“Họ tự chuốc lấy”: Người Việt Nam nghĩ gì về cuộc chiến Nga-Ukraine?

0
31
Một cuộc triển lãm về cuộc chiến Ukraine tại Hà Nội. Ảnh: Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.
   

LUẬT KHOA

Andrew Barney

Vào giữa tháng 12/2022, một học giả người New Zealand, Andrew Barney – thuộc Đại học Massey – quyết định tìm hiểu xem người Việt Nam nhìn cuộc chiến Nga-Ukraine như thế nào.

Ông đã thực hiện một nghiên cứu phỏng vấn nhóm với 15 người dân Việt Nam, gồm các chủ doanh nghiệp và sinh viên ngành kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh. [1] Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học Security: Theory and Practice năm 2023.

Barney tổ chức hai phiên thảo luận nhóm kéo dài một tiếng. Tổng số người tham gia là 15 người có trình độ, bằng cấp, thông thạo tiếng Anh, hiểu biết, từng du lịch hoặc làm việc ở nước ngoài.

Những người tham gia khá thoải mái khi thảo luận về cuộc chiến Nga-Ukraine với những người còn lại, vốn từng là bạn cùng khóa hoặc là bạn bè lâu năm. Một người tham gia nói rằng anh ta “không quá lo lắng về việc phát biểu quan điểm về những vấn đề này” nhưng “sẽ không ra ngoài đường và kêu gọi lật đổ chính quyền vì như thế là ngu ngốc”.

Ban đầu, những người tham gia sẽ phải tự trả lời một câu hỏi: Hãy đánh giá theo thứ tự ba quốc gia nên chịu trách nhiệm chính cho cuộc chiến ở Ukraine. 

Kết quả là tất cả những người tham gia đều cho rằng Ukraine hoặc Hoa Kỳ là bên phải chịu trách nhiệm chính, và không một quốc gia nào khác được đề cập.

“Họ tự chuốc lấy”

Chín người lựa chọn Ukraine là bên phải chịu trách nhiệm lớn nhất nói rằng Ukraine đã “kích động” chiến tranh hoặc đã có hành vi gây ra cuộc chiến đó qua việc “cố gắng gia nhập phương Tây”.

Một người nói: “Tôi nghĩ họ tự rước lấy [cuộc chiến]”. Việc Viktor Yanukovych (cựu Tổng thống Ukraine) lưu vong ở Nga hồi tháng 2/2014, theo sau đó là phong trào nổi dậy Euromaidan là “một sự lật đổ”.

Một người khác thì nói Yanukovych là tổng thống được bầu nhưng bị một số “Nazi lật đổ”. Trong mắt những người này, Ukraine đã lật đổ một chính quyền hợp hiến được bầu và đưa Ukraine hướng về phương Tây, dẫn đến phản ứng “hợp lý” từ phía Nga. Nhóm 5 người cho rằng Hoa Kỳ là bên phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc chiến thì nói Hoa Kỳ đang “dùng Ukraine” để kiểm soát một khu vực mà Nga cho là một quốc gia “đệm” (buffer state), ngăn cách giữa Nga và các đồng minh NATO của Mỹ. Điều này được cho là hành vi không thể chấp nhận được với những người tham gia phỏng vấn.

Một người nói: “Họ [Hoa Kỳ] chỉ muốn kiểm soát mọi thứ và mọi người”. Một người khác thì nói: “Họ [Hoa Kỳ] sẽ làm gì nếu Nga chiếm Mexico? Họ cũng sẽ làm thế thôi, họ là bọn đạo đức giả”. Một số khác thì chỉ ra việc Hoa Kỳ xâm lược Iraq như là bằng chứng của tiêu chuẩn kép. Một số khác thì đề cập đến Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho rằng CIA đã gây ra tình trạng bất ổn như Phong trào Euromaidan. “Họ [Hoa Kỳ] làm vậy ở mọi nơi, đó là cái cách họ làm [để chiếm quốc gia khác].”

