Giới đại gia Hàn Quốc trong « tầm nhắm » của tân tổng thống Moon Jea In

0
704
RFI
media
Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-Yong (G), được đưa từ nhà tù đến trình diện tòa tại Seoul ngày 11/05/2017. JUNG Yeon-Je / AFP

Kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay của hơn một chục đại tập đoàn chaebol mà một số là « đế chế gia đình ». Ít nhất bốn đại gia Hyundai, Samsung, SK và LG bị tân tổng thống Moon Jea In buộc phải sang trang thời kỳ móc ngoặc giữa kinh doanh và chính trị, một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế hạng tư châu Á.

 

Sau cuộc chiến 1950-1953, Hàn Quốc nhanh chóng xóa bỏ hậu quả chiến tranh, từ một nước nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp ngay từ thập niên 1970. Chiếc đũa thần kinh tế này chính là vai trò then chốt của những tập đoàn công kỹ nghệ như Hyundai, Samsung.

Các doanh nghiệp này tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Chỉ riêng tập đoàn Samsung đem lại 25% tổng thu nhập quốc gia GDP, bao trùm nhiều lãnh vực từ TV, Smartphone, chip điện tử cho đến thời trang và khách sạn sang trọng.

Vấn đề là các tập đoàn này có ảnh hưởng mạnh và lũng đoạn giới cầm quyền. Theo AFP, họ bị tố cáo sử dụng sức mạnh tiền bạc và quan hệ chính trị để ngăn chận mọi chính sách canh tân và đa dạng hóa kinh tế từ 25 năm nay. Vụ tai tiếng lớn nhất, nổ ra trong năm nay, đã gây chấn động bộ máy Nhà nước mà hệ quả là nữ tổng thống Park Geun Hye bị truất phế và bị tống giam ở hai phần ba nhiệm kỳ.

Từ thời Kim Dae Jung, tổng thống cánh tả đầu tiên, 1998-2003, Hàn Quốc đã cố gắng trong sạch hóa chế độ và chấm dứt tình trạng móc ngoặc giữa các đại tập đoàn và chính giới, tạo cơ hội cho một thế hệ chuyên gia quản trị xí nghiệp chuyên nghiệp vươn lên thay thế lớp già. Trong số 30 chaebol, Hyundai và Daewoo cùng với 14 tập đoàn chấp nhận đổi chủ. Tuy nhiên, nhiều gia đình thừa kế vẫn tiếp tục chi phối ban quản trị qua một hệ thống chân rết băng đảng tinh vi.

Một tổng thống cánh tả khác, tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Tư, 10/05/2017, tức khắc bắt tay vào việc chặt chân rết, gây sức ép lên bốn đại gia : Hyundai, Samsung, SK và LG. Theo tổng thống Moon Jea In, sở dĩ bốn tập đoàn này chống lại cải cách vì các chính quyền tiền nhiệm, thuộc đảng Dân Chủ cánh tả cho đến bà Park Geun Hye, đã thiếu nhiệt tâm và tích cực.

Ngay cố tổng thống Kim Dae Jung, Nobel Hoà bình 2002, đã bị tố cáo, qua trung gian của Hyundai, « lót tay » chế độ Bình Nhưỡng 400 triệu đôla, để gặp lãnh đạo miền Bắc Kim Jong Il vào năm 2000.

Một trong những nhân vật phải trả giá cho vụ tai tiếng « nữ quân sư » Choi Soon Sil là ông Lee Jae Yong, thừa kế tập đoàn Samsung phải ngồi tù, kéo theo chiếc ghế tổng thống của bà Park Geun Hye.

Liệu tổng thống mới, với lời hứa đem lại tính minh bạch trong cách điều hành xí nghiệp, chặt đứt lề thói cha truyền con nối, sẽ thành công ? Thứ Năm 11/05/2017, một ngày sau khi tân tổng thống tuyên thệ, nhiều chaebol thuê trang quảng cáo trên báo để chào mừng ông Moon Jea In. Trang dành cho Samsung đăng ảnh một bé gái tươi cười với hàng chữ : Hy vọng một tương lai tươi sáng bắt đầu.

Theo AFP, giới phân tích khá lạc quan, đưa ra hai lý do thuận lợi : một là tại Hàn Quốc, lòng dân với mong muốn cải cách thành công, nên bầu ông Moon Jea In. Thứ hai, tổng thống mới có đa số tại Quốc Hội.

Trong số những biện pháp đề ra là lập đội cảnh sát theo dõi đạo đức nghề nghiệp tránh cảnh cá lớn nuốt cá bé, giới hạn thẩm quyền ân xá đối với tội phạm kinh tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia như giáo sư Robert Kelly, đại học Busan, dè chừng một số cản lực. Thứ nhất, mọi biện pháp trừng phạt các chaebol có thể tác hại lây đến công ăn việc làm và kinh tế. Thứ hai, các đại tập đoàn công nghiệp đã bắt rễ vào « hệ thống » và được đông đảo dân Hàn Quốc ngưỡng mộ. Samsung, Hyundai, Posco… không chỉ là công ty, mà còn là « các nhà vô địch », niềm tự hào của quốc gia.