyến khích việc tố giác tội phạm, Nhật Bản có các quy định và thiết chế riêng nhằm bảo vệ những người đã tố giác tội phạm.

Nói về Luật sư, Bộ luật tố tụng Hình sự Điều 149 quy định: “Bác sỹ, nha sỹ, hộ sinh, điều dưỡng, Luật sư (bao gồm cả luật sư tại văn phòng Luật sư nước ngoài) , người biện hộ, công chứng viên, những người làm việc về tôn giáo hoặc những người làm việc tại các nghề nghiệp đó có quyền từ chối trình bày lời khai liên quan đến các thông tin bí mật của người khác mà các thông tin đó có được dựa trên hợp đồng ủy thác thực hiện công việc. Trừ trường hợp có sự đồng ý của đương sự, hoặc việc từ chối trình bày lời khai chỉ phục vụ lợi ích của bị cáo (trừ khi bị cáo là thân chủ), hoặc trong quy chế tòa án quy định một lý do khác”.

Điều này có nghĩa, về mặt nguyên tắc, Luật sư có quyền từ chối mọi yêu cầu trình bày lời khai hoặc cung cấp thông tin đã có được từ thân chủ của mình đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Trừ các trường hợp cá biệt được cung cấp thông tin như quy định trên đây. Trong đó, trường hợp chối trình bày lời khai chỉ phục vụ lợi ích của bị cáo (trừ khi bị cáo là thân chủ) được giải thích rằng, nếu việc cung cấp lời khai của Luật sư không ảnh hưởng đến thân chủ và việc từ chối cung cấp lời khai chỉ là hình thức lợi dụng quyền đó để bảo vệ cho bị cáo (không phải thân chủ) thì phải thực hiện cung cấp lời khai.

Bên cạnh đó Điều 23 quy phạm xử sự Luật sư của Nhật Bản quy định về nghĩa vụ bảo mật thông tin nhận được của khách hàng. Tuy nhiên, nghĩa vụ này được miễn trừ trong các trường hợp: (1) Được sự đồng ý hoàn toàn và thỏa đáng từ thân chủ (2) Thân chủ có ý đồ/hành vi phạm tội rõ ràng, chuẩn bị thực hiện tội phạm ngay tức khắc và hậu quả tội phạm là đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, việc rò rỉ bí mật thông tin của khách hàng là không thể không thực hiện và (3) Luật sư trở thành bị can/bị cáo liên quan đến vụ việc của thân chủ mà việc tiết lộ bí mật là cần thiết để bào chữa cho mình. Xin lưu ý rằng đây là quy định về miễn trừ nghĩa vụ bảo mật thông tin, không phải quy định liên quan đến tố giác tội phạm.

Ngoài nghĩa vụ bảo mật thông tin và ngoại lệ trên đây, Luật sư còn có nghĩa vụ trung thành và tuyệt đối phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội.

Từ đây có thể kết luận pháp luật Nhật Bản không có quy định về việc Luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ của mình. Đương nhiên, nếu Luật sư với tư cách là công dân bình thường (tức là không đang chịu giàng buộc của các quy định về nghĩa vụ của Luật sư trong Bộ luật tố tụng hình sự hoặc pháp luật về hành nghề Luật sư) thì có quyền được tố giác tội phạm như quy định tại Khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự trên đây.

Hirota Fushihara

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here