GÃY XƯƠNG HÔNG VÀ THUYÊN TẮC MẠCH MÁU PHỔI

    0
    239
    Bài trên báo Lao Động
       

    Xuân Sơn Võ cùng với Võ Xuân Sơn.

    Cứ nghĩ rằng những vấn đề về ca bệnh nhân tử vong sau mổ gãy xương ở Đà nẵng là khá rõ ràng, vậy mà hôm nay lại thấy báo chí tiếp tục giật những cái tít thật quyết liệt. Tôi cảm thấy một sự quyết tâm khá mạnh mẽ trong việc buộc tội ngành y của truyền thông.

    Làm trong lĩnh vực loãng xương nên chúng tôi rất quan tâm đến gãy xương hông (hip fracture), một trong các loại gãy mà người bệnh loãng xương thường bị. Gãy xương hông bao gồm nhiều loại gãy ở khu vực đầu trên của xương đùi, như gãy chỏm, gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển và gãy dưới mấu chuyển.

    Theo thông tin từ một số tờ báo, bà Là 47 tuổi, bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, một trong các loại gãy xương hông. Với trường hợp té khi chiều cao của vị trí té thấp hơn chiều cao cơ thể mà gây ra gãy xương lớn, người ta có thể gọi là gãy xương do loãng xương. Theo thông tin từ báo chí, bà Là bị vấp té, như vậy, khả năng rất cao là bà bị gãy xương do loãng xương. Tức là bà đã bị loãng xương từ trước, chứ không phải bà hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị chấn thương. Đáng tiếc là ở nước ta, đa số người dân chưa thực sự quan tâm đến loãng xương, nên căn bệnh gần như không có triệu chứng này ít được phát hiện khi chưa gãy xương.

    Gãy xương hông được coi là một thảm họa vì tỉ lệ tử vong của nó rất cao, cho dù là ở những nước tiến tiến. Theo một nghiên cứu của các bác sĩ Mỹ, tại Mỹ, một đất nước có GDP đầu người cao gấp 9,7 lần Việt nam, mặc dù đã chi ra một số tiền khổng lồ, lên tới 807 triệu đồng VN cho mỗi bệnh nhân gãy xương hông, 25% số người tử vong sau 1 năm (1, 2). Còn tại Cộng hòa Séc, đất nước có GDP đầu người cao gấp 5,4 lần Việt nam, một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 năm 2015 cho thấy, sau 1 năm, 38% những người bị gãy xương hông tử vong, sau 2 năm, tỉ lệ tử vong là 45% và sau 3 năm, tỉ lệ tử vong là 69% (3).

    Một trong các nguyên nhân gây tử vong ở các trường hợp gãy xương hông là tắc mạch do mỡ gây thuyên tắc mạch máu phổi cấp. Tắc mạch do mỡ xảy ra ở 90% các trường hợp gãy xương nặng, nhưng chỉ có 10% các trường hợp tắc mạch do mỡ là có triệu chứng. Tỉ lệ tử vong của tắc mạch do mỡ có thể lên tới 10% đến 20% số trường hợp có triệu chứng (4). 10% số ca tử vong do thuyên tắc mạch máu phổi cấp là đột tử (5).

    Không biết các số liệu y khoa khô khan mà tôi đã cố gắng trình bày thật dễ hiểu như trên có giúp gì cho những cái đầu nóng trong việc truy đuổi ngành y mấy ngày hôm nay không?

    Có một vài ý kiến cho rằng ngành y chưa chú ý lắm đến việc thuyên tắc mạch máu phổi cấp do cục máu đông. Đúng, giống như đối với loãng xương, với những cái đầu không muốn chi tiền cho sức khỏe, ngành y Việt nam chưa thể quán xuyến hết những vấn đề mà các nước giàu quan tâm. Sau khi ca sĩ Trần Lập ra đi, người ta mới nói đến việc tầm soát ung thư đại trực tràng. Thử hỏi xem có bao nhiêu người đã được làm các xét nghiệm và nội soi tầm soát ung thư đại trực tràng, kể cả trong giới có tiền?

    Trở lại trường hợp ở Đà nẵng, nếu như có kết quả giải phẫu tử thi, mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Tôi đề nghị bệnh viện Đà nẵng kiến nghị giải phẫu tử thi để làm sáng tỏ những nghi vấn mà báo chí đang đặt ra.

    Tài liệu tham khảo:

    (1): Blume SW, Curtis JR, “Medical costs of osteoporosis in the elderly Medicare population”, Osteoporos Int. 2011 Jun; 22(6): 1835-44. Epub 2010 Dec 17

    (2): Brixner D, “Assessment of the prevalence and costs of osteoporosis treatment options in a real-world setting”, Am J Manag Care 2006 May;12(7 Suppl):S191-8

    (3): Martin Sedlář, Jan Kvasnička, Zdeněk Krška, Tereza Tománková, Aleš Linhart, “Early and subacute inflammatory response and long-term survival after hip trauma and surgery“, Archives of Gerontology and Geriatrics, May-June 2015, Volume 60, Issue 3, Pages 431–436.

    (4): https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs00595-006-3307-5
    Exp Clin Cardiol. 2013 Spring; 18(2): 129–138.
    Clinical Cardiology: Review. Pulmonary embolism, part I: Epidemiology, risk factors and risk stratification, pathophysiology, clinical presentation, diagnosis and nonthrombotic pulmonary embolism.

    (5): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18757870
    Eur Heart J. 2008 Sep;29(18):2276-315. Epub 2008 Aug 30.
    Guidelines on the diagnosis and management of acute pulmonary embolism: the Task Force for the Diagnosis and Management of Acute Pulmonary Embolism of the European Society of Cardiology (ESC).

    (6) GDP per capita https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.PP.CD…

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here