ĐẠI BÁC 

0
43
   

Thận Nhiên

Sau chiến tranh, những bản nhạc phản chiến không còn ai hát, phần vì bị cấm, phần vì chúng không còn phù hợp với tâm thế của thời đại. Nếu phát hiện ra kẻ nào vi phạm điều luật hát nhạc vàng, chính quyền sẽ phạt tù, phạt tiền, rất nặng.

Bà không thể không hát. Không hát, đời bà không còn chút giá trị hay ý nghĩa gì. Hát là sự chứng thực rằng bà vẫn còn thanh quản và vòm họng, và điều quan trọng hơn thế: bà đã không hoài phí tuổi thanh xuân của mình.

Trong ba năm đầu sau chiến tranh, bằng một cái thìa trong trang bị cá nhân của lính và một mũ sắt, bà âm thầm moi từng chút từng chút, đào thành cái hầm, như địa đạo, ở ngoại ô, chính xác là ở phía Bắc huyện Củ Chi, nơi chiến trường xưa, giờ không còn đồng đội. Tích trữ lương thực, nước, một ít thuốc men, và nhiều đậu xanh; đậu xanh để bà làm giá. Nước giá luộc có công dụng tốt, làm sạch và phục hồi chức năng của thanh quản. Bà bắt đầu hát. Quay mặt vào vách đất, ban đầu thì thầm nho nhỏ, rồi to dần, càng về sau, bà gào to hết cỡ. Âm thanh không dội lại. Từng âm tiết nhẫn nại xuyên qua lòng đất như mũi khoan nhỏ, dò hướng, tìm về thành phố, về thủ đô, về Sài Gòn, như trong một câu hát, “… đại bác đêm đêm dội về thành phố…” [*], chỉ khác, những đầu đạn trong lời hát thay vì bay trong không trung, rồi nổ đì đùng, thì bây giờ, chúng nén, lặng, chìm, sâu, dưới lòng đất, và không có khả năng sát thương.

[*] Ca từ “Đại bác ru đêm” , nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

***

TRÊN VỈA HÈ NÀY 

Nhã viết truyện “Đêm nghe tiếng đại bác “. Đọc truyện, bị ám ảnh bởi những dòng chữ trên trang cuối cùng, Sơn muốn viết về tiếng đại bác và chiến tranh. Sơn gặp Mọn. Đường khuya, gió thông thốc trên những hàng cây, lá rụng đầy. Mọn dừng chổi, vén tay áo lau mồ hôi, Sơn cho Mọn nghe tiếng đại bác vọng về thành phố. Ca khúc ra đời, có tiếng đại bác, có Mọn quét đường. Có máu xương và chiến tranh.

Mười năm sau, đất nước hòa bình. Mọn qua đời vì lao phổi. Con gái của Mọn là Bé Hai nối nghiệp quét đường của mẹ, được bầu làm đại biểu quốc hội. 

Buổi chiều Bé Hai ngồi họp, nghe lãnh đạo phát biểu, vỗ tay, là buổi chiều Nhã ở tù vì tội viết truyện tiếng đại bác, là buổi chiều Sơn uống rượu say khướt với bạn bè mới. 

Mười năm sau nữa, buổi sáng Nhã ngồi viết ở bên kia trái đất, là buổi tối Sơn dừng lại ở góc phố cũ, gặp người phu quét đường đang dừng chổi, vén tay áo lên lau mồ hôi. Không phải Mọn, không phải Bé Hai, mà là Sương, con gái của Bé Hai, nối nghiệp nhà. 

Mọn hiện diện trong ca khúc đánh dấu một giai đoạn lịch sử. Bé Hai thành biểu tượng của tuổi trẻ, cô lăm le làm lịch sử, nhưng rồi cuộc đời ném cô trở lại vỉa hè khi không còn giá trị biểu tượng tiến bộ của giai cấp, rồi bị quên lãng. 

Đêm đầy tiếng động dù không còn đại bác. Những tòa nhà mới mọc chặn tầm mắt. Những hàng cây bị đốn sạch. Sương dừng chổi vén tay áo lau mồ hôi. Đêm không rụng lá. Thế giới đầy rác.

THẬN NHIÊN

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here