Chuyện kể về nhà thơ, dịch giả Dương Tường

0
12
Dịch giả Dương Tường cả đời chọn làm phu chữ.

Lưu Trọng Văn

DƯƠNG TƯỜNG

Thơ Dương Tường:

“Ở đây tất cả đều tủn mủn.

Riêng khổ đau là hoành tráng.”

Thơ Dương Tường:

“Em đi- nhớt đêm.”

Thơ Dương Tường:

“Tôi đứng về phe nước mắt.”

Một vị có vai vế cao trong thể chế này ngạc nhiên sáng nay thấy tràn ngập mạng hình ảnh một ông già hom hem cùng những lời tâm can chia buồn của giới tinh hoa đất nước.

Ông hom hem ấy là ai? 

Làm sao các quan ngài 

biết được?

Bởi đã bao giờ các quan ngài nghe được những câu thơ như trên đâu?

Có lần ở con hẻm Phan Huy Chú, ông già hom hem ấy bồn chồn đón gã để cùng lên xe đi Hải Phòng dự giỗ Bùi Ngọc Tấn. Ông bảo, tớ ra đầu ngõ đón cậu, tranh thủ xe chưa tới cậu “khuyến mãi” cho tớ hóng vài chuyện chính trường.

Lên xe, ông kêu gã ngồi cạnh: tớ thèm biết chuyện chính trường lắm. Để sống ngày nào còn hy vọng cho đất nước mình ngày đó cậu à.

Anh đi Đất nước mất đi một người đứng về phe nước mắt. Nhưng anh đi vẫn -“nhớt đêm”.

Đâu dễ để hiểu để biết “nhớt đêm” của người bán máu nuôi thơ ấy là gì?

Là gì thì là gì, kệ, nhưng chắc chắn chính cái “nhớt đêm”ấy trào ra Sự Sống, trào ra Cái Đẹp.

Sinh sôi.

——————

Dịch giả Dương Tường

Khi trí thức Dương Tường từng bán máu để sống

*****

Qua nay nhiều bạn đọc, bạn bè văn nghệ bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của cụ Dương Tường, dù cụ thọ 92 tuổi rồi.

 Mình thì nhớ mãi chuyện thời tráng niên cụ Dương Tường phải đi bán máu để sống 

 Có một thời nhiều trí thức thứ thiệt – (không phải trí thức quốc doanh) đã sống như thế

 Trích đoạn này của nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết về Dương Tường những ngày tháng bán máu mà sống ấy

Thứ 2 từ trái Dịch giả Dương Tường, nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhà văn Phạm Toàn – Châu Diên

 

…”Chuyện bán máu ấy à? Tôi là thằng bán máu đầu tiên trong số anh em mình. Không ai giới thiệu cả. Tình huống những năm 64, 65 ông biết là khó khăn thế nào rồi. 

Tôi còn nhớ giỗ ông nội tôi mà cả nhà chỉ còn tiền mua rau, không thể nào kiếm được mấy lạng thịt chui làm giỗ. Ðang bí thì gặp ông Ngô Quốc Hạnh, bạn mình. Hạnh làm giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội. Hạnh cho một cái phiếu mua vịt. Mừng quá đem về đưa Trinh. Thế là có giỗ. Ông bố mình lúc bấy giờ còn sống. Cụ cứ cám ơn Hạnh mãi. Cả năm sau vẫn thấy cụ nói: Anh Hạnh tốt thật đấy.

 Thì giỗ bố cụ, cụ không nhớ ơn sao được. Tình thế mỗi ngày một căng. Khó khăn quá. Tôi có nghe người ta nói chuyện bán máu. Nghĩ hay là cứ thử xem sao.

 Tôi vào bệnh viện Việt Ðức tìm hiểu. Ðúng vào cái hồi tôi xuống ông, gặp ông Hiên cũng đưa cả gia đình xuống, rồi chúng tôi đi nghỉ Ðồ Sơn, sau đợt ấy về là bắt đầu đấy. Tôi đội cái mũ sùm sụp để không ai nhận ra mình. 

Vào bệnh viện quan sát. Thấy cũng không có gì ghê gớm, mình làm được. Thế là hôm trước thăm dò, hôm sau vào đăng ký bán máu luôn. 

Hôm bán máu phải nhịn ăn, chỉ uống cà phê sữa thôi. Máu của tôi thuộc nhóm máu O, nhóm máu xã hội chủ nghĩa được chuộng lắm. 

Số cân của tôi chỉ được bán 150 cc thế mà đề nghị bán 200cc cũng gật đầu ngay tắp lự. Ðược tiền và được nhiều phiếu lắm. Thịt, đường, sữa, đậu. 

Ra cổng các ông bà phe xúm lại hỏi mua phiếu. Ông Lân bán phiếu chứ mình không bán. Mình cầm về đưa cho bà Trinh mà chưa biết giải thích nguồn gốc mấy cái phiếu ra sao. Sực nhớ đến Ngô Quốc Hạnh đã một lần cho phiếu mua vịt, mình bảo: “Anh Ngô quốc Hạnh cho phiếu đây này.” Lần sau cũng lại anh Ngô Quốc Hạnh cho phiếu đây này. 

Ngô Quốc Hạnh biến thành tiên, thành bụt ở nhà mình. Ông bố mình càng nhắc chuyện năm nọ không có anh Hạnh cho cái phiếu mua vịt thì nguy, mấy bố con không làm nổi cái giỗ cho cụ. 

Ðưa tiền cho bà Trinh dễ hơn đưa phiếu, cứ nói đại là tiền nhuận bút, mặc dù dạo ấy có được in gì đâu mà có nhuận bút. Về sau những lúc khó khăn quá bà ấy cứ giục mình: “Anh đến anh Hạnh xin ít phiếu đi.” 

Có lần bí quá mà còn hai tuần lễ nữa mới đến kỳ bán máu, tôi than thở với Lê Phát. Ông có nhớ Lê Phát không nhỉ. Lê Phát đài Tiếng Nói Việt Nam cùng dịch Sê-khôp với tôi. 

Lê Phát bảo: “Thằng trưởng phòng huyết học là bạn tôi. Ðể tôi viết thư cho nó.”

Tường cười. Anh vừa cười vừa thuật lại câu chuyện “đáng buồn cười” cách đây non nửa thế kỷ ấy. 

Tối hôm ấy anh cầm thư giới thiệu của Lê Phát tới nhà ông trưởng phòng huyết học. Ðọc thư tiến cử của Phát, ông trưởng phòng gật đầu xởi lởi:

– Ðược. Sáng mai anh đến. Tôi sẽ bảo chúng nó ưu tiên lấy nhiều cho anh.

Ðó là lần Tường bán được nhiều nhất: 280cc! Ðại thắng trở về đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lê Phát đã đứng chờ ở cổng, hồi hộp:

– Ðược không?

Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân. 

Phát hai vại. Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn bia khác cùng quay cả lại:

– Hôm nay tao uống máu thằng Tường!

Nhà văn Phạm Đình Trọng, Dịch giả Dương Tường, nhà văn Trần Đĩnh, nhà thơ Ý Nhi.