Phạm Thanh Nghiên đã thêm một ảnh mới — với Phạm Kim Oanh
Ông nội tôi sinh tháng 2 năm 1912, mất ngày 22/12/1993. Sở dĩ tôi nhớ rõ như thế vì cả ngày tháng năm sinh, năm mất của ông đều gắn liền với số 2. Tôi không biết ông cụ từng trải qua những nghề nghiệp gì, chỉ biết trước khi về hưu, ông đi tàu viễn dương, thuộc Công ty Vận tải Biển III. Cả bố và chú Ngọc tôi sau này đều theo nghiệp của ông.
Ông nội tôi dáng người dong dỏng, gương mặt đẹp và phúc hậu, đôi mắt sáng quắc. Ông giỏi võ, nói được tiếng Hoa và thông thạo tiếng Pháp. Trước khi lấy bà nội tôi, ông đã có một đời vợ nhưng hai người bỏ nhau vì không có con.
Bố tôi là con trưởng trong gia đình có 3 anh chị em. Thực ra, ngoài cô Nhung và chú Ngọc, bố tôi còn 3 người em trai khác là Quỳnh, Lâm và Hùng. Nhưng cả ba người chú của tôi đều qua đời khi còn bé xíu, theo cách gọi dân dã (và đau đớn) là “chết non”. Bố tôi chỉ nhớ mang máng, chú Quỳnh mất khi mới được hơn một tuổi. Rồi bà nội tôi sinh chú Lâm, được mấy tháng sau chú mất. Chú Hùng chào đời được vài tháng, bà tôi qua đời. Năm ấy, bố tôi mới khoảng 15,16 tuổi.
Ông nội tôi lấy bà hai (không tính bà đầu không có con), tên là Phùng Thị Nhắc. Bà Nhắc với bà nội tôi là bạn thân, nhận nhau làm chị em kết nghĩa. “Bà ác lắm”, bố mẹ tôi bảo thế. Họ hàng, người làng xóm cũng nói thế. Từ ngày ông tôi lấy bà Nhắc, anh em họ hàng ít qua lại nhà ông tôi dù ông là trưởng tộc. Trừ khi cúng giỗ hoặc chạp tổ, mọi người mới tề tựu đông đủ.
Ông nội và bà Nhắc không có con chung. Nhưng từ khi lấy nhau, ông nội tôi chỉ lo cho các con riêng, sau này lại lo cho đời các cháu ngoại của bà. Người con ruột duy nhất mà ông nội tôi còn thương là chú Ngọc. Ông không thương cô Nhung và ghét bố tôi. Bà nhắc về làm vợ ông nội tôi một thời gian ngắn thì chú Hùng qua đời. Sau này, mấy bà thím họ kể với tôi rằng vì bà bỏ bê, không chăm sóc nên chú Hùng mới chết yểu.
Bố tôi hận ông nội, hận mẹ kế từ ấy. Hận cho đến lúc chết.
Tiếc rằng khi bố tôi còn sống, tôi không hỏi cặn kẽ về cuộc đời ông, về bi kịch một thời mà hệ luỵ của nó ít nhiều còn ảnh hưởng đến đời anh em tôi về sau . Sợ bố tôi buồn. Với lại, tôi chẳng thể hình dung nổi sau này tôi lại bày ra cái trò viết lách cơ chứ. Không hỏi nên tôi không biết bà nội tôi mất ở đâu, Nam Định hay Hải Phòng. Vì có bận bố tôi tâm sự rằng, cả đời bố chỉ duy nhất một lần rơi nước mắt vì thương ông nội. Đó là lúc ông gửi lại cô Nhung và chú Hùng ở nhà cho người quen, dắt theo bố và chú Ngọc đi Nam Định tìm mộ, đưa hài cốt bà về. Mùa đông năm ấy lạnh căm căm. Lang thang ở Nam Định suốt mấy ngày, trong túi chỉ còn vài đồng bạc lẻ. Đến một bến sông, thấy nhiều người đang tụ tập, bàn tán. Thì ra có một người chết đuối, không ai dám nhảy xuống vớt xác lên. Phần vì sợ, phần vì quá lạnh. Ông tôi đặt hũ cốt của bà nội trên bờ cho chú và bố tôi ôm. Còn ông thì cởi áo, để mình trần nhảy xuống tìm xác chết. Tiền công vớt xác chết lên bờ vừa đủ tiền tàu xe để ba bố con về lại Hải Phòng.
