Cách duy trì quan hệ với những đồng nghiệp vừa tốt vừa xấu tính

    0
    49
    Getty Images
       

    BBC Tiếng Việt

    28 tháng 3 2022, 21:57 +07

    Trong số các đồng nghiệp làm việc bên cạnh ta, rất dễ để nhận ra có hai nhóm người: bạn thật sự, những người khiến cho ngày làm việc vất vả của bạn trở nên tươi sáng hơn một chút; và kẻ thù không đội trời chung, những người quyết làm mọi cách để khiến cuộc đời bạn bỗng trở nên khó khăn chẳng vì lý do gì.

    Thế còn những người ở giữa hai thái cực này thì sao?

    Những đồng nghiệp này có thể ngoài mặt thì thông cảm với khó khăn của bạn, nhưng sau đó lại đi buôn chuyện về bạn. Hoặc họ sẵn sàng bảo vệ bạn khỏi các chỉ trích, nhưng sau đó lại nhận hết công lao về mình trong dự án làm chung, hoàn toàn lờ đi những đóng góp của bạn không chút băn khoăn. Họ giúp đỡ bạn bao nhiêu thì họ cũng làm tổn thương bạn bấy nhiêu; họ vừa là bạn, vừa là thù, hay đó còn được gọi là “mối quan hệ yêu ghét lẫn lộn”.

    Trong quá khứ, các nhà tâm lý học về môi trường làm việc có xu hướng chia mối quan hệ đồng nghiệp thành hai thái cực trắng đen rõ ràng mà bỏ qua rất nhiều vùng xám.

    Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây nhất chỉ ra loại bạn hai mặt có phần còn quan trọng hơn cả bạn tốt lẫn bạn xấu và có tác động đặc biệt lên sức khỏe, tinh thần và hành vi của chúng ta ở nơi làm việc.

    Thông qua việc hiểu về sự phức tạp của tình bạn kiểu này, ta có thể học cách đối phó với môi trường công sở đầy mánh khóe một cách khôn ngoan hơn – đồng thời giảm bớt căng thẳng mà nó đem lại.

    Tốt, ác và xấu xí

    Có một người bạn đúng nghĩa luôn là nguồn năng lượng lành mạnh đối với sức khỏe và hạnh phúc của mỗi người, điều này là hiển nhiên không cần bàn cãi.

    Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học chỉ ra các mối gắn kết xã hội giúp ta tăng cường sự tự tin và hỗ trợ ta vượt qua căng thẳng một cách nhanh chóng. Mối quan hệ xã hội không chỉ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tâm lý mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong.

    Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi một mối quan hệ tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng hoàn toàn đối lập: nghiên cứu chỉ ra việc bị bạo hành tinh thần bởi đồng nghiệp hoặc thành viên trong gia đình có tác động cực xấu đến sức khỏe con người.

    Chỉ trong khoảng thời gian độ mười năm trở lại đây, các nhà khoa học mới bắt đầu tập trung vào đối tượng ở giữa hai thái cực – kiểu quan hệ vừa đáng yêu vừa đáng ghét với cả mặt tốt lẫn xấu – và tác động của nó lên cuộc sống chúng ta.

    Để làm được điều này, họ đã soạn bảng câu hỏi đơn giản trong đó người tham gia nghiên cứu đánh giá việc bạn bè của mình có ích hoặc gây cản trở ở mức độ nào dựa trên thang điểm từ 1 (hoàn toàn tiêu cực) đến 6 (hoàn toàn tích cực).

    Dựa vào trả lời cho từng câu hỏi, các nhà nghiên cứu có thể nhận định mối quan hệ đó thuộc kiểu tương hỗ, cản trở hay nửa nạc nửa mỡ.

    Theo Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại đại học Brigham Young University tại Mỹ, một người bạn sẵn lòng giúp đỡ thường nhận được ít nhất 2 điểm trên thang điểm đánh giá tích cực và chỉ 1 điểm trên thang điểm đánh giá tiêu cực, trong khi một người bạn chuyên gây khó khăn nhận điểm số theo chiều ngược lại. Riêng mối quan hệ nửa nạc nửa mỡ – lúc là bạn lúc là thù – thường nhận ít nhất 2 điểm cho mỗi loại đánh giá.

    Bằng cách sử dụng cách phân loại này, các nhà nghiên cứu như Holt-Lunstad có thể xác định cách chúng ta phản ứng ra sao với kiểu bạn bè lúc tốt lúc xấu, so với các mối quan hệ khác.

    Bạn có thể nghĩ một cách đơn giản rằng tác động của tình bạn kiểu lập lờ này nằm đâu đó giữa mối quan hệ giúp đỡ và mối quan hệ thù địch: cái tốt và cái xấu đơn giản là triệt tiêu lẫn nhau, do đó tác động của nó sẽ là trung lập.

    Nhưng trường hợp này không như vậy. Trong rất nhiều thử nghiệm khác nhau xuyên suốt 10 năm qua, Holt-Lunstad đã chỉ ra sự tương tác với người bạn nước đôi có thể làm gia tăng căng thẳng – so với các mối quan hệ tương hỗ và mối quan hệ thù địch. Và về lâu dài, điều này có thể khiến sức khỏe tim mạch xấu đi.

    Vấn đề nằm ở những lối cư xử khó lường của những người bạn kiểu này.

    Chúng ta có thể mong muốn được họ chấp nhận hoặc giúp đỡ, nhưng chúng ta cũng biết điều này có thể sẽ không bao giờ xảy ra – việc này giống như bị mắc vào mạng nhện vậy, rất khó gỡ.

    Và nếu họ hồi đáp mong muốn của ta theo cách tiêu cực, cách hành xử có chút tệ bạc của họ – hoặc sự hờ hững của họ – sẽ khiến ta tổn thương nhiều hơn cách hành xử tồi của những người mà ta vốn không ưa.

    Holt-Lunstad ước tính một người bình thường có số lượng bạn nước đôi tương đương số lượng bạn bè bình thường.

    Tuy nhiên, bất chấp kết quả nghiên cứu, nhiều nhà xã hội học và tâm lý học tiếp tục phớt lờ kiểu bạn bè nửa nạc nửa mỡ này.

    “Mặc dù chất lượng mối quan hệ ngày càng được quan tâm nhiều hơn, vẫn còn quan điểm rằng vấn đề cốt lõi chỉ gói gọn trong việc phân loại mối quan hệ đó là tiêu cực hay tích cực,” Holt-Lunstad, người gần đây xuất bản bài báo tổng hợp các kết quả nghiên cứu do bà thực hiện, nói. “Các mối quan hệ tốt xấu lẫn lộn có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và hạnh phúc là điều vẫn bị coi nhẹ.”

    Bạn lúc tốt lúc xấu ở nơi làm việc

    Nếu kiểu bạn nước đôi nói chung vẫn chưa được nghiên cứu nhiều thì vai trò của nó trong kỹ năng ứng xử nơi làm việc còn ít được quan tâm hơn.

    Đây là một điều đáng hổ thẹn, vì có không ít môi trường làm việc đặc biệt phù hợp với việc phát sinh và duy trì những mối quan hệ nửa nạc nửa mỡ này.

    “Môi trường làm việc ở cơ quan thường buộc chúng ta phải tương tác với những người mà nếu được lựa chọn, ta sẽ không đời nào giao lưu với họ,” Shimul Melwani, phó giáo sư nghiên cứu về hành vi nơi làm việc tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, Mỹ cho biết.

    _123092051_e2dcf447-cc1d-48d1-87f9-859d93a92423.jpg.webp

    Getty Images

    Theo các chuyên gia, mối quan hệ với những người bạn tốt xấu lẫn lộn có thể gây căng thẳng nhiều hơn so với một mối quan hệ thù ghét rõ ràng

    Trong một số trường hợp, chính sự cạnh tranh trong công việc ngấm ngầm nhen nhóm sự tiêu cực vào các mối quan hệ nơi làm việc.

    Ví dụ như bạn có thể thấy đồng nghiệp của mình rất dễ mến và bạn có thể vui vẻ đi uống vài ly với họ ngoài giờ làm. Nhưng bạn sẽ cảm thấy như bị phản bội khi họ cũng đang nhắm tới đúng vị trí mà bạn đang mong muốn.

    “Thường thì mọi người mong tiến lên trong sự nghiệp nhưng vẫn muốn giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp,” Naomi Rothman, phó giáo sư về quản trị kinh doanh tại Đại học Lehigh ở Bethlehem, bang Pensylvania, Mỹ chia sẻ.

    Melwani và Rothman gần đây cộng tác cùng nhau trong một loạt các nghiên cứu về mối quan hệ dạng này, kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2021.

    Trong một thử nghiệm, đầu tiên họ yêu cầu những người tham gia thực hiện “Quy trình kết bạn cấp tốc”. Người tham gia sẽ trả lời các câu hỏi mang tính cá nhân từ người lạ, ví dụ như liệt kê các thành tích đáng tự hào nhất.

    Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra quy trình này có thể nhanh chóng đem đến cảm giác về một mối liên kết cảm xúc. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, Melwani và Rothman bắt đầu thêm các tình tiết phức hợp vào thử nghiệm.

    Trong khi một phần ba người tham gia có thể tiếp tục tương tác theo chiều hướng tích cực – họ nói về những điều họ thích ở đối phương – thì một phần ba tiếp theo lại nói về những gì họ không thích về người kia, kèm theo giọng điệu tiêu cực rõ ràng. Phần còn lại được giao nhiệm vụ chung chung hơn – đó là đánh giá thành tựu của người khác và so sánh với bản thân – điều này tạo ra cạnh tranh.

    Sau khi hoàn thành những cuộc trò chuyện đầu tiên, người tham gia được yêu cầu viết tự sự về cơ quan của mình, bài sau đó sẽ được thành viên khác trong nhóm chỉnh sửa. Các thành viên này sau đó có cơ hội viết nhận xét về người kia – bài nhận xét được gửi trực tiếp đến đối tượng của bài viết và đồng thời được gửi riêng đến các nhà nghiên cứu.

    Đúng như dự đoán, những cuộc trò chuyện đầu tiên giúp định hình bản chất của một mối quan hệ được tạo dựng một cách chóng vánh này.

    Các câu hỏi mang tính khuyến khích cuộc trò chuyện đi theo hướng tích cực hay tiêu cực giúp hình thành các mối quan hệ tốt đẹp hay bất lợi, trong khi việc tương tác mang tính cạnh tranh kích hoạt cảm giác tốt xấu lẫn lộn giữa hai bên.

    Và điều này quay ngược lại điều chỉnh hành vi của người tham gia theo những cách khá thú vị.

    Những người bạn nửa tốt nửa xấu dành nhiều công sức sửa bài của đối phương hơn nhóm “xấu” và cả nhóm “tốt”. “Họ thực sự dốc sức làm nhiều hơn những gì được yêu cầu,” Melwani nói. Vậy mà họ vẫn sẵn lòng chuyển những lời nhận xét không hay về đối phương đến nhóm nghiên cứu – về cơ bản là họ muốn hủy hoại uy tín của đối phương trong mắt các nhà khoa học.

    Rất dễ để nhận ra tại sao nhóm ‘xấu’ không dành công sức chỉnh sửa bài viết của đối phương – họ đơn giản là không quan tâm – trong khi nhóm nửa tốt nửa xấu đã hình thành một dạng cảm xúc hoặc thiện chí.

    Tuy nhiên, việc nhóm nửa tốt nửa xấu còn dành nhiều công sức hơn cả nhóm ‘tốt’ là điều rất đáng ngạc nhiên. Chẳng phải những người bạn tốt mới nên là những người hợp tác nhất sao?

    Melwani ngờ rằng sự cố gắng vượt mức yêu cầu này có thể giúp những người bạn nước đôi giải tỏa sự căng thẳng tiềm tàng trong những mối quan hệ lập lờ như vậy – ước muốn được duy trì sự hữu hảo mặc dù sự khó chịu và phiền lòng hiện rõ. “Họ không muốn mối quan hệ này trở nên hoàn toàn tiêu cực,” bà nói, và do đó họ cố gắng bù đắp cho cảm xúc không tốt của mình bằng cách nỗ lực hơn mức cần thiết để cải thiện chất lượng bài viết của đối phương.

    Trong nghiên cứu tiếp theo, Melwani và Rothman hỏi chuyện một số nhân viên ngành bán lẻ ở Mỹ về đồng nghiệp của họ.

    Bà nhận thấy sự tồn tại của những mối quan hệ lập lờ phụ thuộc vào mong muốn của mỗi người đối với việc kết thân với người khác. Khi càng muốn thiết lập một mối quan hệ với người bạn lúc tử tế lúc đâm chọc mình, họ càng nỗ lực nhiều hơn trong cả việc giúp đỡ lẫn cản trở đối phương trong công việc.

    Nói cách khác, chủ đích tích cực ở đây là mọi khía cạnh của mối quan hệ, gồm những điểm tốt và những điểm xấu, đều trở nên mạnh mẽ hơn. “Nó khiến cho sự nửa tốt nửa xấu của mối quan hệ bộc lộ rõ hơn,” Melwani giải thích.

    Giảm thiểu mặt tiêu cực

    Các nhà quản lý nên để ý đến các kết quả này, Melwani nói.

    Ví dụ sếp có thể tìm kiếm các biện pháp nhằm làm giảm cảm giác phải cạnh tranh giữa các nhân viên, điều có thể giúp loại bỏ một trong các nguyên nhân dẫn đến tính chất tốt-xấu lẫn lộn trong mối quan hệ, và đảm bảo rằng các đồng nghiệp hỗ trợ nhau nhiều hơn.

    Đối với các cá nhân, Melwani hy vọng rằng việc nhận thức về những động lực này có thể giúp ta kiểm soát tốt các đồng nghiệp khó ưa.

    Chúng ta thường chóng quên, bà nói, cho nên cảm xúc bực bội mà ta dành cho những người bạn lúc tốt lúc xấu có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những hành động mới nhất của họ, mà không nhận ra rằng sự lập lờ mang tính lâu dài mới là một trong những yếu tố cốt lõi của mối quan hệ kiểu này.

    Một khi ta nhận ra được điều này, ta có thể đánh giá liệu lợi ích đem lại có thể bù đắp cho rủi ro gặp trở ngại hay không, và liệu có phải ta đang tỏ ra quá phụ thuộc vào sự tôn trọng và quý mến của họ dành cho ta hay không.

    Chúng ta nên nhớ rằng nghiên cứu của Melwani chỉ ra rằng mong muốn được đối xử thân thiết sẽ khuếch đại cảm xúc cả tốt lẫn xấu. Và do đó, nếu bạn đang bắt đầu cảm thấy quá căng thẳng trong một mối quan hệ, bạn nên thực tế hơn về kỳ vọng của mình dành cho những người bạn nước đôi mà không nhất thiết phải loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của mình.

    Đôi khi ta phải chấp nhận rằng dù không bao giờ có thể trở thành bạn thân, họ vẫn đáng để ta giữ kết nối – với khoảng cách nhất định.

    Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here