Hơn một thế kỷ tranh chấp biên giới Ấn – Trung

    0
    278
    Binh sĩ thuộc lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ canh gác một con đường cao tốc dẫn tới thị trấn Leh, gần khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 17/6. Ảnh: AFP.
    VNEXPRESS
    Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ ít nhất năm 1914 và thỉnh thoảng lại nổ ra các cuộc ẩu đả, xung đột nghiêm trọng.

    Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ ít nhất năm 1914 và thỉnh thoảng lại nổ ra các cuộc ẩu đả, xung đột nghiêm trọng.

    Cuộc chạm trán dữ dội nhất trong hàng thập kỷ qua giữa các binh sĩ quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đóng tại hai bờ biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya không có bất kỳ tiếng súng nào.

    Thay vào đó, binh sĩ từ hai quốc gia vũ trang hạt nhân lại chế tạo vũ khí từ những gì họ có thể tìm thấy được giữa một vùng đất cằn cỗi ở độ cao hơn 4.200 mét so với mực nước biển.

    Binh sĩ thuộc lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ canh gác một con đường cao tốc dẫn tới thị trấn Leh, gần khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 17/6. Ảnh: AFP.

    Binh sĩ thuộc lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ canh gác một con đường cao tốc dẫn tới thị trấn Leh, gần khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 17/6. Ảnh: AFP.

    Với gậy gộc và gạch đá, dưới bầu trời đầy ánh trăng dọc theo những vách đá lởm chởm của thung lũng Galwan, họ lao vào nhau, ẩu đả suốt nhiều giờ liền.

    Ẩu đả xảy ra tối 15/6 khi một đội tuần tra Ấn Độ chạm trán nhóm binh sĩ Trung Quốc trên một sườn núi hẹp ở khu vực Ladakh, vùng Kashmir. Phía Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ, một số do bị đẩy ngã xuống vực, số khác bị đánh đập đến chết. Trung Quốc không xác nhận thương vong.

    Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ vượt biên rồi tấn công binh sĩ, trong khi Ấn Độ khẳng định quân đội Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), đóng vai trò như biên giới hai nước.

    Binh sĩ hai bên không nổ súng vì thỏa thuận song phương năm 1996 quy định “không bên nào được nổ súng, sử dụng hóa chất nguy hiểm, tiến hành các vụ nổ hoặc săn bắn bằng súng hay chất nổ trong phạm vi hai km từ LAC”. Thỏa thuận nhằm tránh nổ ra xung đột quân sự toàn diện giữa hai nước.

    Cuộc đụng độ là hệ quả của những căng thẳng leo thang tích tụ suốt nhiều tháng qua và hơn một thế kỷ tranh chấp giữa hai nước.

    Xung đột kéo dài từ ít nhất năm 1914, khi các đại diện của Anh, Cộng hòa Trung Quốc và Tây Tạng tập trung tại Simla, nơi hiện nay là Ấn Độ, để đàm phán một hiệp ước giúp dàn xếp vấn đề Tây Tạng và giải quyết việc phân định biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ thuộc Anh.

    Phía Trung Quốc không đồng tình với các điều khoản được đề xuất trong hiệp ước, qua đó cho phép Tây Tạng được hưởng quyền tự trị nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, từ chối ký thỏa thuận. Nhưng Anh và Tây Tạng lại ký một hiệp ước thiết lập cái gọi là Đường McMahon, được đặt tên theo một quan chức Anh, Henry McMahon, người đề xuất đường biên giới.

    Khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồ họa: NYT.

    Ấn Độ coi Đường McMahon, kéo dài 885 km qua dãi Himalaya, là biên giới pháp lý chính thức giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không chấp nhận.

    Năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập khỏi Anh. Hai năm sau, Ngày 1/10/1949, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

    Gần như ngay lập tức, hai nước nảy sinh bất đồng ở biên giới. Căng thẳng gia tăng trong suốt những năm 1950. Trung Quốc khẳng định Tây Tạng chưa bao giờ độc lập và không thể ký kết một hiệp ước thiết lập biên giới quốc tế. Đàm phán hòa bình có diễn ra nhưng liên tục thất bại.

    Trung Quốc không ngừng tìm cách kiểm soát những con đường quan trọng gần biên giới phía tây của họ ở Tân Cương, trong khi đó, Ấn Độ và các đồng minh phương Tây lại coi hành động xâm nhập từ phía Trung Quốc là một phần trong kế hoạch đảng Cộng sản Trung Quốc gây ảnh hưởng trên toàn khu vực.

    Năm 1962, chiến tranh bùng phát.

    Binh sĩ Trung Quốc vượt qua Đường McMahon và chiếm cứ các vị trí nằm sâu bên trong lãnh thổ Ấn Độ, nắm quyền kiểm soát nhiều con đèo và thị trấn. Cuộc chiến kéo dài một tháng, khiến 1.000 binh sĩ Ấn Độ thương vong và 3.000 người khác bị bắt làm tù binh. Quân đội Trung Quốc chịu tổn thất ít hơn với khoảng 800 người chết.

    Tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố ngừng bắn, vẽ lại đường biên giới gần nơi quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng, lấy tên gọi mới là LAC.

    Căng thẳng một lần nữa quay trở lại vào năm 1967 dọc hai con đèo Nathu La và Cho La kết nối Sikkim, lúc bấy giờ là một vương quốc bảo hộ của Ấn Độ, với khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.

    Ẩu đả phát sinh khi binh sĩ Ấn Độ tiến hành đặt dây thép gai dọc theo đường mà họ coi là biên giới. Xung đột nhanh chóng leo thang khi một đơn vị pháo binh Trung Quốc nã đạn về phía Ấn Độ. Trong chuỗi các xung đột sau đó, hơn 150 người Ấn Độ và 340 người Trung Quốc đã thiệt mạng.

    Những cuộc đụng độ vào tháng 9 và tháng 10/1967 tại đèo Nathu La và Cho La về sau được coi là cuộc chiến tranh toàn diện thứ hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

    Các binh sĩ Trung Quốc canh gác đường biên biên giới trên đèo Nathu La năm 1967. Ảnh: Hulton Archive.

    Các binh sĩ Trung Quốc canh gác đường biên biên giới trên đèo Nathu La năm 1967. Ảnh: Hulton Archive.

    Ấn Độ cuối cùng thắng thế. Họ phá hủy thành công các công sự của Trung Quốc ở Nathu La và đẩy binh sĩ Trung Quốc trở lại vùng lãnh thổ gần Cho La. Tuy nhiên, sự thay đổi vị trí này đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi bên lại có cách xác định LAC khác nhau.

    20 năm sau, năm 1987, quân đội Ấn Độ tiến hành một hoạt động huấn luyện nhằm đánh giá xem họ có thể điều động quân đội tới biên giới nhanh đến đâu. Một lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự Ấn Độ di chuyển đến gần các tiền đồn của Trung Quốc khiến các chỉ huy quân sự Trung Quốc bất ngờ. Họ lập tức điều quân tới đường mà họ coi là LAC.

    Nhận ra nguy cơ vô tình kích động một cuộc chiến, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều xuống thang căng thẳng, khủng hoảng được đẩy lùi.

    Cả hai bên vẫn duy trì theo đuổi chiến thuật “mèo vờn chuột”.

    Sau nhiều thập kỷ tuần tra biên giới, một trung đội Trung Quốc tháng 4/2013 cắm trại gần Daulat Beg Oldi. Phía Ấn Độ lập tức phản ứng, thiết lập căn cứ của riêng mình cách đó chưa đầy 300 m.

    Các lán trại sau đó được củng cố bằng quân đội và thiết bị hạng nặng.

    Đến tháng 5, hai bên thống nhất tháo dỡ cả hai khu trại nhưng bất đồng về vị trí LAC vẫn tồn tại.

    Tháng 6/2017, Trung Quốc bắt tay triển khai kế hoạch xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam, khu vực thuộc dãy Himalaya do Bhutan, đồng minh của Ấn Độ, kiểm soát.

    Cao nguyên Doklam nằm trên đường biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc nhưng Ấn Độ coi nó như vùng đệm nằm sát với các khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

    Chiến đấu cơ Trung Quốc đậu tại sân bay Gonggar thuộc khu tự trị Tây Tang hồi tháng 6/1987. Ảnh: AFP.

    Chiến đấu cơ Trung Quốc đậu tại sân bay Gonggar thuộc khu tự trị Tây Tang hồi tháng 6/1987. Ảnh: AFP.

    Quân đội Ấn Độ mang theo vũ khí và điều máy ủi ra đối đầu Trung Quốc với ý định phá hủy con đường. Một cuộc đụng độ nổ ra, binh sĩ hai bên ném gạch đá về phía nhau khiến nhiều người bị thương.

    Tháng 8, hai nước đồng ý rút khỏi khu vực tranh chấp và Trung Quốc ngừng việc xây dựng con đường.

    Từ tháng 5/2020, các cuộc hỗn chiến đã nổ ra nhiều lần. Trong một cuộc đụng độ tại hồ băng Pangong Tso, các binh sĩ Ấn Độ đã bị thương nặng và phải sơ tán bằng trực thăng. Các nhà phân tích Ấn Độ nói rằng cả binh sĩ Trung Quốc cũng bị thương và Trung Quốc đã củng cố lực lượng bằng xe tải, máy xúc, xe chở quân, pháo binh và xe bọc thép.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị làm trung gian hóa giải tranh chấp biên giới Ấn – Trung. Chưa rõ căng thẳng hiện nay sẽ đi đến đâu nhưng chắc chắn cuộc giao tranh vừa qua là lần đụng độ nghiêm trọng nhất từ năm 2017 đến nay và là điềm báo cho một tình thế đối đầu nguy hiểm trong tương lai.

    Vũ Hoàng (Theo New York Times)

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here