Tuổi thơ của bố tôi buồn, buồn lắm. Có thời gian ông bỏ đi, tự kiếm ăn nuôi thân. Lớn lên, ông không đi bộ đội như nhiều thanh niên cùng trang lứa. Tuy ghét con trai nhưng ông nội vẫn xin cho bố tôi xuống tàu, đi làm ở Công ty Vận tải Biển. Mẹ tôi lấy bố tôi không phải vì yêu. Một người quen mai mối, mẹ tôi gật đầu vì nghĩ: “Thôi, người ta mồ côi giống mình, lấy về dễ thông cảm cho nhau”.
Ông nội tôi lo cho bà Nhắc và các con gái, các cháu ngoại của bà một cuộc sống sung túc. Cả bố và ông tôi đều đi tàu nhưng bố tôi chủ yếu đi các vùng biển trong nước, ít được ra nước ngoài. Hơn nữa, ngoài tiền lương ít ỏi, ông không còn khoản thu nhập nào khác. Ngược lại, ông nội tôi được đi nhiều nơi, ông lại giỏi xoay sở, làm ăn buôn bán nên có nhiều tiền. Hồi ấy, những người đi tàu gọi ông nội tôi là người “thức thời”.
Tuổi thơ của các anh chị tôi phải chứng kiến không biết bao nhiêu lần cảnh ông nội âu yếm, nựng nịu các cháu riêng của bà và nhìn các cháu ruột của mình với sự ghẻ lạnh, khinh khỉnh. Mỗi lần ông đi tàu về, đều mua cho chúng đủ thứ đồ chơi, quần áo đẹp. Các anh chị tôi hoặc nhịn đói, hoặc thiếu ăn trong khi các cháu của bà Nhắc gặm những miếng thịt thơm phức, những con tôm hùm to tướng ông tôi mang về. Nhiều khi chúng ngán quá, không ăn nổi, đem vứt đi. Mỗi lần như thế, anh Sơn lại dắt chị Yến và chị Oanh sang hàng xóm chơi. Tránh đi để đỡ thèm, và giữ sĩ diện. Hàng xóm toàn là bà con họ hàng nên thương mẹ và các anh chị tôi lắm. Nhưng họ cũng nghèo. Thời ấy, chắc chỉ mình ông nội tôi khá giả. Tiếc rằng, cả gia đình nhỏ của chúng tôi, của cô ruột tôi đều không được hưởng sự khá giả và tình yêu của ông.
Chiến tranh loạn lạc, và cả sự hắt hủi của ba má chồng, khiến mẹ tôi phải tha lũ con đi kiếm sống, ở nhờ hết người quen này đến người quen khác. Thời ấy, hiếm có gia đình miền Bắc nào gọi bố mẹ bằng “ba-má” như nhà ông nội tôi. Cách xưng hô ấy thể hiện phần nào sự gia trưởng, và cả phong cách “Tây hoá” của ông nội.
Hồi đó, bà con họ hàng, làng xóm nhiều người ấm ức thay cho mẹ tôi. Mẹ tôi quyết đoán. Người quyết đoán thì không hiền. Cái chính là mẹ tôi nhịn nhục vì không muốn mang tiếng dâu con cãi lại má chồng. Nhiều lần bà Nhắc gây sự, hoặc đem cô Nhung ra chửi vô cớ để mong mẹ tôi cãi, mẹ tôi vẫn nhịn. Mẹ tôi không muốn các con mình học thói vô lễ, hoặc chửi nhau.
Bố tôi hận ông nội. Anh trai lớn tôi cũng hận ông nội. Nhưng chỉ hồi ấy thôi, sau này trưởng thành, lòng cũng nguôi ngoai. Bà Nhắc có một cháu trai sinh năm 1962, tên là Định, bằng tuổi anh Sơn. Một lần, ông tôi về nhà sau chuyến công tác nước ngoài dài ngày. Vừa thấy bóng dáng ông ngoài ngõ, cả anh Định lẫn anh Sơn đều chạy ra đón. Anh Sơn tôi chạy ra trước. Nhưng ông đã kịp gạt anh ra và dang tay ôm anh Định vào lòng. Anh tôi nhìn ông, hai hàng nước mắt chảy ra vì tủi thân. Ông tôi bế anh Định lên, hôn hít, nựng nịu: “Ông nhớ cháu ông quá. Cháu ông sau này sẽ làm quan to”. Rồi ông lấy ngón tay trỏ, dí vào trán anh Sơn, đay nghiến: “Còn mày, sau này chỉ làm thằng cu li thôi cháu ạ!” Mẹ tôi đang rửa rau ở sân giếng, chứng kiến hết. Tim mẹ tôi quặn lại, đau đến cuối đời.
Sau này trưởng thành, anh Định chưa kịp làm ”quan to” thì đã thành kẻ nghiện ngập, cuộc đời coi như bỏ.
