CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)

0
313
Blogger Điếu Cày, một trong những tên tuổi hàng đầu trong danh sách những nhà hoạt động ôn hòa mà thế giới thúc giục Hà Nội trả tự do Ảnh : VOA edit
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Những điều trại 6 không mong muốn.

Đêm nay khó ngủ, tôi lót chiếc mền ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài sân trại, điểm lại vài việc trong những ngày đầu vào trại 6 đến nay.

Tôi đến trại 6 vào chiều ngày 27-4-2013 và thực sự hoà nhập vào đời sống ở một trại tù phía Bắc.

Mấy năm trước, tôi đã qua lần lượt 9 trại tạm giam và trại giam ở phía Nam, nên khi ra phía Bắc thấy vài chuyện khác lạ.

Ví dụ, chuyện xưng hô giữa tù nhân và quản giáo cũng khác nhau.

Ở Sài Gòn, tù xưng tôi và gọi quản giáo là cán bộ, theo như nội quy của trại. Về miền Tây, tù xưng tôi hoặc có người xưng con và gọi quản giáo là “thầy” hoặc “ông thầy”. Ở trại 6 Thanh Chương Nghệ An, tù hình sự xưng “cháu” và gọi quản giáo là “ông” hay “bà”.

Phạm nhân nữ ở Trại giam số 6 sau giờ lao động.
Ảnh : Báo CS.

Lần ra gặp gia đình đầu tiên ở trại này, trong khi đứng chờ mấy tay an ninh trại xét đồ thăm nuôi của tôi mang vào trại, tôi nghe mấy tù nhân khúm núm chào “ông” với tay quản giáo chỉ đáng tuổi con mình. Ngạc nhiên, tôi nhìn tay quản giáo như đặt một câu hỏi. Anh ta nhìn lại tôi, tỏ vẻ không hiểu. khiến tôi phải bật ra:

– Sao anh để tù nhân lớn tuổi vậy gọi anh bằng “ông” và xưng “cháu” như thế ? Luật pháp hay nội quy nào cho phép ?

Anh ta gọi người tù đó lại, cất giọng ngượng ngùng :

– Lần sau anh đừng gọi cán bộ như thế, gọi đúng nội quy đi.

Anh tù kia vâng dạ rồi bỏ đi.

Những người tù quanh đấy tròn mắt ngạc nhiên, khi thấy tù chính trị “dám chỉnh” quản giáo.

Chỉ một hiện tượng nhỏ như vậy cũng thấy tù nhân ở những trại giam miền Bắc đã bị vùi dập nhân phẩm như thế nào. Ngoài việc đánh đập và lao động khổ sai, cộng với văn hóa thời “phong kiến suy tàn” của những thằng Mõ, Lý trưởng, Quan huyện v.v… rất đậm đặc trong người dân miền Bắc, khiến những con người bị tù đày sợ hãi đến mức tự hạ thấp phẩm giá của mình như vậy.

Hồi tưởng đến đây, “Vỏ Xe Điếu Cày” – một người lớn lên trong “cái nôi XHCN” mục nát và thối rữa – càng thấy bi đát cho dân tộc Việt Nam và thêm căn cứ để khẳng định: Đó là một trong các lý do chính để giải thích chất gia trưởng, kẻ cả, ban ơn, trịch thượng, vô lễ v.v… mãi cho đến nay vẫn tồn tại trong rất nhiều cán bộ miền Bắc, dù có thể họ là những người mang danh “giáo sư – tiến sĩ”! Thậm chí ngay cả những kẻ mang danh “vô thần”, sẵn sàng đập phá chùa chiền, nhà thờ; đàn áp và giết chóc rất nhiều linh mục, sư sãi, nhưng vô cùng “mê tín dị đoan”.

Hãy nhìn cái chết (mới nhất) của Trần Đại Quang với Nguyễn Phú Trọng đưa tay “bắt ấn” để tránh bị “ma quỷ” bám theo, hoặc “hai viên đạn đồng” từ Nguyễn Tấn Dũng như muốn bắn nát đầu Nguyễn Phú Trọng để nhìn nhận một sự thật: Người Cộng Sản đấu tranh không phải để mang hạnh phúc đến cho người khác mà để dân chúng mang lại hạnh phúc cho họ – Đạt Lai Lạt Ma.

