Chính sách của Trump với Trung Quốc – cái nhìn cập nhật

    0
    42
    Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí
    Điểm chính yếu là cuộc đối đầu từ 16 tháng qua với Trung Quốc sẽ phải đến sớm hay muộn. Thời gian và phương thức đối đầu có thể cần tranh luận, nhưng Mỹ và thế giới không có sự lựa chọn nào khác.
    Vấn đề lớn hơn là việc thiết lập một trật tự thế giới mới, trong đó Trung Quốc và thế giới còn lại có thể cùng tồn tại một cách hòa bình và hợp tác cho sự thịnh vượng chung.

    Đảng Cộng sản của Trung Quốc, ngoài việc chỉ sử dụng tuyên truyền được cho là để lừa dối người dân Trung Quốc và thế giới, đã không tạo ra được một tầm nhìn cho chuyện đó, và phần còn lại của thế giới cũng thế.

    Cách tiếp cận lần đầu nhưng cương quyết của Tổng thống Mỹ Donald Trump – như do “thiên sứ”, có thể đã làm ngày đối đầu đó đến sớm hơn, nhưng tốt hơn là làm điều đó ngay bây giờ thay vì sau này khi một Trung Quốc mạnh mẽ hơn và hiếu chiến hơn sẽ đủ sức áp đặt ý đồ của họ lên trật tự thế giới.

    Như vậy, chúng ta cũng cần xem làm thế nào để nước Mỹ hỗ trợ cuộc thương chiến không thể tránh khỏi của Trump đi đến thành công.

    Hai vấn đề nổi bật

    Bất chấp những sôi nổi thời sự của việc toàn đảng Dân chủ đang dồn tâm sức vào việc luận tội Tổng thống Trump, trong tuần đầu tháng 11/2019, hy vọng hai bên Mỹ – Trung sẽ thỏa thuận được để chấm dứt cuộc thương chiến lại thành “headlines” hay hàng tít lớn của báo chí, cũng như đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lên các đỉnh cao mới.

    Tuy nhiên hai vấn đề nổi bật trong sự kiện này là:

    Thứ nhất, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn cho thấy sự đoàn kết hiếm hoi trong việc ủng hộ lập trường của Mỹ trong cuộc thương chiến kéo dài đó; ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, khó nuôi hy vọng như lúc trước là nếu cố vận động để ông Trump thất cử năm tới, Trung Quốc hy vọng sẽ dễ thở hơn với một Tổng thống Dân chủ;

    Và mặc dù ngày 6/11/2019, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã đạt thỏa thuận “trên nguyên tắc” với các viên chức cao cấp Mỹ là sẽ “dỡ bỏ bớt các thuế suất theo từng giai đoạn” đã áp đặt lên xuất khẩu của đôi bên để mong tiến đến “Thỏa Thuận Giai đoạn Một”, để hai nguyên thủ gặp nhau và ký vào cuối tháng Mười Một.

    Nhưng ngay lập tức hôm sau, đã có tin sẽ phải hoãn sang tháng Mười Hai, vì chưa biết sẽ chọn họp ở đâu ngoài nước Mỹ, và nhất là vì các chi tiết dỡ bỏ thuế từng giai đoạn còn trong vòng “thảo thuận lại” do chiến thuật đã quen thuộc của phía Trung Quốc.

    Nói rõ hơn là Trung Quốc lại muốn Mỹ bỏ thuế quan nhanh hơn và nhiều hơn là đã thỏa thuận hôm trước.

    Như người viết bài này đã đề cập nhiều lần trước đây, cuộc thương chiến là cuộc đối đầu toàn diện giữa hai nước, không dễ gì giải quyết bây giờ chỉ bằng các dỡ bỏ thuế quan từng giai đoạn có tính cách nhỏ giọt.

    Sở dĩ hai bên cùng tạm đồng ý “Hưu chiến Giai đoạn I” trong hai tháng tới là để thoả mãn nhu cầu chính trị nội bộ trong ngắn hạn của cả hai ông nguyên thủ.

    Tổng thống Trump cần một tin tức thành công nóng hổi để cho dân chúng nước Mỹ thấy rõ là ông đang lo các chuyện “đại sự” của đất nước trong khi các thành viên đảng Dân chủ cứ “mải mê đâm sau lưng” ông, hết từ chuyện nước Nga can thiệp vào bầu cử 2016 không có chứng cớ, nay lại đến cú gọi điện thoại vụng về của ông Trump sang Ukraine “nhờ giúp điều tra vụ phạm pháp của cậu quý tử con ông Biden và can thiệp của ông bố lúc làm Phó Tổng thống Mỹ để dẹp yên chuyện này cũng đáng mang ra ánh sáng”.

