ĐÓNG ĐÈO PRENN

0
73
   

Xuân Sơn Võ

Hôm nay, thông tin đóng đèo Prenn khiến nhiều người cảm thấy bị hụt hẫng. Thực ra, việc đóng đèo Prenn vào hôm nay là đã bị trễ khá nhiều, vì theo trí nhớ của tôi, nó dự kiến được đóng từ năm trước.

Theo những thông tin tôi biết được, thì hiện nay, đèo Prenn chỉ có 2 làn xe. Nhà chức trách mong muốn mở đèo ra 4 làn xe (2 làn xe mỗi bên) để đón lượng du khách tăng lên sau khi hoàn tất tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (mà hiện nay đã có một số đoạn được khởi công), và nâng công suất sân bay Liên Khương.

Có rất nhiều đường để đi đến Đà Lạt từ các tỉnh lân cận. Nhưng phải nói là khá nhiều đường phải đi qua đèo Prenn hoặc các đèo khác từ phía chân đèo Prenn vô Đà Lạt. Từ Dầu Giây có thể đi quốc lộ 20. Từ Long Khánh có thể đi DT 766 qua DT 713 lên Đạm‘bri nối vào quốc lộ 20. Từ Bà rịa đi quốc lộ 55 qua Hàm Tân lên Bảo lộc, nối vô quốc lộ 20. Từ Phan Thiết đi quốc lộ 28 lên Di Linh, nối vô quốc lộ 20. Từ Bắc Bình (Bình Thuận) theo quốc lộ 28B lên Đại Ninh (gần Đức Trọng) nối với quốc lộ 20. Từ Phan Rang đi quốc lộ 27, qua khỏi đèo Ngoạn Mục (hay đèo Sông Pha), đến Dran đi đường qua Finom, rồi theo quốc lộ 20 tới chân đèo Prenn. Từ Khánh Hòa cũng có thể đi theo quốc lộ 27B, nối vào quốc lộ 27 trước khi lên đèo Ngoạn Mục.

Đi quốc lộ 27 từ Phan Rang, sau khi lên hết đèo Ngoạn Mục có thể không cần qua Finom, mà nối luôn vô quốc lộ 20 tại Dran, qua đèo Dran, đi qua Cầu Đất, Trại Mát… đến Đà Lạt theo hướng từ Xuân Trường. Cũng không đi qua đèo Prenn và các đèo khu vực ấy, thì có thể đi từ Nha Trang theo quốc lộ 27C, qua đèo Khánh Lê tuyệt đẹp và đầy sương mù, đến Đà Lạt. Từ Daklak, hay Đắc Nông (hoặc bất cứ đâu) tới Nam Ban (huyện Lâm Hà), có thể đi theo đường qua Tà Nung để đến Đà Lạt. 

Ngoài ra, còn 2 con đường khá mới. Một là đường đi qua Suối Vàng, Làng Cù Lần, qua cái resort có cái tên thật ấn tượng: Khỉ ho Cò gáy, đi thẳng tới Daklak. Và con đường thứ hai không biết đã thông chưa, cũng từ gần khu Suối vàng, đi qua khu vực thủy điện Đạ Dâng, nơi có hầm thủy điện bị sập năm nào, nối xuống Đức Trọng, và từ đó đi các nơi. Cách đây khoảng 2 năm thì vẫn còn một khúc đường chưa được làm xong.

Riêng đường đi từ chân đèo Prenn lên Đà Lạt, thì chúng ta có thể đi qua 2 đèo, là đèo Mimosa và đèo SAM. Theo trí nhớ của tôi, đèo Mimosa được khánh thành khoảng năm 1995. Lần đó, cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình đã đi con đường qua đèo Mimosa. Đèo Mimosa bắt đầu ngay khu du lịch thác Prenn, đi lên Đà Lạt, đi qua Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, qua đường Khe Sanh, nối vào quốc lộ 20 (đoạn này là đường Trần Hưng Đạo), chếch một chút ra khỏi trung tâm Đà Lạt. Đèo này khá đẹp, nhưng khá ít cây Mimosa (ngoại trừ đoạn đầu dưới chân đèo), và Mimosa không đẹp bằng ở Vỏ Đỗ Garden. Sau này đường khá xấu, ổ gà ổ trâu loạn xạ, do xe tải đi đường này.

Đường thứ hai là đèo SAM. Cái tên SAM không biết có chính thức không, nhưng nhiều người gọi như vậy. Tên gọi này bắt nguồn từ khu resort Sacom, khu resort lớn thứ hai, sau Edensee, tại khu vực Hồ Tuyền Lâm (thực ra thì trước Edensee và Sacom đã có một số khu resort nhỏ). Sacom là một resort kèm khu sân golf. Hồi đó tôi không thích khu này vì họ chặt hết thông, để phơi ra những căn biệt thự xây rất đẹp. Sau này, họ trồng thông lại và bây giờ thì khá OK. 

Nhiều người, trong đó có tôi, đã từng nhầm Sacom với Sacombank. Nhưng đây là một hệ thống hình như của nước ngoài. Sau này, không biết có phải do vấn đề chồng chéo tên gọi hay không mà khu resort này đổi tên thành SAM, hay S.A.M. Rồi cách đây ít năm, họ khánh thành con đường đi từ hồ Tuyền Lâm, chỗ cửa resort SAM, đi qua hai cổng và bên ngoài khu vực sân golf, xuống tới Định An, gần trạm thu phí. Nhiều người gọi đây là đèo SAM.

Đèo SAM khá nhỏ, chỉ có 2 làn xe, đường quanh co, nhưng được cái nhiều thông. Thông ở đây nhỏ, không cổ thụ như đèo Prenn, nhưng rất mát mắt. Có một vài đoạn nhìn xuống sân golf và khách sạn của sân golf tuyệt đẹp. Hiện nay, do còn ít người biết, nên đèo này khá vắng. 

Từ Liên khương, theo cao tốc Liên Khương – Prenn, hoặc từ Finom, theo quốc lộ 20, chúng ta đi qua trạm thu phí Định An. Qua khỏi trạm thu phí Định An khoảng hơn 1km, có đường ra (exit) đầu tiên bên phải, nơi có bảng chỉ đường đến S.A.M., chúng ta quẹo phải và quay ngược lại, chui qua hầm bên dưới đường cao tốc, qua phía bên kia, rẽ phải, đi khoảng hơn 200m thì quẹo trái, đó là chân đèo SAM. Nếu đi theo cao tốc lố qua lối ra SAM này, chúng ta đi đến khu du lịch Prenn, đi về bên phải theo đường đi đèo Mimosa, nhưng quẹo trái qua cầu chui dưới chân đèo Prenn qua bên kia đường, quẹo trái đi theo đường song hành, khoảng 300m quẹo phải vô chân đèo SAM.

Khi đi qua 2 cổng sân golf khoảng hơn 1km, chúng ta đến một ngã ba ngay bờ hồ Tuyền lâm. Tại đây có một rừng hoa Mai Anh Đào tuyệt đẹp. Nếu đi thẳng rồi quẹo trái, bạn sẽ vô tới resort Edensee. Nhưng bạn cần quẹo phải và đi theo bờ hồ Tuyền Lâm để vô thành phố Đà Lạt. Bạn đi theo bờ hồ, qua khỏi resort Cereja bên phải, resort Teracotta bên trái, thì sẽ đến một cây cầu. Qua khỏi cầu, bên trái là bờ đập hồ Tuyền Lâm, bên phải là con đường xuống dốc. Trước mặt bạn là một trái núi nhỏ. 

Trái núi nhỏ (nhưng không nhỏ lắm đâu) chính là khuôn viên của Thiền viện Trúc Lâm. Từ đầu cầu này, bạn quẹo phải hay quẹo trái đều về Đà lạt cả. Nếu quẹo trái, bạn đi qua bờ đập, men theo con đường bờ hồ và bên dưới của Thiền Viện Trúc Lâm, gọi là đường Hoa Cẩm Tú Cầu, đến resort Lan Anh, quẹo trái vô đường Trần Thánh Tông, rồi thẳng một đường đến Triệu Việt Vương, tới Dinh 3, đụng với đường Pastuer là vô tới trung tâm Đà Lạt. Nếu bạn quẹo phải từ đầu cầu, nếu đi thẳng bạn sẽ ra đến đèo Prenn (đang bị đóng). Bạn phải quẹo trái ở nơi có đường quẹo trái đầu tiên, để vòng qua phía cửa chính của Thiền Viện Trúc Lâm. Bạn đi lên một cái dốc khá cao, tới cổng Thiền Viện Trúc Lâm ở bên phải, bên trái là cổng khu cáp treo, rồi theo đường Trần Thánh Tông đi về trung tâm Đà Lạt.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tìm ra đường đi thích hợp trong thời gian đèo Prenn đóng để sửa chữa, nâng cấp. Dự kiến sau 1 năm, đèo Prenn sẽ được mở lại, to hơn, đẹp hơn, và có cả chỗ dừng chân ngắm cảnh.

https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid0EMHkKzTEKTis23sqLzddyFucxShmgh3hWQmoH1UQxbc711vFywfRnp72FpwQqaHnl

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here