Những người tham gia cũng cho rằng người dân Ukraine bị Hoa Kỳ “lợi dụng” và người dân nên đi theo Nga, vì Nga “đối xử tốt với họ”. Quan điểm của những người tham gia này là Hoa Kỳ đang dùng người Ukraine để chiến đấu với Nga. “Người Mỹ thông minh, họ không muốn chết nên họ dùng người Ukraine để chiến đấu, nhưng chuyện này là giữa Mỹ và Nga, chứ không phải là về Ukraine”.

Khi được yêu cầu phải nêu một quốc gia thứ ba, một số người thậm chí hỏi có thể chỉ nêu hai quốc gia thôi được không, nhưng bị từ chối. Một người hỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có được tính không, và khi câu trả lời là có thì có 8 người chọn NATO. Những người còn lại thì ba người chọn Anh, một người chọn Đức, và chỉ có hai người chọn Nga. Ngoài ra có một người ghi “Zelensky!” (Tổng thống Ukraine).

Về lý do chọn NATO, nhiều người tham gia cho rằng NATO, và cụ thể là Anh và Đức, muốn có xung đột để xây dựng liên minh, muốn lôi kéo Ukraine tách khỏi Nga.

Trong hai người chọn Nga là quốc gia thứ ba chịu trách nhiệm cho cuộc chiến thì một người giải thích rằng “Nga có quyền lo lắng [về ảnh hưởng của phương Tây với Ukraine] nhưng cuộc xâm lược này không phải là cách đúng đắn. Họ cần đối thoại nhiều hơn. Nếu họ đối thoại, họ sẽ không cần phải xâm lược [Ukraine].

“Người viết “Zelensky!” thì nói rằng “Zelensky… yếu. Nó là thằng ngu. Hoa Kỳ đưa nó lên để nó làm theo. Nếu nó mạnh thì đã không để họ [Hoa Kỳ] làm như thế [dùng người Ukraine để chiến đấu với người Nga]”.

Người tham gia không thấy sự tương đồng giữa Việt Nam và Ukraine

Tác giả Andrew Barney chỉ ra sự tương đồng giữa Việt Nam của thế kỷ trước với Ukraine hiện tại, trong bối cảnh một nước nhỏ đối đầu với một nước láng giềng bá quyền. Nhưng nhiều người tham gia không cho là Ukraine đang đấu tranh chống xâm lược.

Một người nói: “Khi Trung Quốc xâm lược chúng tôi vào năm 1979, họ làm thế để dạy cho chúng tôi một bài học. Và chúng tôi đã học được bài học đó! Ukraine cũng nên làm như vậy. Anh phải hiểu điều mà người hàng xóm to lớn kia muốn và cẩn thận với việc anh làm với tư cách là một quốc gia.” Người nói điều này cũng chính là người đã nói rằng Ukraine “tự chuốc lấy [cuộc xâm lược]”.

Năm 2017, một nghiên cứu của Pew Research cho thấy 79% người Việt Nam có quan điểm tích cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin, và 83% có cái nhìn tích cực về Nga trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới lần lượt là 26% và 34%. [2] Trong một khảo sát khác của Gallup cũng vào năm 2017, có tới 89% người Việt Nam có quan điểm “tích cực” về Tổng thống Putin, trong khi đó chỉ có 74% người Nga và 14% người Mỹ nghĩ như thế. [3] Như vậy, có thể nói, người Việt Nam còn thích Putin hơn cả chính người Nga.

Với số mẫu 15 người thì khó có thể mang tính đại diện cho toàn bộ người dân, tuy nhiên, nghiên cứu của Andrew Barney cho thấy một góc nhìn thú vị của một nhóm người Việt, phản ánh một luồng quan điểm trong dư luận Việt Nam. Nghiên cứu này dĩ nhiên chưa tính đến một luồng quan điểm rất đáng kể của những người Việt Nam phản đối cuộc xâm lược này. [4]

By Harriet Nguyen • 4 Mar 2024

Một cuộc triển lãm về cuộc chiến Ukraine tại Hà Nội. Ảnh: Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here