Gia đình thuyền viên bị khủng bố chặt đầu bị yêu cầu nộp chung 50 tỷ đồng tiền chuộc

0
971
Mẹ và chị dâu nạn nhân Hoàng Văn Hải Courtesy of Citizen
RFA

Thông tin về cái chết đau đớn, bị chặt đầu trong lúc bị bắt làm con tin của hai thuyền viên người Việt Nam trên chuyến tàu thuộc công ty hàng hải Hoàng Gia ở Hải Phòng đã làm chấn động người dân Bắc miền Trung. Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người dân, đặc biệt là người dân Nghệ An và Thanh Hóa, nơi tá túc của gia đình các thuyền viên, dường như đi đâu cũng nghe lời ta thán về sự vô trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong vấn đề cứu công dân của mình.

Nhà nước đã làm gì?

Ông Hoàng Văn Tư, cha của nạn nhân Hoàng Văn Hải, hiện sống ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chia sẻ:

“Họ nói đích thân bố mẹ phải đi ra công ty ngoài Hải phòng. Họ nói phải chung khoản tiền chừng 100 triệu Peso để chuộc người. Sau đó một người tên Loan, là vợ của thuyền phó (cũng bị bắt làm con tin) nói chúng tôi nên ký vào một cái biên bản mà trong đó không có bất kỳ chữ nào. Chúng tôi thắc mắc tại sao biên bản không có chữ nào thì ký làm sao thì ông giám đốc Hoàng Gia nói rằng nội dung không có ai được biết cả, chỉ có giám đốc biết thôi và nếu muốn cứu các con thì chúng tôi hãy ký vào và yên tâm, tin tưởng ông đi. Chúng tồi gồm 6 gia đình, đã ký mỗi gia đình 10 biên bản với chữ ký phải thật giống nhau trong 10 tờ giấy trắng đó. Giờ thì ra cớ sự này đây!”

Một người tên Trung, là chú của anh Hoàng Văn Hải, cho rằng cái chết của hai thuyền viên bị lực lượng Abu Sayyaf chặt đầu vì họ chờ quá lâu mà không thấy tiền chuộc từ Việt Nam, điều này cho thấy thân phận của người Việt Nam quá bé nhỏ, quá đau khổ. Là một người từng cầm hộ chiếu Việt Nam đi du lịch sang Thái Lan và Nhật Bản, ông không khỏi chạnh lòng khi thấy những tấm bảng ghi bằng tiếng Việt khuyến cáo người Việt không nên gắp thức ăn quá nhiều ở các buffet hay là viết bằng tiếng Việt răn đe về các loại hình chế tài khi ăn trộm, ăn cắp… Rồi chuyện các ngư dân người Việt sang ăn cắp hải sâm ở vùng biển các nước Úc, Papua Newguine, Phillipines… Tất cả như những vết thương của dân tộc.

Ông Trung cho rằng sở dĩ có chuyện đau lòng vừa nói là vì Việt Nam thiếu hẳn một nhà nước do dân và vì dân. Nếu nhà nước tồn tại do dân, vì dân thì thân phận người dân Việt Nam không đến nỗi thê thảm như hiện tại. Thử hỏi, có một quốc gia nào mà toàn chiều dài của quốc gia là bờ biển, nếu kể cả vùng nội thủy, vùng lảnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thì biển Việt Nam quá rộng. Vậy mà ngư dân Việt Nam không dám ra khơi bởi sợ cái chết từ các tàu hải cảnh Trung Quốc. Rồi thêm nữa, tài nguyên, khoáng sản Việt Nam cũng thuộc diện “rừng vàng biển bạc”, vậy mà đói nghèo, trộm cắp đầy rẫy ra. Hình ảnh của người Việt Nam trở nên xấu xa và tội nghiệp trước con mắt người nước ngoài, theo ông Trung, không phải chỉ đơn giản là do bản chất hay thói quen mà là do môi trường kinh tế, văn hóa và chính trị.

Cũng theo ông Trung, cái chết của hai thuyền viên người Việt Nam vừa qua càng làm rõ thêm thân phận của người Việt Nam quá nhỏ nhoi trước thế giới rộng lớn. Ông nêu quan điểm rằng thực ra, thân phận của một công dân quốc gia nào đó có giá trị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống chính trị của quốc gia đó. Những quốc gia có hệ thống chính trị dân chủ, cởi mở và coi trọng nhân phẩm thì công dân của họ không thể bị đày đọa, bị coi rẻ trước con mắt người nước ngoài được. Dẫn chứng, ông Trung nói rằng công dân Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Úc, Nhật hay Singapore, Hàn Quốc… không thể bị coi rẻ và không thể dễ chết như công dân Việt Nam được.

