Dự án Luật hình sự 2015: Đừng ép luật sư… phản thân chủ

0
302
   

 

“Nếu luật sư (LS) đi tố giác thân chủ chỉ một vụ thôi thì dư luận sẽ thế nào. LS của thân chủ, nếu đi tố giác thì sẽ là LS phản chủ. LS phải tuân thủ nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của thân chủ”.Đây là quan điểm của Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Chiến tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 (dự án luật) do UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 5/5.
a1

 ĐBQH – Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Chiến

Đang ở tư thế thực thi tự dưng trở thành người tình nghi

Theo đó LS Nguyễn Chiến cho rằng các LS sẽ không dám bào chữa án hình sự nếu dự án luật buộc luật sư phải tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 19 của dự án luật này. Theo đó, khoản 1 quy định rằng: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNSH) về tội không tố giác tội phạm”.

LS Nguyễn Chiến ví dụ: Nếu thân chủ nói với LS rằng: trước đây tôi đã lừa đảo 500 triệu đồng, LS sẽ hiểu rằng: đó hành vi phạm tội được quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS quy định về tội lừa đảo. Trong khi đó, tại các trại tạm giam, đều có máy ghi âm, ghi hình. Khi CQĐT nghe lại sẽ biết ngay rằng: LS đã biết về việc phạm tội của thân chủ và có thể sẽ gọi LS lên ngay. Điều tra viên muốn biết LS có “biết rõ” tội phạm hay không thì phải triệu tập.

“Mà như vậy thì LS sẽ bị chấm dứt ngay lập tức hoạt động nghề nghiệp đối với thân chủ mình. Hậu quả là, LS nếu lâm vào tình trạng đó sẽ đang ở tư thế thực thi pháp luật, thi hành quyền bào chữa, tự dưng trở thành người tình nghi, hoặc ít nhất là trở thành người làm chứng”- LS Chiến nhấn mạnh.

Điều đáng nói là tại khoản 3 Điều 19 của dự án luật đưa thêm quy định LS phải tố giác tội phạm. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy thì dự án luật lại mâu thuẫn với BLTTHS 2015, Điều 73 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, trong đó không cho phép người bào chữa tiết lộ bí mật của thân chủ. “Nếu quy định LS phải tố giác tội phạm thì mâu thuẫn và xung đột, trái nguyên tắc thống nhất với các luật khác. Chỉ tính riêng xung đột này thì Điều 19 đã không có lý do để tồn tại” – LS Chiến khẳng định.

Hiện nay, tội phạm có khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên đã phải chỉ định LS bào chữa. Nhưng nếu quy định như trên, thì các LS sẽ không dám nhận bào chữa. “Nếu LS đi tố giác thân chủ chỉ một vụ thôi thì dư luận sẽ thế nào. LS của thân chủ, nếu đi tố giác thì sẽ là LS phản chủ. LS phải tuân thủ nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của thân chủ. Vậy nếu LS đi tố giác thì chắc chắn làm tình trạng của thân chủ xấu đi” – LS Chiến nói.

Cần quy định “đặc quyền” cho nghề luật sư

Vậy làm thế nào để giải bài toán này, LS Chiến cho rằng, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Do tính chất đặc biệt của nghề luật sư, nhiều nước trên thế giới như Đức, Nhật, Mỹ đã thừa nhận chế định “đặc quyền” trong nghề nghiệp luật sư và mối quan hệ giữa luật sư với nhà nước, giữa luật sư và khách hàng. Theo đó pháp luật cần phải có quy đinh loại trừ để tạo cơ hội cho sự tồn tại nghề và trách nhiệm của nhà nước, luật sư với cộng đồng.

“Đặc quyền này là một đặc quyền lâu đời nhất trong hệ thống luật Common Law, cho phép mọi thông tin liên lạc trao đổi giữa luật sư và khách hàng của mình được bảo vệ. Khách hàng có quyền từ chối bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin nào đối với luật sư của mình và ngược lại, mọi thông tin của khách hàng gửi đến luật sư qua con đường trực tiếp hoặc trại giam. Chúng ta cũng đang thực hiện cải cách tư pháp, kết hợp mô hình tố tụng thẩm vấn với mô hình tố tụng tranh tụng. Việc luật sư gặp, trao đổi với thân chủ là cần thiết không thể bỏ qua. Vì vậy, nội dung bảo mật thông tin giữa luật sư và khách hàng có mối quan hệ gắn kết để vun đắp nghề luật sư phát triển trên thế giới trong đó có Việt Nam”- LS Chiến nhấn mạnh.

tamnhin.net

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here