Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 20/09/2020, Hoa Kỳ thông báo các biện pháp của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran được tái lập và có hiệu lực kể từ 00giờ, giờ quốc tế. Quyết định của Mỹ đi ngược lại ý kiến của các thành viên Liên Hiệp Quốc. Washington đe dọa trừng phạt những quốc gia không tuân thủ lệnh cấm.
Vấn đề là chính quyền Donald Trump gần như đơn độc. Tất cả các cường quốc từ Nga đến Trung Quốc và kể cả các đồng minh Châu Âu, đều phản đối.
Từ Washington, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường thuật :
Đây là một quyết định đơn phương của Hoa Kỳ do ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo trong đêm thứ Bảy sáng Chủ Nhật. Ông cảnh báo luôn rằng các nước không tôn trọng hoặc không thi hành quyết định này cũng sẽ bị trừng phạt. Lời de dọa gần như công khai nhắn gửi các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc.
Cách nay môt tháng, Hội Đồng Bảo An đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết của Mỹ chống Iran. Chính phủ Mỹ liền cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng cơ chế gọi là “snapback” để tái áp đặt trừng phạt. Đây là một cơ chế, trên nguyên tắc, có thể cho phép Mỹ hay bất kỳ một quốc gia nào có ký tên trong hiệp định hạt nhân 2015, ép buộc Liên Hiệp Quốc tái lập toàn bộ các biện pháp trừng phạt Iran trước khi có hiệp định hạt nhân 2015.
Thế nhưng, về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ đã bỏ hiệp định này khi Donald Trump vào Nhà Trắng. Các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc cho rằng Mỹ không còn quyền sử dụng cơ chế cưỡng bách này.
Hôm thứ Sáu 18/09, ba nước Châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức đã phản ứng trước: Mọi quyết định hay biện pháp tái lập trừng phạt đều không có hiệu lực pháp lý.
Hoa kỳ bị cô lập trên hồ sơ Iran nhưng tình trạng căng thẳng có nguy cơ đẩy Liên Hiệp Quốc vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.
Trong phản ứng đầu tiên, Iran kêu gọi thế giới “cùng một tiếng nói phản đối Washington”. Còn Matxcơva thì tố cáo điều mà bộ Ngoại Giao Nga gọi là hành động “không chính đáng” của Mỹ.