Đó là đối với tù hình sự, còn với tù chính trị trong khu an ninh thì sao ?

Khu an ninh có tất cả 11 người ở trong 3 phòng (1-2-3), ngoài 4 anh em chúng tôi (Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Kim Nhàn, Trần Anh Kim, tôi – Nguyễn Văn Hải (ĐC), còn có 4 anh em Tây Nguyên (Y Don, Knoon, Kso Trung, Rơlan Thik), đặc biệt là 2 tên gián điệp Trung Quốc và một tù hình sự.

Hai gián điệp làm cho Tàu và tù hình sự nói trên được chia ra ở 3 phòng để kiểm soát, báo cáo về “nhất cử nhất động” của 8 người tù còn lại cho ban giám thị trại 6.

Khi tôi mới vào,  anh em nhắc phải luôn cảnh giác với hai tên gián điệp và người tù hình sự.

Tôi trải qua nhiều trại và luôn bị sắp đặt ở chung với “anten” trong nhiều năm nên tôi quen dần. Nó hình thành phản xạ tự nhiên, nên không cần phải căng thẳng đối phó.

Tuy nhiên, anh em Tây Nguyên có vẻ dè chừng hai tên gián điệp. Sau ít ngày nghe họ tâm sự, tôi mới biết thủ đoạn của trại giam sử dụng hai tên gián điệp này.

Bất kỳ ai trong đội mà chúng thấy cần phải tấn công, trấn áp, chúng sẽ bàn nhau cùng viết đơn tố cáo lên giám thị trại giam. Thường thì chúng làm việc này do có chỉ đạo từ giám thị.

Hai lá đơn tố cáo của chúng trở thành cái cớ để giám thị trại giam đưa đi biệt giam người bị tố cáo, không cần điều tra xem đúng hay sai.

Anh Nguyễn Xuân Nghĩa từng bị tới 2 lần với 6 tháng 7 ngày biệt giam như vậy ở trại Ba Sao Nam Hà.

Hai tên gián điệp cũng từng công khai đe doạ sẽ tố cáo bất kỳ người nào trái ý chúng. Anh em chúng tôi không ngán gì hai tên gián điệp, nhưng anh em Tây Nguyên có vẻ e dè.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trong hồi ký của mình viết về tình hình trong khu an ninh trước khi tôi đến trại 6 :

“Thời điểm tôi cảm thấy cảnh tù đày là bi thảm nhất xảy ra vào những tháng đầu năm 2013, lúc tôi đã ở tù được gần 5 năm. Tất cả những thất vọng của tôi về một vài đồng đội bị dồn nén từ khi còn ở trại giam Ba Sao – Nam Hà lên cao điểm vào những tháng này, tại trại giam Số 6 – Nghệ An…

Trong khi tôi đang tâm đắc câu “thà kính nhi viễn chi còn hơn đồng sàng” thì anh Hải ĐC từ trại giam Xuyên Mộc – Vũng Tàu nhập trại”.

Chỉ sau vài ngày nhập trại, tôi thấy cần phải nối kết anh em lại với nhau.

Bốn anh em người Kinh chúng tôi luôn quan tâm đến nhau.

Tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của anh em Tây Nguyên và chia sẻ những khó khăn với họ.

Tôi nghĩ, thà anh em mình giúp nhau chân thành và vô tư, còn hơn để họ nhận sự giúp đỡ từ hai tên gián điệp hoặc quản giáo. Bởi để chúng lợi dụng việc đó, rồi phân hoá chúng tôi thì khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi, việc đồng thuận đấu tranh để bảo vệ quyền lợi tù nhân trở thành điều cốt yếu mà ai cũng rõ.

Tôi đăng ký mua cho 4 anh em Tây Nguyên mỗi người một thùng mì 30 gói đều đặn hàng tháng.