    Còn Chủ tịch Tập cũng muốn kinh tế Trung Quốc đang bị khủng hoảng nặng tạm bớt áp lực của thuế quan Mỹ, và nhờ đó tạm làm lắng đọng các chống đối chính trị nội bộ.

    Vì khó giải quyết trong ngắn hạn như vậy, và cũng vì sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa kỳ trong chính sách với Trung Quốc, chúng ta cần nhìn lại nền tảng của chính sách sâu sắc này bởi Tổng thống Trump.

    Một trường hợp đặc biệt

    Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt về kinh tế và chính trị. Không có đất nước nào có 1,4 tỷ người và lại có tham vọng áp đặt sức mạnh quân sự, kinh tế và văn hóa của mình lên toàn thế giới như vậy.

    Sự kết hợp của dân số lớn nhất thế giới, chế độ toàn trị, và khát khao bành trướng chính trị và kinh tế, chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột trên toàn cầu – bằng cớ là những căng thẳng Trung Quốc đang gây ra cho các nước láng giềng ở Biển Đông.

    Lịch sử dạy rằng sức mạnh đoàn kết và thống nhất của đối phương là cách tốt nhất để thuyết phục một quốc gia nhiều cao vọng như vậy cư xử chính đáng.

    Nhiều chính quyền Hoa Kỳ khác nhau trước đây đã cố gắng chờ đợi ý định tốt của Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận này vô hiệu và chỉ làm Trung Quốc ngày càng mạnh hơn và làm cho ý đồ xâm lấn của họ tăng với thời gian.

    Trump là Tổng Thống Hoa kỳ đầu tiên dám thử một cái gì đó khác biệt và hiệu quả hơn.

    Cao vọng của Trung Quốc, muốn có vị trí ưu thế, phải được xét trong khuôn khổ rộng của hợp tác quốc tế, với một hệ thống rõ ràng gồm các khuyến khích và chế tài để đặt lại Trung Quốc trong một vị trí thích hợp.

    Chế độ toàn trị của Trung Quốc, cộng với xu hướng sẵn sàng chi phối hay mua chuộc, thêm vào sự tham lam của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, nếu không được theo dõi và kiểm soát sẽ dẫn đến sự suy giảm sức mạnh kinh tế Mỹ, tăng tỷ lệ thất nghiệp, và sự biến mất từ từ của lớp trung lưu là nền tảng cho nền dân chủ Hoa kỳ.

    Như đang thấy rõ trong thời gian gần đây, các quốc gia láng giềng nhỏ hơn như Việt Nam và Philippines sẽ phải liên tục đấu tranh để duy trì chủ quyền khi phải đương đầu với các cuộc tấn công mạnh mẽ và không ngừng của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và xã hội.

    Ngoài nỗ lực tuyên truyền được cho là để lừa dối người dân Trung Quốc và thế giới, Đảng Cộng sản của Trung Quốc không bao giờ nêu rõ tầm nhìn của mình về một Trung Quốc thịnh vượng và vai trò thích hợp trên thế giới.

    Phần còn lại thế nào?

    Trong khi đó, phần còn lại của thế giới cũng không thể xác định vai trò tương lai của Trung Quốc, lại cũng không có một chỉ dấu nào để tin rẳng nước này sẽ hành xử một cách có trách nhiệm.

    Đặc biệt, toàn thế giới không chắc chắn về các tiêu chuẩn và biện pháp để đối phó với những sai quấy của Trung Quốc.

    Từ thời cố vấn, đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Richard Nixon giúp Trung Quốc mở cửa và vùng lên như con hổ dữ sau nhiều thế kỷ bị kìm kẹp, Henry Kissinger đã sai lẩm nghiêm trọng khi tin rằng các vấn đề do Trung Quốc gây ra nên dành cho các thế hệ tương lai đối phó.

    Để gánh nặng lại cho các thế hệ tương lai là hoàn toàn vô trách nhiệm. Giới lãnh đạo hiện tại phải cố gắng để xác định một vai trò có trách nhiệm cho Trung Quốc trên thế giới, trước khi nước này đạt tới vị trí có thể áp đặt tham vọng bành trướng của họ.

