Hòn đá cuội trong giày của Putin

0
95
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, ngày 15/06/2017. REUTERS
   
Báo Le Monde hôm nay dành bài xã luận để nói về phong trào phản kháng chính quyền Nga với một tiêu đề giàu hình ảnh : « Hòn đá cuội trong giày của Putin ».

Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhận xét Vladimir Putin có thể an tâm mà ngủ ngon giấc vì sắp tới cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018 và mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho ông : tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Nga vẫn ở mức trên 80% và không chính trị gia nào có khả năng cạnh tranh với Putin trong kỳ bầu cử sắp tới.

Le Monde ví von hoàn cảnh trên như một « bầu trời quang đãng, không một gợn mây ». Người duy nhất « bướng bỉnh khuấy động bầu trời trong xanh » là luật gia Alexei Navalny, 41 tuổi, từng ra tranh cử chức thị trưởng Matxcơva và đang chịu án tù giam 30 ngày, sau đợt biểu tình ngày 12/06/2017 do ông phát động.

Theo nhận định của báo Le Monde, cho dù Alexei Navalny « chưa đủ tầm » để trở thành đối thủ của Putin trong kỳ bầu cử tổng thống Nga 2018, nhưng ông đang là người duy nhất có khả năng gây ra những cuộc phản kháng nhắm vào chế độ Putin thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Chính phủ Nga không có lựa chọn nào khác ngoài biện pháp trấn áp. Trong đợt biểu tình vừa qua tại ít nhất 187 thành phố trên khắp đất nước, chỉ tính riêng tại Matxcơva và Saint Pétersbourg, đã có 1400 người bị an ninh bắt giữ. Bộ máy tuyên truyền của điện Kremlin tỏ ra bất lực trước công cụ mà Alexei Navalny và những người ủng hộ ông sử dụng : đó là Internet và mạng xã hội. Theo Le Monde, Matxcơva không kiểm duyệt Internet và mạng xã hội gắt gao như Bắc Kinh.

Các phương tiện Internet và mạng xã hội rất hiệu quả trong việc thu hút đông đảo giới trẻ với khẩu hiệu « Nạn tham nhũng đang cướp mất tương lai của các bạn ». Họ được gọi là « thế hệ người biểu tình mới ». Đó mới là khó khăn mà tổng thống phải đương đầu. Một điều khác có thể khiến điện Kremlin lo ngại là phong trào phản kháng ngày càng quyết liệt và lan rộng ra cả nước chứ không chỉ tập trung ở Matxcơva như năm 2011.

Le Monde kết luận là Alexei Navalny tạm thời không đe dọa trực tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng cũng giống như phong trào phản kháng chế độ, cuộc đối đầu giữa Alexei Navalny và Vladimir Putin còn lâu mới chấm dứt.

Bạo lực và cái giá cho nhân loại

Trong bài viết « Cái giá nhân loại phải trả vì bạo lực », nhật báo kinh tế Les Echos cho biết theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Hòa Bình, bạo lực (chưa tính bạo lực gia đình) gây thiệt hại cho nhân loại đến 13% tổng thu nhập (14.300 tỉ đô la). Tính bình quân, mỗi người mất 4,6 euro/ngày. Con số này dựa trên 22 chỉ số tính chi phí mà mỗi quốc gia phải chi ra để « đề phòng và giải quyết hậu quả các vụ bạo lực », chẳng hạn chi tiêu cho quân đội và cảnh sát, chi phí chăm sóc sức khỏe nạn nhân … Đó là chưa kể các chi phí gián tiếp, thiệt hại gián tiếp gây ra cho các hoạt động kinh tế.

May mắn là tình hình năm 2016 đã được cải thiện so với năm 2008 : tổng thiệt hại giảm 2,9%. Bạo lực giảm ở 93 quốc gia nhưng tăng tại 63 nước khác. Quốc gia ít bạo lực nhất là Iceland, mỗi năm chỉ có 1 vụ giết người. Tiếp theo là các nước châu Âu. Pháp đứng thứ 51. Đứng cuối bảng xếp hạng là 7 nước đang có chiến tranh : Syria, Irak, Afghanistan, Colombia, Soudan, Somalia và Yemen. Bắc Triều Tiên là nước duy nhất không có chiến tranh nhưng lại có tỉ lệ ngân sách dành cho quốc phòng thuộc hàng cao nhất thế giới.