Ngoài việc bảo đảm anh em có đồ ăn sáng, phần bánh mì và đồ ăn trại cấp, chúng tôi cũng để anh em dùng luôn. Vì vậy anh em cũng tạm ổn.

Chúng tôi gắn kết với nhau hơn trước.

Từ những buổi trò chuyện quanh bàn trà vào buổi sáng, chia nhau từng gói mì, chia sẻ thông tin về pháp luật, chúng tôi đồng thuận trong nhiều vấn đề hơn.

Anh em Tây Nguyên cũng hỏi tôi về tôn giáo, hỏi tôi có muốn gia nhập vào đạo Tin Lành với anh em không? Tôi nói, gia đình mình thờ cúng ông bà theo đạo Phật, nhưng tôi tôn trọng đức tin của các bạn. Tôi chỉ cho các bạn thấy quyền của mình trong Công Ước Quốc Tế.

Kso Trung rất quan tâm đến vấn đề về pháp luật, công ước quốc tế về quyền con người, về quyền tự do tôn giáo… Anh mượn tập Công Ước về chép ra và đánh dấu, gạch dưới từng dòng.

KAN sôi động hẳn lên.

Chúng tôi không để thời gian ở tù trôi qua vô ích, biến nhà tù thành trường học.

Anh Kim và anh Nhàn cũng nhập cuộc.

Những lần gọi điện hay thăm gặp gia đình , lúc bấy giờ, mọi người có thêm yêu cầu gửi sách báo và luật.

Tất nhiên, mọi thay đổi trong KAN đều được báo cáo ra ngoài.

Việc anh em tù chính trị sao chép luật và Công Ước Quốc Tế, rồi bàn thảo nhiều về tình trạng giam giữ trái luật là điều trại giam không muốn.

Sau vài lần họp tổ vào chiều thứ sáu, tôi đưa ý kiến yêu cầu trại giam thay đổi điều kiện giam giữ cho đúng luật.

Ngày 10-5-2013, tôi kêu gọi anh em đồng làm kiến nghị tập thể.

Mọi người đồng thuận để tôi ký đại diện vào “Kiến nghị tập thể” trong biên bản cuộc họp gửi BGT trại giam số 6.

Những ngày sau đó không thấy phản hồi từ BGT trại giam.

Những buổi chiều thứ sáu cũng không còn họp hành gì nữa. BGT trại giam rõ ràng tránh né trả lời chúng tôi.

Có vài lần tôi hỏi quản giáo Khánh về việc giải quyết kiến nghị của chúng tôi. Khánh trả lời  cộc lốc:

– Đã báo cáo BGT nhưng chưa thấy gì, các anh cứ chờ đi.

Tôi nhận thấy, từ khi mọi người có được kiến thức pháp luật, mỗi khi gặp quản giáo và cán bộ trại giam họ tự tin hơn nhiều. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc tôi bị trả thù bằng một quyết định biệt giam 3 tháng.

Tại Toà Báo Công An. Vợ con và anh em đến đòi thả tự do cho anh Điếu cày.

Khủng bố

Từ hôm tôi bị biệt giam, không khí khu an ninh chùng xuống, nặng nề.

Anh Kim , anh Nghĩa vẫn tìm cách qua lại chuyện trò với tôi, vào những lúc không có quản giáo. Các anh hỏi tôi ngủ được không? Sức khoẻ thế nào rồi? v.v…

Có lần, khi anh Nhàn đem đồ ra sân phơi trước cửa buồng giam tôi, tôi thấy anh  ấy cúi lom khom chổng mông về phía tôi, trải xếp từng món, nhưng không dám quay lại.

Từ hôm vào biệt giam, ban giám thị cấm không ai được liên hệ với tôi.

Có lẽ vì thế, anh Nhàn không dám hỏi han gì.

Trại giam cách ly tôi ra khỏi anh em và dùng điều đó răn đe những người còn lại. Song song đó, một cuộc tập trận chống bạo động diễn ra.

Sáng hôm ấy, đã gần 7 giờ vẫn chưa thấy quản giáo vào mở cửa buồng giam.

Mọi người gọi qua lại hỏi nhau xem có việc gì xảy ra, thì nghe anh Kim nói “có diễn tập gì đó”.

Phương đi ra ngoài từ sớm chưa thấy vào. Mọi người chờ đợi xem chuyện gì sẽ diễn ra.

Bất ngờ hai cánh cửa KAN mở bung.

Một nhóm người mặc quần áo tù chạy ào vào trong KAN.

Bên ngoài tiếng kẻng báo động dồn dập, tiếng còi inh ỏi và tiếng súng nổ chát chúa. Có cả tiếng lựu đạn nổ ầm ầm ở mấy khu tù hình sự.

Công an vũ trang , an ninh và cả chó săn tràn vào sân trại.

Chúng vừa la hét vừa ném các trái nổ và lưu đạn cay vây bắt mấy người tù hình sự.

Khói hơi cay mù mịt sân trại, tràn vào các buồng giam.

Bọn công an xúm vào đè mấy người tù xuống, bẻ quặt tay ra phía sau, dẫn đi.

Cảnh tưởng rất huyên náo, ồn ã, lại không kém phần manh động và dữ dội. Có lẽ, bọn “Cộng Sản Con” đang khủng bố tinh thần chúng tôi.

Tôi vẫn ngồi ở cửa sổ, với tư thế cũ, nhìn ra ngoài bình thản, dù mấy trái nổ cố tình ném ngay gần cửa sổ, vết cháy xém sạm khói đen còn in trên mặt sân…

Khi đám vũ trang vừa dẫn mấy người tù hình sự làm quân xanh đi khỏi,  Hùng – phó giám thị K1 và mấy tay an ninh vào.

Hùng nhìn sang phía cửa buồng giam, áng chừng xem sắc thái tôi thế nào.

Tôi vẫn ngồi yên một tư thế như nhiều ngày nay. Tôi vẫn nhìn họ một cách hững hờ…

– Ba cái thứ trái nổ giả này nhằm nhò gì! Tôi từng sống trong bom thật đạn thiệt! Quả dở hơi! – Tôi nghĩ trong đầu mình với nụ cười mỉm, mắt vẫn nhìn về phía Hùng.

Vừa thấy Hùng phó GT và đám an ninh trại, anh Kim mắng té tát liên hồi:

– Diễn tập gì thì diễn ở ngoài kia, đừng mang vào trong khu này diễn! Đây là tù chính trị chứ không phải hình sự! Ai cho các anh diễn tập mà ném lựu đạn cay vào buồng giam chúng tôi ?! Các anh vào dọn ngay và sửa đường ống nước cho chúng tôi! Những người ở đây đã từng sống trong bom đạn thật, mấy trò mèo mửa như thế này không dọa nổi chúng tôi đâu!

Hùng phó giám thị hơi quê, bèn gọi mấy tên “Cộng Sản Con” vào dọn nhặt hết những cuống trái nổ giả còn vương vãi ngay cửa buồng giam.

Hóa ra, chúng ném vào sát cửa buồng anh Kim và anh Nghĩa mấy trái. Khói tràn vào buồng, nên anh em phải đóng cửa. Một trái nổ gần đường ống nước, làm nó  – vốn bằng nhựa –  bể một miếng lớn, nước phun tràn ra ướt cả một khoảng sân.

Tôi và Hùng phó giám thị K1 không lạ gì nhau.

Hùng mới “đụng” với tôi một lần, ít ngày trước, khi tôi bị biệt giam mấy ngày.

Hùng vào gặp tôi ở phòng quản giáo. Sau mấy câu hỏi dạo đầu, Hùng toạc móng lợn:

– Nếu anh không chấp hành thì không phải một lệnh biệt giam (3 tháng) này đâu. Hết lệnh này sẽ gia hạn tiếp lệnh khác. Nếu cần sẽ gia hạn tiếp nữa.