Năm 1977, bố tôi về hưu mất sức. Ông được phân cho căn nhà ở khu tập thể Thái Phiên theo tiêu chuẩn công nhân viên chức. Đấy là căn nhà riêng đầu tiên bố mẹ tôi có được kể từ khi lấy nhau năm 1962. Tôi chào đời ở căn nhà tập thể ấy.
Ông nội về hưu trước bố tôi khoảng 7,8 năm. Các con cháu của cả ông lẫn bà đều ra ở riêng. Nhà tôi và nhà cô Nhung đều nghèo. Ngược lại, các con cháu bà đều làm ăn phát đạt, giàu có. Họ may mắn vì được ông tôi lo lắng cho từ khi còn tấm bé. Căn nhà chỉ còn mỗi hai cụ già ở với nhau. Dù đã ở tuổi 80, ông tôi vẫn yêu bà Nhắc bằng thứ tình cảm hiếm thấy. Nhưng ông không chỉ yêu mình bà, ông yêu các con cháu ruột của ông. Thứ tình yêu muộn mằn và không dễ biểu tỏ sau bao năm bỏ bê, xa cách. Bố tôi thương ông, nhưng mối hận lớn hơn tình thương ấy.
Suốt tuổi thơ, tôi chỉ gặp ông nội khoảng dăm sáu lần, vào những ngày giỗ bà. Bố mẹ tôi có 7 người con, nhưng ông nội chỉ nhớ tên ba đứa cháu lớn là anh Sơn, chị Yến và chị Oanh vì từng có thời kỳ ở chung với ông bà. Lũ còn lại, ông không biết chúng là ai.
Ông tôi mất năm 1993, thọ 81 tuổi. Họ hàng, làng xóm đồn rằng ông tôi chôn vàng dưới móng nhà, hoặc dưới chân giường vì thời còn đi tàu, ông giàu lắm. Nhưng không phải thế. Tiền thuốc men lúc cuối đời cho ông tuy không tốn nhiều, đều do bố mẹ tôi lo. Trước khi chết, ông viết di chúc, để lại hết đất đai, nhà cửa cho ba người con ruột. Bố tôi là con lớn, lại là trưởng tộc nên được phần nhiều hơn cô Nhung và chú Ngọc vì còn lo chuyện giỗ chạp. Ông không chia tài sản cho các con cháu riêng của bà, chuyện này cũng đem lại chút phiền toái cho nhà tôi, nhưng cũng qua.
Năm ấy bố mẹ tôi quyết định bán căn nhà tập thể để chuyển về, tiện cho việc chăm sóc bà. Lúc còn sống, ông tôi chiều bà quá, cái gì cũng làm hết cho bà nên bà sinh lười biếng, không chịu đi lại. Thậm chí nấu cơm xong, ông tôi còn bưng vào tận giường cho bà ăn. Lâu ngày không vận động, bà như người bị liệt.
Có lần bà thủ thỉ với chị Oanh: “Bà không ngờ cuối đời bà lại ở với bố con mày. Lũ con cháu của bà khá giả nhưng bất hiếu, ốm đau không thấy mặt đứa nào. Ngày xưa bà không phải với bố mẹ mày, với chúng mày. Giờ ân hận cũng quá muộn rồi. Tha thứ cho bà nhé”. Nói xong bà khóc ồ ồ như trẻ con. Mẹ tôi tưởng chị Oanh nói gì khiến bà buồn, chạy vào định mắng trách.
Sáu tháng sau khi ông nội tôi qua đời, bà Nhắc cũng đi theo, thọ 83 tuổi.
Tôi nói với đứa em họ cạnh nhà: “Tao thề sẽ không rơi một giọt nước mắt cho bà ấy”. Thế nhưng khi cho xác bà vào quan tài, dù đã cố nhịn nhưng tôi vẫn khóc lên thành tiếng. Thì ngoài bà Nhắc, tôi có biết bà nội, bà ngoại mình là ai. Họ qua đời từ khi bố mẹ tôi còn quá nhỏ. Nên bà Nhắc là bà nội tôi.
Chuyện quá khứ, chuyện gia đình còn dài và buồn lắm. Kể để quên. Chỉ thương bố tôi, cuộc đời ông gắn bó với không chỉ những nỗi buồn dai dẳng, còn là nỗi hận triền miên nữa. Như đã từng viết trong bài “Chút tâm sự nhân ngày giỗ bố”, tôi có đề cập đến chuyện bố tôi từng sùng bái ông Hồ và đảng cộng sản để rồi khi nhận ra sự thật, ông phải vác theo nỗi buồn thế sự sang thế giới bên kia. Nhưng với ông nội, bố tôi vừa yêu vừa hận. Mối hận cuối đời vẫn không gột bỏ được.
Giá như được nói gì với bố lúc này, tôi sẽ năn nỉ: “Bố ơi, bố đừng hận ông nội nữa” .