Đằng này, nhà nước, chính phủ Việt Nam vẫn luôn giữ đúng giọng điệu “phản đối” suông trong bất kì tình huống nào, từ thuyền viên Việt Nam đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc bắt bớ cho đến thủy thủ Việt Nam bị nhóm sát nhân bắt cóc tống tiền. Ông Trung cho rằng nếu như nhà nước đừng phản đối mà trích tiền ngân sách nhà nước để chuộc công dân, tìm cách cứu công dân của mình, sau đó có thể yêu cầu công ty chủ quản của các thủy thủy chịu trách nhiệm bù đắp ngân sách nhà nước thì ông còn có thể tin tưởng vào nhà nước, chính quyền. Đằng này họ chỉ phản đối sau khi có hai thuyền viên bị chặt đầu.

Đời sống của các thuyền viên

Một người dân sống gần gia đình thuyền viên Hoàng Trung Thông ở Quảng Bình, không muốn nêu tên, chia sẻ:

“Hết sức vô lý, từ nhà nước cho đến phía công ty đều làm những chuyện hết sức vô lý, thời gian kéo dài cả 7 tháng, 8 tháng, nếu không chuộc người được thì phải tìm cách cho gia đình người ta biết, cho truyền thông biết để người ta vận động tài chính mà cứu con của họ chứ! Khóc thì người ta khóc cũng đã hết nước mắt rồi, quá vô lý đi. Dân làng ở đây thương nhau lắm, tối đến thì người dân kéo lại đông lắm, để chia sẻ, an ủi đó mà!”

Người đàn ông này cho biết thêm là hầu như các thuyền viên đều có đời sống rất vất vả, chật vật bởi mức lương mà các thuyền viên được trẻ rất thấp, chỉ dao động từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng trên mỗi tháng. Trong khi đó, phải lênh đênh trên đại dương có chuyến kéo dài vài tháng trời, và khi vào bờ họ mới được trả lương. Trong lúc các thuyền viên ra khơi, vợ con của họ sống kham khổ, mòn mỏi chờ đợi. Nhưng vì nghèo quá nên họ chấp nhận để chồng, cha đi làm.

Nhiều công ty hàng hải nổi tiếng trong việc nợ lương thủy thủ, slogan khi tuyển dụng của họ có nội dung hứa sẽ không nợ lương người làm thuê. Nhưng đó chỉ là slogan, thực tế còn quá nhiều vấn đề để bàn. Bởi lẽ, nếu có trách nhiệm với người lao động, công ty hàng hải như Hoàng Gia phải bằng mọi giá huy độngtài chính để chuộc các thuyền viên của công ty. Đằng này họ cũng im hơi lặng tiếng, mãi cho đến khi cò hai thủy thủ bị chặt đầu, họ cũng chưa hề có động thái nào cho thấy họ quyết tâm cứu những người còn lại.

Người đàn ông này tỏ ra bức xúc khi nói về cái chết quá oan uổng và tội nghiệp của hai thuyền viên Việt Nam. Và ông vừa tỏ ra căm thù, giẫn dữ, đồng thời cũng khinh bỉ cả cái lực lượng gọi là Abu Shayaf. Bởi theo người đàn ông này, bắt cóc tống tiền thì chí ít cũng phải nghiên cứu đối tượng bị bắt cóc, đó là những thứ căn bản của kẻ bắt cóc.

Chẳng ai bắt cóc con nhà nghèo hoặc con ghẻ của nhà giàu, mà ở đây là bắt cóc thuộc hàng quốc tế lại đi bắt cóc công dân Việt Nam thì khác nào chọn một trong hai đối tượng nói trên. Khi không có tiền chuộc thì đâm ra giết người thêm phần tội lỗi!

Như để chốt lại vấn đề, người đàn ông này kêu gọi nhà nước, chính phủ Việt Nam phải khẩn trương cứu các công dân Việt Nam đang còn mắc kẹt. Vì đây là hành động bắt buộc phải có của một nhà nước, một chính phủ tử tế!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam