CHÚT SUY NGHĨ VỀ CHUYỆN “CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ”
CỦA NGUYỄN ÁNH – GIA LONG
Trong cuộc nội chiến tại miền Nam những năm 1954-1975, lịch sử đã được các nhà nghiên cứu miền Bắc vận dụng như một lợi khí về mặt tâm lý để hỗ trợ cho các nỗ lực quân sự, phong trào Tây Sơn được mệnh danh là “phong trào nông dân” và được viện dẫn như một mô hình lý tưởng, trùng hợp với các phong trào Cộng sản quốc tế trong việc lật đổ chính quyền thực dân cũng như các chính quyền “phản động” khác. Và cũng chính điều này vô hình trung đẩy thế lực đối kháng với phong trào Tây Sơn lúc bấy giờ, tiêu biểu là chúa Nguyễn Ánh-vua Gia Long, vào thành phần phản động nhất. Người ta đã viện dẫn nhiều sự kiện lịch sử để chứng minh cho sự “thối nát” của triều Nguyễn, nổi bật nhất là việc Nguyễn Ánh-Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà” và “trả thù tàn bạo” nhà Tây Sơn… Có người còn đi xa hơn, cho rằng việc Nguyễn Ánh được sự giúp sức của một nhúm sĩ quan Pháp hoạt động độc lập vào cuối thế kỷ XVIII là nguyên nhân dẫn đến việc thực dân Pháp chiếm lấy Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX, mà không hề lý gì tới cuộc tranh giành thuộc địa đang hồi gay cấn của hai đế quốc Anh và Pháp tại vùng châu Á và Viễn Đông trong một thời gian dài.
* VỀ CHUYỆN “CÕNG RẮN” CỦA CHÚA NGUYỄN ÁNH
Những năm đầu thập niên 1780, cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn mà người cuối cùng còn sống sót là Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn đã đến hồi khốc liệt. Đến năm 1783 thì thế trận nghiêng hẳn về phía Tây Sơn, chúa Nguyễn phải chạy ra những đảo xa để tránh cuộc truy sát của đối phương. Năm 1784, thế cùng lực tận, theo lời đề nghị của một tướng Xiêm (Thái Lan) trong cuộc gặp gỡ tại Long Xuyên, Nguyễn Ánh quyết định tạm thời sang Xiêm tá túc, chờ cơ hội lật ngược thế cờ. Tháng 3 âm lịch năm này, vua Xiêm “bèn ước hẹn giúp quân để mưu đồ khôi phục. Vua thứ hai nước Xiêm nhân đó nhắc đến việc năm trước giảng hòa với Nguyễn Hữu Thụy (Nguyễn Văn Thoại) đã có thề ước với nhau là gặp hoạn nạn thì cứu nhau, thì ngày nay xin phải ra sức. Bèn đưa những vật Nguyễn Hữu Thụy tặng là cờ đào và gươm ra để làm tin, rồi định ngày cử binh”
(Đại Nam Thực Lục – Tập Một – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 221)
Tháng 6 âm lịch năm ấy, Nguyễn Ánh mang quân về Gia Định, vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền theo giúp. Lực lượng quân Xiêm được đặt dưới sự chỉ huy chung của tướng Việt là Bình Tây Đại Đô đốc Châu Văn Tiếp, bắt đầu tiến đánh đạo Kiên Giang, rồi thẳng đến Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc … Tháng 10 âm lịch năm 1784, Châu Văn Tiếp tử trận trong trận đánh tại sông Mân Thít. Tháng sau, “vua thấy quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, nhân dân ta oán rất nhiều, bảo các tướng rằng:’Muốn được nước phải được lòng dân. Nay Chu (Châu) Văn Tiếp đã mất, quân Xiêm không ai chế ngự được. Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ nhân dân’” (Đại Nam Thực Lục – sđd, trang 222). Cuối năm (âm lịch) đó, quân Xiêm bị phục binh của nhà Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ đánh một trận tan tác. Tháng 4 âm lịch năm sau (1785), được tin về sự lộng hành của quân Xiêm tại Gia Định, vua Xiêm nổi giận định chém hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương là những người chỉ huy trực tiếp đạo quân này, may nhờ Nguyễn Ánh can gián nên họ thoát chết.
Qua những sự kiện lịch sử trên, ta có thể thấy rõ những lập luận cho rằng quân Xiêm xâm lược nước ta và Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà” là không đứng vững, vì các lý do sau:
– Hành động xâm lược chỉ có thực khi quân đội nước này sang tấn công một nước khác, đánh bại quân nước đó và chiếm đóng lâu dài. Trong trường hợp kể trên, quân Xiêm được triều đình nước này cử đi tăng cường cho lực lượng có sẵn của chúa Nguyễn Ánh và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Việt là Châu Văn Tiếp thì chỉ có thể nói đó là đạo quân đánh thuê hơn là đạo quân xâm lược.
Không thể coi Nguyễn Ánh là “cõng rắn” khi ông sử dụng quân Xiêm như một công cụ để tăng cường sức mạnh của quân đội do ông và các tướng Việt chỉ huy.
Việc quân Xiêm lợi dụng cơ hội để tàn hại dân lành là một tình huống bất ngờ trong chiến tranh, nằm ngoài dự kiến của cả phía Việt lẫn phía Xiêm. Tất nhiên, Nguyễn Ánh và các tướng của ông phải chịu trách nhiệm về biến động này, và như những phát biểu của ông với các tướng, điều này chỉ có tính nhất thời và vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của phía Việt. Nếu quân Xiêm được đưa sang Đại Việt nhằm mục đích xâm lược, vua Xiêm đã không nổi trận lôi đình đòi mang hai người cháu ra chém đầu về những việc làm tệ hại mà binh lính của họ đã gây ra.
– Qua việc vua Xiêm công bố về thỏa thuận của cả hai bên“đã có thề ước với nhau là gặp hoạn nạn thì cứu nhau”, có thể thấy rằng vào những thế kỷ XVIII – XIX, các nước Đông Nam Á đã có một thỏa thuận mặc nhiên là nước này gặp nguy biến có thể nhờ một nước khác mang quân sang giúp. Tất nhiên khi đã nhờ nước khác sang giúp mình thì không thể coi họ là đạo quân xâm lược. Điều này đã được nhiều lần chứng minh trong lịch sử: năm 1785, trong thời gian nương náu tại Vọng Các (Bangkok), các tướng Việt đã có dịp giúp quân Xiêm đánh tan cuộc xâm lăng của quân Miến Điện (Diến Điện, nay là Myanmar); thế kỷ XIX và các thế kỷ trước, mỗi lần nước láng giềng Chân Lạp bị lân bang Xiêm La xâm lấn, họ yêu cầu quân ta kéo sang Nam Vang để giúp đẩy lùi cuộc ngoại xâm, không có lịch sử nước nào gọi quân ta là quân xâm lược. Ngay trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, nhiều lần nước Lào tình nguyện đưa quân sang tấn công vào mặt tây bắc của Đại Việt để phân tán lực lượng của quân Tây Sơn (còn kiểm soát miền trung và miền bắc Đại Việt), giúp chúa Nguyễn Ánh rảnh tay giải quyết các chiến trường phía Nam. Chẳng có tài liệu nào ghi rằng nước Lào “xâm lược” nước ta cả.
* NHÀ TÂY SƠN CÓ “CÕNG RẮN” HAY KHÔNG?
Chúng ta cứ giả thiết như sự hiện diện của 2 vạn quân Xiêm trong đạo quân của nhà Nguyễn năm 1784 là một hình thức “cõng rắn” của Nguyễn Ánh, vậy hãy xét xem nhà Tây Sơn có “cõng rắn” theo cách thức này không?
Trước hết cần nhắc lại một số sự kiện quan trọng trong sử Việt liên quan đến mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và các nhóm quân sự người Hoa. Chỉ hai năm sau khi nổi dậy, năm 1773, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trại chủ, thu nạp quân của hai lái buôn người Hoa là Tập Đình và Lý Tài vào quân đội của mình. Quân của Tập Đình gọi là Trung Nghĩa quân, quân của Lý Tài gọi là Hòa Nghĩa quân. Nhờ hai đạo quân này mà quân Tây Sơn đánh thắng nhiều trận lớn, đẩy quân nhà Nguyễn vào thế chống đỡ, cuối cùng chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải cùng gia quyến và quần thần bỏ kinh đô Phú Xuân (Huế) chạy vào Gia Định. Tuy nhiên, đến năm 1775, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hai nhân vật người Hoa trên bắt đầu rạn nứt, Nguyễn Nhạc lập mưu giết Tập Đình, Đình biết trước, bỏ chạy về Quảng Đông, bị quan nhà Thanh bắt giết. Ít lâu sau, không chịu đựng nổi cách hành xử khắc nghiệt của Nguyễn Nhạc, Lý Tài dẫn Hòa Nghĩa quân đến đầu hàng tướng Tống Phước Hiệp của nhà Nguyễn. Năm 1782, Hòa Nghĩa quân chém được tướng Phạm Ngạn của nhà Tây Sơn tại cầu Tham Lương, Nguyễn Nhạc giận cá chém thớt, bắt giết hàng mấy ngàn người Hoa ở Gia Định, bất kể thuộc thành phần nào, thây nằm chật sông, dân chúng không dám ăn cá mấy tháng liền.
Trong những năm gần đây, các hoạt động của phong trào Tây Sơn được nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu phương Tây khảo rất kỹ, trong số này phải kể đến bà Dian H. Murray, tác giả quyển Pirates of the South China Coast, 1790-1810 (Hải tặc ở miền duyên hải Nam Trung Hoa, những năm 1790-1810), xuất bản năm 1987, và giáo sư người Mỹ George Dutton, tác giả quyển The Uprising of Tây Sơn (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) – 2006 . Hai tác giả trên đã dành những chương quan trọng nêu chi tiết cụ thể sự hợp tác mật thiết giữa nhiều nhóm hải tặc người Hoa ở biển Đông với nhà Tây Sơn, từ khi hoàng đế Quang Trung còn nắm quyền cho đến ngày cuối cùng của chính thể này. Bọn cầm đầu các nhóm hải tặc Trung Hoa được nhà Tây Sơn giao cho nhiệm vụ tuyển người bổ sung vào lực lượng của họ, đưa quân làm chốt chặn các ngả tiến quân của quân nhà Nguyễn và bước đầu đã đóng góp nhiều công sức quan trọng trong các chiến dịch đánh chiếm Phú Xuân và Thăng Long năm 1786. Một trong những nhân vật cốt lõi thuộc nhóm hải tặc Trung Hoa là Trần Thiên Bảo được nhà Tây Sơn phong chức Tổng binh, tước hầu; một người bạn của y là Lương Khuê Hiệp được phong tước Hiệp Đức hầu. Trong tác phẩm kể tên, giáo sư Dutton đã viết về sự liên kết giữa hải tặc Trung Hoa và nhà Tây Sơn như sau:
“Những người từng là cướp biển đơn thuần, không có phẩm cấp hay địa vị nay được công nhận là tướng lĩnh, quan trấn thủ, hầu tước, trong lúc có người thậm chí còn được phong vương. Một tay cầm đầu hải tặc tên Mạc Quan Phù được phong tước Đông Hải Vương, trong khi một người khác là Ô Thạch Nhị được phong Bình Ba Vương năm 1797. Giữa thập niên 1770, các nhà lãnh đạo Tây Sơn đã triển khai sức mạnh và địa vị từ những chức vụ và cương vị chính thức do chúa Trịnh ban cho, thì các hải tặc Trung Hoa cũng có được tầm cỡ từ những chức vụ mà nhà Tây Sơn ban cho chúng. Sự hợp pháp hóa này quan trọng trong mối quan hệ giữa bọn hải tặc với nhau và với chính quyền Trung Hoa, nhưng nó cũng có ích cho những nhà lãnh đạo Tây Sơn, vì nó đưa ra một sự giải thích về cách hành xử trong mối quan hệ giữa họ với những kẻ ngoài vòng pháp luật này.
Đội thủy quân của hải tặc phục vụ trong quân đội Tây Sơn khá quan trọng, một mặt với Mạc Quan Phù chỉ huy hơn một ngàn người, mặt khác với một người cầm đầu hải tặc là Trịnh Thất, chỉ huy một lực lượng hơn 200 tàu thuyền. Thủy quân với tầm cỡ đó rất hữu dụng cho nhà Tây Sơn, đảm đương nhiều chức năng cốt yếu cho triều đại Quang Trung. Trước hết, hải tặc giúp ông mở rộng sức mạnh thủy quân, bổ sung khả năng tuần tra vùng duyên hải từ biên giới với Trung Quốc đến vùng cực nam Qui Nhơn…” (sách đã dẫn, trang 222 – LN dịch)
Sau khi vua Quang Trung qua đời, hải tặc Trung Hoa tiếp tục tham gia vào những chiến dịch quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn, phục vụ cho chính quyền này cho đến những ngày cuối cùng (1802). Xét như thế để thấy rằng sự hiện diện của những lực lượng hải tặc Trung Hoa do nhà Tây Sơn kết nạp vào quân đội của họ về bản chất không khác gì lực lượng quân Xiêm được tăng cường cho quân đội của Nguyễn Ánh. Chúng ta sẽ có dịp trở lại một cách chi tiết hơn về sự “cộng sinh” giữa nhà Tây Sơn và các nhóm hải tặc Trung Hoa trong suốt mười mấy năm liền.
Tất nhiên, chúng ta không hẹp hòi kết luận rằng sự hiện diện của một lực lượng hùng hậu hải tặc Trung Hoa trong quân đội nhà Tây Sơn là một hình thức “cõng rắn” của ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ. Việc làm có ý thức của họ cũng như việc Nguyễn Ánh chấp nhận cho 2 vạn quân Xiêm chiến đấu chung hàng ngũ với quân đội của mình chỉ nhằm tăng cường tiềm lực quân sự trong cuộc nội chiến giữa hai bên. Vì vậy, trên tinh thần công bằng của lịch sử, nay đã đến lúc cần xem lại cái luận điệu một chiều cũ rích “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà” của hàng ngàn cái loa vẫn ra rả từ nhiều năm qua.
Lê Nguyễn
2.5.2018
Kỳ sau: Chuyện Nguyễn Ánh ”cõng rắn” Pháp