RFA
Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai bị Công an tỉnh Long An gửi giấy triệu tập. Mục đích để làm việc về tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) rằng một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai/Thiền am bên bờ vũ trụ có dấu hiệu vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Giấy triệu tập của Cơ quan Cảnh sát Điều tra gửi luật sư Đặng Đình Mạnh đề ngày 06/3, yêu cầu ông đến làm việc tại văn phòng của cơ quan này vào sáng ngày 21/3; luật sư Đào Kim Lân nhận được văn bản tương tự đề ngày 08/3 và yêu cầu ông đến làm việc vào ngày 15/3.
Nhiều mạng báo Nhà nước như Tiền Phong và Pháp luật TPHCM đưa tin về việc hai luật sư vừa nêu bị điều tra theo đơn tố cáo.
Vào tháng hai vừa qua, hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân cùng nữ luật sư Ngô Thị Hoàng Anh nhận được thông báo của Công an tỉnh Long An về tin báo họ “đã có hành vi phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm về Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Phóng viên không thể liên lạc được với nữ luật sư nên không thể biết bà có bị triệu tập như hai đồng nghiệp nam không.
Ba luật sư trên cùng với hai luật sư khác là Nguyễn Văn Miếng và Trịnh Vĩnh Phúc cùng bào chữa cho cụ Lê Tùng Vân và năm người khác của Tịnh Thất Bồng Lai khi họ bị điều tra về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Công an huyện Đức Hoà và Hoà thượng Thích Nhật Từ là bên nguyên đơn trong vụ án mà sáu thành viên của cơ sở tu tại gia này bị kết tội tổng cộng 23 năm sáu tháng tù giam.
Trong quá trình bào chữa, nhóm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã sử dụng kênh YouTube Nhật ký Luật sư để đăng tải các thông tin liên quan đến vụ án, coi đây là phát ngôn của nhóm. Hiện kênh này đã không còn được tìm thấy trên YouTube.
Trước phiên xử sơ thẩm vụ án nhóm Tịnh Thất Bồng Lai, nhóm luật sư đã gửi một báo cao dài 11 trang tới Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong đó liệt kê các điều mà nhóm luật sư cho là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự và xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án trên.
Trong đó có sự lo ngại về tính vô tư trong quá trình điều tra vì bản thân Công an huyện Đức Hoà là người đi kiện nhưng lại được tham gia điều tra.
Đáng chú ý, bản báo cáo còn tiết lộ việc một nữ tu của Thiền Am bị cơ quan công an ép đi khám phụ khoa, điều khiến cho nữ tu trên cảm thấy bị xâm hại danh dự và nhân phẩm một cách nghiêm trọng, trong khi thủ tục này hoàn toàn không liên quan đến vụ án.
Báo cáo còn đưa ra hàng loạt các khiếu nại của luật sư về thái độ của điều tra viên, về kết luận giám định tư pháp, về hành vi lạm quyền của cơ quan công an đều không được giải quyết thỏa đáng.
Các báo cáo này được gửi trở lại cho Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An với yêu cầu giải quyết.
Mặc dù có các tố cáo và khiếu nại chưa được giải quyết của nhóm luật sư, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hoà vẫn tiến hành xét xử vụ án và kết tội sáu thành viên của Tịnh thất Bồng lai từ ba năm đến năm năm tù. Trong phiên phúc thẩm, toà án cấp tỉnh giữ nguyên các mức án trên.
Ngày 28/2, luật sư Đào Kim Lân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một tuần sau (7/3), Liên đoàn có công văn đề nghị Công an và Viện Kiểm sát tỉnh Long An thận trọng trong việc giải quyết đơn tố cáo luật sư của Tịnh thất Bồng lai có dấu hiệu vi phạm “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Phóng viên có gọi điện cho Điều tra viên Huỳnh Hưng, người được giao thụ lý vụ việc, nhưng người này từ chối trả lời, yêu cầu phóng viên đến cơ quan công an để được cung cấp thông tin. Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân từ chối bình luận.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người có nhiều năm hành nghề luật ở Hà Nội trước khi bị buộc tỵ nạn tại Đức, cho biết trong tất cả các vụ án hình sự, những cơ quan như công an, viện kiểm sát, tòa án, luật sư và những người có liên quan trong vụ án đều có cùng mục đích là phải tìm ra sự thật của vụ án, xem những bị can/bị cáo có thực hiện hành vi phạm tội hay không.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng 13/3:
“Khi các luật sư phát hiện ra các sai phạm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và tòa án rồi, thì đương nhiên họ có quyền khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, và có quyền đưa các thông tin đó lên mạng xã hội để tạo dư luận xã hội để buộc các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét một cách nhanh chóng và tích cực các kiến nghị.
Như mọi công dân khác, các luật sư cũng có các quyền này, miễn là các thông tin không thuộc bí mật nhà nước.”
Theo vị luật sư nhân quyền này, lẽ ra các cơ quan phải nhanh chóng trả lời khiếu nại của nhóm luật sư Tịnh thất Bồng lai, thì họ lại yêu cầu phía công an mở cuộc điều tra nhằm vào các luật sư.
“Đây là sự xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của các luật sư nói riêng và của công dân nói chung. Họ (chính quyền- PV) đã sử dụng công cụ trong tay như công an, viện kiểm sát để tiến hành điều tra và tìm mọi cách loại bỏ các luật sư ra khỏi nghề nghiệp của họ. Đây là hành động trù dập từ phía chính quyền đối với các luật sư nhân quyền,” luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định.
Theo ông, nhóm năm luật sư đã ngăn chặn được âm mưu vu khống những người ở Tịnh thất Bồng lai tội loạn luân và lừa đảo nên họ bị chính quyền Việt Nam căm ghét và tìm cách tước thẻ hành nghề, như trong trường hợp của hai luật sư Võ An Đôn và Trần Vũ Hải trước đây, thậm chí đi xa hơn là bỏ tù họ.
https://plo.vn/them-1-luat-su-vu-tinh-that-bong-lai-bi-dieu-tra-post723482.html
https://tienphong.vn/vu-tinh-that-bong-lai-mot-luat-su-bi-dieu-tra-post1516177.tpo