    Cho đến nay đã có nhiều chỉ trích về cách hành sự của Trump, một số công bằng, nhưng đa số không công bằng. Không ký hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP (“Trans Pacific Partnership”), như Trump đã làm, là một quyết định thiếu suy nghĩ trước cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

    Làm cho chiến tranh thương mại với Trung Quốc trở thành vấn đề song phương là điều sai. Vì không theo một sách lược đa phương, Mỹ đã làm mất nhiều hỗ trợ truyền thống của liên minh Âu Tây.

    Tuy nhiên, nhiều lời chỉ trích cũng không công bằng. Thứ nhất, khi cuộc thương chiến bắt đầu, Trump đã cố gắng thương lượng thẳng thắn và nghiêm túc với Trung Quốc như các tiền nhiệm của ông; nhưng không đạt được kết quả nào.

    Người ta hay nói thông thường rằng bạn điên nếu bạn tiếp tục làm tương tự và mong đợi một kết quả khác.

    Thứ hai, dùng thuế tariffs như là một vũ khí kinh tế đi ngược với lý thuyết phát triển thương mại quốc tế và tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tốt hơn so với việc dùng hạn ngạch (quotas) hoặc không làm gì cả với Trung Quốc; đó là nguyên trạng trước khi Trump làm Tổng Thống Mỹ.

    Thứ ba, ngoài những lời chỉ trích, không có một gợi ý xây dựng nào về những chính sách khác đối phó với Trung Quốc. Nhiều người nghĩ là cứ để Mỹ đi qua TPP thì tốt hơn.

    Nhưng nguy cơ lớn là Trung Quốc sẽ phát triển đến một điểm mà TPP cũng không đủ sức chế ngự một Trung Quốc hùng mạnh và hung hăng xâm lấn, như tuyên bố của chính họ về “Giấc Mơ Trung Quốc năm 2025”.

    Điểm còn lại là cần hỗ trợ các biện pháp thương chiến của Trump để giảm thiểu tác động lên sự chậm lại của tăng trưởng Mỹ trong năm 2019 hay 2020, hay ngay cả nỗi lo một suy thoái kinh tế sẽ xảy ra sau hơn 10 năm tăng trưởng kéo dài.

    Chính sách của Fed, Cục dự trữ Liên bang hay Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, sau khi được nhận là sai lầm trong việc tăng lãi suất thêm lần cuối trong tháng 12/2018, đã không thể tách rời khung cảnh của nền kinh tế chính trị (“political economy setting”) và tự bảo vệ để giữ khoảng cách của nó với cuộc chiến tranh thương mại – như vấn đề của riêng ông Trump.

    May mắn tỉnh ngộ ra

    May mắn là Fed đã tỉnh ra kịp thời, dù hơi trễ, với ba đợt giảm lãi suất vừa qua.

    Fed đã nhận ra là các rủi ro kinh tế và sự bất trắc có thể xảy ra do cuộc thương chiến kéo dài cũng nằm trong trách nhiệm của một Ngân hàng Trung ương.

    Hơn nữa, vẫn cần thêm các hành động chung của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lúc này cho một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, để giúp giảm bớt nguy cơ suy thoái kinh tế có thể xuất hiện.

    Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Trump đã gây rất nhiều chống đối trong giới truyền thông “dòng chính” và giới này đã tạo nhiều thiên kiến “chống Trump”.

    Trump thường tuyên bố không rõ ràng, và giới truyền thông lại diễn dịch nhiều điều ông nói khiến chúng thành ra tệ hại hơn, làm lạc đi xu hướng phán đoán công bình của người dân.

    Trong cuộc tấn công lớn này—kể cả kích động gây cảm xúc của các phương tiện truyền thông nhắm vào Trump, không ai nhắm mắt để tĩnh tâm, suy nghĩ thông suốt những gì ông đã và đang làm, và có thể hỗ trợ ông đưa ra ánh sáng công luận vấn đề nghiêm trọng nhất trong chính trị quốc tế lúc này: một vai trò thích hợp cho Trung Quốc trong trật tự thế giới mới.

    Qua các chính sách đối đầu của Trump, ta biết được rõ hơn về các suy tính lâu dài của Trung Quốc, cao vọng bành trướng của họ, và nhận ra rằng tầm nhìn của họ không phù hợp với cách thế giới muốn nhìn thấy Trung Quốc.

    Cái nhìn cập nhật từ Washington D.C. là lưỡng đảng Hoa kỳ đã nhận ra trách nhiệm chống lại Trung Quốc và đang yêu cầu toàn thế giới hỗ trợ việc này./.

    Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí

    (BBC)

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here