2022.03.30
Chỉ trong tháng 3 năm 2022, hàng chục cán bộ từ cấp trung ương đến cấp địa phương bị kỷ luật, bị tù vì những vi phạm liên quan đến đất đai. Có thể nêu vài ví dụ cụ thể: Mới hôm 29 tháng 3, Hội đồng kỷ luật thành phố Buôn Ma Thuột đã ra Quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất đối với bà Nguyễn Thị Loan và ông Vũ Tiến Thành do yếu kém trong quản lý đất đai, xây dựng.
Ngày 25 tháng 3, 14 cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận, bị Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật do buông lỏng quản lý để xảy ra hàng loạt vi phạm về đất đai trên địa bàn.
Giữa tháng 3, 22 người gồm nhiều cựu lãnh đạo của tỉnh Bình Dương như Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…bị Viện kiểm sát tối cao đề nghị truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trước đó, bảy cán bộ ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến quản lý đất đai.
Thứ nhất là đạo đức cán bộ ở trong nước đang trong thời kỳ tha hóa đến tận cùng, mục ruỗng đến tận cùng, suy thoái đạo đức đến tận cùng. Cái nguyên nhân thứ hai là hệ thống luật pháp trong nước, nhất là Luật đất đai chưa sửa đổi để theo kịp nhu cầu đổi mới của đất nước. – Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn
Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này:
“Công bằng mà nói thì nó bao trùm trên cả hai lĩnh vực. Thứ nhất là đạo đức cán bộ ở trong nước đang trong thời kỳ tha hóa đến tận cùng, mục ruỗng đến tận cùng, suy thoái đạo đức đến tận cùng. Họ không còn là những người cộng sản nằm gai nếm mật, chung lưng đấu cật với nhân dân khi chưa đoạt được chính quyền. Họ cũng có nhu cầu về đời sống vật chất, muốn tích lũy tài sản để sau này về hưu thì có khối tài sản đồ sộ hưởng lạc, bù đắp lại những năm tháng lao tâm khổ tứ cho sự nghiệp của Đảng Cộng sản, cho nên họ ra sức tận dụng địa vị lãnh đạo của mình để làm giàu bất chính. Như vậy là về lĩnh vực đạo đức họ đã suy thoái gần như cả hệ thống.
Cái nguyên nhân thứ hai là hệ thống luật pháp trong nước, nhất là Luật đất đai chưa sửa đổi để theo kịp nhu cầu đổi mới của đất nước. Họ vẫn giữ trên căn bản trong hiến pháp mà Đảng Cộng sản không dám thay đổi, đó là đất đai là công thổ quốc gia, không thể tư hữu được. Mà điều này là điều sống còn của tất cả các chế độ toàn trị mang danh XHCN trên toàn thế giới.”
Ông Nguyễn Khắc Toàn nói thêm, có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung để tạo động lực cho phát triển đất nước nhưng lại bị kỷ luật, thậm chí tù tội vì luật pháp không tương thích.
Mới đây, tại hội thảo “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh – tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu cho rằng, đất đai là nguồn lực, động lực để phát triển song cũng có thể là yếu tố đưa nhiều cán bộ, công chức vào vòng lao lý.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhận định, trọng tâm của vấn đề thể chế trong thời gian tới đây là sửa đổi Luật Đất đai. Nếu khơi thông được vấn đề đất đai thì đây là nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội.
Luật Đất đai từng được điều chỉnh nhiều lần trong quá khứ và bị lùi nhiều lần, đến nay vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay, dự kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp Quốc hội Việt Nam trong năm 2022, và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, phải định nghĩa “Sở hữu toàn dân về đất đai” trước khi sửa đổi Luật đất đai. Ông giải thích:
“Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay là một khái niệm chưa được định nghĩa. Chưa ai định nghĩa nó là sở hữu công cả. Nhà nước cứ tự nói nó là sở hữu công chứ có phải thế đâu. Nó phải có một cái định nghĩa sở hữu công là như thế nào, bởi có chữ ‘toàn dân’ nghĩa là có dân trong đó. Mà có dân ở đấy thì vai trò của người sử dụng đất được xác định như thế nào?
Tôi cho rằng đây cũng là một việc rất hệ trọng cần phải minh bạch. Khái niệm sở hữu toàn dân được định nghĩa trong Luật Đất đai rõ ràng thì không phải là chuyện khó. Đó là điều buộc phải được vận hành trong kinh tế thị trường. Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường, sử dụng công cụ kinh tế thị trường để phát triển thì phải vận hành được chế độ sở hữu toàn dân như một chủ trương chính trị.”
Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay là một khái niệm chưa được định nghĩa. Chưa ai định nghĩa nó là sở hữu công cả. Nhà nước cứ tự nói nó là sở hữu công chứ có phải thế đâu. Nó phải có một cái định nghĩa sở hữu công là như thế nào, bởi có chữ ‘toàn dân’ nghĩa là có dân trong đó. Mà có dân ở đấy thì vai trò của người sử dụng đất được xác định như thế nào? – Giáo sư Đặng Hùng Võ
Tại Việt Nam, rất nhiều người giàu lên từ đất và cũng nhiều người tù tội vì đất. Điều này từng được Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc xác nhận vào năm ngoái, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về quy hoạch sử dụng đất. Tổng bí thư Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập chuyện một số cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc khi chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội 13.
Để giảm bớt tình trạng cán bộ vô tù vì sai phạm liên quan đất đai, nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn nêu ý kiến với RFA:
“Về suy thoái đạo đức, muốn khắc phục thì phải dân chủ hóa đất nước, phải tôn trọng các quyền con người. Xã hội phải có phê phán, có phản biện. Nhân dân phải được tham gia kênh giám sát và theo dõi hệ thống công quyền của Nhà nước thì sẽ giảm bớt cái suy thoái, cái hư hỏng ấy của hệ thống công quyền, hệ thống Chính quyền.
Về lĩnh vực sửa đổi luật pháp thì trách nhiệm là của Nhà nước. Phải thu thập ý kiến của những nhà trí thức, những nhà khoa học, những cán bộ thật sự có lòng, có tâm huyết với đất nước. Những người này sẽ góp phần xây dựng bộ luật cho hoàn chỉnh, cho tốt hơn.
Tóm lại, chìa khóa để giải quyết những vấn đề này là phải dân chủ hóa đất nước trên tất cả các lĩnh vực.”
Nói đến công tác xây dựng pháp luật thì lại có một dạng tiêu cực khác, đó là tham nhũng chính sách. Theo nhận định một số chuyên gia về kinh tế, tham nhũng chính sách xảy ra ở hầu hết các nước có nền kinh tế chuyển đổi, tức là chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Trong cơ chế bao cấp thì hầu hết tài sản đều là tài sản của Nhà nước. Bây giờ chuyển sang cơ chế thị trường thì buộc phải chấp nhận kinh tế tư nhân. Chính quá trình chuyển đổi đó làm nảy sinh tham nhũng chính sách làm cơ sở để chuyển của công thành của tư.