Tôi thủng thẳng:

– Bạo quyền trong tay các anh, cứ ấn người ta vào buồng biệt giam bao lâu chả được. Nhưng cái hèn hạ của các anh là khi đối mặt với cộng đồng quốc tế lại chối. Điều đó, nhục cho cả những ai mang tên “Người Việt Nam”. Các anh hạ nhục cả bọn Bộ Chính Trị, nhưng thật tội nghiệp vì không hiểu ra!

Hùng nói lảng sang chuyện khác. Đoạn, hắn cao giọng:

– Sắp tới sẽ còn kỷ luật mấy anh xé báo đảng nữa đấy!

Tôi không hút thuốc, nhưng hiểu Hùng ám chỉ mấy anh em dùng báo Nhân Dân làm đóm hút thuốc.

Chờ cho Hùng nói xong, tôi lại hỏi tỉnh queo:

– Bộ Luật Hình Sự có tội nào là tội chống đảng ?

Hắn ngắc ngứ, tôi tiếp luôn:

Trong luật chỉ có tội chống nhà nước chứ chống đảng đâu phải là chống nhà nước! Đảng chỉ là một nhóm “Cộng Sản Cha” của anh thôi, đừng nhập nhằng đánh đồng. Ngay cả cái thứ gọi là “nhà nước” của các anh cũng chỉ là phường chợ búa! Bởi đã gọi là “nhà nước”, tất phải hiểu 2 nguyên tắc căn bản khi soạn và thi hành luật, đó là “tính Liên Tục & tính Kế Thừa”. “Cộng Sản Con” như anh hãy về mà tâu lại với bọn “Cộng Sản Cha” rằng, bọn chúng chỉ là những kẻ thuộc về thuở hồng hoang mông muội!

Hùng bảo quản giáo đưa tôi về buồng giam, tôi vừa đi vừa chửi thầm :

– Mẹ! Thằng đầu đất ! Tưởng một thằng làm tới phó giám thị trình độ ghê lắm! Ai có dè…

****

Bạn bè của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải biểu tình trước cửa trại giam số 6 đòi trả tự do cho anh.

Sáng nay, quản giáo và an ninh trại vào đọc lệnh đưa Knoon đi cùm ở nhà kỷ luật, bên ngoài KAN.

Trước đó hai ngày, xảy ra xô xát giữa anh Nguyễn Kim Nhàn và Knoon. Việc này dẫn đến cả hai đều bị kỷ luật đi cùm 10 ngày.

Knoon bị đưa đi trước, anh Nhàn chưa đi. Vậy là trong 8 người tù chính trị, tôi đã bị biệt giam, hai người bị đi cùm.

Không khí trong khu an ninh càng nặng nề, ngột ngạt hơn.

Khi Knoon bị đưa đi, tôi nghe mấy anh em Tây Nguyên nói với nhau bằng tiếng dân tộc.

Dù không biết họ nói gì, nhưng cách trao đổi và ánh mắt của họ đủ làm tôi hiểu. Tôi thấy như có vết dao cứa vào lòng, đau quá !

Từ hôm lên trại đến nay, tôi cố kết nối anh em lại với nhau. Bây giờ xảy ra chuyện như thế này, buồn quá!

Trong 4 anh em Tây Nguyên Knoon bị án nặng nhất, 20 năm. Knoon là người to khoẻ nhất trong nhóm nên khi bị bắt bọn an ninh đánh anh rất dữ, trên người anh còn lưu lại dấu vết  những trận đòn dã man của bọn an ninh, những cú đá bằng giày vào bụng anh đã khiến anh hộc cả máu ra đằng miệng. Trong KAN, Knoon là người chơi đàn và hát rất hay, nhưng tính anh hơi nóng. Kỷ luật Knoon là kỷ luật người cầm đầu của nhóm Tây Nguyên.

Rõ ràng trại giam muốn gửi đến khu an ninh một thông điệp đe doạ trấn áp nặng nề, muốn chúng tôi khuất phục.

Tôi ngồi thừ người một lúc, trước ánh chiều tà hiu hắt đang lui dần phía chân trời xa…

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

(Còn nữa)

————————

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 5)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 6)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 7)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 8)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here