20% trẻ em các nước phát triển thiếu thốn về vật chất

« Tại các nước giàu có, cứ 5 trẻ thì có một em chịu cảnh nghèo khó về vật chất » là kết quả nghiên cứu của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc Unicef. Les Echos cho biết, trẻ em Thụy Điển và Đức được hưởng điều kiện vật chất tốt nhất. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, « tổng thu nhập quốc gia cao không đủ để đảm bảo điều kiện vật chất cho trẻ em ». Trong bảng xếp hạng 41 quốc gia, Mỹ chỉ xếp thứ 37, trước Mêhicô, Rumani, Bulgari và Chi lê. Pháp đứng thứ 19/41. Mặc dù số vụ thanh-thiếu niên tự sát đã giảm, nhưng lượng rượu mạnh mà các em ở độ tuổi 15-24 uống và số thanh-thiếu niên rối loạn về tinh thần lại ngày càng tăng.

Hỏa hoạn ở Luân Đôn và ngọn lửa giận dữ trong dân chúng

Vụ hỏa hoạn thiêu rụi gần như hoàn toàn một chung cư 27 tầng ở Luân Đôn đã làm bùng lên ngọn lửa giận dữ trong công luận Anh Quốc. Trong bài viết « Ở Luân Đôn, cơn giận sau vụ hỏa hoạn », Le Monde cho biết dân chúng đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền Luân Đôn và doanh nghiệp quản lý chung cư.

Grenfell là một khu nhà xã hội được xây từ những năm 1970, ở quận Kensington và Chelsea, một trong những quận giàu có nhất hành tinh. Quận trưởng giao quyền quản lý chung cư cho công ty Kensington and Chelsea Tenant Management Organisation (KTCMO). Tuy nhiên, công ty này thường xuyên bị chỉ trích vì không tham khảo ý kiến người dân khi đưa ra các quyết định, chậm trễ khi tiến hành những cải tạo cần thiết.

Từ năm 2003, hiệp hội cư dân Grenfell Action Group đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn và chỉ trích KTCMO về cách thức phòng chống cháy: các cửa thoát hiểm bị chặn, thiếu biển báo chỉ dẫn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, sự cố quá tải điện năng … Công ty quản lý chung cư KTCMO thừa nhận mối lo của người dân Grenfell nhưng hiện tại từ chối trả lời cáo buộc để tập trung thu xếp nhà ở tạm thời cho người dân.

Chuyên gia phòng chống hỏa hoạn Sam Webb phẫn nộ: « Kensington và Chelsea, một trong những quận giàu có nhất, dường như đã không làm gì để giải tỏa nỗi lo của người dân ».

Năm 2015-2016, tòa nhà được cải tạo với số tiền đầu tư lên tới 11 triệu euro. Theo Le Monde, nghịch lý là vụ hỏa hoạn xảy ra không lâu sau khi chung cư được nâng cấp. Tại sao điều đó lại xảy ra? Giám đốc hiệp hội phòng chống hỏa hoạn cho biết chính lớp vật liệu cách nhiệt mới dễ bắt lửa đã khiến hỏa hoạn lan rộng và nhanh.

Thanh niên Hy Lạp: thất nghiệp và rời bỏ đất nước

Vẫn liên quan tới châu Âu, Le Figaro nói về lựa chọn khó khăn của giới trẻ Hy Lạp, hoặc thất nghiệp, hoặc phải rời xa đất nước. Tỉ lệ thất nghiệp của Hy Lạp là 23%. Gần 50% số thanh niên không có việc làm. Nhiều người có bằng cấp, trình độ, giỏi ngoại ngữ phải chấp nhận làm phục vụ, bồi bàn, nhưng kiếm được việc làm thường xuyên cũng không đơn giản vì các quán cà phê, nhà hàng vắng khách.

Nhiều thanh niên phải từ bỏ đất nước, sang Pháp, Đức, Úc kiếm sống, kể cả làm bồi bàn. Một người chua chát nói Hy Lạp xuất khẩu cả bồi bàn ra khắp thế giới, cho dù thanh niên Hy Lạp là những người có trình độ học vấn nằm trong tốp cao nhất châu Âu. Theo số liệu chính thức, từ đầu cuộc khủng hoảng 2009, 350.000 người Hy Lạp đã ra nước ngoài kiếm sống. Nạn chảy máu chất xám ngày càng nghiêm trọng trong những tháng qua, dù chính phủ đã hứa có các biện pháp thay đổi tình hình.

Cuộc sống của người dân Caracas : thiếu thốn và mất an toàn

Vẫn trong lĩnh vực xã hội, Le Monde có bài viết « Cuộc sống thiếu thốn và mất an toàn ở Caracas » cho thấy sự đối lập giữa thực tế cuộc sống của người dân và những lời tuyên truyền của chính phủ Venezuela. Theo kênh truyền hình Nhà Nước VTV, « mọi chuyện vẫn ổn, tình hình đất nước ngày càng tốt lên, hàng hóa phong phú hơn».

Nhưng trong thực tế, cuộc sống của người dân Venezuela gói gọn trong vài từ : lạm phát, xếp hàng chờ mua thực phẩm, thiếu thốn, mất an ninh, biểu tình, bạo lực, trấn áp và sợ hãi. Bới thùng rác để kiếm thức ăn thừa là một cách để duy trì sự sống. Đường và cà phê là những món hàng xa xỉ. Trong khi lương tối thiểu là 65.000 bolivare/tháng, một cân thịt có giá tới 13.000 bolivare. Giá thịt đã tăng gấp đôi chỉ sau 1 tuần. Các cửa hàng bánh mỳ đều có lính canh gác để đề phòng tấn công trộm cướp.

Cảnh sát hiện diện khắp nơi, các vụ trấn áp ngày càng bạo lực và khiến người dân sợ hãi. Le Monde nhận xét : Thủ đô Caracas giống « ngọn núi lửa sắp phun trào ».

Trang nhất các báo Pháp

Chỉ còn hai ngày nữa là tới vòng 2 bầu cử Quốc Hội Pháp, nhật báo La Croix dành trang nhất cho chủ đề này với hàng tựa lớn « Những người nghiệp dư ở ngưỡng cửa Quốc Hội » và dự báo đảng Cộng Hòa Tiến Bước sẽ được đa số tuyệt đối ở Quốc Hội.

Nhân dịp triển lãm quốc tế về công nghệ mới Viva Tech khai mạc hôm qua ở trung tâm triển lãm Porte de Versailles, Paris với dự tham dự của tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron, báo kinh tế Les Echos qua tâm tới chiến lược của nguyên thủ Pháp để thu hút, phát triển các công ty khởi nghiệp qua hàng tít « Công ty khởi nghiệp: cam kết của Macron ».

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro quan tâm tới số phận đau đớn của những phụ nữ Hồi Giáo Yazidi thiểu số bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bắt làm nô lệ tình dục và chạy tựa « Các câu chuyện kể đáng sợ của những nô lệ của Daech », kèm theo đó là bức ảnh hai phụ nữ trùm khăn với ánh mắt đau đáu một nỗi buồn.

Libération lại dành tít lớn cho hồ sơ vụ án Grégory đã từng gây chấn động nước Pháp cách đây 32 năm liên quan tới vụ sát hại cậu bé Grégory Villemin (4 tuổi). Các chuyên gia về chiết tự lên án nhiều người trong gia đình Villemin vì trong vụ án này, có rất nhiều lá thư đe dọa và thư nặc danh. Libération cũng dành nhiều trang bài bên trong cũng như bài xã luận cho hồ sơ Grégory.

Nguồn : https://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20170616-hon-da-cuoi-trong-giay-cua-putin

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here